Cơ hội và thách thức của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay

Kết quả ban đầu

Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của công cuộc chuyển đổi số, nhiều ngân hàng bắt đầu triển khai các dịch vụ ngân hàng số như: Vietcombank thử nghiệm mô hình kinh doanh số [Vietcombank digital]; TPBank triển khai LiveBank giúp khách hàng đăng ký vân tay, nhận diện khuôn mặt và định danh điện tử [eKYC] giúp khách hàng đăng ký, đăng nhập tài khoản;

VIB ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào quy trình phát hành thẻ tín dụng dành riêng cho mua sắm trực tuyến Online Plus; VPBank ra mắt ngân hàng số Yolo sau mô hình Timo; OCB ra mắt ngân hàng số OCB OMNI; Techcombank chú trọng phát triển trải nghiệm của khách hàng trên ngân hàng trực tuyến...

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 12/2020, số tài khoản cá nhân của cả nước đạt 105,6 triệu, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2019; Tổng lượng thẻ lưu hành đạt 111 triệu thẻ [trong đó có 94 triệu thẻ nội địa và 17 triệu thẻ quốc tế]; Mạng lưới ATM/POS phủ sóng cả nước với 19.636 ATM và 276.273 POS;

Số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet đạt 297,4 triệu giao dịch với 21,4 triệu tỷ đồng; Số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt 696,3 triệu giao dịch với gần 7,8 triệu tỷ đồng; Thanh toán qua POS đạt hơn 232 triệu món với 395,86 nghìn tỷ đồng; Thanh toán qua ATM đạt 660 triệu món với 1.818,58 nghìn tỷ đồng

Như vậy, các ngân hàng Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuyển đổi số với sự phát triển nhanh của các dịch vụ số, điều này đòi hỏi các ngân hàng phải nỗ lực hơn trong cuộc đua này nhằm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và sự phát triển bền vững theo xu hướng chung.

Cơ hội khi phát triển ngân hàng số

Việt Nam hiện có trên 97,4 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ, do đó khả tiếp cận với công nghệ, internet cao, tỷ lệ dân số sử dụng smartphone tăng nhanh.

Theo báo cáo Thị trường quảng cáo số Việt Nam của Adsota tháng 7/2020, Việt Nam có đến 43,7 triệu người đang sử dụng các thiết bị smartphone, đạt tỷ lệ 44,9%; Việt Nam nằm trong 15 thị trường có số người dùng smartphone cao nhất thế giới. Điều này cho thấy, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng trong phát triển ngân hàng số tại các ngân hàng thương mại.

Để phát triển ngân hàng số, thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm quản lý và thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bước đầu thiết lập hạ tầng pháp lý cho việc triển khai ngân hàng số.

Điển hình như: Nghị định số 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt [được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 80/2019/NĐ-CP]; Quyết định số 35/2007/QĐ-NHNN về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử; Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2019-2020; Thông tư số 16/2020/TT-NHNN cho phép mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử [eKYC]; Thông tư số 09/2020/TT-NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng nhằm cập nhật các quy định mới của Luật An toàn thông tin mạng... Với việc hành lang pháp lý đang được hoàn thiện là cơ sở giúp các ngân hàng phát triển ngân hàng thuận lợi.

Thách thức trong phát triển ngân hàng số tại Việt Nam

Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi trên, việc chuyển đổi và phát triển ngân hàng số tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, cụ thể như:

Khung phát lý về ngân hàng số còn chậm so với tốc độ phát triển công nghệ

Các ngân hàng hoạt động dưới khuôn khổ của pháp luật, do đó mọi chiến lược kinh doanh ngân hàng số phải đảm bảo tuân thủ pháp lý.

Tuy nhiên, do tốc độ phát triển công nghệ nhanh, trong khi việc ban hành các quy định pháp lý đòi hỏi có nhiều thời gian, quy trình thủ tục ban hành, triển khai… nên đã ảnh hưởng đến phát triển một số dịch vụ ngân hàng số tại các ngân hàng.

Chẳng hạn mảng thanh toán số đã phát triển từ nhiều năm trước nhưng đến năm 2020 các văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động này mới ban hành: Thông tư số 16/2020/TT-NHNN; Thông tư số 09/2020/TT-NHNN.

