An ninh văn hóa tư tưởng là gì

Lịch sử xã hội loài người cho thấy, văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nhờ có văn hóa, mỗi quốc gia, cộng đồng xã hội, trong sự phát triển của mình, giữ được bản sắc, định hướng phát triển, tránh sự "hòa tan" vào các quốc gia dân tộc khác.

Trong những năm gần đây, toàn cầu hóa, sự phát triển của công nghệ thông tin cùng nhiều nhân tố khác, đã tác động tới sự phát triển văn hóa của mỗi quốc gia, cộng đồng xã hội. Một mặt, các quá trình này tạo ra những nhân tố tích cực, làm gia tăng sự phát triển ổn định và bền vững về văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Mặt khác, chúng cũng làm nảy sinh những vấn đề văn hóa trong các cộng đồng quốc gia, dân tộc đó. Đó là sự xói mòn bản sắc dân tộc, chệch hướng phát triển của quốc gia,.. Tất cả những điều này gây tác động trở lại đối với sự phát triển văn hóa nói riêng, các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nói chung, như kinh tế, chính trị,… Nhiều nước trên thế giới, do ảnh hưởng xấu của lĩnh vực văn hóa mà có sự phát triển thiếu bền vững, làm cho tính cố kết cộng đồng giảm sút và trong chừng mực nào đó, làm nảy sinh những mâu thuẫn, xung đột trong cộng đồng.

Vì lẽ đó, an ninh văn hóa, với tư cách một lĩnh vực của an ninh quốc gia, đã nhận được nhiều sự quan tâm chú ý của quốc gia, dân tộc. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, an ninh văn hóa cũng ngày càng được quan tâm, chú ý. Qua đó, nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng luôn được các tầng lớp nhân dân trân trọng, noi theo. Lối sống tốt đẹp của dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa, phát huy; nhiều di sản văn hóa được bảo tồn; tinh hóa văn hóa nhân loại được đón nhận,… Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam còn có những hạn chế nhất định trong đảm bảo an ninh văn hóa. Đó tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức;…việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chưa đạt yêu cầu. Nhiều biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội. Nhiều sản phẩm văn hoá, nghệ thuật chất lượng thấp… Tất cả những điều này gây nguy cơ "chệch hướng", "tự chuyển hướng" trong quá trình xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trước thực tế đó, năm 2021, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo mang tên “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh văn hóa ở Việt Nam hiện nay” do PGS.TS. Cao Thu Hằng làm chủ biên. Dưới góc nhìn triết học, văn hóa học, nhóm tác giả mang đến cho độc giả cái nhìn bao quát về thực trạng an ninh văn hóa ở Việt Nam, từ đó đưa ra những quan điểm và đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo an ninh văn hóa ở Việt Nam hiện nay.

Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách được kết cấu thành 3 chương:

Chương 1. Một số vấn đề lý luận về an ninh văn hóa ở Việt Nam hiện nay

Trong chương này, các tác giả làm rõ một số khái niệm liên quan đến an ninh văn hóa và phân tích một số nội dung cơ bản của an ninh văn hóa. Theo các tác tác giả, an ninh văn hóa chính là trạng thái vận động ổn định của hệ thống văn hóa quốc gia, mà trong đó, nền văn hóa quốc gia không bị đe dọa, có khả năng bảo vệ và phát triển. Nó bao gồm nhiều lĩnh vực rộng lớn. Tuy nhiên, trong công trình này, nhóm tác giả chủ yếu nghiên cứu an ninh văn hóa trong tư tưởng, an ninh văn hóa trong đạo đức, lối sống và trong lĩnh vực nghệ thuật. Nghiên cứu nhấn mạnh, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh của sự phát triển và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, văn hóa chỉ có thể phát huy được vai trò, chức năng đó, nếu như nó được chủ động xây dựng để vận động và phát triển một cách ổn định hướng đến mục tiêu chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Muốn vậy, văn hóa phải được đảm bảo an ninh, bởi lẽ, an ninh văn hóa là điều kiện để xây dựng văn hóa và phát huy vai trò của văn hóa. Với nghĩa đó, an ninh văn hóa có vai trò không thể thay thế đối với sự phát triển hiện nay. Bởi vậy, nhóm tác giả đã nêu lên 4 vai trò quan trọng của an ninh văn hóa đối với sự phát triển ở Việt Nam: [i] đảm bảo giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển đất nước; [ii] an ninh văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế; [iii] góp phần phát triển bền vững về mặt xã hội; [iv] góp phần xây dựng con người đáp ứng yêu cầu của phát triển.

Chương 2. Thực trạng an ninh văn hóa ở Việt Nam hiện nay

Trong chương này, các tác giả tập trung phân tích những điểm tích cực và hạn chế trong an ninh văn hóa ở Việt Nam hiện nay và chỉ ra những nguyên nhân của chúng. Ở khía cạnh tích cực, các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong các lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn học, nghệ thuật, người dân Việt Nam hôm nay đã có sự quan tâm, chú ý tới các vấn đề thời sự chính trị của đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong khó khăn, hoạn nạn, người Việt Nam vẫn thường xuyên thăm hỏi các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; văn học nghệ thuật đã phản ánh đúng hiện trạng của đời sống xã hội Việt Nam, khích lệ, biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt… Tuy nhiên, bên cạnh đó, an ninh văn hóa ở Việt Nam hiện nay vẫn còn những hạn chế, tạo nên sự chưa ổn định trong nền văn hóa quốc gia. Đó là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, trong đó có một số cán bộ, lãnh đạo quản lý; một số rất ít vẫn còn tỏ ra dao động, chưa tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Một số sản phẩm văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam cũng như có các nội dung xuyên tạc về tình hình thực tế trong nước… Nguyên nhân của những trạng này đã được nhóm tác giả chỉ ra, như nguyên nhân kinh tế, nhận thức…

Chương 3. Quan điểm và giải pháp cơ bản nhằm đảm bảo an ninh văn hóa ở Việt Nam hiện nay

Trong chương này, các tác giả đưa ra hai quan điểm cơ bản nhằm đảm bảo an ninh văn hóa ở Việt Nam hiện nay: [i] Cần coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; [ii] Đảm bảo an ninh văn hoa là cần phát huy vai trò nguồn lực phát triển của văn hóa.

Trên cơ sở phân tích thực trạng cũng như những quan điểm đưa ra, nhóm nghiên cứu đề xuất 4 nhóm giải pháp nhằm đảm bảo an ninh văn hóa ở Việt Nam hiện nay: Thứ nhất, phát huy vai trò của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong đảm bảo an ninh văn hóa ở Việt Nam hiện nay; Thứ hai, bảo tồn và phát huy bản sắc tốt đẹp của văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; Thứ ba, tăng cường năng lực sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân; Thứ tư, đẩy mạnh vai trò của truyền thông đại chúng.

Cuối cùng, các tác giả khẳng định, những giải pháp này có mối liên hệ với nhau, do đó, cần phải thực hiện một các nghiêm túc và đồng bộ, để qua đó, làm cho nền văn hóa Việt Nam được phát triển mạnh mẽ, ổn định, chống được sự bất ổn, phá hoại từ bên trong lẫn bên ngoài...

Chủ Đề