Cá tra nuôi bao lâu thu hoạch

Cá tra nuôi bao lâu thu hoạch

UBND TỈNH TRÀ VINH                             CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NA

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT                                             Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

       Số: 242/QT-SNN-KT                                 Trà Vinh, ngày 03 tháng 4 năm 2012

 QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI CÁ TRA (Pangasianodon hypophthalmus) THÂM CANHÁP DỤNG CHO CHƯƠNG TRÌNH THÍ ĐIỂM BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP TỈNH TRÀ VINH, GIAI ĐOẠN 2011-2013

Căn cứ Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013;

Căn cứ Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 121/2011/TT-BTC ngày 17 tháng 8 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013;

Căn cứ Quyết định số 1012/QĐ-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt đề án tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy trình nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) thâm canh áp dụng Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2011 - 2013, với nội dung cụ thể như sau:

NỘI DUNG QUY TRÌNH

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Quy trình này quy định trình tự, nội dung và những yêu cầu kỹ thuật để nuôi thâm canh cá tra trong ao, áp dụng cho các cơ sở nuôi cá tra thâm canh tại địa bàn các huyện, xã tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp quy định tại Phụ lục 11- Giấy đăng ký tham gia bảo hiểm số 739/UBND ngày 20/3/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh.

II. QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI

1. Điều kiện ao nuôi

a) Vị trí ao nuôi

Việc lựa chọn vị trí ao nuôi là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm và chi phí cho cả vụ nuôi. Đề đảm bảo được các vấn đề trên thì người nuôi nên tuân thủ các điều kiện sau:

- Nằm trong vùng nuôi đã được quy hoạch theo Quyết định số 978/QĐ-UBND ngày 27/5/2009 Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông lâm diêm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2007- 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

- Nền đất không bị nhiễm phèn, thông thoáng, không có táng cây che phủ.

- Gần nơi cung cấp nước như: sông, kênh, rạch lớn, có thể chủ động được nguồn nước phục vụ cho suốt cả vụ nuôi.

- Thuận tiện giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển thức ăn, cá giống và vận chuyển cá khi thu hoạch, đồng thời giảm được chi phí sản xuất cho vụ nuôi.

- Đảm bảo an ninh địa phương.

b) Thiết kế ao nuôi

- Ao nuôi có diện tích từ 1000 m2 trở lên; độ sâu từ 2,5 m trở lên (mực nước đảm bảo thường xuyên).

- Ao phải có cống cấp nước và thoát nước riêng biệt, bờ ao phải đảm bảo chắc chắn, không rò rỉ, không tràn bờ khi mùa nước lên.

2. Môi trường nước ao nuôi

- Nhiệt độ nước thích hợp từ 26 đến 300C.

- pH thích hợp: 7 - 8,5.

- Hàm lượng o­xy hoà tan lớn hơn 3mg/lít.

- Chất lượng nguồn nước cấp cho ao để nuôi phải sạch, không bị ô nhiễm. 

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Mức tối ưu

Giới hạn cho phép

Ghi chú

1

BOD5

mg/l

<  20

< 30

Độc hơn khi pH và nhiệt độ lên cao

2

NH3

mg/l

< 0,1

≤ 0,3

Độc hơn khi pH giảm thấp

3

H2S

mg/l

< 0,02

≤ 0,05

Dao động trong ngày  không quá 0,5

4

pH

mg/l

7,0 ÷ 8,5

7 ÷ 9

5

DO

mg/l

> 3,0

≥ 2,0

6

Độ kiềm, CaCO3

mg/l

80 ÷120

60 ÷ 180

Trước khi thả cá phải thực hiện các bước chuẩn bị ao như sau:

- Tháo cạn hoặc tát cạn ao, bắt hết cá trong ao. Dọn sạch rong, cỏ dưới đáy và bờ ao.

- Vét bớt bùn lỏng đáy ao, chỉ để lại lớp bùn dày (0,2- 0,3) m

- Lấp hết hang hốc, lỗ mọi rò rỉ và tu sửa lại bờ, mái bờ ao.

- Dùng vôi bột [Ca(OH)2] rải khắp đáy ao và bờ ao với lượng vôi (7-10) kg/100 m2 để điều chỉnh pH thích hợp, đồng thời diệt hết các mầm bệnh còn tồn lưu ở đáy ao.

- Phơi đáy ao (5-7) ngày đến khi nào vừa ráo mặt ao, không nên phơi ao quá lâu sẽ có hiện tượng xì phèn không có lợi cho ao nuôi.

- Đối với những ao ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh thì bố trí sục khí đáy ao hoặc quạt nước.

- Sau cùng cho nước từ từ vào ao qua cống có chắn lưới lọc để ngăn cá dữ và địch hại lọt vào ao, giữ mức nước ao từ (2 - 2,5) m.

- Tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá: dùng bột đậu nành kế hợp với bột cá với tỉ lệ: 1:1 với liều lượng (3-5) kg/1.000 m3, khoảng (2- 3) ngày sau thì thức ăn tự nhiên sẽ phát triển.

