Các công ty sản xuất phim hoạt hình

TVC360 Việt Nam đã thực hiện 4,000+ videos, cùng hơn 500 thương hiệu khác nhau

Tiếng ViệtTiếng AnhTiếng ĐứcTiếng HànTiếng NgaTiếng NhậtTiếng PhápTiếng Trung [Giản Thể]

Skip to content

  • Tuổi: 30
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 7 năm trong ngành và 3 năm ở vị trí hiện tại
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cử nhân thiết kế đa phương tiện, Sản xuất [SIFS]
  • Các kỹ năng quan trọng: tiếng Anh, đọc hiểu kịch bản, kinh nghiệm trong ngành 3D
  • Số giờ làm hằng tuần: 45 [chưa tính làm ngoài giờ]
  • Quy mô công ty [tổng số nhân viên]: Công ty TNHH 10 thành viên
  • Loại hình công việc: nhà sản xuất/quản lý studio

Giả sử bạn là nhà sản xuất [Producer] của một studio hoạt hình, và có một người khách muốn đặt hàng để sản xuất một đoạn quảng cáo. Một quảng cáo mà trong đó sẽ có những con bò sữa đứng nhún nhảy chẳng hạn. Thì trách nhiệm của bạn là:

  • Chăm sóc/giải đáp thắc mắc khách hàng [CLIENT CARE] 
    Bạn là người đầu tiên mà khách hàng tiếp cận. Bạn phải giúp khách hàng nhận ra họ muốn gì trong đơn đặt hàng bằng cách gợi mở hàng loạt các câu hỏi cho họ. Các câu hỏi sẽ xoay quanh ý tưởng, những nội dung cần truyền đạt, kịch bản, tiêu chuẩn về hình ảnh, đẹp hết có thể hay là đẹp vừa phải, giúp khách hàng hiểu quy trình làm việc cùng với studio, giải đáp các thắc mắc về mỹ thuật, kỹ thuật, cùng các yếu tố giá cả, tiến độ, và chất lượng. Luôn lắng nghe nguyện vọng của khách hàng.
  • Tiếp nhận/quản lý/điều phối công việc [ASSIGN & DISTRIBUTE]
    Vì một phim quảng cáo quy tụ nhiều nhân lực để cùng sáng tạo, nên công việc đầu tiên, cũng là công việc của nhà sản xuất là phân tách [breakdown] và chia để trị [divide-and-conquer]. Nghĩa là bạn phải chia ra từng đầu mục công việc, và đưa chúng đến đúng nghệ sĩ phù hợp để làm việc. Các công việc như sáng tạo hình ảnh, màu sắc sẽ đi về tổ nghệ thuật [artist], các công việc về diễn hoạt sẽ đi về tổ diễn hoạt [animators], các hiệu ứng ánh sáng, cháy nổ, khói, nước, sấm chớp sẽ đi về tổ hiệu ứng [VFX artist] và sẽ còn nhiều công việc khác tùy theo quy mô phim quảng cáo. Quy mô càng cao, team càng đông và nhà sản xuất có thể cần trợ lý sản xuất [Production Assistant] để hỗ trợ.
  • Tham gia sáng tạo, thẩm định và điều chỉnh [MANAGEMENT]
    Mỗi studio có quy trình của riêng họ. Nhà sản xuất của studio đó buộc phải hiểu rõ mỹ thuật, kỹ thuật và quy trình sản xuất đặc thù của studio để có thể tham gia sáng tạo, thẩm định công việc. Bạn sẽ tham gia mọi hoạt động sáng tạo của nhóm. Bạn phải xem bản thiết kế nhân vật, bạn phải đọc và thấm được cốt lõi kịch bản, bạn phải thẩm định toàn bộ đoạn phim hoạt hình vừa được hoàn thành, bạn phải kiểm tra tiến độ của tổ hiệu ứng, bạn phải nghe đi nghe lại đoạn thu âm của tổ âm thanh để duyệt phiên bản tốt nhất. Nhìn chung, nhà sản xuất là người có mặt trong mọi khâu làm việc và trách nhiệm của bạn là phải nắm rõ mọi thứ trong lòng bàn tay, hoặc trong file Google sheet của bạn.
  • Quản lý rủi ro [RISK MANAGEMENT]
    Sẽ luôn có những phát sinh như khách hàng muốn thay đổi thiết kế nhân vật, đạo diễn cần đổi nội dung, tổ diễn hoạt hoàn thành công việc không kịp thời hạn, tổ hiệu ứng có người bị bệnh, hoặc khách hàng chưa đặt cọc,… và rất nhiều những rủi ro làm ảnh hưởng trực tiếp, hoặc gián tiếp đến tiến độ dự án, thì nhà sản xuất phải có phương án giải quyết trong hòa bình.
  • Bàn giao [DELIVERY]
    Khi khách hàng đã duyệt sản phẩm quảng cáo, việc của bạn là thâu gom tất cả dữ liệu có liên quan đến dự án để bàn giao cho khách hàng lưu giữ. Có khách hàng chỉ cần vài tấm ảnh đẹp, có khách hàng cần đến hàng chục phiên bản thành phẩm khác nhau. Bạn cũng có trách nhiệm quản lý, lưu trữ số dữ liệu này.

Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

  • Cổng thông tin giữa khách hàng và studio: Vị trí nhà sản xuất là vị trí quan trọng bậc nhất trong studio vì bạn là người giao tiếp với khách hàng. Điều đó có nghĩa bạn phải hiểu được toàn bộ yêu cầu của khách hàng, bao gồm các tiêu chí về nghệ thuật, kỹ thuật, hình ảnh, âm thanh, thời lượng, thời hạn và các phát sinh. Đồng thời bạn cũng có trách nhiệm phổ biến những thông tin đó cho nhóm, để họ hoàn thành công việc đúng kỳ vọng của khách hàng và bám sát tiến độ.
  • Nút giao điều phối công việc: Trong nhóm, bạn có trách nhiệm duy nhất là quan sát và luân chuyển lượng công việc của các thành viên. Chẳng hạn như bạn phải đốc thúc đội thiết kế sớm cho ra thành phẩm để bàn giao tiếp cho đội diễn hoạt. Bạn phải sớm truyền đạt phản hồi của khách hàng cho đội kết xuất [render] để họ chỉnh sửa và mở đường cho đội tổng hợp hình ảnh làm việc. Công việc của bạn là của bạn, nhưng công việc của mọi người thì vẫn là công việc của bạn. Bạn phải có trách nhiệm với công việc của họ. Chung quy, khi giám đốc studio muốn biết tình hình công việc, thì chỉ cần hỏi bạn thôi chứ không phải mất công hỏi từng thành viên trong studio.
  • Chiếc khiên để bảo vệ nhóm: Trong công việc luôn có những khó khăn và bất đồng đến từ ý kiến của khách hàng và nguyện vọng của nhóm. Chẳng hạn như khách hàng có những mong muốn đi trái với quy trình studio, hoặc khi trễ thời hạn thì khách hàng sẽ gây áp lực lên nhóm. Tuy không ai bắt buộc, nhưng bạn có thể chắt lọc những ý tứ khó tiếp thu của khách hàng, biến chúng thành những lời nói nhã nhặn và truyền đạt lại cho nhóm. Bạn phải chặn đứng thứ áp lực đó chạm đến các thành viên, không cho luồng năng lượng tiêu cực đó tác động lên họ, và để cho họ có tinh thần làm việc tích cực nhất.

Mình yêu thích xem hoạt hình từ nhỏ. Các băng đĩa hoạt hình Disney mà ba mẹ mua cho, mình coi đến thuộc làu, nhưng hồi đó chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm hoạt hình sau này. Đến trung học thì ba mẹ hướng mình theo ngành IT/Lập trình. Mình bám trụ với IT cho đến năm đầu đại học thì nhận ra mình chọn sai ngành. Sau đó thì biết tới một ngành thiết kế nhiều màu sắc hơn hẳn. Thế là mình theo học ngành thiết kế tới hết đại học, trau dồi về thẩm mỹ, thử sử dụng các phần mềm chuyên dụng, và liên tục luyện tập tiếng Anh. Mãi đến năm cuối mình mới được học môn vẽ 3D và các môn liên quan đến làm phim, thu âm. Những môn học đó gợi lên niềm đam mê làm hoạt hình trong mình. Mình càng đào sâu tìm hiểu thì càng thấy thú vị và càng yêu hoạt hình hơn.

