Cảm nhận bài thơ tiếng Việt của Lưu Quang Vũ

Cảm nhận bài thơ tiếng Việt của Lưu Quang Vũ

Từ bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, anh/chị có suy nghĩ gì về hiện tượng dùng tiếng nước ngoài tràn lan của một bộ phận giới trẻ hiện nay?

Xem bài thơ: Bài thơ: “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ

* Gợi ý làm bài:

1. ý nghĩa bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ:

Bài thơ đã ngợi ca sự giàu đẹp của tiếng Việt: vừa giản dị, mộc mạc, vừa phong phú, sâu sắc. Tiếng Việt có sức sống mạnh mẽ, thẫm đẫm vẻ đẹp linh hồn dân tộc, có giá trị bồi đắp tâm hồn, tình yêu dân tộc. Bằng lời thơ chân thành, hình ảnh thơ giàu giá trị biểu cảm, Lưu Quang Vũ đã thể hiện tình yêu, niềm tự hào, sự trân trọng đối với tiếng Việt thiêng liêng. Đọc bài thơ, ta càng thêm trân quý ngôn ngữ của dân tộc và giật mình trước hiện tượng một bộ phận giới trẻ hiện nay đang ngày càng lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài.

2. Hiện tượng dùng tiếng nước ngoài tràn lan của một bộ phận giới trẻ hiện nay:

– Hiện nay một bộ phận giới trẻ đang lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài. Họ dùng ngôn ngữ nước ngoài mọi lúc mọi nơi (biển hiệu, giao tiếp…), tây ta lẫn lộn không cần thiết, gây ra sự lai căng ngôn ngữ, sính ngoại thái quá. Nhiều trường hợp vay mượn tiếng nước ngoài bừa bãi, làm mất sự thuần khiết của tiếng Việt.

– Hiện tượng này đang trở thành một trào lưu đáng báo động trong giới trẻ.

* Nguyên nhân:

– Quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa, ngôn ngữ…

– Tư tưởng sính ngoại.

– Trình độ tiếp thu chưa tốt…

* Đánh giá:

– Sử dụng ngôn ngữ nước ngoài đúng lúc đúng chỗ giúp phát triển ngôn ngữ, hội nhập thế giới.

– Sử dụng ngôn ngữ nước ngoài tràn lan gây ra nhiều hậu quả đáng buồn:

+ Làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

+ Lệch chuẩn về ngôn ngữ, cư xử thiếu văn hóa.

+ Mất dần tinh thần dân tộc…

* Bài học liên hệ:

– Giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc.

– Tiếp thu có chọn lọc ngôn ngữ nước ngoài và sử dụng linh hoạt phù hợp

  • Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Ai đã được tiếp xúc với Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ dù chỉ một lần đều không dễ quên. Bài thơ được rất nhiều người yêu mến thuộc lòng...

Bên cạnh việc sử dụng tiếng Việt để sáng tạo nên những tác phẩm văn hoá, văn học bất hủ, các nghệ sĩ của chúng ta luôn đến với tiếng nói của dân tộc như một nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn. “Họ (các nhà thơ mới - TQĐ) yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt” (Hoài Thanh). Có lẽ mọi nghệ sĩ đều có tình cảm tương tự đối với tiếng Việt. Đã có nhiều tác phẩm hay viết về tiếng Việt nhưng có một sáng tác đã đem lại cho tôi nhiều điều mới mẻ và xúc động nhất là bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa bạc mệnh Lưu Quang Vũ.

