Bái hát nước ngoài được sáng tác thời gian nào năm 2024

Sau hội thảo "Hồ Chí Minh với nước Nga" do Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Nga phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức hồi đầu tháng 6/2013 nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên đến nước Nga, tôi nhận được thư kèm dự thảo đề cương về đêm văn nghệ "Thơ ca Nga về Việt Nam" do anh bạn Đại tá Lương Nghĩa, cựu lưu học sinh Trường Quân sự Liên Xô những năm 1970 -1980 gửi đến. Anh Nghĩa cho tôi biết, ý định khởi xướng của các anh là muốn đóng góp vào dịp kỷ niệm lần đầu Bác Hồ đến Liên Xô. Anh Nghĩa còn mang đến một bài viết khá công phu của anh về bài hát Xôviết đầu tiên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhan đề "Hồ Chí Minh hay người thanh niên Việt Nam được ca ngợi trong bài hát Nga "Bài ca về người bạn Việt Nam", mà theo anh, được coi là bài ca sớm nhất của nước Nga sáng tác về con người Việt Nam với đại diện xứng đáng nhất là Hồ Chí Minh.

Anh Lương Nghĩa đã phát hiện trong đời sống âm nhạc Nga cho đến nay còn lưu truyền một ca khúc có tên "Bài ca về người bạn Việt Nam" do nhạc sĩ Vano Muradenli (1908-1970), nghệ sĩ nhân dân, hai lần được Giải thưởng Nhà nước Liên Xô (1946 và 1951) sáng tác (phần lời của thi sĩ E.Iodkovski). Theo anh Lương Nghĩa: "Hôm nay đang có hai quan điểm trong việc xem ai là đối tượng của bài hát: Hồ Chí Minh hay một thanh niên Việt Nam sang Liên Xô được ngợi ca trong bài hát này?". Anh Lương Nghĩa đưa ra hai dị bản bài hát bằng tiếng Nga và cả bản dịch ra tiếng Việt. Ở đây xin chép lại dị bản thứ 2, theo anh Nghĩa, có lẽ đáng tin cậy hơn.

Bản dịch ý dị bản 2:

Lời 1

Khi anh Nguyễn đi tới thành phố Nga, Anh nhìn mọi thứ xung quanh một cách thương yêu Khó khăn tìm lời để trò chuyện Gắng nhớ được từ "Bạn" để bắt đầu.

Điệp khúc:

Hãy bay đi, tiếng ca ơi, dưới bầu trời đất nước chúng ta Bay tới Matxcơva lên phương Bắc, rồi bay với bạn về phương Nam. Anh nói tiếng Việt Nam "Bạn" Tôi trả lời bằng tiếng Nga "Đrug".

Lời 2:

Mọi người yêu Nguyễn như anh em Anh được quý mến bởi sự nghiêm túc của mình Với tính kiên nhẫn của nông dân và người lính Anh học tiếng Nga ở bạn bè

Lời 3:

Anh chia sẻ ước mơ và bánh mỳ với chúng ta Tìm hiểu kỹ càng ngôn ngữ của bạn bè Chỉ lúc chia tay ngoài sân ga Quên hết mọi lời vì xúc động

Phân tích hai dị bản bài hát, anh Nghĩa căn cứ vào dị bản 2 trong tiếng Nga với lý do "về ngữ pháp chặt chẽ hơn, ý tứ rõ ràng hơn và nghiêng về quan điểm coi đối tượng của bài hát là một chàng trai Việt Nam sang Liên Xô học tập và nếu chỉ xem xét nội dung bài hát một cách khái lược ta cũng dễ đi đến kết luận là bài hát này nói về một lưu học sinh Việt Nam ở Nga nào đó được bạn bè yêu mến vì sự khiêm tốn và sự cảm thông tự nhiên của nhân dân Liên Xô với cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp…".

Bái hát nước ngoài được sáng tác thời gian nào năm 2024

Trang báo Văn nghệ số ra ngày 15/11/1954 có in bản nhạc của nhạc sĩ Xôviết Vano Muradenli ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, sau khi phân tích kỹ lại lời bài hát một lần nữa, anh Nghĩa không thể không đặt câu hỏi: Nhân vật Nguyễn làm việc gì mà phát biểu trước đám đông ở một thành phố mới đến thăm rồi sau đó lại đi. "Tại sao nhân vật lại mang họ Nguyễn? Tại sao anh chia sẻ ước mơ và bánh với chúng ta - với nhân dân Xôviết, ở đây ước mơ là những ý tưởng cộng sản tuy cao đẹp nhưng không phải là gần gũi, thiết thân đối với một sinh viên bình thường, còn bánh mỳ thì sinh viên nước ngoài ở Liên Xô ở giai đoạn này (1956-1957) không phải lo lắng? Tại sao mọi người yêu Nguyễn như anh em, chứ không phải như con, cháu (là thái độ của nhân dân Xô Viết đối với sinh viên Việt Nam sau này), và được quý mến bởi sự nghiêm túc của mình chứ không phải sự chăm chỉ, chịu khó mới là đặc trưng chính của sinh viên Việt Nam ở Nga?!...". Hơn nữa nếu xem xét kỹ hơn ta thấy ở bài hát toát lên tinh thần quốc tế vô sản từ cả Nguyễn và mọi người chúng ta (nhân dân Liên Xô) mà trong số những người Việt Nam đến nước Nga Xôviết học tập thì Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, một người cách mạng với tinh thần triệt để và trong sáng, với cốt lõi nhân văn, đã thể hiện đầy đủ nhất tinh thần đó và vì vậy đã đi vào lòng các tầng lớp nhân dân Liên Xô…" (các trích dẫn trong bài viết của Lương Nghĩa đều được anh ghi lại thành bản vi tính).