Song song với việc học năm cuối đại học, mình tham gia học vẽ 3D ở các trung tâm khác nhau. Vừa để trải nghiệm, vừa để mài giũa kỹ năng mà chương trình đại học chưa được học. Mình bắt đầu đi thực tập ở một studio hoạt hình nhỏ, rồi ra trường và đi làm. Qua 2 studio, kỹ năng và thái độ làm việc của mình được củng cố nhiều. Mình trải qua các dự án như làm phim, quảng cáo, mô hình đồ chơi, hoạt hình nhiều tập.

Đến một ngày mình nhận ra, điều mình đang làm chỉ là công việc của artist, hay nói cách khác là làm… thợ vẽ. Muốn vươn cao hơn, xa hơn thì phải có tầm nhìn và kiến thức. Mình đăng ký học một khóa sản xuất ở trường điện ảnh bằng chính đồng lương của mình. Mình học về sản xuất phim người đóng do không có khóa học nào về sản xuất hoạt hình cả, chí ít là không có ở Việt Nam. 

Tuy học về phim người đóng, nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng với sản xuất phim hoạt hình. Thế là ngoài việc học sản xuất phim người đóng, mình cũng tự tìm hiểu thêm về quy trình sản xuất hoạt hình và đọc thêm sách về kỹ năng quản lý dự án. Sau thời gian đó, mình nghỉ làm tầm nửa năm để làm mới tâm trạng. Mình bắt đầu đi làm lại ở vị trí là nhà sản xuất ở một studio hoạt hình.

Tại vị trí nhà sản xuất này, mình có cơ hội làm việc với nhiều đối tác trong và ngoài nước, tiếp cận và hiểu tường tận về quy trình làm hoạt hình. Đây vẫn chưa phải là đích đến của mình. Cái đích mình nhắm đến là một ngày không xa có thể huy động vốn và sản xuất những phim hoạt hình điện ảnh ngay tại Việt Nam. Bạn có biết, tại Việt Nam có rất nhiều nhân tài về điện ảnh, chỉ là có ít nhà sản xuất nào đủ tầm để quy tụ họ lại thôi. 

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

  • Các vấn đề liên quan đến giấy tờ, email: Đó có thể là xem xét bản hợp đồng dịch vụ với các công ty khác, lấy chữ ký của giám đốc, đóng gói, chuyển phát cho khách hàng. Đó có thể là các phản hồi, yêu cầu thông tin tiến độ dự án. Đối với các email có phản hồi nhận xét, bạn phải hệ thống các thông tin đó, truyền tải lại cho nhóm, hoặc bỏ bớt nếu không chính đáng, hoặc bổ sung nhận xét cá nhân nếu cần thiết, hoặc biên dịch sang tiếng Việt để nhóm dễ làm việc. 
  • Thẩm định các shot của tổ diễn hoạt: Mỗi ngày, hoặc mỗi tuần, tổ diễn hoạt sẽ làm ra các shot hoạt hình, việc của bạn là phải tổng hợp các đoạn video đó lại, ghép vào chuỗi phim chính, thẩm định tính liền mạch, các góc camera, nội dung, và bắt lỗi họ. Chủ yếu là tự đánh giá và điều chỉnh tại studio trước khi bàn giao cho khách hàng thẩm định.
  • Vẽ 3D: Đối với mình, khi đã làm việc trong ngành 3D lâu năm thì việc vẽ 3D trở thành một việc để thư giãn. Mình tham gia vẽ cùng tổ thiết kế, có khi là nhân vật, có khi là bối cảnh, hoặc đạo cụ phim. Mình tô màu, làm lông/tóc cho các nhân vật và thảo luận với tổ về cách làm quần áo cho nhân vật, cách đánh sáng với tổ hiệu ứng và kết xuất [render].
  • Gom file và bàn giao cho khách hàng: Cuối ngày hoặc khi đến thời hạn nộp, bạn phải hệ thống toàn bộ dữ liệu mà nhóm đã làm ra, tổ chức cho đúng quy cách mà khách hàng yêu cầu, và bàn giao sản phẩm cho khách hàng.

