Cơ cấu công nghiệp khu vực nhà nước gồm trung ương alabama

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở Hoa Kỳ

Ngày đăng: 11/03/2018 03:17
Mặc định Cỡ chữ
Cơ cấu công nghiệp khu vực nhà nước gồm trung ương alabama
Cơ cấu công nghiệp khu vực nhà nước gồm trung ương alabama

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có hệ thống chính quyền địa phương phức tạp, bao gồm hai loại là chính quyền đặc trách và chính quyền không đặc trách. Các đơn vị cấu thành chính quyền địa phương ở quốc gia này được xếp vào hai trường hợp là khu định chế và khu chưa định chế. Mặc dù có cấu trúc phức tạp, không thống nhất, nhưng chính quyền địa phương ở quốc gia này đều phản ánh ý chí, nguyện vọng của người dân. Thông qua chính quyền địa phương, người dân tự mình quyết định các vấn đề ở địa phương. Ngược lại, chính quyền địa phương thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề ở địa phương theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và chịu trách nhiệm trước người dân địa phương.

1. Phân cấp chính quyền địa phương ở Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là một nhà nước liên bang gồm 50 bang và một đặc khu liên bang, trong đó có 48 tiểu bang lục địa. Theo luật pháp của Hoa Kỳ, các tiểu bang được xem là các quốc gia (thực thể có chủ quyền riêng). Quyền lực của các tiểu bang do người dân trong bang giao phó thông qua bầu cử trực tiếp. Do đó, tổ chức hành chính địa phương được quy định bởi luật pháp của từng tiểu bang và do sự khác biệt trong luật pháp của các tiểu bang nên tổ chức hành chính địa phương của Hoa Kỳ rất phức tạp và đa dạng(1).

Ngoài chính quyền quốc gia (chính quyền liên bang), chính quyền địa phương được chia thành các cấp như tiểu bang, dưới tiểu bang có hạt, dưới hạt có thành phố. Những nơi nào không đủ số dân theo quy định thì không thành lập chính quyền thành phố mà thành lập chính quyền thị xã, chính quyền thị trấn hay chính quyền xã. Thành phố, thị xã và thị trấn hay xã được gọi là ba loại chính quyền đặc trách trực thuộc hạt. Ngoài ra, quốc gia này còn tổ chức chính quyền không đặc trách trực thuộc hạt như đặc khu trường học, các đặc khu chức năng chuyên biệt như đặc khu cứu hỏa, đặc khu cung cấp nước. Các cấp chính quyền không đặc trách có thể trực thuộc thành phố hay hạt tùy thuộc vào quy định của mỗi bang. Có nghĩa là, tùy vào hiến pháp của mỗi bang mà thị xã, thị trấn hay xã trực thuộc hạt hay thành phố. Ngoài ra, trực thuộc chính quyền trung ương còn có các đặc khu khu dành cho người Mỹ bản địa, đặc khu Washington DC.

Chính quyền địa phương ở Hoa Kỳ còn có khu định chế và khu chưa định chế. Khu định chế là khu định cư trở thành thành phố, thị xã, thị trấn hay xã sau khi cộng đồng cư dân trong khu định cư này bỏ phiếu để được tổ chức thành khu được định chế hóa. Đa số các thành phố và thị trấn tại Hoa Kỳ là các khu đô thị được định chế hóa. Khu chưa định chế là khái niệm chỉ một khu vực địa lý ở đó có người dân sinh sống bình thường nhưng họ chưa bỏ phiếu để thành khu định chế. Trái với khu định chế, người dân sống trong khu chưa định chế không được hưởng phúc lợi của một tổ chức đô thị tự quản hay danh xưng chính trị chính thức và không phải đóng thuế cho một chính quyền thành phố, thị xã, thị trấn hay xã. Những vùng đất như thế thường thuộc quyền quản lý của cấp chính quyền cao hơn, có thể là hạt hay tiểu bang. Theo các nhà nghiên cứu, để tiện cho công việc thống kê, Cục điều tra dân số Hoa Kỳ liệt kê các khu định cư chưa định chế này thành các khu gọi là các thị xã khảo sát(2).