Chi phí đầu tư cho công nghệ số lớn

Công nghệ ứng dụng trong ngân hàng số thường có tốc độ phát triển nhanh và dễ dàng thay thế bởi các công nghệ mới. Và với chi phí công nghệ lớn, phải thường xuyên cải tiến, bảo trì, nâng cấp hệ thống, thay mới công nghệ để đáp ứng cạnh tranh, điều này tạo áp lực rất lớn cho các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có quy mô trung bình và nhỏ. Đây chính là thách thức đối với việc đầu tư công nghệ cho quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng.

Hạn chế về nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Theo Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế: Trong giai đoạn 2020-2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng tăng 20%/năm. Như vậy, có thể thấy, nguồn nhân lực tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân lực trong việc xây dựng và phát triển ngân hàng số. Đây là vấn đề đặt ra đối với các cơ sở đào tạo và một số ngân hàng tại Việt Nam khi chưa thực sự theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ.

Khó khăn trong bảo mật thông tin khách hàng

Bên cạnh nhiều tiện ích mang lại cho khách hàng, phát triển ngân hàng số đang đối mặt với vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, khi ngành ngân hàng luôn là mục tiêu số một của tội phạm công nghệ. Rất nhiều trường hợp xảy ra là do khách hàng sử dụng dịch vụ không đúng cách, bị lừa vào những trang ngân hàng giả mạo… khiến cho kẻ gian lợi dụng và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng. Điều này đặt ra không chỉ với ngân hàng mà cả với bản thân khách hàng phải tự trang bị kiến thức về công nghệ số để tránh rủi ro.

Thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến

Hiện tại, các dịch vụ ngân hàng số của ngân hàng hầu như phổ biến đối với người dân khu vực thành thị, đặc biệt đối với những người kinh doanh online. Còn ở khu vực tỉnh và nông thôn thì do trình độ dân trí thấp hơn, hệ thống mạng lưới các ngân hàng thưa thớt nên người dân ít có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến.

Vì vậy, việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân cũng đặt ra nhiều thách thức cho quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam.

tapchitaichinh.vn

ThS. ĐẶNG THỊ HỒNG NHUNG [Bộ môn Tài chính - Kế toán, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh]

TÓM TẮT:

Hệ sinh thái ngân hàng số đang phát triển ở Việt Nam trong giai đoạn đầu với sự “bùng nổ” nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 đã đặt ra những yêu cầu cần tăng cường, thúc đẩy sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, nhằm đảm bảo sự hoạt động liên tục của hệ thống ngân hàng. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm chỉ ra những cơ hội và thách thức của hoạt động chuyển đổi số mà các ngân hàng thương mại đang phải đối mặt.

Từ khóa: chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, ngân hàng số.

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg về Đề án phát triểnthanh toán không dùng tiền mặttại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Một trong những nội dung tại Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đó là, Thủ tướng Chính phủ giaoNgân hàng Nhà nướcphối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vềtiền kỹ thuật sốquốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng được giao trong năm 2022 phải hoàn thành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính [Fintech] trong lĩnh vực ngân hàng. Điều này nhằm quản lý, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và triển khai các mô hình hợp tác, kinh doanh mới trong cung ứng dịch vụ thanh toán.

Phát triển ngân hàng số là xu thế tất yếu, “thổi” làn gió công nghệ giúp các ngân hàng cải thiện quy trình làm việc nội bộ, cung cấp sản phẩm dịch vụ, chứng từ cũng như phương thức giao dịch với khách hàng,… Với khách hàng, lợi ích của các ứng dụng tài chính - ngân hàng đến từ việc sử dụng dịch vụ thuận tiện, bảo mật hơn, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng tài khoản.

Nhận biết được vai trò quan trọng của việc cần phải phát triển ngân hàng số tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, tác giả quyết định chọn đề tài “Cơ hội và thách thức của hoạt động chuyển đổi số đến ngành ngân hàng”.