Khách hàng của studio rải rác khắp nơi trên thế giới: Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam. Và họ làm việc trái múi giờ với nhau, nên các hạng mục công việc trên hầu như là đan xen, trộn lẫn vào nhau, nhất là khi có 2-3, hoặc đến 4 dự án cùng một lúc. Làm việc trái múi giờ cũng là điểm kỳ cục của ngành này..

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Các khách hàng đến với studio họ cho rằng công việc của Producer thú vị ở chỗ vì mỗi ngày nhìn những thứ đẹp đẽ, hoặc làm việc trong một môi trường thân thiện như gia đình, giờ giấc làm việc linh động. Những điều đó cũng có nét đúng nhưng phần sai thì nhiều hơn. 

Điều hấp dẫn trong công việc là tùy ở mỗi người, và dưới đây chỉ là góc nhìn của mình:

  • Luôn thấy hình ảnh đẹp: Đây là một trong những phần thưởng khi làm việc ở ngành hoạt hình. Đến những ngày cuối cùng của dự án, bạn sẽ thấy được những gì hay ho, là bởi vì team và bạn đã phải dành nhiều thời giờ để thiết kế, vẽ, diễn hoạt và thử nghiệm, để rồi khi hình ảnh được tổng hợp, bạn sẽ được thấy thành quả sáng tạo của team. Từ một ý tưởng, sống sót qua nhiều luồng ý kiến, thêm thắt, gọt giũa, thành ra một sản phẩm có nhiều tiềm năng về chuyển động, hoặc có thể là mô hình đồ chơi, hoặc một đoạn phim mà team hết sức tâm đắc. Biết đâu chừng khán giả sẽ rất thích thú khi hình ảnh đó, nhân vật hoạt hình được xuất hiện trong phim?
  • Vốn ngoại ngữ không bị thui chột: Bạn là điểm tương tác giữa khách hàng và studio. Thế nên từ ngữ, câu chữ mà khách hàng truyền đạt bằng tiếng Anh, chúng đều phải thông qua bạn thì mới đến được với nhóm Nội dung họp trực tuyến, email, bản tóm tắt dự án, kịch bản, nhận xét đều được diễn đạt bằng tiếng Anh, thế nên ngày nào bạn cũng sẽ làm việc với tiếng Anh, và đó là điều tốt. Nếu có thời gian, mình sẽ học thêm tiếng Hàn và tiếng Trung Quốc để mở rộng khả năng giao tiếp với hai nước ấy. Họ là những con rồng châu Á trong ngành hoạt hình 3D. 
  • Xem phim/hoạt hình là vừa giải trí, vừa làm việc: Một khi đã làm việc trong ngành hoạt hình, hay ngành điện ảnh nói chung, bạn sẽ không bao giờ xem phim như bình thường nữa. Khi đi xem một phim bất kỳ, bạn sẽ chú ý đến chi tiết hút khách trong kịch bản, dụng ý của đạo diễn trong tạo hình nhân vật, cảm xúc của phim thông qua màu sắc, những đoạn đối thoại ngầm trong bản hòa tấu… và còn vô vàn những chi tiết vô hình, chi tiết đằng sau màn ảnh nữa. Nó khiến bạn trở thành một kẻ nhặt sạn phim. Điểm thú vị là bạn sẽ làm điều đó trong vô thức [bệnh nghề nghiệp].

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Ở mỗi thời điểm khác nhau hay mỗi dự án khác nhau đều có cái gì đó mà mình không thích. 

