Chọn trường chọn ngành thế nào cho phù hợp

Trích dẫn

Phoenix Ho và Kieu Tri Hoa [2021]. Các bước chọn ngành và chọn trường [dành cho học sinh cấp 3]. Truy xuất từ//huongnghiepsongan.com/cac-buoc-chon-nganh-va-chon-truong/

Các bước chọn ngành và chọn trường là sản phẩm trí tuệ của Doanh nghiệp Xã hội Hướng nghiệp Sông An và các tác giả. Công cụ được nhà nước cũng như các cơ quan chuyên trách bảo hộ quyền tác giả. Bản quyền năm 2021.

Phiên bản in ấn

Sông An chia sẻ về phiên bản này để các bạn HS và GV tiện tham khảo trên máy tính hoặc in ra thành tập tài liệu://bit.ly/tailieuchonnganhchontruong

Lời mở đầu

Các bạn học sinh cấp 3 thân mến,

Mỗi năm, thời điểm mà các học sinh lớp 12 phải điền nguyện vọng trong hồ sơ thi THPT Quốc gia cũng là lúc mà chúng tôi nhận được rất nhiều băn khoăn, trăn trở, yêu cầu trợ giúp khẩn cấp liên quan đến quyết định chọn ngành và chọn trường.

Và cũng mỗi năm, bên cạnh việc giúp các bạn học sinh lớp 12 đang có nhu cầu khẩn cấp, chúng tôi có thêm động lực để làm công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp sao cho các học sinh bắt đầu quá trình chọn ngành và chọn trường từ đầu năm lớp 10. Bài viết này nằm trong chuỗi những nỗ lực để đạt được mục tiêu trên.

Bài viết này dành cho tất cả học sinh cấp 3 đang cần sự trợ giúp về hướng nghiệp trong bước ngoặt quan trọng cuối đời học sinh. Sẽ rất lý tưởng nếu các bạn học sinh bắt đầu đọc và làm theo bài viết này từ học kỳ 1 của năm lớp 10, sau đó lặp lại ở học kỳ 1 của năm lớp 11, để rồi xác nhận lần nữa vào học kỳ 1 của năm lớp 12. Tuy nhiên, trong trường hợp các bạn tình cờ đọc được bài viết này vào đầu học kỳ 2 của lớp 12, hay chỉ một thời gian ngắn trước ngày điền nguyện vọng trong hồ sơ thi THPT Quốc gia, thì miễn là các bạn nghiêm túc và cam kết làm tất cả các bước mà chúng tôi hướng dẫn trong bài viết này, chúng tôi tin rằng các bạn sẽ có được một quyết định ổn thỏa hơn là không làm gì cả.

Các bạn học sinh cấp 3 thân mến, chúng tôi viết bài hướng dẫn này dựa trên hai trong sáu nguyên tắc đạo đức hành nghề mà các chuyên viên hành nghề trong lĩnh vực hướng nghiệp cần tuân theo, đó là tự chủ và sinh lợi. Nói cách khác, chúng tôi hướng đến việc tạo điều kiện cho các học sinh kiểm soát chính đời mình và các học sinh sẽ gia tăng sức khỏe tinh thần và sự an lạc sau khi thực hiện các bước trong bài viết này.

Nói cụ thể hơn, điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ không cho các bạn câu trả lời cho những trăn trở về hướng nghiệp. Thay vào đó, chúng tôi trao cho các bạn những kiến thức khoa học và các công cụ thiết thực. Chúng tôi cũng đề nghị các bạn đừng mong ai cho mình câu trả lời. Các bạn hãy tự tìm ra câu trả lời bằng cách sử dụng các công cụ hay hướng dẫn trong bài viết này. Chúng tôi rất tự tin để đoan chắc rằng khi các bạn làm hết các bước dưới đây một cách nghiêm túc, các bạn sẽ tìm ra được một câu trả lời cho bản thân có thể không hoàn toàn phù hợp 100% như mong muốn, nhưng tối thiểu các bạn sẽ có một câu trả lời tốt hơn rất nhiều so với việc nhắm mắt nghe theo lời khuyên ai đó để điền đại vào hồ sơ.

Lời nhắc cuối cùng là các bạn cứ tìm hiểu kỹ, đồng thời đừng để việc quá nhiều thông tin làm các bạn bị loạn, rồi không quyết định được. Hãy nhớ rằng các bạn là người phải sống với quyết định của mình mỗi ngày. Các bạn là người sẽ học ngành mình chọn, tới trường mình chọn, do đó, hãy đọc thật kỹ bài viết của chúng tôi, làm theo từng bước, và quyết định với sự rõ ràng, có mục tiêu. Hãy nhớ chia sẻ và thảo luận với ba mẹ suốt quá trình làm bài, không phải để chiều theo ý ba mẹ cho khoẻ, mà để ba mẹ hiểu quá trình quyết định của các bạn. Và nếu như chọn lựa không được 100% như ý muốn thì cũng không sao cả các bạn nhé vì hướng nghiệp là một cuộc hành trình mà rất nhiều lúc các bạn phải học từ sai lầm và học qua trải nghiệm thực tiễn thì mới biết được mình nên chọn làm gì tiếp theo. Hãy làm thật tốt những việc các bạn có thể làm ở thời điểm hiện tại, và tương lai sẽ ổn thôi các bạn nhé.

Bài viết này chia làm 4 bước:
Bước I: Tìm hiểu bản thân
Bước II: Tìm hiểu thị trường lao động [việc làm]
Bước III: Tìm hiểu thị trường đào tạo [tìm hiểu về ngành học và cơ sở đào tạo sau THPT]
Bước IV: Hướng đi sau THPT và cách thức điền nguyện vọng trong hồ sơ thi Tốt nghiệp THPT

Riêng ở bước I, chúng tôi sẽ để 2 phiên bản:

  • Phiên bản 1: phiên bản mì ăn liền dành cho các bạn có ít thời gian, cần quyết định ngay và luôn. Tuy nhiên chúng tôi vẫn khuyến khích dù dùng phiên bản này, các bạn cũng cần một khoảng thời gian ít nhất là 5 giờ làm việc nghiêm túc cho cả 4 bước.
  • Phiên bản 2: phiên bản đầy đủ hơn dành cho các bạn có nhiều thời gian hơn,từ 1 tháng, tương đương 10 giờ làm việc nghiêm túc trở lên.

