Chứng minh gió trên Trái Đất thể hiện rõ quy luật phi địa đới giải thích nguyên nhân

Đáp án

a) Quy luật địa đới – Khái niệm: Quy luật địa đới là sự thay đổi có quy luật của tất cả các thành phần địa lí và cảnh quan địa lí theo vĩ độ (từ Xích đạo đến cực). – Nguyên nhân dẫn đến quy luật địa đới là do: dạng hình cầu của Trái Đất và bức xạ Mặt Trời. + Dạng hình cầu của Trái Đất làm cho góc chiếu của tia sáng mặt trời đến bề mặt đất (góc nhập xạ) thay đổi từ Xích đạo về hai cực, do đó lượng bức xạ mặt trời cũng thay đổi theo. + Bức xạ mặt trời là nguồn gốc và động lực của nhiều hiện tượng và quá trình tự nhiên ở bề mặt đất. Vì thế, sự phân bố theo đới của lượng bức xạ mặt trời đã tạo ra quy luật địa đới của nhiều thành phần và cảnh quan địa lí trên Trái Đất. – Biểu hiện của quy luật: + Sự phân bố các vòng đai nhiệt trên Trái Đất. Từ Bắc cực đến Nam cực có bảy vòng đai nhiệt. • Vòng đai nóng nằm giữa hai đường đẳng nhiệt năm +20 c của hai bán cầu (khoảng giữa hai vĩ tuyến 30°B và 30°N). • Hai vòng đai ôn hòa ở hai bán cầu nằm giữa các đường đẳng nhiệt năm +20°c và đường đẳng nhiệt +10°c của tháng nóng nhất. • Hai vòng đai lạnh ở các vĩ độ cận cực của hai bán cầu, nằm giữa đường đẳng nhiệt +10°c và 0°c của tháng nóng nhất. • Hai vòng đai băng giá vĩnh cửu bao quanh cực, nhiệt độ quanh năm đều dưới 0°c. + Các đai khí áp và các đới gió trên Trái Đất • Trên bề mặt Trái Đất có 7 đai khí áp: đai áp thấp Xích đạo, hai đai áp cao chí tuyến, hai đai áp thấp ôn đới và hai đai áp cao cực. • Các đới gió trên Trái Đất: gió Mậu dịch, gió Tây ôn đới, gió Đông cực. + Các đới khí hậu trên Trái Đất • Khí hậu được hình thành bởi bức xạ mặt trời, hoàn lưu khí quyển và mặt đệm. Song, các nhân tố này đều thể hiện rõ quy luật địa đới, vì thế đã tạo ra các đới khí hậu. • Mỗi bán cầu có các đới khí hậu: cực, cận cực, ôn đới, cận nhiệt đới, nhiệt đới, cận Xích đạo, Xích đạo. – Các nhóm đất và các kiểu thảm thực vật • Từ cực về Xích đạo có các kiểu thảm thực vật: hoang mạc lạnh; đài nguyên; rừng lá kim; rừng lá rộng và rừng hỗn hợp ôn đới; rừng cận nhiệt ẩm; rừng và cây bụi lá cứng cận nhiệt; hoang mạc, bán hoang mạc; thảo nguyên, cây bụi chịu hạn và đồng cỏ núi cao; xavan, cây bụi; rừng nhiệt đới, xích đạo. • Từ cực về Xích đạo có các nhóm đất: băng tuyết; đất đài nguyên; đất pôtdôn; đất nâu, xám rừng lá rộng ôn đới; đất đen, hạt dẻ thảo nguyên, đồng cỏ núi cao; đất đỏ nâu rừng và cây bụi lá cứng; đất đỏ vàng cận nhiệt ẩm; đất xám hoang mạc, bán hoang mạc; đất đỏ, nâu đỏ xavan; đất đỏ vàng (feralit), đất đen nhiệt đới.