  • Khi hợp tác với khách hàng ở Mỹ, giờ mình nghỉ là giờ họ liên lạc để hỏi thăm tình hình, do chênh lệch nhau đến 12 giờ. 
  • Khi gặp khách hàng thanh toán chậm, nhất là khách hàng ở Việt Nam, là tháng đó lương về chậm.
  • Khi đối tác có thái độ không hợp tác trong công việc. Họ không hiểu họ muốn gì và bạn phải “đào tạo” họ mới hiểu.
  • Khi vẽ hoài không vừa ý: bạn có thể vẽ ra sản phẩm, nhưng người tổng quản về mỹ thuật ở studio vẫn là giám đốc nghệ thuật [Art Director], và khi người đó nói vẽ lại thì bạn phải vẽ lại.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này [kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…]? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

  1. Ngoại ngữ: Tiếng Anh là tối quan trọng để làm việc ở vị trí này. Vì bạn giao tiếp rất nhiều với khách hàng, nghiên cứu các ý tưởng, đọc và dịch tóm tắt. Khi có tiếng Anh, thế giới của bạn rộng lớn hơn nhiều. Mình nhấn mạnh là tiếng Anh là kỹ năng bắt buộc phải có dù bạn làm ngành nghề nào. Nếu có điều kiện, bạn có thể học thêm tiếng Hàn, vì Hàn Quốc giao thương và làm việc với Việt Nam khá thường xuyên về animation, VFX.
  2. Kiến thức rộng và sâu: Học và học thêm. Không nhất thiết phải đi đến trường lớp, chỉ cần cập nhật tình hình phần mềm, theo dõi tin tức trong ngành là được. Kỹ năng làm việc của bạn có thể thấp hơn các thành viên trong nhóm, nhưng bạn phải biết lý thuyết, quy trình của mọi việc. Nếu nhóm cần hỗ trợ, bạn là người lấp vào chỗ trống ấy khi chưa có được người thay thế. Ví dụ, họ cần phát triển thêm quy trình làm lông/tóc cho nhân vật, thì bạn phải là người tiên phong, tạo điều kiện cho nhóm đào sâu nghiên cứu và phát triển quy trình, tìm hiểu phần mềm, và những khả năng của nó.
  3. Kỹ năng giao tiếp, truyền đạt: Vì bạn là nút giao thông tin, một vòng xoay thông tin. Việc bạn có kỹ năng giao tiếp, biết lựa lời nói dễ hiểu, biết chọn từ dễ nghe là rất quan trọng, nó có thể quyết định đến việc thắng/thua một hợp đồng vài trăm triệu.
  4. Một cái đầu nguội: Khi khách hàng có những yêu cầu không hợp lý và đòi hỏi không có điểm dừng, hoặc trong nội bộ nhóm có trục trặc, hoặc cảm xúc cá nhân, thì bạn phải hít thở đều và giữ cho đầu óc nguội, nhưng không lạnh. Nguội để đủ tỉnh táo đàm phán với khách hàng. Nguội để nhanh trí xử lý vấn đề nội bộ. Và nguội để giữ sự chuyên nghiệp của bản thân trong công việc.

Nhà sản xuất là đạo diễn?

Người nhà của mình cứ nghĩ mình làm đạo diễn phim hoạt hình. Nhưng thật ra đó là một công việc khác. Đạo diễn là người dùng những nguyên liệu sẵn có, như diễn viên, bối cảnh, ánh sáng, âm thanh để làm phim. Công việc của họ là tạo ra phim. Nhà sản xuất là người “đi chợ” mua/trang bị/dàn xếp việc chọn diễn viên, quản lý phục trang/đạo cụ, làm việc với sở Văn Hóa Thông Tin về nội dung phim, làm việc với rạp phim để sắp xếp lịch chiếu và chịu trách nhiệm trực tiếp với đối tác về lợi nhuận của phim.

Thật ra nhà sản xuất cũng có nhiều cấp bậc. Có nhà sản xuất chỉ chuyên quản lý thời gian, tiến độ của phim [Production Manager]. Có nhà sản xuất khác thì giám sát quá trình chế tác đạo cụ, phục trang của nhân vật trong phim [Associate Producer]. Có người lại là nhà đầu tư và không liên quan gì đến quá trình làm phim [Executive Producer]. Phim hay hoạt hình có quy mô lớn, chiếu rạp hoặc phim dài tập, thì nhà sản xuất cần một nhóm trợ lý [Production Assistant].

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Vị trí sản xuất là vị trí quản lý, đòi hỏi bạn cần có kinh nghiệm đặc thù trong ngành để quản lý tốt công việc. 