Nhà thơ đã sáng tạo nên một thế giới hình ảnh sinh động, gợi cảm để tái hiện cội nguồn lịch sử tiếng nói dân tộc. Tiếng Việt không phải là một khái niệm trừu tượng mà là tiếng mẹ gọi, tiếng cha dặn, tiếng kéo gỗ, tiếng gọi đò, là câu hát lời ru “rung rinh nhịp đập trái tim”... nghĩa là tất cả những gì gần gũi, thân thiết, máu thịt nhất đối với mỗi người; là thứ tiếng lấm láp giọt mồ hôi mặn chát, những giọt nước mắt cay đắng và cả những tâm tình sâu lắng, ngọt ngào, say đắm. Tiếng Việt là thứ tiếng của Tình yêu và Lao động.Có thể xem hai câu thơ: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ” là những câu thơ hay nhất của bài thơ. Đó là một sự phát hiện, đúc kết sâu sắc về đặc trưng tiếng nói, bản sắc dân tộc: vừa mộc mạc, chân chất, khoẻ khoắn, vừa mềm mại, dịu dàng, mát mẻ, vừa cứng cỏi lại vừa óng ả, tinh tế, bay bổng... Những hình ảnh “đất cày”, “lụa”, “tre ngà”, “tơ” đều gần gũi, quen thuộc, mang đậm bản sắc dân tộc. Hai câu thơ đẹp, lung linh sắc màu, càng đọc, càng suy ngẫm càng thấy thấm thía, xúc động.Lưu Quang Vũ đã có những phát hiện mới mẻ về sức mạnh kì diệu của tiếng Việt: là dòng sông chảy muôn đời lưu giữ truyền thống yêu nước, nhân ái của con người Việt Nam, là biển lớn của tinh thần hoà hợp dân tộc. Sức mạnh quân sự của kẻ thù có thể chia cắt đất nước về mặt ranh giới địa lí nhưng không thể chia cắt khối thống nhất vĩ đại của lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ dân tộc. Tiếng Việt trở thành sợi dây nối liền tâm hồn, tư tưởng của mọi thành viên trong cộng đồng cũng như những người con xa xứ, lưu lạc. Từ mối liên hệ với lịch sử, tác giả đã xem tiếng Việt như là một nhân tố tạo nên sự bền vững muôn đời của dân tộc.Tính nhân dân là hạt nhân tư tưởng của bài thơ. Tác phẩm thấm đẫm cảm xúc kính trọng, tự hào, yêu thương nhân dân. Nhân dân là những người đã lao động, sáng tạo, đã đổ mồ hôi, công sức vun đắp cho tiếng Việt ngày càng giàu đẹp hơn và chịu đựng gian khổ, hi sinh, đổ máu để cho tiếng Việt mãi mãi là tiếng nói của một dân tộc có chủ quyền. Tiếng Việt là thứ tiếng cất lên từ bờ tre, mái rạ, từ trong cuộc sống lam lũ, khổ nghèo của những người kéo gỗ, chèo đò, dệt lụa, lặn ngòi ngoi nước, ăn cầu ngủ quán... trải qua những ngày chia cắt, giặc giã, khói lửa với những nỗ lực, hi sinh âm thầm của bao thế hệ con người.Điều kì diệu là tiếng Việt sản sinh trong cuộc sống lao động và chiến đấu ấy lại là một thứ tiếng ngọt ngào, đằm thắm, tha thiết, thấm đẫm yêu thương dịu dàng, trong trẻo “như dòng sông thương mến chảy muôn đời”. Suy cho cùng thì vẻ đẹp, sự kì diệu của tiếng Việt cũng là vẻ đẹp, sự kì diệu của tâm hồn nhân dân, dân tộc. Bài thơ cũng phản ánh không khí của một thời, khi mà cả dân tộc đang phải vận dụng, phát huy tất cả nguồn sức mạnh tổng hợp để đối đầu với một kẻ thù hùng mạnh hơn gấp nhiều lần.

Tiếng Việt thể hiện những nét đặc sắc trong bút pháp, phong cách nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ. Bài thơ “...đầy ắp hình ảnh, ảnh thực và ảnh ảo, hiện thực và tưởng tượng, sách vở và đời sống hoà quyện thúc đẩy nhau trong các câu thơ dồn dập” (Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ - thơ và đời, NXB Văn hoá - Thông tin, 1999). Bên cạnh đó, độc giả còn bị chinh phục bởi tính nhạc phong phú, tinh tế. Thể thơ tám chữ với lối gieo vần phóng khoáng và cách ngặt nhịp biến hoá khiến cho bài thơ trở thành một bản nhạc không bao giờ dứt. Nhịp thơ khi trầm lắng, khoan thai, tha thiết, khi sôi nổi, dồn dập, mạnh mẽ... Nội dung tư tưởng lớn lao, sâu sắc được diễn tả bằng một bút pháp nghệ thuật điêu luyện, tài hoa.

Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ là một bài thơ hấp dẫn, vừa Đẹp, vừa Hay, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Ai đã được tiếp xúc với Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ thì không dễ quên. Mặc dù bài thơ không có trong chương trình giáo dục phổ thông, song được rất nhiều người yêu mến thuộc lòng.