Để hỗ trợ các bạn hiệu quả hơn, chúng tôi làm sẵn biểu mẫu [bit.ly/tuhuongnghiepHScap3]. Các bạn có thể tạo bản sao [make a copy] hoặc in ra, và dùng biểu mẫu để ghi lại các kết quả chính ở mỗi bước nhé.

Bước I: Tìm hiểu bản thân

Mở đầu

Ở bước này, chúng tôi lại chia thành 3 phần nhỏ:

  1. Sở thích nghề nghiệp
  2. Học lực
  3. Các yếu tố gia đình, kinh tế, xã hội

Có thể sẽ nhiều khó khăn nếu lần đầu tiên bạn làm bước này, nhưng chúng tôi tin rằng, bước này là bước quan trọng nhất, cũng như cần đầu tư nhất [cả về công sức lẫn thời gian]; và bước này không chỉ có giá trị trong việc chọn ngành chọn trường mà còn cho sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

A. Sở thích nghề nghiệp

Đầu tiên các bạn phải hiểu mình có những đặc điểm về sở thích nghề nghiệp nào. Khi hiểu những đặc điểm này, các bạn sẽ dễ dàng nối chúng vào một ngành đào tạo ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, hay chương trình dạy nghề phù hợp.

Phiên bản 1:

  1. Các bạn xem video giới thiệu Lý thuyết Mật mã Holland tại đường link sau: //youtu.be/9-p0CsZYGuM[chỉ hơn 10 phút thôi nên chúng tôi tin các bạn sẽ có đủ kiên nhẫn để xem].
    Sau đó các bạn tự đánh giá và trả lời các câu hỏi sau:
    • Trong 06 nhóm sở thích Holland, bạn phù hợp nhất với 2 nhóm nào?
    • Các lý do vì sao bạn chọn 2 nhóm sở thích đó?
  2. Nếu chưa yên tâm, các bạn có thể làm thêm một bài trắc nghiệm trên trang của Hướng nghiệp Sông An, nơi cô Phoenix đang công tác.
    Đường link://tracnghiem.huongnghiepsongan.com/
    Các bạn có thể làm trực tuyến, và nhận báo cáo ngay sau khi hoàn tất.
    Lưu ý: bài trắc nghiệm này chỉ dùng để THAM KHẢO và giúp các bạn XÁC NHẬN LẠI nhóm sở thích đã chọn ở trên.

Phiên bản 2:

  1. Các bạn xem video giới thiệu Lý thuyết Mật mã Holland tại đường link sau: //youtu.be/9-p0CsZYGuM. Chỉ hơn 10 phút thôi nên chúng tôi tin các bạn sẽ có đủ kiên nhẫn để xem.
  2. Các bạn hãy liệt kê 06 nhóm sở thích theo Holland và ghi lại các đặc điểm của 06 nhóm này. các bạn có thể đọc thêm các bài viết về 06 nhóm Holland tại
    //huongnghiepsongan.com/hieu-minh/
  3. Tại mỗi nhóm, các bạn nhớ lại xem từ nhỏ đến giờ, mình thích/có khả năng/mong muốn làm những điều gì phù hợp với nhóm đó. Cố gắng liệt kê càng nhiều càng tốt!
  4. Các bạn nhìn lại những điều mình ghi chép và sắp xếp lại theo thứ tự từ nhóm mình phù hợp nhất đến nhóm mình không phù hợp nhất [1 phù hợp nhất, 6 không phù hợp nhất].
  5. Nếu chưa yên tâm, các bạn có thể làm thêm một bài trắc nghiệm trên trang của Hướng nghiệp Sông An, nơi cô Phoenix đang công tác.
    Đường link://tracnghiem.huongnghiepsongan.com/
    Các bạn có thể làm trực tuyến, và nhận báo cáo ngay sau khi hoàn tất.
    Lưu ý: bài trắc nghiệm này chỉ dùng để THAM KHẢO và giúp các bạn XÁC NHẬN LẠI nhóm sở thích đã chọn ở trên.
  6. Cuối cùng, các bạn chọn 2-3 nhóm Holland phù hợp nhất với bản thân để làm nền tảng cho các bước tiếp theo. Nếu kết quả bài trắc nghiệm không giống lắm so với điều các bạn làm ở mục số [4] thì bạn sẽ tự quyết định 2-3 nhóm phù hợp cho mình dựa trên việc tự đánh giá bản thân.
B. Học lực

Các bạn học trường điểm hay trường thường, thuộc loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, hay yếu? Phải biết rõ mình đang ở mức nào. Đây không phải là lúc xấu hổ. Học yếu chẳng có gì xấu hổ cả. Nhưng học yếu mà cứ giấu đi, không đối diện với bản thân, rồi chọn đại một trường có tên tuổi thi cho oai thì sẽ tốn tiền và thời gian của mình, cha mẹ, và xã hội. Hệ thống giáo dục các bạn đang học không khuyến khích những môn sáng tạo như nhạc, họa hay môn kỹ thuật như thể thao, sửa chữa, hoặc các môn kinh tế như Marketing, kế toán, do đó bạn học yếu văn hoá không có nghĩa là bạn không có khả năng gì cả. Vậy, hãy tự đối diện với mình xem trình độ học của mình tới đâu. Đây là điểm quan trọng trong việc chọn ngành chọn trường.

Phiên bản 1:

  1. Điểm trung bình 2 học kỳ gần nhất của các bạn là bao nhiêu?
  2. Các bạn có bao nhiêu % chắc chắn về việc đậu tốt nghiệp THPT? Điều này sẽ cho các bạn biết nên đặt mục tiêu đại học/cao đẳng/trung cấp/học nghề ở các bước sau.
  3. Bốn hoặc năm môn học mà các bạn tự tin nhất là gì [bao gồm các môn học chính khóa ở trường phổ thông và cả các môn năng khiếu như lập trình, thể thao, vẽ, thanh nhạc, nhạc cụ, diễn xuất; các chứng chỉ anh văn IELTS hay TOEFL]. Các môn này có thể tổ hợp thành các khối thi nào?