Chỉ có một hướng: Khởi đầu làm artist: 

  • Học tiếng Anh
  • 3D artist/animator [học Autodesk Maya, zBrush hoặc Mudbox, Mari hoặc Substance Painter…] hoặc
  • VFX artist [học Autodesk Maya, Adobe After Effect, Nuke]

Các bạn có khiếu về mỹ thuật và muốn có công việc ở ngành 3D/hoạt hình, bạn cần học và rèn luyện kỹ năng của mình ở các trung tâm đào tạo hoạt hình 3D, hoặc về VFX, hoặc vẽ. Sau đó bạn tìm công việc ở studio. Các studio hoạt hình 3D/VFX tại Việt Nam có quy mô nhỏ và trung bình, tầm 10 – 20 người. Yêu cầu tuyển dụng đầu vào là bạn đã biết việc và đã sử dụng thành thạo phần mềm, bất kể bạn làm toàn thời gian hay thực tập. Rất ít studio nhận thực tập sinh. 

Sau đó bạn dành thời gian làm việc với nhóm, vừa trau dồi kỹ năng bản thân, vừa tìm hiểu công việc của mọi người và cần quan sát một cách tổng thể để hiểu biết toàn bộ quy trình. Khi đủ kinh nghiệm và cơ hội đến, bạn sẽ được cất nhắc hoặc có khả năng tự đề cử bản thân lên vị trí trưởng nhóm, rồi lên vị trí quản lý/nhà sản xuất.

Nhà sản xuất nên là một con đường dài để bạn phấn đấu chứ không nên là một vị trí, một chiếc ghế để bạn giành lấy. Công việc yêu cầu cả tính mỹ thuật, kỹ thuật, hiểu biết về quy trình, về phần mềm, các quy tắc bài bản. Bạn chỉ có được những yếu tố đó thông qua việc học hỏi trong nhiều năm.

Câu trả lời là . Bạn sẽ tự nuôi được bản thân với mức lương khởi điểm nếu bạn chi tiêu hợp lý.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

  1. Hãy theo ngành này nếu bạn yêu thích hoạt hình, vì những hình ảnh bắt mắt và những câu chuyện trong sáng chúng mang lại. 
  2. Hãy thay đổi hướng đi và cách làm việc, nhưng đừng bao giờ đổi mục tiêu. Bạn có thể làm theo những gì mình vừa chia sẻ, nhưng đừng ngần ngại bức phá hoặc đổi hướng, vì không có giáo trình chính quy cho ngành nghề này.
  3. Hãy xem hoạt hình, xem nhiều vào, bất kể 3D, hay 2D, stop motion, cut-out, hand-drawn. Hãy xem chúng với con mắt của người làm nghề hoạt hình. Xem lần 1 để giải trí. Xem lần 2 để cảm nhận câu chuyện. Xem lần 3 4 5… để tự hỏi “Cái này làm thế nào?” 
  4. Hãy xem phim, để học hỏi nghệ thuật của các đạo diễn giỏi.
  5. Hãy bắt đầu từ việc làm thợ vẽ [3D modeling], hoặc hoạt họa [animators], hoặc VFX artist, và từ từ thăng tiến. Song song đó hãy trau dồi tiếng Anh, đọc nhiều bài viết, xem nhiều bài hướng dẫn. Mình nghĩ chưa chắc bạn sẽ hứng thú vì vị trí thấp, nhưng hãy đặt bước chân đầu tiên vào ngành, rồi những cánh cửa thú vị hơn sẽ mở ra.
  6. Hãy sống hài hước, dí dỏm. Vì đó là một trong những nguồn cảm hứng cho công việc.
  7. Hãy cân bằng đời sống – công việc. Làm việc với máy tính quá nhiều sẽ khiến bạn bớt thú vị và hao tổn sức khỏe.
  8. Hãy kiên trì, vì con đường bạn chọn không hề dễ dàng, nhưng phần thưởng sẽ làm bạn bất ngờ.
  9. Hãy coi trọng và yêu quý đồng nghiệp, vì bạn sẽ thức khuya, dậy sớm với họ.

Video liên quan

Chủ Đề