2. Cơ sở lý luận và thực trạng hoạt động chuyển đổi số tại cácngân hàng điển hình

Cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy các ngân hàng toàn cầu nỗ lực thích ứng và cập nhật công nghệ theo hướng số hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Ngân hàng số [Digital Banking] mở ra kỷ nguyên mới cho ngành Tài chính, giúp thay đổi thói quen thực hiện các giao dịch tài chính tại quầy truyền thống sang ứng dụng trên laptop hoặc điện thoại thông minh.

Ngân hàng số [Digital Banking] là một hình thức ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống. Theo đó, mọi giao dịch ngân hàng đều được thực hiện qua Internet thông qua các hình thức như GPRS/3G/4G/Wifi, diễn ra mọi lúc mọi nơi. Khách hàng không phải đến chi nhánh hay phòng giao dịch ngân hàng, chỉ cần vài thao tác đơn giản, trong 1 - 2 phút có thể thực hiện mọi giao dịch trực tuyến, như: thanh toán; chuyển khoản/chuyển tiền; vay vốn; gửi tiết kiệm; nộp tiền vào tài khoản; quản lý tài khoản; tham gia các sản phẩm đầu tư, bảo hiểm;… Đáng chú ý, hiện nay, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như: thẻ ngân hàng, QR Code, ví điện tử,… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán đẩy mạnh triển khai.

Theo kết quả khảo sát của Visa, ngày càng nhiều người quan tâm đến các phương thức thanh toán mới trên thị trường. Thanh toán sinh trắc học [chẳng hạn như quét vân tay, nhận dạng giọng nói/khuôn mặt hoặc quét võng mạc] được quan tâm đặc biệt. Có tới 83% người tiêu dùng trong nước hiện đã biết đến các phương thức thanh toán này và đa số cũng quan tâm trải nghiệm chúng. Thẻ không số cũng dần được nhận biết bởi 62% người tiêu dùng và có tới 77% người tiêu dùng sẽ sử dụng chúng cho các giao dịch trong tương lai.

Theo McKinsey [2021], thị trường tiêu dùng của châu Á đang thay đổi mạnh mẽ với các góc độ tăng trưởng mới, liên quan mật thiết đến sự phát triển của công nghệ, mang lại cơ hội cho các dịch vụ tài chính số, theo nghiên cứu mới "Beyond income: Redrawing Asia's consumer map" của ViệnToàn cầu McKinsey [MGI].

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 4/2021, cả nước có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Trong 4 tháng đầu năm 2021, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. So với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng; 31,2% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng; 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh QR Code tăng tương ứng 95,7% về số lượng; 181,5% về giá trị. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 9/2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng lần lượt tăng 1,88% về số lượng và tăng 42,58% về giá trị. Hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,63% về số lượng và 133,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Trường hợp Vietcombank, ngân hàng này đã sớm triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử ưu việt, tích hợp nhiều tính năng thanh toán. Về mảng dịch vụ thanh toán điện tử, hiện nay, Vietcombank cung cấp chokhách hàng cá nhân các hình thức dịch vụ, như: Ngân hàng số VCB Digibank, VCBPAY, thanh toán thẻ nội địa/quốc tế, cổng dịch vụ công quốc gia trực tuyến, kết nối với các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử, Napas, Vnpay,… Hiện nay, với hơn 20 triệu khách hàng cá nhân của Vietcombank, khoảng 6 triệu khách hàng đã sử dụng dịch vụ VCB Digibank để giao dịch 24/7. Với ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank, ngoài các chức năng cơ bản như chuyển khoản, truy vấn thông tin tài khoản/thẻ, tra cứu thông tin tỷ giá, lãi suất, nhận thông báo OTT,… người dùng còn có thể trải nghiệm các tiện ích khác như thanh toán hóa đơn điện, nước, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, tàu xe, quét mã VNPAY-QR,…

Trường hợp Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á, việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào ngân hàng nhằm hướng tới nâng cao trải nghiệm người dùng, ngân hàng cũng liên tục cập nhật các tính năng sản phẩm - dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để phục vụ khách hàng giao dịch thông suốt, tiện lợi hơn. Đây không chỉ là “bước đi” của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á khi Covid-19 bùng phát, mà còn mang tính chiến lược lâu dài.