    Phiên bản 2:
    [bước 1, 2, 3 làm giống phiên bản 1]
  4. Tìm nguồn tham khảo từ các anh chị khóa trước trong trường [tốt nhất là 3 năm gần nhất]. Hãy đặt câu hỏi cho các anh chị:
  • Năm thi đại học của anh/chị?
  • Năm đó điểm thi quốc gia 06 môn của anh/chị là bao nhiêu cho mỗi môn? Anh/Chị chọn môn nào để xét tuyển đại học?
  • Điểm trung bình năm 12 các môn xét tuyển thi đại học của anh/chị là bao nhiêu?
  • Tùy mỗi năm đề thi sẽ dễ hoặc khó, các bạn nên tìm hiểu 2-3 năm, tính trung bình, các bạn sẽ biết được điểm lệch giữa việc học trong trường và việc thi quốc gia của trường các bạn, từ đó dự đoán cho trình độ của các bạn.
C. Các yếu tố gia đình, kinh tế, xã hội

Riêng phần này chúng tôi sẽ không chia phiên bản 1 hay 2, chúng tôi nghĩ rằng mỗi học sinh sẽ có điều kiện gia đình, môi trường sống, phong cách sống khác nhau. Các bạn nên ngồi xuống với cha mẹ hoặc người giám hộ của mình để nói chuyện với nhau và trả lời được những câu hỏi rất quan trọng sau:

  • Gia đình các bạn có cho các bạn quyền quyết định hay không?
  • Ai ảnh hưởng các bạn nhất trong nhà?
  • Kinh tế gia đình các bạn cho phép các bạn học tới đâu, ở nơi nào? [hoặc cụ thể hơn là các bạn được phép tìm trường với học phí bao nhiêu 1 học kỳ? Sinh hoạt phí 1 tháng thế nào? Có được học ở tỉnh/thành khác không? Các phương án để giải quyết việc học xa nhà là gì? Phương tiện di chuyển là gì? [Nếu bạn học trong cùng tỉnh, thành, nhưng trường cách nhà gần 20 km, lúc đó đi xe bus bao nhiêu phút tới trường, hay di chuyển bằng phương tiện gì?]
    Các bạn phải rõ những điều này để đưa ra quyết định phù hợp.

Đôi khi ngành các bạn chọn chỉ là ngành phù hợp với bản thân các bạn thứ 2 hay thứ 3 mà thôi [theo hai tiêu chí thích và giỏi], nhưng vì cha mẹ các bạn muốn các bạn theo, nên khi chọn nó các bạn sẽ dễ chịu hơn [gia đình yên tĩnh, bình an không áp lực mỗi ngày phải đối diện với sự lo lắng của cha mẹ].

Vậy thì các bạn sẽ làm gì với chọn lựa 1 của các bạn? Hoàn toàn bỏ nó chăng? Thật ra, không học được cái mình phù hợp [thích và giỏi] nhất cũng không hẳn là hết hy vọng, vì trong lúc ở trung cấp/cao đẳng/đại học, ngoài giờ học các bạn có thể tham gia các hoạt động ngoài giờ, từ thiện, làm thêm, câu lạc bộ, v.v để theo đuổi thứ mình thích. Như vậy các bạn sẽ tăng thêm kỹ năng, kiến thức, và cũng tạo thêm nhiều mối quan hệ cho cơ hội việc làm sau này.

Vì vậy, nếu phải quyết định theo chọn lựa 2, thì các bạn đừng bỏ quên chọn lựa 1 hoàn toàn, mà hãy trải nghiệm và học hỏi thêm về nó trong những hoạt động thiện nguyện, ngoài giờ, các bạn nhé.

Bước II: Tìm hiểu thị trường lao động

Mở đầu

Vừa rồi là bước tìm hiểu bản thân để giúp các bạn xác nhận sở thích, học lực, cùng những yếu tố gia đình, kinh tế, xã hội có ảnh hưởng đến bản thân.

Tiếp theo đây là hướng dẫn để giúp các bạn tìm hiểu thị trường lao động. Phần này bao gồm hai nội dung chính. Nội dung đầu đi sâu vào Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể xác định tên của ba đến năm nhóm ngành nghề phù hợp nhất với bản thân ở thời điểm hiện tại. Nội dung sau hướng dẫn chi tiết cách tìm hiểu ruột của một số nghề cụ thể. Chúng tôi dám đảm bảo rằng khi các bạn nghiêm túc hoàn tất hai nội dung này, các bạn sẽ tự tin hơn nhiều trong hành trình hướng nghiệp không những ở giai đoạn cấp 3 mà còn cho cả hành trình phát triển nghề nghiệp cả đời còn lại.

Hãy đầu tư thời gian và chất xám vào nhiệm vụ này cho những bước chân vững vàng vào đời, các bạn nhé.

A. Bản đồ thế giới nghề nghiệp

A. Bản đồ thế giới nghề nghiệp
Theo nghiên cứu của Lý thuyết Mật mã Holland và của công ty ACT [công ty chuyên làm các bài kiểm tra đầu vào đại học tại Hoa Kỳ] thì có sự tương quan rất chặt chẽ giữa sáu nhóm sở thích Holland với sáu khối ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp. Khi các bạn xác định được hai nhóm sở thích Holland cao nhất của mình, các bạn cũng sẽ xác định được hai khối ngành nghề có thể phù hợp với bản thân.