Tiểu bang được phân chia thành các hạt nên diện tích của hạt nhỏ hơn tiểu bang và lớn hơn một thành phố hoặc thị xã(3). Hiện nay Hoa Kỳ có 3.034 hạt. Trong hầu hết các hạt ở Hoa Kỳ, một thành phố hoặc thị trấn được đặt làm trụ sở của hạt bao gồm các văn phòng của chính quyền hạt. Đây còn là nơi diễn ra các cuộc họp của Hội đồng quản hạt hoặc Ủy ban giám sát. Một thành phố có thể có lãnh thổ trùng với địa giới một hạt chứa nó, mặc dù cả hai đều có chính quyền riêng biệt(4).

Ở Hoa Kỳ có hiện tượng địa giới hành chính không thống nhất với phạm vi quản lý của cấp chính quyền. Ví dụ, địa giới của một thành phố có thể lấn sang lãnh thổ của một hạt khác như thành phố Dallas-Fort Worth của tiểu bang Texas trải rộng trong 5 hạt, mỗi hạt chứa một phần của thành phố; hoặc một thành phố và hạt chứa nó có thể nhập lại để tạo thành một Hạt - Thành phố hợp nhất được xem như vừa là một thành phố vừa là một hạt dưới luật tiểu bang, ví dụ thành phố Denver của tiểu Colorado và thành phố San Francisco của tiểu bang California.

Tại một số tiểu bang, các hạt được phân chia thành các thị xã. Thị xã ở Hoa Kỳ là một đơn vị hành chính của hạt được áp dụng tại các vùng nông thôn. Một số thị xã có chính quyền và quyền lực chính trị trong khi một số khác chỉ là cách để ấn định một khu vực địa lý.

Những khu đô thị không đủ số dân để thành lập thành phố gọi là thị trấn hay xã. Quy định về thị trấn hay xã của mỗi tiểu bang không thống nhất giữa các tiểu bang. Ví dụ tiểu bang Alabama, các thị trấn được gọi là thành phố, khu đô thị trên 2.000 dân được gọi là thành phố, dưới 2.000 dân gọi là thị trấn(5). Ở tiểu bang Wyoming, thị trấn cũng có thể là thành phố nếu số dân trên 4.000 người. Trường hợp này cũng tương tự như tiểu bang Utah, nhưng yêu cầu về số dân chỉ cần trên 1.000 người.

Ở hai tiểu bang Arizona và California tên gọi giữa thành phố và thị trấn có thể thay thế cho nhau(6). Riêng tại California, tên của thành phố hay thị trấn nào cũng đều phải bắt đầu bằng City of (tên) hay Town of (tên)(7).

Những đơn vị này được trao quyền với tư cách là các thị trấn và làng xã, có chức năng giải quyết những nhu cầu mang tính địa phương, như lát đường và chiếu sáng đường phố; đảm bảo cung cấp nước; cung cấp lực lượng cảnh sát và phương tiện phòng cháy, chữa cháy; thiết lập các quy chế y tế địa phương; bố trí các bãi chứa rác và các chất phế thải khác, hệ thống cống rãnh; thu thuế địa phương để hỗ trợ các hoạt động của chính quyền; hợp tác với bang và hạt trong việc trực tiếp quản lý hệ thống trường học địa phương.

Chính quyền thị trấn, làng xã thường được giao cho một ban hay hội đồng dân cử, với nhiều tên gọi khác nhau: hội đồng thị trấn hay làng xã, hội đồng những người được lựa chọn, hội đồng giám sát viên, hội đồng các ủy viên ủy ban. Hội đồng có thể có chủ tịch hay người đứng đầu có chức năng như một quan chức điều hành chính hoặc là một thị trưởng dân cử. Những người làm việc cho chính quyền có thể bao gồm: thư ký, thủ quỹ, cảnh sát, các nhân viên cứu hỏa, nhân viên phúc lợi và y tế.

Ngang cấp với hạt còn có các đặc khu thuộc tiểu bang, là những thực thể hành chính độc lập không lệ thuộc vào các hạt và có nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ đặc biệt được ủy thác bởi người dân sống trong khu vực quy định. Khu vực quy định thường bao gồm một vùng đất rộng vượt qua ranh giới phân chia các thị trấn, làng nhưng phải nằm bên trong địa giới của một hạt. Các đặc khu được thành lập bởi luật pháp của tiểu bang nhưng cũng có thể là kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý.