b) Quy luật phi địa đới

– Khái niệm: Quy luật phi địa đới là quy luật phân bố không phụ thuộc vào tính chất phân bố theo địa đới của các thành phần địa lí và cảnh quan. – Nguyên nhân tạo nên quy luật phi địa đới là do: nguồn năng lượng bên trong Trái Đất. Nguồn năng lượng này đã tạo ra sự phân chia bề mặt Trái Đất thành lục địa, đại dương và địa hình núi cao. – Biểu hiện của quy luật: + Quy luật đai cao • Khái niệm: Quy luật đai cao là sự thay đổi có quy luật của các thành phần tự nhiên theo độ cao địa hình. • Nguyên nhân tạo nên các đai cao là do sự giảm nhanh nhiệt độ theo độ cao cùng với sự thay đổi về độ ẩm và lượng mưa ở miền núi. • Biểu hiện rõ nhất của quy luật đai cao là sự phân bố của các vành đai đất và thực vật theo độ cao. + Quy luật địa ô • Khái niệm: Quy luật địa ô là sự thay đổi có quy luật của các thành phần tự nhiên và cảnh quan theo kinh độ. • Nguyên nhân tạo nên quy luật địa ô là do sự phân bố đất liền và biển, đại dương làm cho khí hậu ở lục địa bị phân hóa từ đông sang tây, càng vào trung tâm lục địa, tính chất lục địa của khí hậu càng tăng. Ngoài ra còn do ảnh hưởng của các dãy núi chạy theo hướng kinh tuyến.

• Biểu hiện rõ rệt của quy luật địa ô là sự thay đổi các kiểu thảm thực vật theo kinh độ.

Câu 2. Quy luật địa ô và quy luật đai cao giống nhau và khác nhau ở những điểm nào?

Đáp án

– Giống nhau: hai quy luật này đều thuộc quy luật phi địa đới. – Khác nhau: + về nguyên nhân: • Quy luật địa ô: do sự phân bố đất liền và biển, đại dương, làm cho khí hậu ở lục địa bị phân hóa từ đông sang tây: càng vào trung tâm lục địa, tính chất lục địa của khí hậu càng tăng. Ngoài ra còn do ảnh hưởng của các dãy núi chạy theo hướng kinh tuyến. • Quy luật đai cao: do sự giảm nhanh nhiệt độ theo độ cao cùng với sự thay đổi về độ ẩm và lượng mưa ở miền núi. + về sự biểu hiện của quy luật: • Quy luật địa ô: sự thay đổi các kiểu thảm thực vật theo kinh độ. • Quy luật đai cao: sự phân bố của các vành đai đất và thực vật theo độ cao. + về sự phân bố: Quy luật đai cao có ở tất cả các châu lục, quy luật địa ô

chỉ thể hiện rõ ở châu Mĩ và lục địa Ô-xtrây-li-a.

Câu 3. Vì sao không thể nói các vành đai đất theo độ cao ở miền núi là bản sao của các đới đất theo chiều vĩ tuyến?

Đáp án

Các vành đai đất theo độ cao ở miền núi không phải là bản sao của các đới đất theo chiều vĩ tuyến là do: – Sự khác nhau về bản chất: các đới đất do quy luật địa đới tạo nên, còn vành đai đất do quy luật đai cao hình thành. – Sự sắp xếp không gian không hoàn toàn giống nhau. + Các đới đất do sự thay đổi theo vĩ độ. + Các vành đai đất do sự thay đổi theo độ cao địa hình.

– Tính chất tác động của những nhân tố tới sự thành tạo của đất rất khác nhau, do đó đã tạo nên các đặc điểm của vành đai đất không giống với đặc điểm của đới đất (có cùng tên đất).

Câu 4. Quy luật địa đới thể hiện qua mạng lưới sông ngòi trên Trái Đất như thế nào?

Đáp án Chế độ nước của sông ngòi cũng phản ánh tính địa đới thông qua nguồn cung cấp nước ở các vành đai như sau: – Ở vành đai Xích đạo, dòng chảy của sông suối nhiều nước quanh năm, phản ánh đúng chế độ mưa quanh năm ở Xích đạo. – Ở vành đai nhiệt đới có một mùa khô và một mùa mưa, nên sông ngòi ở đây tuy chảy quanh năm nhưng có một mùa ít nước (cạn) và một mùa nước lũ vào mùa hạ. – Ở vành đai ôn đới nóng (cận nhiệt đới) tính chất địa đới phản ánh đầy đủ ở rìa phía tây các lục địa, ví dụ như rìa phía tây lục địa Á – Âu, người ta thấy được bốn kiểu chế độ sông theo nguồn cung cấp nước. – Ở vành đai ôn đới lạnh và cận cực ở rìa Bắc lục địa Á – Âu và Bắc Mĩ, vào mùa đông sông cạn kiệt nước ở các vùng băng giá, mùa hạ có lũ là do băng tuyết tan.

– Ở các vành đai thuộc các vĩ độ cao cận cực, nước hầu như ở thể rắn quanh năm (Bắc cực và Nam cực).

