Chuyên đề phong cách lãnh đạo

Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ năm - 11/01/2018 13:32 Đã xem: 4153 Phản hồi: 0

Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những giá trị đặc trưng của tư tưởng, đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, phong cách Hồ Chí Minh mang đậm tính chất dân tộc và hiện đại, khoa học và cách mạng của một nhân cách lớn, một trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, nhân văn của nhà văn hóa lớn trên thế giới Hồ Chí Minh. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức, thẩm mỹ; là tấm gương sáng cho mọi người, mọi thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo. Những nội dung cơ bản của phong cách Hồ Chí Minh, gồm có: phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sống.

Nội dung chuyên đề năm 2018 thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII được xác định là Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Xây dựng phong cách, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy, cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể và đi đến kết luận: Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì thế, Người rất quan tâm đến xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có xây dựng, rèn luyện phong cách công tác. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng phong cách làm việc, phong cách công tác của người cán bộ, đảng viên cần tập trung thực hiện các nội dung sau: Phong cách dân chủ hay cách làm việc dân chủ; Phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm; Phong cách làm việc khoa học; Phong cách làm việc quần chúng. Trong đó, phong cách dân chủ được xác định là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có.
Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu
Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm tổ chức, lãnh đạo quần chúng, dẫn dắt quần chúng nhân dân đi theo Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi Đảng cầm quyền, đảng viên của Đảng được tín nhiệm và sắp xếp tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị. Trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước, đa số tuyệt đối người đứng đầu là đảng viên của Đảng. Vì vậy, phong cách lãnh đạo, quản lý của người lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò quan trọng trong thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng trong thực tiễn.
Phong cách lãnh đạo, quản lý là tổng hợp những phương pháp, biện pháp, cách thức riêng, tiêu biểu, ổn định mà người lãnh đạo, quản lý sử dụng hàng ngày để thực hiện nhiệm vụ của mình. Phong cách được quy định bởi chức năng, nhiệm vụ, phẩm chất, tri thức, điều kiện chính trị và sinh sống của người lãnh đạo, quản lý. Phong cách lãnh đạo là khái niệm rộng lớn hơn khái niệm phương pháp, cách thức, biện pháp. Phong cách lãnh đạo là cái chung biểu hiện thông qua các phương pháp, cách thức và biện pháp, đồng thời phản ánh các phẩm chất bên trong của con người, phản ánh tư tưởng, đạo đức, phẩm chất, năng lực, tính cách, sở trường của người lãnh đạo, quản lý.
Một số nội dung chủ yếu phong cách lãnh đạo, quản lý cần có của người lãnh đạo, người đứng đầu, gồm: kết hợp giữ vững nguyên tắc với thực hiện các biện pháp quản lý linh hoạt, mềm dẻo; kết hợp tính cách mạng với tính khoa học; kết hợp tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách, thực hiện trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu; thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói với làm; phong cách lãnh đạo xuất phát từ quần chúng, từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng; phải tự mình gương mẫu thực hiện cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; muốn người ta theo mình, phải làm gương trước.
Những nội dung xây dựng phong cách công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nêu trên không nằm ngoài những quy định chung trong phong cách công tác của cán bộ, đảng viên; đồng thời có phạm vi rộng hơn, mức độ cao hơn, thể hiện vai trò, trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo.
Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên cần thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp sau: nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống; về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng phong cách công tác theo tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc và nhóm giải pháp về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy mặt tích cực, đấu tranh với mặt tiêu cực.
Xây dựng phong cách công tác, phong cách lãnh đạo của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có vai trò to lớn trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đó còn là một trong những biện pháp quan trọng để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Đảng và xã hội, một nguy cơ lớn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những giá trị to lớn và quý báu về phong cách công tác, phong cách lãnh đạo. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng phong cách công tác, phong cách lãnh đạo của cán bộ, đảng viên, công chức, người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp theo chủ đề năm 2018 thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII là nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt ở tất cả các ngành, các cấp thuộc hệ thống chính trị, tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.
Ngày 22/12/2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã ban hành Hướng dẫn số 52-HD/BTGTU về việc học tập chuyên đề năm 2018 và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo đó, các tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên học tập, sinh hoạt nội dung chuyên đề năm 2018; đồng thời tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Thời gian hoàn thành học tập nội dung chuyên đề năm 2018 trong quý I/2018; các tháng còn lại trong cả năm tiếp tục tổ chức sinh hoạt để thảo luận, liên hệ kiểm điểm việc làm theo của tập thể, cá nhân đối với nội dung đã học tập. Các cấp uỷ, cơ quan, đơn vị có kế hoạch thực hành làm theo nội dung chuyên đề năm 2018 gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và bám sát tình hình thực tiễn. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên theo chức năng, nhiệm vụ công tác xây dựng bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu năm 2018 thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; trong đó bổ sung nội dung đăng ký làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên./.
Huy Hoàng

Video liên quan

Chủ Đề