3. Cơ hội và thách thức của hoạt động chuyển đổi số đến ngành Ngân hàng

3.1. Những cơ hội trong hoạt động chuyển đổi số mang lại cho ngành Ngân hàng

Thứ nhất, chuyển đổi số đối với hoạt động ngành Ngân hàng như Internet, điện toán đám mây, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn [big data],… sẽ mang lại cơ hội cho việc đẩy nhanh tiến trình hướng tới chuẩn hóa các mô hình nghiệp vụ ngân hàng trong tương lai, trong đó bao gồm hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Chuyển đổi số giúp các ngân hàng thương mại trong nước có cơ hội định hình lại mô hình kinh doanh, quản trị, thanh toán điện tử, hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai. Từ đó, ngân hàng tập trung phát triển những đối tượng khách hàng mục tiêu - những người dùng có khuynh hướng sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng số.

Hình 1: Dự báo số người dùng dịch vụ ngân hàng số tại châu Á
[theo McKinsey 2021]

đơn vị tính: triệu người

Dựa vào Hình 1, ta thấy dự báo số người dùng dịch vụ ngân hàng số tại châu Á năm 2020 đạt 1.700 triệu người, tăng 1.030 triệu người, tương đương tăng 154% so với năm 2012. Cho thấy xu hướng người dùng tại châu Á ngày càng sử dụng nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng số.

Theo số liệu khảo sát của Visa, ngân hàng số đang nhận được sự ủng hộ đông đảo từ người tiêu dùng Việt Nam với 77% và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này. Động lực thúc đẩy việc áp dụng các hình thức này xuất phát từ sự tiện lợi, người tiêu dùng có thể thực hiện giao dịch bất kỳ lúc nào mà không cần phải đến ngân hàng. Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích nhất [72%] và tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè [67%].

Thứ hai, công nghệ số sẽ góp phần thay đổi cơ cấu tỷ trọng doanh thu và hiệu quả kinh doanh. Đến năm 2020, tài sản do các chuyên gia tư vấn trực tuyến tự động [robo-adviser] quản lý sẽ tăng 68%/năm, lên đến 2.200 tỷ USD [theo Công ty Tư vấn kinh doanh AT Kearney 2015]; 60% đầu tư công nghệ thông tin sẽ dành cho điện toán đám mây [theo IDC 2015]. Bên cạnh đó, việc lưu trữ dữ liệu lớn và phân tích kinh doanh [business analytics] sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thứ ba, trong bối cảnh bùng phát của dịch Covid-19, bên cạnh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nếu nhìn ở một khía cạnh khác, thì dịch Covid-19 lại được xem như một “đòn bẩy” kích thích tiến trình chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng, trong đó thói quen giao dịch “offline” sang “online” đã được định hình ngày càng rõ rệt hơn. Vì vậy, một số ngân hàng thương mại tận dụng cơ hội tiếp tục đầu tư để phát triển dịch vụ ngân hàng số theo xu thế này. Dễ nhận thấy tiềm năng của các xu hướng này đối với nhóm người dùng trẻ là rất lớn. Trong đó, người tiêu dùng thế hệ Z là lực lượng tiêu dùng cốt lõi của thương mại trên mạng xã hội, với 85% người được khảo sát đã biết về mạng xã hội và 68% hiện đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để xem tối thiểu 3 đánh giá liên quan đến sản phẩm trước khi mua hàng lần đầu tiên.

3.2. Những thách thức của hoạt động chuyển đổi số đến ngành Ngân hàng

Thứ nhất, hoạt động chuyển đổi số đối với ngành Ngân hàng tạo ra thách thức trong lĩnh vực thanh toán và hoàn thiện hành lang pháp lý, phục vụ hoạt động thanh toán điện tử. Trong đó, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới, hiện đại, tiền ảo, thẻ ảo, tiền điện tử,… là những vấn đề mới và phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và viễn thông.

Thứ hai, thách thức còn tồn tại là việc mô hình kinh doanh, quản trị về thanh toán có thể cần được xem xét lại để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng số, thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần nghiên cứu, tối đa hóa trải nghiệm của khách hàng trong lĩnh vực thanh toán để đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng trong thời đại công nghệ.