4. Chọn và thả cá giống

- Cá thả nuôi cần được chọn lựa cẩn thận đảm bảo phẩm chất để cá tăng trưởng tốt trong quá trình nuôi. Cá phải mạnh khỏe, không bị nhiễm bệnh, đều cỡ, không bị xây xát, nhiều nhớt, bơi lội nhanh nhẹn. Cá giống mới đưa về, trước khi thả xuống ao nên tắm bằng nước muối (2-3)% trong (5- 6) phút để lọai trừ hết các ký sinh và chống nhiễm trùng các vết thương hoặc vết xây xát trên thân cá.

- Chất lượng cá giống: Cá Tra giống để nuôi thương phẩm phải đạt yêu cầu chất lượng theo quy định của Tiêu chuẩn Ngành 28TCN 170:2001 (Cá nước ngọt - Cá giống các loài: Tai tượng, Tra và Ba sa - Yêu cầu kỹ thuật) hoặc theo các quy định hiện hành của nhà nước. Được cơ quan nhà nước chứng nhận chất lượng con giống. Cá Tra giống phải có giấy kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền;

- Mùa vụ thả: Tuân theo lịch mùa vụ hàng năm của từng địa phương;

- Mật độ thả nuôi từ (20 - 60) con/m2.

5. Quản lý chăm sóc

a) Cho ăn

- Thức ăn hỗn hợp dạng viên chế biến công nghiệp (thức ăn công nghiệp) do các nhà máy sản xuất thức ăn cung cấp. Thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

- Yêu cầu chất lượng thức ăn trong các giai đoạn nuôi: đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn để nuôi cá Tra phải theo đúng quy định của Tiêu chuẩn Ngành 28TCN 176:2002 hoặc theo các quy định hiện hành của nhà nước.

b) Phương pháp cho ăn

- Mỗi ngày cho cá ăn (2- 4) lần, khẩu phần ăn với thức ăn công nghiệp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Khi cho ăn, thức ăn phải được đưa xuống ao từ từ để toàn bộ số cá trong ao nuôi đều có thể ăn được; cá sử dụng hết lượng thức ăn không gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

c) Quản lý ao nuôi

- Hàng ngày phải chú ý theo dõi hoạt động của cá, mức độ sử dụng thức ăn, tình hình thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý và đạt hiệu quả.

- Thường xuyên kiểm tra quan sát ao để phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng bất thường như ao bị rò rỉ nước, bờ sụt lở, đăng cống hư hỏng.

- Khi thấy hiện tượng cá nổi đầu khác với bình thường, phải nhanh chóng xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Thay nước cho ao nuôi hàng ngày, mỗi ngày khoảng (25- 30)% lượng nước ao. Có thể kết hợp sục khí cho ao nếu có điều kiện và sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý và giữ ổn định môi trường ao nuôi.

- Kiểm tra cá: mỗi tháng tiến hành kiểm tra cá một lần. Khi kiểm tra, bắt ngẫu nhiên khoảng (25- 30) cá thể để xác định khối lượng, đánh giá sự tăng trưởng của cá và phát hiện tình trạng bệnh của cá trong ao nuôi để có biện pháp xử lý.

d) Phòng và trị bệnh cho cá

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra môi trường nước ao để đảm bảo giữ nguồn nước ao trong sạch. Nếu thấy môi trường xấu, cá kém ăn hoặc xuất hiện bệnh phải có biện pháp xử lý kịp thời.

- Ðể phòng bệnh cho cá và khử trùng nước ao, dùng vôi bột hòa nước và tạt đều khắp ao với liều lượng (1,5- 2) kg/100 m3 nước ao. Có thể dùng các lọai chế phẩm vi sinh hoặc formol để xử lý và khử trùng nước ao nuôi.

- Khi thấy cá có dấu hiệu bị bệnh thì cần báo cho cán bộ kỹ thuật hoặc cơ quan quản lý thú y thuỷ sản địa phương để xác định loại bệnh và hướng dẫn xử lý. Việc sử dụng thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hoá chất để phòng trị bệnh cho cá phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phải có nhật ký ghi chép đầy đủ diễn biến bệnh và sử dụng thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hoá chất, cách điều trị, kết quả điều trị.

6. Thu hoạch

Thu họach toàn bộ sau thời gian nuôi từ (6-7) tháng, cá có thể đạt cỡ (1-1,5) kg/con. Người nuôi có thể linh hoạt theo giá cả và nhu cầu thị trường để thu hoạch cá vào lúc thích hợp nhất. Nên ngưng cho cá ăn 1 ngày trước khi đánh bắt. Khi thu hoạch cá, dùng lưới sợi mền đánh bắt từ từ, không kéo dồn quá nhiều vào lưới làm cá dễ xây xát và dễ chết. Nhanh chóng lựa chọn, phân loại cỡ cá, rửa sạch cá trước khi đưa và dụng cụ bảo quản và vận chuyển. Cần chuyển ngay sản phẩm đến nhà máy chế biến hoặc nơi tiêu thụ.

Trước khi thu hoạch, cơ sở nuôi cá phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất

Lớp bùn đáy ao sau vụ nuôi phải được vét lên khỏi đáy ao và chuyển ra xa, không nên đổ lên bờ để tránh ô nhiễm ao trở lại. Nước thải từ đáy ao phải được sử lý trước khi thải ra môi trường.

Sau vụ thu hoạch, phải tát cạn ao và làm công tác chuẩn bị cho vụ nuôi kế tiếp./.