  1. Quay lại kết quả của bước I với hai nhóm sở thích Holland cao nhất của bản thân.
  2. Xem video giới thiệu tổng quan về Bản đồ thế giới nghề nghiệp ở đây //youtu.be/VQLPwhd1smo.Những tài liệu tham khảo bên dưới rất hữu dụng cho ai muốn hiểu sâu hơn về Bản đồ Thế giới nghề nghiệp:
    • Một là Danh mục ngành nghề tiếng Việt //bit.ly/danhmuc26nhomnganhnghe
    • Hai là Danh mục ngành nghề tiếng Anh ở trang 13 và 14 trong bài báo cáo tại //bit.ly/danhmuc26nhomnganhngheEnglish
    • Cuối cùng, đội chuyên môn của Sông An đã viết một bài về cách tra cứu nghề dựa trên tổ hợp 2-3 nhóm Holland cao nhất tại//bit.ly/cachtracuunghe
  3. Sau đó, xem video hai khối ngành tương ứng với hai nhóm sở thích Holland cao nhất của bản thân.
    • Nhóm Holland Quản lý Khối ngành Quản trị & bán hàng: //youtu.be/0zHpxxH2meg
    • Nhóm Holland Nghiệp vụ Khối ngành Vận hành kinh doanh: //youtu.be/PyNkgGx5BF0
    • Nhóm Holland Kỹ thuật Khối ngành Thuộc Kỹ thuật: //youtu.be/d8ZN1pYt_UE
    • Nhóm Holland Nghiên cứu Khối ngành Khoa học & Công nghệ: //youtu.be/VDtpoTVVtHU
    • Nhóm Holland Nghệ thuật Khối ngành Nghệ thuật: //youtu.be/vpXdxzqGgGM
    • Nhóm Holland Xã hội Khối ngành Dịch vụ Xã hội: //youtu.be/wElvAL4wqfA

Khi hoàn tất các hướng dẫn trên cũng là lúc các bạn tìm ra tên của ba đến năm nhóm ngành nghề phù hợp nhất với bản thân [ví dụ như nhóm ngành Marketing & Bán hàng, nhóm ngành Công nghệ Y học, nhóm ngành Nghệ thuật Ứng dụng Thị giác]. Hoặc may mắn hơn, bạn có thể đã tìm ra hai đến ba tên nghề cụ thể mà mình quan tâm.

Trong mục B kế tiếp chúng tôi sẽ hướng dẫn để các bạn tìm hiểu ruột của một số nghề cụ thể, nhờ đó các bạn có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm để xác nhận ba đến năm nghề mà ở thời điểm hiện tại các bạn thấy thích hợp với mình nhất [ví dụ như Nhân viên Du lịch & Lữ hành, Kỹ thuật viên X-quang, Nhà thiết kế trình bày, sắp xếp hàng mẫu].

B. Tìm hiểu 'ruột' nghề

Ghi xuống biểu mẫu ba đến năm nhóm ngành nghề có được sau khi hoàn thành các bước trong mục A. Vì tên nghề chưa phản ánh đầy đủ công việc trong thực tế nên việc tìm hiểu chi tiết hơn về tính chất bên trong của công việc [nói nôm na là ruột nghề] sẽ giúp các bạn xác định được liệu nghề đó có phù hợp với bản thân không.

Thông thường việc tìm hiểu cụ thể ruột nghề có thể thực hiện bằng ba cách như sau:

  • Tìm hiểu qua kênh thông tin
  • Tìm hiểu qua con người
  • Tìm hiểu qua trải nghiệm bản thân

Hướng dẫn thực hiện ba cách tìm hiểu nghề trên đã được ghi chi tiết tạibit.ly/timhieunghe.

Phiên bản 1:

Với các bạn không có nhiều thời gian thì nên tập trung vào 2 cách đầu tiên.

  • Ở cách 1 bạn cố gắng tìm hiểu được 2 nghề từ các kênh thông tin gợi ý và điền thông tin vào bảng với phần mô tả công việc và yêu cầu công việc càng cụ thể càng tốt bạn nhé.
  • Ở cách 2 bạn có thể truy cập vào thư viện Người thật Việc thật của Sông An và đọc chia sẻ câu chuyện nghề mà mình quan tâm.

Phiên bản 2:

Với các bạn còn nhiều thời gian thì hãy chú ý điều này. Bước tìm hiểu ruột nghề là bước cần các bạn kiên trì và nhẫn nại. Vì cần nhiều thời gian và công sức nên các bạn không cần phải gấp gáp trong bước này. Thay vào đó, các bạn hãy chia đều nhiệm vụ ra để thực hiện [ví dụ như mỗi tuần dành ra hai giờ vào chiều Chủ Nhật cho nhiệm vụ này]. Hãy xem đây là một dự án cho lợi ích tương lai, và hãy tìm hiểu ngành nghề với sự tò mò nghiêm túc dành cho hành trình phát triển cả đời của mình.

Bước III: Tìm hiểu thị trường đào tạo [tìm hiểu về ngành học và cơ sở đào tạo sau THPT]

Mở đầu

Các bạn thân mến, năm nào cũng vậy, chúng tôi nhận được những câu hỏi xoay quay nội dung tìm hiểu thị trường đào tạo như:

  • Thầy/cô ơi, em nên học ngành gì?
  • Thầy/cô ơi, em nên học ngành em thích hay ngành em giỏi?
  • Thầy/cô ơi, ba mẹ khuyên em nên học ngành này, mà sao em thấy lo lo, lỡ như sai thì sao?

Đấy chỉ là ba trong rất nhiều câu hỏi về ngành học và cơ sở đào tạo, mà chúng tôi nhận được từ các bạn học sinh cấp 3. Và đây là những câu hỏi không hề dễ để trả lời.

Chúng tôi cần nhấn mạnh là các bạn chỉ có thể tìm ra ngành học phù hợp sau khi nghiêm túc hoàn thành bước hiểu mình và bước tìm hiểu thị trường lao động ở trên. Lý do bao gồm:

  • Nếu chưa hiểu rõ bản thân, các bạn rất dễ chọn ngành học theo định hướng của người xung quanh [bạn bè, gia đình, truyền thông, mạng xã hội, ] mà không dựa trên nền tảng khoa học.
  • Nếu chưa hiểu rõ thị trường lao động, các bạn dễ bị bối rối và lạc lối giữa muôn ngàn chọn lựa nghề nghiệp và kết quả là chọn đại vì quá nhức đầu.