Thứ ba, sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số cũng kéo theo sự gia tăng lỗ hổng bảo mật và tội phạm công nghệ cao. Đối với lĩnh vực thanh toán gồm thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Do vậy, thách thức cho toàn bộ ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung và cho lĩnh vực thanh toán nói riêng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 chính là vấn đề an toàn cho hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán, vấn đề bảo mật thông tin và vấn đề về các loại tội phạm công nghệ cao, cũng như thách thức về trình độ, năng lực, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin.

4. Kết luận

Dựa trên những cơ sở lý luận và thực trạng hoạt động chuyển đổi số tại một vài ngân hàng điển hình, bài viết đi sâu nghiên cứu, nhằm chỉ ra những cơ hội và thách thức của hoạt động chuyển đổi số mà các ngân hàng thương mại đang phải đối mặt. Những cơ hội mà hoạt động chuyển đổi số mang đến cho lĩnh vực ngân hàng gồm đẩy nhanh tiến trình hướng tới chuẩn hóa các mô hình nghiệp vụ ngân hàng trong tương lai, trong đó bao gồm hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; thay đổi cơ cấu tỷ trọng doanh thu và hiệu quả kinh doanh; tiếp cận xu hướng người dùng. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi số cũng mang lại một số thách thức đến lĩnh vực ngân hàng, như: yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ hoạt động thanh toán điện tử; mô hình kinh doanh, quản trị về thanh toán cần được xem xét lại để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng số, thanh toán điện tử.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lương Văn Hải [2021]. Thách thức đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam trong chuyển đổi số. Truy cập tại //tapchinganhang.gov.vn/thach-thuc-doi-voi-cac-ngan-hang-thuong-mai-viet-nam-trong-chuyen-doi-so.htm
  2. Phạm Tiến Dũng [2022]. Ngân hàng số - Cơ hội và thách thức. Truy cập tại //thaibinh.gov.vn/chuyen-trang-chuyen-muc/hoat-dong-nganh-ngan-hang-thai-binh/ngan-hang-so-co-hoi-va-thach-thuc2.html
  3. PV [2021]. Ngân hàng số phục vụ đa nhu cầu tài chính. Truy cập tại //nhandan.vn/thong-tin-doanh-nghiep/ngan-hang-so-phuc-vu-da-nhu-cau-tai-chinh-648251/
  4. Cấn Văn Lực [2021]. Cơ hội, thách thức và giải pháp đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Truy cập tại //antoanthongtin.gov.vn/chinh-sach---chien-luoc/co-hoi-thach-thuc-va-giai-phap-doi-voi-he-thong-ngan-hang-viet-nam-trong-boi-canh-cach-mang-cong-ngh-104605
  5. M.H [2021]. Ngân hàng Nhà nước được giao nghiên cứu tiền kỹ thuật số quốc gia. Truy cập tại //thitruongtaichinhtiente.vn/ngan-hang-nha-nuoc-duoc-giao-nghien-cuu-tien-ky-thuat-so-quoc-gia-37746.html
  6. Vietnamplus [2021]. Đại dịch Covid-19 - Tác nhân thúc đẩy thói quen giao dịch ngân hàng. Truy cập tại //special.vietnamplus.vn/2021/12/07/dai-dich-covid-19-tac-nhan-thuc-day-thay-doi-thoi-quen-giao-dich-ngan-hang/
  7. PV [2021]. Thanh toán điện tử lên ngôi trong đại dịch Covid-19. Truy cập tại //dangcongsan.vn/thong-tin-kinh-te/thanh-toan-dien-tu-len-ngoi-trong-dai-dich-covid-19-598100.html

OPPORTUNITIES AND CHALLENGES OF DIGITAL

TRANSFORMATION IN TH BANKING INDUSTRY

• Master. DANG THI HONG NHUNG

Department of Finance and Accounting

Faculty of Economics - Bussiness Administration, An Giang University

Vietnam National University - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The digital banking ecosystem of Vietnam is still at its early stage of development but it has great development potential, especially in the context of the on-going COVID-19 pandemic. The pandemic has catapulted the needs for digital banking services to ensure the continuous operation of the banking system. This study aims to point out the opportunities and challenges of digital transformation that commercial banks are facing.

Keywords: digital transformation, the Fourth Industrial Revolution [Industry 4.0], digital banking.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]

Video liên quan

Chủ Đề