Qua bài viết nhỏ này, chúng tôi kính mong các nhà quản lí giáo dục, các tác giả biên soạn SGK đưa bài thơ vào chương trình giảng dạy môn Ngữ văn trong trường phổ thông. Như vậy, bài thơ sẽ có sức lan toả mạnh mẽ hơn, trở thành hành trang tinh thần cần thiết, quý giá cho thế hệ trẻ- những chủ nhân tương lai của đất nước. Trong thời đại bùng nổ thông tin và đang có không ít bạn trẻ thờ ơ với những giá trị văn hoá truyền thống, điều này càng có ý nghĩa.


Nguồn: Tạp chí Dạy và học ngày nay, số tháng 7/2008

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu tiếng việt Lưu Quang Vũ hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu tiếng việt Lưu Quang Vũ đầy đủ nhất.

Đọc hiểu tiếng việt Lưu Quang Vũ - Đề số 1

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình.

( Tiếng Việt, Lưu Quang Vũ - Thơ tình, NXB Văn học 2002)

Câu 1. Các phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên là gì ?

Câu 2. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ:

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Câu 3. Nêu ngắn gọn nội dung của đoạn thơ.

Câu 4. Viết một đoạn văn (5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ của anh (chị ) sau khi đọc câu thơ: Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình.

Đáp án

Câu 1: Những phương thức biểu đạt của đoạn thơ: Biểu cảm, tự sự, miêu tả

Câu 2:

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ: So sánh

- Nêu tác dụng: Biện pháp so sánh được sử dụng khiến hai câu thơ trở nên mềm mại, cuốn hút. So sánh tiếng Việt với đất cày, lụa, tre ngà, tơ tác giả gợi ra vẻ bình dị, nên thơ, gần gũi, gắn bó của tiếng Việt với cuộc sống của người nông dân, đồng thời khơi dậy trong lòng người đọc tình yêu, ý thức trách nhiệm gìn giữ vẻ đẹp văn hóa quý báu của dân tộc.

Câu 3: Nội dung chính của đoạn thơ là: Ca ngợi vẻ đẹp, thể hiện sự gắn bó, yêu quý, thấu hiểu của tác giả với tiếng Việt.

Câu 4:Hướng dẫn viết bài: Các em có thể dựa vào những gợi ý dưới đây để hoàn thành đoạn văn của mình

- Câu thơ cho thấy những ân tình của tiếng Việt, những giá trị cao cả mà tiếng Việt bồi đắp và dẫn dắt.

- Câu thơ cũng nhắc nhở về tình cảm mến yêu tha thiết, ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc gìn giữ, bảo vệ làm cho tiếng Việt

Đọc hiểu tiếng việt Lưu Quang Vũ - Đề số 2

Đọc văn bản sau đây và trả lời câu hỏi từ câu 1 - 4:

“Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như đất cày , như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm , dấu ngã chênh vênh”

(Lưu Quang Vũ – Tiếng Việt)

Câu 1: Văn bản trên thuộc thể thơ nào?

Câu 2: Chỉ ra và phân tích biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu trong văn bản.

Câu 3: Văn bản thể hiện thái độ, tình cảm gì của tác giả đối với tiếng Việt.

Câu 4: Viết đoạn văn khoảng 6 – 8 câu, trình bày suy nghĩ của anh ( chị) về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở giới trẻ ngày nay.

Đáp án

Câu 1: Văn bản trên thuộc thể thơ tự do.

Câu 2:

- Biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu trong văn bản là: So sánh.

Ôi tiếng Việt như đất cày , như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát

Như gió nước không thể nào nắm bắt

- Tác dụng: hữu hình hóa vẻ đẹp của tiếng Việt bằng các hình ảnh, âm thanh; tiếng Việt đẹp bởi hình và thanh.

Câu 3: Văn bản trên thể hiện lòng yêu mến , thái độ trân trọng đối với vẻ đẹp và sự giàu có, phong phú của tiếng Việt.

Câu 4: Mỗi thí sinh được đưa ra lý lẽ và quan điểm cá nhân dựa trên tinh thần của bài thơ

- Ví dụ:

+ Ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong nói và viết

+ Phê phán các hành vi cố tình sử dụng sai Tiếng Việt

Đọc hiểu tiếng việt Lưu Quang Vũ - Đề số 3

Đọc đoạn thơ duới đây rồi trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

“Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như đất cày , như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm , dấu ngã chênh vênh”

(Lưu Quang Vũ – Tiếng Việt)

Câu 1. Nội dung của đoạn thơ trên là gì?

