Chiến tranh thế giới diễn ra vào năm nào

Ngày bắt đầu Chiến tranh Thế giới thứ hai thường được coi là ngày 1 tháng 9 năm 1939, khi Hitler xâm lược Ba Lan sau khi ký kết Hiệp ước Molotov-Ribbentrop. Nhưng đó chỉ là một trong một loạt các sự kiện mà vào thời điểm đó dường như có thể bị coi là không kết nối với nhau.

Các sự kiện đó là: Nhật Bản xâm lược Mãn Châu năm 1931. Ý xâm lược Abyssinia năm 1935. Tái quân sự hóa vùng Rhineland năm 1936 và Nội chiến Tây Ban Nha, bắt đầu vào cùng năm. Anschluss tại Áo và cuộc khủng hoảng Sudeten năm 1938. Cuộc xâm lược Ba Lan của Liên Xô vài tuần sau cuộc xâm lược Ba Lan của Đức và các cuộc xâm lược về phía tây của Đức vào năm sau. Chiến dịch Barbarossa và trận Trân Châu Cảng năm 1941.

Vấn đề là, Chiến tranh thế giới thứ hai không bắt đầu một cách rõ ràng khi các sự kiện đó cứ tuần tự diễn ra, giống như nước sông dâng lên từ từ cho đến khi nó làm vỡ một con đập. Chúng ta cũng đã sống qua nhiều năm nay với nước sông dần dần dâng cao, mặc dù việc Nga xâm lược Ukraina gần đây mới khiến nhiều người trên thế giới chú ý.

Trước cuộc xâm lược Ukraina của Nga, chúng ta đã có các cuộc xâm lược của Nga đối với Gruzia, Krưm và miền đông Ukraina; vụ ném bom rải thảm của Nga vào Aleppo; việc sử dụng các chất phóng xạ và hóa học kỳ lạ chống lại những người Nga bất đồng chính kiến ​​trên đất Anh; việc can thiệp của Nga vào các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và các vụ tấn công lớn vào mạng máy tính của Mỹ; vụ sát hại Boris Nemtsov và vụ đầu độc trắng trợn & bỏ tù Alexei Navalny.

Có phải bất kỳ hành vi vi phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật, vi phạm hiệp ước, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người này đều gặp phải phản ứng trừng phạt một cách mạnh mẽ, thống nhất, mà tạo điều kiện ngăn chặn các hành vi tội ác tiếp theo không? Liệu những phản ứng của phương Tây đối với những vi phạm khác của các chuẩn mực toàn cầu – việc Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường, việc Bắc Kinh xóa bỏ quyền tự trị của Hồng Kông, cuộc chiến tranh ủy nhiệm của Iran chống lại các nước láng giềng – có khiến Vladimir Putin tạm dừng chiến tranh không?

Tóm lại, Putin có lý do gì để nghĩ rằng trước ngày 24 tháng 2 rằng ông sẽ phải trả giá rất đắt khi xâm lược nước khác hay không?

Chắc chắn là không. Trái ngược với tuyên bố rằng hành vi của Putin là kết quả của sự khiêu khích của phương Tây – chẳng hạn như từ chối yêu cầu không cho Ukraina vào NATO – phương Tây chủ yếu dành 22 năm để xoa dịu Putin qua một chu kỳ dài nhịn nhường và vỗ tay. Việc Ukraina bị tàn phá ngày nay là kết quả của sự xoa dịu này.

Chính quyền Biden hiện phải đối mặt với câu hỏi liệu họ có muốn kết thúc chu kỳ này hay không. Câu trả lời là không rõ ràng. Các lệnh trừng phạt đã gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, các chuyến hàng vũ khí đến Ukraina đã giúp làm chậm bước tiến của Nga và sự tàn bạo của Nga đã giúp NATO trở thành một khối thống nhất. Đó là công lao của tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nhưng chính quyền Mỹ vẫn đang tiếp tục hoạt động dưới một loạt các ảo tưởng mà có thể gây ra thảm họa.