Lời nhắn nhủ chúng tôi dành cho các bạn trong phần này là:

  • Đừng sợ, đừng nản, hít thở sâu cho tâm thái nhẹ nhàng và kiên nhẫn trong lúc thực hiện bước III này.
  • Bám vào những từ khóa có được từ bước I [Hiểu mình] và bước II [Hiểu thị trường lao động].
  • Chấp nhận rằng các bạn có thể sẽ không tìm được câu trả lời tuyệt đối trong việc chọn ngành. Nói cách khác, sẽ không có một ngành học nào đó phù hợp với các bạn 100%.
  • Đừng chờ mong có sự trùng khớp 100% giữa tên ngành học với tên nghề. Các nước phát triển hiện đang có một xu hướng về giáo dục dựa trên năng lực [bao gồm thái độ, kỹ năng và kiến thức]. Đây được xem là tương lai của thị trường lao động và thị trường đào tạo khi mà ở đó người học/người lao động sẽ được đào tạo và đánh giá liên tục dựa trên năng lực hành nghề của họ. Và đặc biệt khi các bạn chú tâm phát triển nhóm năng lực nền tảng được yêu cầu ở hầu hết các ngành nghề từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp tăng sự linh hoạt trong việc lựa chọn các cơ hội nghề nghiệp phù hợp.
  • Xem việc học là một dự án dài suốt cuộc đời làm việc của mình mà trong đó giai đoạn này chỉ là chặng đường đầu tiên mà thôi. Cứ nghiêm túc làm hết sức trong giai đoạn này, các bạn sẽ ổn.
  • Những lúc muốn bỏ cuộc, hãy nhớ rằng sự đầu tư thời gian và công sức bây giờ của các bạn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích và bớt đi rất nhiều sự nuối tiếc trong tương lai.

Giờ thì mình bắt đầu nghen.

A. Tìm hiểu ngành học
  1. Trích xuất từ khóa quan trọng

Vào bảng đầu tiên trong bước III tại biểu mẫubit.ly/tuhuongnghiepHScap3, ở cột bên trái, các bạn ghi xuống tất cả những từ khóa liên quan đến:

  • Hai nhóm Holland cao nhất của bản thân từ bước I [ví dụ với nhóm Kỹ thuật và Nghệ thuật, các từ khóa có thể là: thích sử dụng máy tính, thích màu sắc, có thể vẽ, có thể sửa máy tính, ]
  • Tên của ba đến năm nhóm ngành nghề từ bước II A [ví dụ như với nhóm ngành Nghệ thuật Ứng dụng Thị giác, các từ khóa có thể là thiết kế, chụp hình, quay phim, ]
  • Ruột của một số nghề từ bước II B [ví dụ như với nghề Nhà thiết kế trình bày, sắp xếp hàng mẫu, các từ khóa có thể là làm việc trong khu bán quần áo, có thẩm mỹ tốt, có khả năng cảm nhận không gian ba chiều, thích mua sắm, ]
  1. Nối từ khóa từ phần 1 đến các ngành học liên quan
  • Sử dụng Sách Tra Cứu Nghề ILO
    • Vào bit.ly/tracuungheILO2020 để tải sách tra cứu nghề này về.
    • Vào phần Mục lục của sách với 199 tên nghề, tìm các tên nghề nào có những từ khóa tương tự với các từ khóa từ mục A ở trên [hoặc gõ từ khóa của tên nghề bạn quan tâm vào ô tìm kiếm trong file PDF]. Sau đó, các bạn ghi những tên nghề ấy xuống cột bên phải của bảng thứ nhất. Không cần giới hạn số tên nghề, ở đây các bạn thích ghi bao nhiêu thì ghi bấy nhiêu.
    • Tuần tự từng tên nghề một, các bạn tìm số trang ở mục lục để xem nội dung của tên nghề. Trong mỗi trang có sáu mục thông tin Mô tả nghề, Năng lực thiết yếu, Năng lực bổ sung, Học vấn tối thiểu, Con đường học tập, Lĩnh vực chuyên sâu.
    • Sau khi xem hết các tên nghề, các bạn chọn ra ba nghề nào các bạn tự đánh giá là phù hợp với mình trong giai đoạn hiện tại nhất dựa trên hai tiêu chí, tôi thích và có khả năng để học 3 đến 4 năm và gia đình tôi đồng ý với chọn lựa này của tôi.
    • Các bạn nhìn kỹ một lần nữa cột Con đường học tập trong sách tra cứu nghề ILO và ghi xuống những chuyên ngành tương ứng với ba nghề đã chọn vào cột bên phải của bảng trong biểu mẫu.
  • Sử dụng trang Thông Tin Tuyển Sinh
    • Sao chép phần từ khóa ở cột bên trái của bảng đầu tiên xuống bảng tiếp theo.
    • Sau đó, các bạn vào trang //www.thongtintuyensinh.vn/
    • Vào phần các ngành đào tạo ở bậc đại học: bit.ly/daotaodaihoc
    • Kéo chuột xuống để đọc hết các ngành đào tạo trong danh sách. Sau đó, tìm các tên ngành nào có những từ khóa tương tự với các từ khóa từ mục A ở trên. Sau đó, các bạn ghi những tên ngành ấy xuống cột bên phải của bảng thứ hai. Không cần giới hạn số tên ngành, ở đây các bạn thích ghi bao nhiêu thì ghi bấy nhiêu.
    • Tuần tự từng tên ngành một, các bạn bấm vào đường dẫn để xem nội dung của ngành. Trong mỗi trang có hai mục thông tin chính là Mục tiêu đào tạo và Chương trình đào tạo.
    • Sau khi xem hết các tên ngành, các bạn chọn ra ba ngành nào các bạn tự đánh giá là phù hợp với mình trong giai đoạn hiện tại nhất dựa trên hai tiêu chí, tôi thích và có khả năng để học 3 đến 4 năm và gia đình tôi đồng ý với chọn lựa này của tôi.Các bạn ghi ba ngành này xuống biểu mẫu.
  • Cuối cùng, khi nhìn vào kết quả các ngành học theo hai cách trên, các bạn hãy chọn ra ba ngành học mà bạn thấy phù hợp nhất để tiếp tục tìm hiểu về trường đào tạo ở bước kế tiếp và ghi xuống biểu mẫu.
  • Lưu ý:
    • Tuy Sách tra cứu nghề ILO chỉ có 199 tên nghề, số lượng nghề ấy vẫn khá đầy đủ cho các bạn trong bước tìm hiểu ngành đào tạo.
    • Dù các bạn sẽ nhìn vào danh sách ngành đào tạo bậc đại học, các bạn hoàn toàn có thể tự tìm hiểu danh sách ngành đào tạo bậc cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo cách tương tự.
    • Chúng tôi không nhận bất cứ đãi ngộ nào khi cung cấp hai kênh thông tin trên cho các bạn. Chúng tôi chọn hai kênh thông tin này vì chúng tôi đánh giá chất lượng thông tin của họ.