Các đặc khu trực thuộc chính quyền trung ương bao gồm thủ đô Washington DC và những khu dành riêng cho người Mỹ bản địa. Hiện có 310 khu dành riêng như vậy trên toàn nước Mỹ. Trong số 310 khu đó có 12 khu với tổng diện tích khoảng 225.410 km2, chiếm 2.3% diện tích quốc gia.

Theo luật liên bang, các bộ tộc người Mỹ là các dân tộc có chủ quyền, nghĩa là quyền pháp lý của họ tồn tại độc lập không lệ thuộc vào quyền pháp lý của chính phủ liên bang và chính quyền tiểu bang. Tuy nhiên, theo định nghĩa về chủ quyền bộ lạc thì họ không thể hoạt động bên ngoài quyền lực của liên bang mặc dù được miễn nhiễm đối với những luật lệ của tiểu bang. Cho đến cuối thế kỷ 19, những thỏa thuận giữa chính phủ Hoa Kỳ và các nhóm bộ tộc người Mỹ chỉ là những hiệp ước. Nhưng những hiệp ước này hiện nay được xem là luật nội địa bất kể tên gọi là gì. Mỗi khu dành riêng này được quản trị bởi một hội đồng bộ tộc do cư dân trong khu bầu ra và luật lệ áp dụng cũng rất khác nhau tùy theo từng bộ tộc. Vì không bị chi phối bởi luật của liên bang và tiểu bang nên nhiều khu dành riêng cho bộ tộc người Mỹ đã lợi dụng kẽ hở này để mở các sòng bạc hấp dẫn du khách và tìm tài nguyên cho việc điều hành bộ tộc.

2. Cấu trúc bộ máy chính quyền địa phương của Hoa Kỳ

2.1 Cấu trúc chính quyền tiểu bang

Tiểu bang là cấp chính quyền địa phương cao nhất, gồm ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quan chức hành pháp cao nhất của tiểu bang gọi là Thống đốc. Chức vụ này do người dân trong tiểu bang bầu chọn trực tiếp. Nhiệm kỳ của Thống đốc thường là bốn năm (một số bang quy định nhiệm kỳ hai năm). Cơ quan lập pháp của tiểu bang là cơ quan lập pháp kép gồm hai viện là Thượng viện và Hạ viện (trừ Nebraska là tiểu bang có một cơ quan lập pháp đơn - Viện Đại biểu hay Đại hội đồng tiểu bang). Trong hầu hết các bang, thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ bốn năm và hạ nghị sĩ có nhiệm kỳ hai năm. Hiến pháp các bang có sự khác nhau ở một số chi tiết nhưng nhìn chung đều theo khuôn mẫu giống như của Hiến pháp liên bang. Tuy nhiên, so với Hiến pháp liên bang, hiến pháp của tiểu bang quy định chi tiết hơn về hoạt động của các doanh nghiệp, ngân hàng, các ngành công ích và các tổ chức từ thiện. Hiến pháp mỗi bang đều quy định quyền tối cao thuộc về nhân dân và thiết lập các tiêu chuẩn, nguyên tắc nhất định làm nền tảng của chính quyền địa phương các cấp(8).

2.2 Cấu trúc chính quyền hạt

Quyền hạn và cơ cấu của chính quyền hạt rất khác nhau ở các tiểu bang. Thông thường, quyền hạn của Hội đồng Quản hạt bao gồm cả ba lĩnh vực: lập pháp (quyền ban hành các sắc lệnh lập quy); hành pháp (quyền giám sát sự thi hành chính sách của chính quyền hạt); tư pháp (một phần quyền tư pháp như trong việc chủ tọa và phán quyết các phiên điều trần của ban thiết kế). Nói chung, Hội đồng Quản hạt chịu trách nhiệm đánh thuế; vay mượn và phân bổ tài chính; ấn định mức lương cho nhân viên của hạt; giám sát các cuộc bầu cử; xây dựng và bảo trì xa lộ và cầu cống, chấp hành pháp luật và quản lý các chương trình phúc lợi cấp hạt, tiểu bang và quốc gia như thư viện, bệnh viện, y tế công cộng, dịch vụ hộ tịch, v.v Riêng về việc chấp hành pháp luật, cảnh sát trưởng của hạt không có quyền kiểm soát các sở cảnh sát của các thành phố tự quản nằm trong hạt mà chỉ có thể hợp tác với các sở cảnh sát này trong việc duy trì an ninh trật tự cho toàn hạt.