Đáp án

a) Khái niệm – Quy luật địa đới là sự thay đổi có quy luật của tất cả các thành phần địa lí và cảnh quan địa lí theo vĩ độ (từ Xích đạo đến cực). – Quy luật phi địa đới là quy luật phân bố không phụ thuộc vào tính chất phân bố theo địa đới của các thành phần địa lí và cảnh quan. Gồm có quy luật đai cao và quy luật địa ô.

b) Tác động của quy luật này đối với thiên nhiên Việt Nam

* Tác động của quy luật địa đới – Thiên nhiên nước ta có sự phân hóa Bắc – Nam. – Nguyên nhân: do lãnh thổ trải dài trên 15° vĩ tuyến. – Biểu hiện: + Miền Bắc có khí hậu nhiệt đới cận chí tuyến, có mùa đông lạnh. Thực vật có các loài cây chịu lạnh như chè, cây dược liệu, cây ăn quả, rau vụ đông,… + Miền Nam khí hậu nhiệt đới cận Xích đạo nóng quanh năm. Thực vật cây nhiệt đới: cà phê, cao su, dừa,… * Tác động của quy luật phi địa đới – Thiên nhiên nước ta có sự phân hóa theo độ cao: + Miền Bắc, độ cao dưới 600-700m, miền Nam 900-l,000m có khí hậu nhiệt đới gió mùa. + Từ 600-700m ở miền Bắc và 900-l,000m ở miền Nam lên đến độ cao 2600m là đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi. + Từ 2,600m trở lên là đai ôn đới gió mùa trên núi. – Quy luật địa ô (sự phân hóa theo Đông – Tây): + Từ Đông sang Tây, thiên nhiên nước ta có sự phân hóa thành 3 dải rõ rệt: vùng biển và thềm lục địa, vùng đồng bằng ven biển, vùng đồi núi. + Vùng đồi núi có sự khác biệt về thiên nhiên vùng Tây Bắc so với vùng Đông Bắc (về các mặt địa hình và khí hậu,…). + Có sự khác biệt tự nhiên giữa sườn Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. • Khi Đông Trường Sơn mưa muộn vào thu đông (tháng 9 —> 12) thì Tây Trường Sơn lại là mùa khô.

• Khi Tây Trường Sơn vào mùa mưa (tháng 5 —> 10) thì Đông Trường Sơn lại là mùa khô; nhiều nơi chịu tác động của gió Phơn khô nóng.

Câu 6. Sự không đối xứng của các vành đai (sự khác nhau về độ cao của các vành đai cùng tên ở các sườn đối lập) do những nguyên nhân chủ yếu nào chi phối?

Đáp án

– Thứ nhất, hướng phơi của sườn núi: hiện tượng này xảy ra phổ biến ở miền ngoại chí tuyến với 2 sườn núi phía nam và phía bắc rất khác nhau. Nguyên nhân là do sườn núi hướng về Xích đạo thường xuyên nhận được ánh sáng mặt trời, còn sườn núi hướng về hai cực thường xuyên trong bóng râm.
– Thứ hai là sự khác nhau về hướng đón gió: sườn đón gió sẽ nhận được nhiều hơi ẩm, sườn khuất gió sẽ khô khan. Ví dụ: ngọn Kilimanjaro nằm ở khu vực Xích đạo nhưng các vành đai giữa sườn Đông Bắc và sườn Tây Nam đều có sự khác biệt về độ cao, cũng như phạm vi rộng hẹp của vành đai ở hai sườn núi.

Câu 7. Người ta chia các đới và các kiểu khí hậu trên Trái Đất như thế nào?