Trong trường hợp các đường dẫn đến trang web ở trên bị lỗi khi nhấp vào, hãy sao chép đường dẫn và dán vào 1 cửa sổ mới.

B. Tìm hiểu trường [cơ sở hoặc nơi đào tạo]

Sau khi xác định được ba ngành học, các bạn tiến hành tìm hiểu thông tin trường đào tạo như sau:

  • Dùng tên ngành các bạn vừa tìm được ở trên và tìm kiếm trên Internet. Từ khóa tìm kiếm trên Google có thể là: Trường đại học đào tạo ngành. hoặc Trường cao đẳng đào tạo ngành.. hoặc học ngành.ở trường nào tốt? các bạn nên tìm được cho mỗi ngành, ở mỗi bậc học [đại học/cao đẳng/trung cấp] ít nhất 3 trường; tốt nhất nên có trên 5 trường để chọn lựa.
  • Hoàn thành việc tìm hiểu thông tin của các trường bằng các cách sau:
    • Thăm trang web chính thức của trường [tìm bằng Google]; phần quan trọng nhất nên đọc là mục Tuyển sinh.
    • Sử dụng Google hiệu quả [vd: Học phí năm học 2021 của trường.; các bài báo liên quan đến trường; các hoạt động nghiên cứu khoa học, xếp hạng quốc tế rất quan trọng nếu là trường Đại học liên quan đến khoa học kỹ thuật].
    • Nằm vùng trong các trang confession của trường đó [tìm trên facebook: tên trường + confession].
    • Hỏi trực tiếp sinh viên của trường [quen biết trực tiếp, được giới thiệu trong nhóm cựu học sinh trường mình, hỏi trong confession]

Nhớ xem thật kỹ thông tin từng trường các bạn nhé; quan trọng là chất lượng giảng dạy ở đấy cho ngành các bạn đang thích. Lưu ý, các bạn đừng nên chọn một nơi chỉ vì đó là đại học nhé. Có rất nhiều trường cao đẳng hay trung cấp đào tạo chất lượng rất tốt. Có các trường nghề bên ngoài đào tạo nhân viên ra trường được đánh giá cao [ví dụ như Trung tâm Saigon Tourist hay Trung tâm KOTO].

Tương tự vậy, không phải trường đại học nào cũng tốt hơn trường cao đẳng. Cũng không phải trường tốt thì ngành đào tạo nào cũng chất lượng. Có trường chỉ nổi bật 1 hay 2 ngành thôi. Để biết được chất lượng, các bạn chịu khó vào Google để tìm diễn đàn trường ấy, đọc xem sinh viên đang học nói gì về trường.

Ở những diễn đàn confession thường các sinh viên rất thật thà trong việc nêu ra ý kiến tiêu cực của mình vì nặc danh, nên phải cẩn thận là không tin hết các bạn nhé. Đọc để tham khảo thôi vì mạng xã hội thì không đúng 100% đâu. Các bạn đọc các bài báo về trường hay xem phim về trường, nếu được hãy tự đến thăm trường luôn. Cần thật cẩn thận khi tìm hiểu trường, cứ như tìm hiểu bạn bè vậy đó. Bề ngoài hay tên tuổi không nói lên nhiều đâu các bạn; thực lực đôi khi nằm rất sâu bên trong và cần các bạn đi thực tế mới hiểu rõ.

Mối liên hệ giữa nghề và ngành học

Thị trường lao động, nơi một cá nhân tìm được một nghề nghiệp và vị trí công việc, có sự liên hệ chặt chẽ với thị trường đào tạo, nơi một cá nhân tham gia một chương trình học để trau dồi năng lực hành nghề, chuẩn bị cho khả năng tìm được việc làm ưng ý trong tương lai.

Chúng tôi muốn các bạn nhớ những điều rất quan trọng sau đây:

  • Một là không ai có thể đoán trước được trong tương lai ngành nghề nào sẽ được tuyển dụng nhiều [dùng ngôn ngữ bình dân là ngành nào sẽ trở nên hot].
  • Hai là sau khi học một ngành, các bạn có thể đầu quân vào rất nhiều nghề nghiệp và công việc khác nhau. Không có sự bắt buộc rằng khi em học ngành học Kỹ thuật Điện Điện tử, bạn chỉ được làm việc liên quan đến Điện Điện tử. Sự thật là bạn có thể làm ở những lĩnh vực liên quan với Kỹ thuật Điện Điện tử miễn là bạn chứng minh được bạn có những năng lực hành nghề mà phía tuyển dụng cần.
  • Khi chọn ngành, phải chọn ngành KHÔNG SAI, sau đó chọn ngành càng phù hợp với mình ở thời điểm chọn càng tốt. Tiếp đó, khi học thì phải học với một tư duy mở, không đóng khung mình, đồng thời tham gia những hoạt động ngoại khóa để tăng năng lực hành nghề và phát triển mạng lưới chuyên nghiệp của bản thân.
  • Cuối cùng, đây chỉ là một chặng đường ngắn trong hành trình phát triển nghề nghiệp dài cả đời người sắp tới. Do đó, sau khi đã nghiêm túc tìm hiểu dựa trên phương pháp khoa học và ra quyết định dựa trên tiêu chí rõ ràng, hãy cứ bước tới từng bước một và sẵn sàng linh hoạt, ứng đối với sự thay đổi khi chúng ập đến.

Bước IV: Hướng đi sau THPT và cách thức điền nguyện vọng trong hồ sơ thi Tốt nghiệp THPT

A. Quyết định hướng đi sau THPT

Sau các bước tìm hiểu ở phía trên, đây là lúc các bạn cân nhắc và quyết định hướng đi phù hợp cho bản thân sau THPT.

Nếu các bạn tự tin mình học tốt ở đại học:

  • Chọn ngành và chọn trường đại học các bạn ước mơ vào nhất [bỏ qua học lực: có nghĩa là dù bạn học rất yếu, nhưng ước mơ vào trường có yêu cầu rất cao thì vẫn chọn nhé] => trường [1]
  • Chọn ngành và chọn trường đại học các bạn dự đoán mình có khả năng vào [lúc này phải thành thật với bản thân nhé] => trường [2]
  • Chọn các ngành và các trường đại học sao cho dưới mức trường [1] và trên trường [2], theo kinh nghiệm của chúng tôi thì 1, 2 trường là đủ.
  • Chọn các ngành và các trường đại học sao cho dưới mức trường [2], theo kinh nghiệm của chúng tôi thì các bạn nên chọn 2, 3 trường với yêu cầu đầu vào giảm dần nhưng vẫn trên mức Cao đẳng.
    Nếu các bạn chọn ngành sư phạm thì phải chọn tiếp Cao đẳng sư phạm hay Trung cấp sư phạm ở đây luôn.
  • Làm tiếp mục Cao đẳng như một phương án dự phòng.
  • Lưu ý: chỉ sử dụng trang web chính thức của trường hoặc kênh thông tin chính thức của Bộ Giáo Dục để chuẩn bị các thông tin thi Tốt nghiệp.

Nếu bạn không tự tin về khả năng đậu đại học, hoặc những hướng học sâu như trên đại học thì:

  • Chọn ngành và chọn trường đại học các bạn ước mơ vào nhất [bỏ qua học lực] => trường [1]
  • Chọn ngành và chọn 2 trường cao đẳng các bạn mong muốn vào. [Lưu ý: chỉ cần đậu tốt nghiệp, các bạn nộp hồ sơ là sẽ chắc chắn được học cao đẳng.]

Nếu các bạn nghĩ rằng mình có khả năng rớt tốt nghiệp:

  • Chọn ngành và chọn trường cao đẳng [có hệ 9+*] hoặc trung cấp các bạn mong muốn vào.

*Cao đẳng có hệ 9+ có nghĩa là các bạn chỉ cần có bằng tốt nghiệp THCS [cấp 2] dù có rớt tốt nghiệp THPT, các bạn vẫn có thể học trường cao đẳng đó. các bạn có thể hỏi thêm thông tin tuyển sinh tại trường cao đẳng nhé.

Sau khi đã ghi ra hết các phương án, nếu cần thiết, các bạn hãy dành thời gian ngồi lại với gia đình, chia sẻ con đường sắp tới của các bạn, xin cha/mẹ xác nhận là có thể hỗ trợ các bạn, đồng thời an tâm với con đường các bạn lựa chọn sắp tới. Nghe có vẻ nghiêm trọng quá, nhưng chúng tôi đã gặp những trường hợp tâm sự với chúng tôi rằng các bạn đã đậu vào trường đại học mơ ước, nhưng cha mẹ hoàn toàn không đủ khả năng để có thể hỗ trợ các bạn đóng học phí [các bạn cứ TƯỞNG rằng cha mẹ có thể lo được], và các bạn đã phải xuống học cao đẳng trong nước mắt.

B. Tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường [cơ sở hoặc nơi đào tạo]

Từ năm 2019 trở về trước, các trường Đại học có trách nhiệm cập nhật thông tin tuyển sinh chính thức của mình lên trang web của Bộ GDĐT [thituyensinh.vn], đồng thời hướng xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc Gia** là hướng xét tuyển chính [chiếm tỷ trọng 60-90% chỉ tiêu của các trường, đặc biệt là các trường công lập].

**từ năm 2020 được đổi tên thành thi Tốt nghiệp THPT từ giờ chúng tôi sẽ gọi là thi Tốt nghiệp.

Tuy nhiên, năm 2020 có 1 sự thay đổi rất lớn: các trường Đại học có trách nhiệm tự niêm yết thông tin tuyển sinh của mình lên trang web chính thức của trường, còn trên trang thông tin chính thức của Bộ chỉ có thông tin của các hướng xét tuyển bằng điểm thi Tốt nghiệp.

Chúng tôi có tổng hợp danh sách các trường ở khu vực TP. Hồ Chí Minh ở đây: bit.ly/DsTruongTS [chỉ dùng tham khảo, các bạn nên kiểm chứng lại trên trang web chính thức của các trường].

Vì thế, chúng tôi đề xuất các bạn dành ra 1 khoảng thời gian ít nhất là 15 phút để nghiên cứu thật kỹ thông tin tuyển sinh cho mỗi trường các bạn muốn đăng ký xét tuyển.