Chính quyền hạt của Hoa Kỳ thường được tổ chức theo một trong ba mô hình như sau:

- Mô hình Ủy ban: thường được áp dụng tại các hạt có ít dân. Một Ủy ban gồm nhiều ủy viên do cư dân trong hạt bầu ra thực thi cả quyền lập pháp và hành pháp, nhưng quyền hành pháp giới hạn vào việc quyết định thuê mướn và bãi nhiệm nhân viên Khoảng 60% số hạt tại Hoa Kỳ áp dụng mô hình chính quyền này.

- Mô hình Ủy ban - Quản trị viên: thường được áp dụng tại các hạt nằm ở vùng ngoại ô các thành phố lớn. Theo mô hình này, các ủy viên do cư dân bầu ra chỉ định một Quản trị viên để thi hành quyền hành pháp và điều hành các công việc thường ngày của hạt. Thực quyền của Quản trị viên và danh xưng chính thức của người này thay đổi tùy theo luật tiểu bang và ý nguyện của các ủy viên quản hạt. Giống như mô hình Ủy ban, mô hình này cũng không có sự phân chia rõ ràng giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp, vì Quản trị viên có thể bị bãi nhiệm bất cứ lúc nào.

- Mô hình Ủy ban - Ủy viên điều hành: trong mô hình này, Ủy ban chịu trách nhiệm về lập pháp, Ủy viên điều hành thực thi quyền hành pháp và tất cả đều do cử tri trong hạt bầu ra cùng một lần. Do được bầu nên Ủy viên điều hành có nhiều quyền hạn và tự do hơn trong khi điều hành hạt vì chỉ chịu trách nhiệm trước cử tri. Đặc biệt, Ủy viên điều hành do dân bầu có quyền phủ quyết các nghị quyết của Ủy ban Quản hạt và có toàn quyền trong việc thuê mướn và bãi nhiệm nhân viên

Tại một số tiểu bang, hạt không phải là một phân cấp hành chính. Thành phố và thị trấn (town) mới là đơn vị hành chính luật định. Một số tiểu bang còn có các khu hành chính độc lập tương đương hạt trực thuộc chính quyền tiểu bang. Đây là các thành phố theo pháp lý không thuộc một hạt nào trong tiểu bang (theo thống kê, năm 2004 còn 42 thành phố được tổ chức như vậy tại Hoa Kỳ).

Một số tiểu bang khác còn một phân cấp hành chính khá phổ biến là làng. Thông thường, làng tại Hoa Kỳ là một khu đô thị được định chế giống như một thành phố nằm trong địa giới của một thị xã hoặc thị trấn nhưng có diện tích nhỏ hơn thành phố và có ít quyền hạn hơn.

2.3 Cấu trúc chính quyền thành phố

Công việc điều hành các thành phố lớn ở Hoa Kỳ vô cùng phức tạp. Chỉ nói riêng về mặt dân số, thành phố New York có số dân lớn hơn 41 trong 50 bang. Chính quyền được trao những đặc quyền khác nhau tùy theo từng tiểu bang. Chức năng, nhiệm vụ của chính quyền thành phố thể hiện cụ thể trong Bản hiến chương của thành phố. Mặc dù được chính quyền tiểu bang trao quyền, nhưng chính quyền thành phố thực thi trách nhiệm độc lập với chính quyền tiểu bang. Quan hệ giữa các cơ quan thuộc chính quyền tiểu bang với các cơ quan thuộc chính quyền thành phố theo nguyên tắc phố hợp, hợp tác dựa trên mục tiêu tối thượng là để đáp ứng nhu cầu của cư dân. Một số tiểu bang không có tổ chức chính quyền thành phố, chỉ có chính quyền cấp hạt (trường hợp tiểu bang Hawai)(9).