Đáp án

Người ta chia các đới và các kiểu khí hậu trên Trái Đất như sau: ở mỗi bán cầu có 4 đới khí hậu chính, 3 đới khí hậu chuyển tiếp và các kiểu khí hậu. – Bôn đới khí hậu chính: + Đới khí hậu Xích đạo: được phân bố trong khoảng giữa các vĩ độ từ 5°B đến 5°N (ở cả hai bên đường Xích đạo). Đới này có nhiệt độ và độ ẩm quanh năm lớn. Nhiệt độ trung bình các tháng từ 25°c đến 28°c. Lượng mưa hàng năm từ 1,500mm đến 3,000mm. Thời tiết chiếm ưu thế là nóng ẩm, có gió yếu và mưa dông thường xuyên. + Đới khí hậu nhiệt đới: có cả ở hai bán cầu, chiếm một diện tích rộng lớn ở hai bên đường chí tuyến và giáp với đới khí hậu xích đạo. Đặc điểm của đới khí hậu này là có một mùa khô hanh rõ rệt (dài ngắn tùy vị trí từng nơi) và một mùa mưa. Nhiệt độ trung bình nhiều tháng trong năm trên 18°c. Lượng mưa hàng năm từ l,000mm đến l,500mm. Trong đới này có 3 kiểu khí hậu là kiểu khí hậu nhiệt đới ẩm, kiểu khí hậu nhiệt đới khô, kiểu khí hậu hoang mạc. + Đới khí hậu ôn đới: chiếm một diện tích rất lớn ở bán cầu Bắc, nằm giữa các vĩ độ 40°B và 60°B. Ở bán cầu Nam, diện tích đới này không đáng kể (chỉ có một bộ phận nhỏ ở phía nam Nam Mĩ). Nhiệt độ đới này ôn hòa, lượng mưa hàng năm khoảng l,000mm. Trong năm có 4 mùa rõ rệt, gió Tây ôn đới chiếm Ưu thế. Trong đới này, phân thành 3 kiểu khí hậu: ôn đới hải dương bờ Tây các lục địa, ôn đới lục địa và ôn đới bờ Đông các lục địa. + Đới khí hậu cực đới (hay hàn đới): nằm ở vĩ độ khoảng 70° trở lên ở bán cầu Bắc. Ở bán cầu Nam, đới này bao gồm toàn bộ lục địa Nam cực. Khí hậu khắc nghiệt, băng tuyết quanh năm. – Ba đới khí hậu chuyển tiếp: + Đới khí hậu cận xích đạo. + Đới khí hậu cận nhiệt (bao gồm 3 kiểu khí hậu: kiểu khí hậu cận nhiệt địa trung hải; kiểu khí hậu cận nhiệt ẩm ở bờ Đông các lục địa; kiểu khí hậu cận nhiệt lục địa). + Đới khí hậu cận cực.

Ngoài ra, ở hầu hết các đới khí hậu đều có kiểu khí hậu núi cao (trên các vùng núi, cao nguyên cao).

Câu 8. Giữa các vòng đai nhiệt theo vĩ độ và vành đai nhiệt theo độ cao có những khác biệt gì?

Đáp án

– Nhìn bề ngoài, các vành đai nhiệt theo chiều cao có sự thay đổi từ thấp lên cao tương tự như sự thay đổi của các vành đai nhiệt theo vĩ độ từ Xích đạo về hai cực. – Trong sự hình thành các vành đai nhiệt theo vĩ độ cũng như các vành đai nhiệt theo chiều cao, các yếu tố nhiệt đóng vai trò quyết định, nhưng ở hai trường hợp này bản chất của nhiệt khác nhau về nguyên tắc: tính địa đới có cơ sở đầu tiên liên quan tới sự thay đổi góc chiếu của tia bức xạ mặt trời theo vĩ độ; còn nhiệt độ giảm dần theo độ cao là do sự gia tăng nhanh bức xạ sóng dài của bề mặt đất khi lên cao trong điều kiện góc tới không thay đổi, kết quả là nhiệt độ hạ thấp nhanh chóng. – Ở bán cầu Bắc, nếu đi từ Xích đạo về phía cực thì cứ l,300km mới hạ thấp 6°c, nhưng ở miền núi, chỉ cần lên cao l,000m đã thấy có sự hạ nhiệt tương đương. Như vậy, sự hạ nhiệt theo chiều cao ở miền núi có tốc độ nhanh hơn nhiều so với sự thay đổi theo vĩ độ. – Sự biến đổi của các thành phần lớp vỏ địa lí theo vĩ độ và theo chiều cao cũng có sự khác biệt. Ví dụ: Lượng mưa ở miền núi tăng theo chiều cao do ảnh hưởng của địa hình chắn gió. Tuy nhiên, đến độ cao nào đó (thông thường bằng nửa chiều cao của núi) thì lượng mưa lại giảm xuống. Khi lên cao, áp suất giảm, không khí trở nên loãng hơn. – Cường độ chiếu sáng và chế độ chiếu sáng của đai băng tuyết vĩnh cửu trên núi cao ở vùng nhiệt đới khác với vùng cực, biểu hiện ở thời gian chiếu sáng khác nhau trong một ngày và trong các mùa, góc nhập xạ ở hai nơi cũng không giống nhau. – Độ dài ngày và đêm cũng khác nhau. Ớ vĩ độ thấp thì độ dài ngày ít biến đổi giữa mùa đông và mùa hạ, trong khi đó, ở vùng cực có 6 tháng ngày và 6 tháng đêm; ở miền núi thì không như vậy, đêm thường dài hơn ngày.

Một số chuyên mục hay của Địa lý lớp 10: