Bộ tiêu chí đánh giá khu công nghiệp sinh thái năm 2024

Dự thảo Thông tư này quy định chi tiết việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái quy định tại các Điều 36, 37, 38, 40, 41, 42, 43 của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Theo dự thảo, nội dung đề xuất xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái gồm: Dự kiến các ngành nghề chính thu hút đầu tư vào khu công nghiệp theo quy hoạch phân khu xây dụng của khu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Dự kiến mức phát thải cho các ngành nghề thực hiện cộng sinh công nghiệp;

Phương án xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng nguyên vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu; Phương án thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh;

Cam kết đáp ứng các tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái trong vòng 08 năm kể từ thời điểm khu công nghiệp được thành lập và lộ trình thực hiện.

Nội dung đề xuất xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái nêu trên được giải trình tại Đề xuất dự án đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương trong đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp được lập theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Cộng sinh công nghiệp và giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn

Dự thảo đề xuất, cộng sinh công nghiệp quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP bao gồm các mạng lưới hợp tác: Trao đổi chất thải [rắn, lỏng, khí] giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất;

Sử dụng chung hạ tầng phục vụ sản xuất trong khu công nghiệp do các bên thực hiện cộng sinh công nghiệp hoặc bên thứ ba cung cấp [không bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung của khu công nghiệp do nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp cung cấp];

Sử dụng dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh trong khu công nghiệp do các bên thực hiện cộng sinh công nghiệp hoặc bên thứ ba cung cấp.

Giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn gồm: Các giải pháp giảm chất thải tại nguồn: quản lý nội bộ doanh nghiệp và sử dụng các vật liệu thay thế; kiểm soát quy trình, thiết bị sản xuất; cải tiến, thay thế thiết bị, dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp để giảm tổn thất, giảm chất thải, giảm mức độ nguy hại của chất thải, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

Các giải pháp tuần hoàn: thu gom, xử lý, tái sử dụng các chất thải, phế liệu làm nguyên liệu đầu vào sản xuất trong nội bộ doanh nghiệp hoặc trao đổi giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp;

Các giải pháp cải thiện sản phẩm thông qua đổi mới sản phẩm, cải tiến bao bì, thiết kế nhằm giảm tác động đến môi trường.

Trong quá trình đánh giá doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp, áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể tham khảo ý kiến của tổ chức, đơn vị chuyên môn trong nước đáp ứng các điều kiện về cung cấp dịch vụ tư vấn về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn hoặc tổ chức, đơn vị quốc tế có năng lực, chuyên môn về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

Ngày 15/11/2023, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng [Trung tâm] đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Mô hình khu công nghiệp sinh thái, đô thị xanh, công viên xanh”. Đây là diễn đàn khoa học thuộc nhiệm vụ KH-CN theo chức năng do Trung tâm làm đơn vị chủ trì, với mục đích tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà lãnh đạo – quản lý, nhà khoa học dày dặn kinh nghiệm về các Bộ tiêu chí và mô hình của khu công nghiệp sinh thái, đô thị xanh và công viên xanh tại TP. Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc, TS. Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng, khẳng định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng Bộ tiêu chí và mô hình Khu công nghiệp sinh thái, đô thị xanh, công viên xanh là phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng. Điều này cũng phù hợp với quan điểm phát triển Đà Nẵng nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “Phát triển TP. Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng”. Do đó, hội thảo được tổ chức hướng tới những vấn đề mà công tác quy hoạch, chương trình mang tính bản lề, quyết định cho định hướng chung về phát triển đô thị, phát triển kinh tế – xã hội của TP. Đà Nẵng phải giải quyết trong thời kỳ mới.

TS. Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Hội thảo đã được lắng nghe phần trình bày với các chủ đề khác nhau bao trùm chủ đề của hội thảo. TS. Đặng Quang Hải [Chủ nhiệm nhiệm vụ] mang đến cho hội thảo bức tranh tổng thể về các nội dung gồm Bộ tiêu chí và mô hình đô thị xanh, Bộ tiêu chí và mô hình khu công nghiệp sinh thái. Và, tiếp nối phần tham luận, nội dung Bộ tiêu chí và mô hình công viên xanh được TS. Nguyễn Quyết [Thành viên nhiệm vụ] trình bày báo cáo.

TS. Đặng Quang Hải báo cáo chuyên đề “Bộ tiêu chí và mô hình đô thị xanh, Bộ tiêu chí và mô hình khu công nghiệp sinh thái”

TS. Nguyễn Quyết báo cáo chuyên đề “Bộ tiêu chí và mô hình công viên xanh”

Thông qua các tham luận, phiên thảo luận diễn ra được đồng chủ trì bởi TS. Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng và TS. Phạm Châu Huỳnh – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học. Các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành từ các Viện, Trường đại học – cao đẳng, đại diện Ban quản lý Khu Công nghệ cao và Khu Công nghiệp Đà Nẵng… đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, chất lượng cùng giải pháp với mục tiêu chung hoàn thiện 3 Bộ tiêu chí và mô hình này để áp dụng tại Đà Nẵng hướng đến xây dựng thành phố sinh thái.

TS. Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng [bên trái] và TS. Phạm Châu Huỳnh – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học [bên phải] đồng chủ trì phiên thảo luận

Kết luận tại diễn đàn, TS. Lê Đức Viên đánh giá cao chất lượng nội dung báo cáo về các Bộ tiêu chí và mô hình được đề xuất và yêu cầu Ban chủ nhiệm nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung dựa trên các vấn đề được thảo luận ngày hôm nay.

Chủ Đề