Kết luận cuối cùng của Lương Nghĩa là: "Tuy không thể khẳng định bài hát là dành riêng cho Hồ Chí Minh nhưng có thể kết luận chắc chắn là trong hình tượng người thanh niên Việt Nam mang tên Nguyễn được nhắc tới trong bài hát này có hình dáng rõ nét của Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ yêu quý của chúng ta, người cách mạng Việt Nam trẻ tuổi đầu tiên tới Nga, không những có công đặt nền móng cho mọi quan hệ giữa hai nước Việt - Nga, mà còn là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo văn hóa nghệ thuật của nhân dân hai nước".

Đến đây, tôi xin góp phần khẳng định kết luận của anh Lương Nghĩa: Tôi còn lưu giữ được tờ Văn nghệ số 58, ra ngày 15/11/1954 - số Kỷ niệm lần thứ 37 Cách mạng Tháng Mười Nga. Trên hai trang 6 và 7 của số báo có đăng giới thiệu bài hát của Muradenli có tên "Sao vàng đất Việt", lời dịch Việt của Thái Ly. Bài hát có 4 lời, ở lời II có nhắc tới Bác Hồ:

Người thuyền chài Cửu Long giang vinh quang trong đấu tranh Không hề lùi Người ở miền núi xa xôi từng giành lại cuộc đời mới tươi vui Vinh dự kia ai quanh Hồ Chí Minh kết đoàn chiến đấu xây đời sống thanh bình Núi cao muôn trùng sức mạnh quật cường đang khiến quân thù kinh Núi cao muôn trùng sức mạnh quật cường đang khiến quân thù kinh.

Lề bên trái trang báo là hàng cột báo đăng bài "Giới thiệu một bản nhạc Liên Xô" của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, bấy giờ là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Lề bên phải trang báo là cột báo đăng bài "Cách mạng tháng Mười mở đường cho con người" của Giáo sư sử học Trần Văn Giàu.

Trong bài giới thiệu của mình, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát cho biết: "Nhạc sĩ Mu-ra-den-li chưa có dịp tới thăm nước Việt Nam chúng ta. Nhưng, thông cảm mãnh liệt với tâm hồn và ý chí chiến đấu anh dũng của dân tộc chúng ta, nhạc sĩ đã biểu hiện sự thông cảm ấy trong tác phẩm Sao vàng đất Việt. Với tất cả tấm lòng xây dựng tình hữu nghị thắm thiết anh em giữa hai dân tộc, chính tác giả đã tự trình bày bài hát Sao vàng đất Việt trước hàng vạn công chúng ở Mạc - tư - khoa, và đặc biệt trước đài phát thanh".

Cũng vào thời điểm này, ở phía Tây bán cầu cũng xuất hiện một bài hát viết về người đại diện xứng đáng của dân tộc ta - Hồ Chí Minh. Đó là bài hát "Bài ca Hồ Chí Minh" của Ewan MacColl (1915-1989), ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà soạn kịch, diễn viên và nhà thu âm nhạc người Anh gốc Scotland. "Bài ca Hồ Chí Minh" được MacColl sáng tác vào khoảng năm 1954 và đã được nhiều ca sĩ thể hiện thành công và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới hơn nửa thế kỷ qua.

Tác giả Dương Xuân Quân trong một bài viết in trên báo Văn nghệ cho biết: "Vào đêm nghe tin Pháp thất bại hoàn toàn ở Điện Biên Phủ (7/5/1954), Ewan MacColl đã nói với những người bạn của mình: "Tại sao chiến thắng đặc biệt có ý nghĩa này lại xảy ra ở Việt Nam mà không phải ở mảnh đất thuộc địa nào khác? Gần đây, tôi đã được đọc một cuốn sách quý, gồm nhiều bài viết của một giáo sư sử học phương Đông và Pháp, Italia… ca ngợi một nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX. Đó là cụ Hồ Chí Minh, nhà lãnh tụ vừa dẫn dắt nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng kiệt xuất Điện Biên Phủ…". Những cảm hứng nghệ thuật trỗi dậy đã thúc giục ông phải viết một tác phẩm về Hồ Chí Minh. Và ông đã lý giải về nhịp điệu, bài hát chính là làn điệu dân ca cổ Sacxon (người cổ đại ở Anh), ông đã dùng để nói lên tình cảm của người dân nước Anh dành cho vị Chủ tịch đáng kính này".

Trích một đoạn trong bài hát "Bài ca Hồ Chí Minh":

Xa vượt ra ngoài biển Đông. Xa bên ngoài những eo biển Sống một người là cha của người Đông Dương Và tên người đó là Hồ Chí Minh Hồ. Hồ. Hồ Chí Minh…!

Đến đây có thể nói, hai tác phẩm: "Bài ca Hồ Chí Minh" của tác giả người Anh gốc Scotland Ewan MacColl và "Sao vàng đất Việt" của nhạc sĩ Xôviết Vano Muradenli là hai tác phẩm ở nước ngoài sớm nhất viết về nhân dân ta và đặc biệt về Bác Hồ của chúng ta