  • Tìm trang web thông tin tuyển sinh chính thức của trường Đại học Cao đẳng Trung cấp các bạn quan tâm. [Từ khóa: trang web thông tin tuyển sinh chính thức của đại học ,thông tin tuyển sinh 2021 của trường , đề án tuyển sinh 2021 của trường ].
    Một số trường có trang web tuyển sinh riêng, 1 số trường thì nằm trong mục Tuyển sinh hoặc Đào tạo của trang web chính thức.
    Một số trường không lọc thông tin cho các bạn, mà để nguyên Đề án tuyển sinh, các bạn chịu khó đọc phần tuyển sinh trong đề án này.
  • Khi có thông tin tuyển sinh 2021 [1 số trường chưa có thì các bạn có thể dùng thông tin năm 2020 để tham khảo chúng tôi tin rằng sự khác biệt không quá lớn], các bạn nên liệt kê ra tất cả các Phương thức tuyển sinh [phương thức xét tuyển, phương án tuyển sinh]. Hiện nay có các phương án tuyển sinh chính như sau:
    • Xét bằng điểm thi Tốt nghiệp. [các bạn xem phần điền nguyện vọng trong hồ sơ thi tốt nghiệp].
    • Xét bằng điểm thi Đánh Giá Năng lực:
      • Miền Bắc: kỳ thi của ĐHQG Hà Nội và ĐH Bách Khoa Hà Nội.
      • Miền Nam: kỳ thi của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh [xem tại//thinangluc.vnuhcm.edu.vn/dgnl/home.action].
        Hiện chúng tôi biết có khoảng 70 trường xét theo điểm này.
    • Xét kết quả học tập/xét quá trình học tập THPT [thường gọi là xét học bạ]: thường có 2 nhóm:
      • Xét đến hết học kỳ 1 lớp 12 [thường là xét 5 học kỳ: 2 HK lớp 10, 2 HK lớp 11 và HK1 lớp 12; hoặc 3 học kỳ: 2 HK lớp 11 và HK1 lớp 12]. Các bạn có thể photo học bạ + công chứng để chuẩn bị xét từ bây giờ.
      • Xét hết năm 12 [thường là xét năm 12, hoặc 4 học kỳ [lớp 11 + 12]; hoặc 6 học kỳ [3 năm 10-11-12]. Trường hợp này các bạn cần chờ thi học kỳ 2, có điểm tổng kết cả năm học lớp 12 thì mới photo học bạ để xét được.

Các bạn cần theo dõi thông tin: thời hạn nộp hồ sơ, các loại hồ sơ, cách thức nộp hồ sơ, cách thức tính điểm xét tuyển [mỗi trường có cách tính điểm xét tuyển khác nhau] để có thể tăng cơ hội trúng tuyển của mình.

  • Xét bằng các kỳ thi riêng của trường [thi năng khiếu, thi đánh giá riêng]: Các bạn cần lưu ý rất kỹ cách thức và thời hạn nộp đăng ký.
  • Các cách xét tuyển khác [tuyển thẳng].
  • Khi đã có các phương thức xét tuyển của các trường các bạn quan tâm, chúng tôi khuyên các bạn nên TẬN DỤNG TỐI ĐA cơ hội trúng tuyển bằng cách:
    • Đăng ký thi các kỳ thi đánh giá năng lực[phí khoảng 200.000đ]
    • Nộp xét học bạ ở TẤT CẢ CÁC TRƯỜNG phù hợp với tài chính gia đình, có ngành bạn muốn học [dao động từ miễn phí đến khoảng 200.000đ/1 trường/1 lần nộp xét tuyển; hiện chúng tôi chưa thấy có mức phí xét tuyển cao hơn 200.000đ].
    • Nên tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường Cao đẳng Trung cấp [đa số xét học bạ]
C. Điền nguyện vọng trong hồ sơ thi Tốt nghiệp THPT

Hiện giờ chưa có công văn chính thức về kỳ thi THPT Quốc gia 2021.

Chúng tôi dựa trên kỳ thi năm 2020 để giúp các bạn chuẩn bị trước, vì chúng tôi đã gặp rất rất nhiều tình trạng đặt nguyện vọng sai 1 ly, đi 1 dặm để rồi có kết quả rớt đại học rất đau đớn.

Một số đề xuất của chúng tôi như sau:

  1. Nếu các bạn CHẮC CHẮN 120% sẽ không học đại học, thì hãy bỏ trống khu vực điền nguyện vọng. Nếu vẫn có 1 tia do dự, hoặc thậm chí trường đại học các bạn muốn vào không dùng kết quả THPT Quốc gia thì cũng đừng tiếc 30.000đ [mức phí 2020] để đăng ký 1 nguyện vọng [NV] bất kỳ, trường nào cũng được, ngành nào cũng được. Với 1 NV này các bạn sẽ có thêm cơ hội để chỉnh sửa sau khi biết điểm thi. Nếu không có NV này, dù các bạn thi được điểm cao thế nào đi nữa cũng không thể điều chỉnh NV.
  2. Các bạn mơ ước học ở đâu, ngành nào nhất thì bắt buộc phải để trường ngành mơ ước đó ở NV số 1.
  3. Các NV tiếp theo điểm chuẩn nên giảm dần [thường cách nhau khoảng 1-1,5 điểm].
  4. Nếu gặp trường hợp phân vân giữa 2 trường, không biết để trường nào lên NV trên thì hãy tự hỏi mình: Nếu tôi đậu cả 2 trường, tôi muốn học ở đâu hơn?
    Câu trả lời sẽ là trường các bạn đặt ở NV trên, trường kia đặt NV dưới.
  5. Không nên đặt quá 10 NV, tốn tiền mà không có hiệu quả [dù theo nguyên tắc, các bạn có thể đặt bao nhiêu NV cũng được, mỗi NV là 30.000đ chúng tôi hay nói vui 30K cho 1 ước mơ].

Lời kết

Tựu chung lại, các bạn đừng chạy theo học các ngành hot mà nên học ngành nào phù hợp với sở thích và khả năng của bản thân, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Nhu cầu tuyển dụng có thể thay đổi, nghĩa rằng ngành hot có thể thay đổi sau 1, 2 năm, nhưng sở thích và khả năng của ta, nếu ta biết rõ thì sẽ vững vàng. Lúc ấy, dù nhu cầu của thị trường tuyển dụng có đổi, mình vẫn có thể uyển chuyển để đáp ứng với nhu cầu mới sau này với điều kiện ta phải giỏi chuyên môn một ngành nào đó, và ta phải có những năng lực hành nghề [bao gồm thái độ, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng con người, và kiến thức]. Khi ta học một ngành vì người khác muốn ta học, vì ngành đó nổi tiếng, hay vì lý do khác, rất khó để ta học giỏi được trong ngành ấy.

Hướng nghiệp đúng mất nhiều thời gian và sự chuẩn bị. Vậy nên các bạn đọc từng bước và làm theo. Sau đó hãy bàn với gia đình, thầy cô chủ nhiệm, thầy cô phụ trách công tác hướng nghiệp trong trường, các anh chị đi trước.

Chúc các bạn vui và bình an.

Phoenix Ho & Kiều Trí Hoà

Video liên quan

Chủ Đề