Theo Báo cáo điều tra năm 2012 của Cục điều tra Hoa Kỳ về chính quyền địa phương, nước này có các mô hình chính quyền thành phố khác nhau. Tuy nhiên, hầu như tất cả đều có một loại hội đồng trung tâm do cử tri lựa chọn bầu ra và một quan chức điều hành được sự hỗ trợ của những người đứng đầu các sở, các ban thuộc các ngành khác nhau để giải quyết các vấn đề của thành phố. Chính quyền thành phố thường có Văn phòng thống kê hộ tịch, Sở đặc trách xe có động cơ hay các Sở Y tế công cộng, Sở Thiết kế đô thị và phân định khu vực, Sở Công chính (xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng của khu đô thị như hệ thống cống rãnh, hệ thống dẫn nước), Sở Xây dựng và bảo quản công viên, những vùng đất thuộc đô thị, Sở Cảnh sát (thi hành pháp luật và giữ gìn an ninh trật tự cho khu vực), Sở Cứu hỏa, Sở Thuế và quản trị nhân viên

Về cơ cấu tổ chức, đa số các thành phố của Hoa Kỳ được điều hành bằng một trong ba mô hình chính quyền như sau:

- Mô hình Thị trưởng - Hội đồng: đây là mô hình chính quyền thành phố lâu đời nhất ở Hoa Kỳ và vẫn được áp dụng tại hầu hết các thành phố. Cơ cấu tương tự với chính quyền tiểu bang và quốc gia với một thị trưởng được cử tri tuyển chọn để đảm nhiệm vị trí đứng đầu nhánh hành pháp và một hội đồng do đại diện các khu vực dân cư khác nhau bầu ra cấu thành nhánh lập pháp. Hội đồng thông qua các dự luật, định mức thuế tài sản và biểu quyết ngân sách cho các sở, ngành và các chương trình công ích. Thị trưởng có quyền bổ nhiệm và cách chức các trưởng ty, sở của thành phố cùng các viên chức khác, có trường hợp cần sự phê chuẩn của hội đồng. Thị trưởng có quyền phủ quyết các đạo luật của thành phố nếu xét thấy không thích hợp, có quyền soạn thảo và thực hiện ngân sách, nhưng ngân sách phải được hội đồng chuẩn y. Ở một số thành phố lớn, thị trưởng còn có quyền bổ nhiệm một giám đốc hành chính chịu trách nhiệm trước thị trưởng về việc giám sát các cơ quan trực thuộc soạn thảo ngân sách và phối hợp công tác giữa các ty, sở trong thành phố.

- Mô hình Hội đồng - Giám đốc: đây là giải pháp đối phó với các vấn nạn đô thị ngày càng trở nên phức tạp, đòi hỏi kỹ năng cao của một nhà chuyên môn. Trong mô hình này, thành phố được quản trị tương tự như mô hình của các công ty, trong đó hội đồng tin cậy và ủy thác các quyền hành pháp, như quyền thi hành pháp luật và cung ứng các loại dịch vụ công cho một giám đốc (manager) chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm và được đào tạo tốt.

Mô hình này ngày càng được nhiều thành phố chấp nhận. Theo đó, một hội đồng được dân bầu ra thường từ 5 đến 11 người, có nhiệm vụ ban hành luật và thiết lập chính sách cho thành phố, giám sát tổng quát công việc của thành phố,... Để thực thi các nghị quyết, hội đồng thuê một giám đốc được trả lương. Giám đốc của thành phố sẽ thiết kế ngân sách và điều hành hầu hết các ty, sở của thành phố. Giám đốc không có nhiệm kỳ cố định; chừng nào hội đồng thành phố còn hài lòng với công việc của giám đốc thì người ấy còn duy trì vị trí của mình.

Mô hình này đang phát triển mạnh trong những năm gần đây với phong trào đổi mới hoạt động của chính phủ theo hướng doanh nghiệp. Khảo sát thực tế cho thấy rất nhiều thị trấn và thành phố được điều hành như một doanh nghiệp và có địa vị pháp luật tương tự như một doanh nghiệp. Do đó các thành phố đã định chế hoá sau một thời gian có thể bị phá sản như một công ty do số thu không đủ chi trong nhiều năm hoặc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu thành phố bị phá sản hay giải thể thì sẽ trở lại thành một khu chưa định chế và sẽ nhận được các dịch vụ cung cấp bởi phân khu hành chính cao hơn như hạt.

- Mô hình Ủy ban: mô hình này kết hợp các chức năng lập pháp và hành pháp vào một nhóm nhỏ các viên chức, thường là ba người hoặc hơn, được cử tri toàn thành phố tuyển chọn qua bầu cử. Mỗi ủy viên giám sát công việc của một số sở, ngành của thành phố. Nhân vật được chỉ định làm chủ toạ ủy ban thường được gọi là thị trưởng, dù quyền hạn của người này cũng chỉ ngang bằng các ủy viên khác. Mô hình này thường chỉ áp dụng tại các thành phố nhỏ.

2.4 Cấu trúc chính quyền thị xã

Hình thức phổ biến của chính quyền thị xã ở Hoa Kỳ là có một ủy ban hoặc hội đồng dân cử, với các tên khác nhau như hội đồng thị xã, ban dân biểu, ban giám sát, ban ủy viên... Các ban này có thể có một chủ tịch với chức năng của một viên chức lãnh đạo hành pháp hoặc là một thị trưởng. Một số viên chức khác như lục sự hay cảnh sát thị xã có thể được người dân bầu lên. Trách nhiệm chủ yếu của chính quyền thị xã gồm bảo trì đường sá, quy hoạch sử dụng đất, chiếu sáng đường phố; bảo đảm nguồn cung cấp nước; cung ứng lực lượng cảnh sát và cứu hoả; thiết lập các quy định y tế địa phương; vận chuyển và xử lý rác, cống thoát các loại chất thải; thu thuế để tài trợ các hoạt động của chính quyền; hợp tác với hạt và tiểu bang để quản lý hệ thống trường học tại địa phương.

Đặc biệt, tại vùng New England, các thị trấn lại là hình thức căn bản của chính quyền địa phương, có chức năng như các hạt ở những tiểu bang khác. Sự độc đáo của chính quyền địa phương vùng New England là các cuộc họp thị trấn, mỗi năm một lần hoặc có thể họp nhiều lần nếu cần. Tại cuộc họp thị trấn, tất cả cử tri có đăng ký trong thị trấn cùng với các viên chức dân cử thảo luận về những vấn đề của địa phương, thông qua luật để điều hành chính quyền thị trấn. Các cuộc họp này cũng quyết định về các dự án xây dựng và sửa chữa đường sá, xây dựng các tòa nhà và các tiện ích công cộng, định mức thuế và ngân sách thị trấn. Hình thức cuộc họp thị trấn, tồn tại từ hơn hai thế kỷ nay, thường được nhắc đến như là điển hình của nền dân chủ trực tiếp, theo đó quyền lực không được ủy thác cho các viên chức dân cử, mà được thực hiện trực tiếp và thường xuyên bởi chính người dân.

2.5 Mô hình tổ chức chính quyền đặc khu thuộc tiểu bang

Đặc khu được điều hành bởi một hội đồng ủy viên như một hội đồng giám đốc trong công ty và gồm các ủy viên được chỉ định hoặc do dân trong đặc khu bầu ra. Để thi hành nhiệm vụ, hội đồng có quyền lập pháp và các chế tài, có quyền thu thuế (thường là thuế bất động sản) hay phát hành trái phiếu và quyền chỉ định một giám đốc điều hành để phụ trách công việc thi hành chính sách của hội đồng và điều hành các công việc thường xuyên. Các đặc khu thường thấy là đặc khu học chính, đặc khu cứu hỏa, đặc khu cung cấp nước

3. Một số vấn đề đặt ra

Hoa Kỳ là quốc gia có tổ chức chính quyền địa phương không thống nhất. Hiến pháp mỗi tiểu bang ở quốc gia này có những quy định về hình thức tổ chức chính quyền địa phương riêng. Ngay trong Hiến pháp cũng không có quy chế về chính quyền địa phương mà do các tiểu bang tự quyết định. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương ở Hoa Kỳ đóng vai trò rất quan trọng vì đảm đương các nhiệm vụ quản lý và cung cấp các dịch vụ xã hội thiết yếu cho người dân.

Chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương ở Hoa Kỳ phụ thuộc vào hiến pháp của mỗi tiểu bang, nhưng phải trên nguyên tắc nhất quán trong các chính sách quốc gia quan trọng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có tính độc lập (tính tự quản) tương đối cao. Hoạt động của chính quyền địa phương không mang tính hình thức, máy móc mà dựa trên hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp các dịch vụ xã hội. Chức năng tổng quát của chính quyền địa phương ở Hoa Kỳ là địa phương hóa các quy định pháp luật của liên bang, đặc biệt là tiểu bang. Các chức năng cụ thể được phân chia, theo đó tỉnh và thành phố thực hiện hầu hết mọi chức năng, có mức độ độc lập rất lớn. Các cấp chính quyền cấp thấp hơn như thị trấn, xã chỉ thực hiện các chức năng đơn giản như thu các loại thuế và phí công cộng, cung cấp các dịch vụ thiết thực nhất hàng ngày của người dân.

Cải cách chính quyền địa phương ở Hoa Kỳ được tiến hành riêng rẽ trong từng bang dựa trên những yêu cầu thực tế của bang đó. Để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, nhiều dịch vụ địa phương đã được tư nhân hóa, những thỏa thuận lao động mới được thương thảo và phí dịch vụ chính phủ được tăng phù hợp với chi phí thực tế bỏ ra. Nguyên tắc mà chính quyền địa phương phục vụ người dân là các cá nhân được hưởng những quyền và có nghĩa vụ như nhau trong việc định hình khuôn khổ chính trị - nguồn phát sinh và giới hạn các cơ hội dành cho họ; được tự do, bình đẳng trong quá trình thảo luận về những điều kiện sống và trong việc xác định những điều kiện đó, với điều kiện không được sử dụng khuôn khổ đó để xâm phạm quyền của người khác.

TS. Nguyễn Nghị Thanh -Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

------------------------------------

Ghi chú:

(1) Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và chú thích, Điều 4, Khoản 4.

(2) U.S. Census Bureau (2002). Government Organization, 2002 Census of Governments (Washington, DC: U.S. Government Printing Office) 1 (1): 8. GC02(1)-1.

(3) Hạt trong tiếng Anh là county được dùng tại tất cả các tiểu bang, trừ hai tiểu bang Alaska gọi là borough và Louisiana gọi là parish.

(4) Trường hợp thành phố Jacksonville và hạt Duval ở tiểu bang Florida.

(5) http://www.city-data.com/states/Alabama-Local-government.html

(6) California Cities by Incorporation Date, California Association of Local Agency Formation Commissions. Retrieved June 13, 2012.

(7) http://www.city-data.com/city/California2.html

(8) http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_usgovernment_vi.html

(9) City and County of Honolulu. City and County of Honolulu. April 24, 2012. Retrieved April 24, 2012.

Tài liệu tham khảo:

1. U.S. Census Bureau (2002). "Government Organization", 2002 Census of Governments (Washington, DC: U.S. Government Printing Office) 1 (1): 8. GC02(1)-1.

2. City and County of Honolulu. City and County of Honolulu. April 24, 2012. Retrieved April 24, 2012.

3. Crew, Harvey W.; William Bensing Webb; John Wooldridge (1892). "IV. Washington Becomes The Capital". Centennial History of the City of Washington, D. C. Dayton, Ohio: United Brethren Publishing House. p. 66.

4. California Cities by Incorporation Date", California Association of Local Agency Formation Commissions. Retrieved June 13, 2012.

5. The Constitution of the United States of America with Explanatory Notes (2004), adapted from The World Book Encyclopedia, International Information Program, Department of State of the U.S.

6. Sharon Crouch Steidel, Using E-Government, Effects of the Digital Revolution, from State and Local Government: Adapting to Change, An Electronic Journal of the U.S Department of State, Volume 8, Number 2, October 2003

tcnn.vn

Về trang trước
Gửi email In trang