Các lệnh trừng phạt có thể tàn phá Nga trong dài hạn. Nhưng cuộc chiến trước mắt ở Ukraina chỉ là ngắn hạn. Xét về khía cạnh một trong những tác động chính của các lệnh trừng phạt là khiến hàng chục nghìn người Nga thuộc tầng lớp trung lưu phải sống lưu vong, trên thực tế họ đã giúp Putin bằng cách làm suy yếu cơ sở tài chính mạnh mẽ của phe đối lập chính trị. Về phần các cá nhân đứng đầu, họ có thể đã mất vài chiếc du thuyền, nhưng họ sẽ không vì chuyện đó mà chiến đấu với Putin đâu.

Việc trang bị cho Ukraina các tên lửa Javelin và Stinger đã khiến quân đội Nga bị tổn thất và xấu hổ. Việc cung cấp cho Kyiv máy bay chiến đấu MIG-29 và các hệ thống vũ khí có khả năng thay đổi cuộc chơi khác sẽ có thể giúp Ukraina lật ngược tình thế. Từ chối không cung cấp đồ chơi tốt nhất sẽ chỉ làm kéo dài sự đau đớn của Ukraina.

Những gợi ý thường xuyên rằng Putin đã thua trong cuộc chiến, hoặc Putin không thể chiến thắng khi người Ukraina đoàn kết lại vì lòng căm thù ông ấy hoặc Putin đang tìm kiếm một cách thức rút lui khỏi cuộc chiến – và rằng chúng ta nên nghĩ ra những cách khéo léo để cung cấp cho ông ấy một đường lùi – có thể hóa ra là đúng. Nhưng chúng là quá sớm vào lúc này. Cuộc chiến Ukraina mới diễn ra đến tuần thứ ba; Đức Quốc xã đã phải mất nhiều thời gian hơn thế để chinh phục Ba Lan. Khả năng khuất phục một số đông dân chúng phản kháng chủ yếu phụ thuộc vào việc quân chiếm đóng sẽ sẵn sàng gây ra bao nhiêu nỗi đau cho những người dân thường ở nước sở tại. Để biết thêm về chuyện đó, hãy xem những gì Putin đã làm với Grozny trong năm đầu tiên nắm quyền.

Việc từ chối áp đặt vùng cấm bay ở Ukraina có thể là chính đáng vì nó vượt quá những rủi ro mà các nước NATO sẵn sàng chấp nhận được. Nhưng lối suy nghĩ rằng Mỹ không muốn áp đặt vùng cấm bay vì lo ngại Thế chiến III sẽ bắt đầu, cho thấy sự khiếp nhược và sự thiếu hiểu biết về lịch sử. Các phi công Mỹ đã đấu ngang tay với các phi công Liên Xô hoạt động dưới sự che chở của Trung Quốc hoặc Triều Tiên trong Chiến tranh Triều Tiên mà có làm nổ tung cả thế giới đâu. Và việc e ngại đối đầu với Nga của Mỹ là một lời mời gọi chứ không có tác dụng ngăn cản việc Nga tiếp tục leo thang chiến tranh.

Hiện có một nguy cơ nghiêm trọng là những ảo tưởng này có thể sụp đổ rất đột ngột. Cho đến nay, có rất ít bằng chứng cho thấy Putin mong muốn chấp nhận thương vong và ngưng chiến; ngược lại, nếu Putin ngưng chiến ngay bây giờ – sau khi phải gánh chịu cái giá về kinh tế của các lệnh trừng phạt nhưng không đạt được một chiến thắng rõ ràng – sẽ làm cho quyền lực chính trị của Putin bị giảm sút.

Tóm lại là tôi kỳ vọng Putin sẽ chơi tới bến. Nếu ông ấy sử dụng vũ khí hóa học, như Bashar al-Assad đã làm, hoặc triển khai vũ khí hạt nhân trên chiến trường, phù hợp với học thuyết quân sự lâu đời của Nga, liệu ông ấy có mất nhiều hơn được không? Đặt xong câu hỏi thì Putin đã tự có câu trả lời rồi. Ông ấy sẽ thắng nhanh chóng và làm cho phương Tây khiếp sợ. Putin sẽ củng cố được quyền lực. Putin chỉ chịu hậu quả nhẹ hơn những hậu quả mà ông ấy đã gây ra. Và những người bạn lãnh đạo quốc gia của Putin ở Bắc Kinh, Tehran và Bình Nhưỡng sẽ lưu ý chi tiết này.

Chiến tranh thế giới tiếp theo sẽ bắt đầu như thế nào? Thì cũng giống hệt như cách mà chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu thôi.

Chủ Đề