Câu 2. Phân tích giá trị của từ láy trong câu thơ Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Câu 3.

Phân tích biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ:

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Ống tre ngà và mềm mại như tơ.

Câu 4. Hãy chỉ ra ngắn gọn thái độ của tác giả được gửi gắm trong nhũng vần thơ trên.

Đọc văn bản dưới đây rồi trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 6

“Cái gì đã tạo ở Nguyên Hồng một chủ nghĩa lạc quan vững khỏe đến như thế? Đó là lý tưởng cách mạng mà nhà văn đã tiếp thu được ngay từ thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, nhất là từ khoảng từ 1938-1939 trở đi. Đó là bản tính yêu đời, yêu sống của nhân dân lao động đã thắm vào máu thịt, tâm hồn ông. Đó là sức mạnh tinh thần của một con người bao giờ cũng song hết mình với cuộc song, với mọi người, mọi việc xung quanh. Thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, hoài nghi là cái gì hết sức xa lạ đối với Nguyên Hồng” (Trích Thương tiếc nhà vãn Nguyên Hồng- Nguyễn Đăng Mạnh)

Câu 5. Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt chính là gì? Nêu chủ đề văn bản.

Câu 6. Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết chính là gì?

Đáp án

Câu 1. Nội dung chính của đoạn thơ: Ca ngợi vẻ đẹp của tiếng Việt, bày tỏ niềm tự hào về tiếng nói của dân tộc.

Câu 2. Câu thơ kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh sử dụng từ láy "ríu rít" có giá trị biểu đạt cao. Câu thơ gợi ra âm sắc phong phú của tiếng Việt với những thanh điệu phong phú, những từ tượng thanh có sức gợi tả sống động.

Câu 3.

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Trong câu thơ trên, Lưu Quang Vũ sử dụng liên tiếp biện pháp so sánh để ca ngợi tiếng Việt mộc mạc, gần gũi (như đất cày), nhưng lại mượt mà, tinh tế, uyển chuyển và vô cùng quý giá.

Câu 4. Qua đoạn thơ trên, nhà thơ đã gửi gắm tình yêu và niềm tự hào của mình về tiếng nói của dân tộc.

Câu 5. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là nghị luận. Chủ đề: lí giải về màu sắc lạc quan trong văn chương Nguyên Hồng.

Câu 6. Phép liên kết chính được sử dụng trong đoạn văn là phép lặp (Đó là)

Đọc hiểu tiếng việt Lưu Quang Vũ - Đề số 4

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy

Một tiếng “vườn” rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng “suối”

Tiếng “heo may” gợi nhớ những con đường.

(“Tiếng Việt” – Lưu Quang Vũ)

Câu 1: Nêu nội dung chính của đoạn thơ?

Câu 2: Xác định biện pháp tu từ được sử dụng ở hai dòng thơ: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa – Óng tre ngà và mềm mại như tơ.”

Câu 3: Đặc sắc nào của tiếng Việt được tác giả nhắc đến trong hai khổ thơ in đậm của văn bản.

Câu 4: Theo em, làm thế nào để giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt?

Đáp án

Câu 1: Nội dung chính của đoạn thơ là: tình cảm yêu quý, trân trọng tiếng mẹ đẻ của Lưu Quang Vũ.

Câu 2: Biện pháp tu từ được sử dụng ở hai dòng thơ: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa – Óng tre ngà và mềm mại như tơ.” là: So sánh (tiếng Việt như đất cày, lụa, óng tre ngà, tơ để người đọc cảm nhận đặc trưng của tiếng Việt: mộc mạc, khỏe khoắn, tinh tế và mềm mại, là tiếng nói biểu hiện bản sắc dân tộc.)

Câu 3: Đặc sắc của tiếng Việt là thứ tiếng nhiều thanh điệu, khiến lời nói có giai điệu, gợi hình,gợi thanh, gợi cảm, có ý nghĩa sâu xa, có khả năng diễn tả mọi phương diện, mọi cung bậc cảm xúc của cuộc sống, con người Việt một cách giản dị, gần gũi.

Câu 4: Học sinh đưa ra quan điểm của bản thân và dùng lập luận giải thích cho quan điểm đó.

- Ví dụ:

+ Yêu và quý trọng tiếng Việt, có ý thức về sự phát triển của tiếng Việt.

+ Thường xuyên rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt.

+ Bảo vệ tiếng Việt.