Có nên bình nước nóng năng lượng mặt trời

Bốn năm trước, lúc xây nhà hai tầng, ông Tuấn (Phúc Thọ, Hà Nội) quyết định lắp bình năng lượng mặt trời, sau khi được người quen tư vấn nhiều lợi ích: Đầu tư một lần dùng được lâu năm, hàng tháng không tốn tiền điện, không sợ điện giật, cháy nổ như dùng bình nước nóng bằng điện hay gas. Con gái ông mở tiệm gội đầu trong nhà, phải thường xuyên dùng nước nóng. Vì thế, ông chi hơn 10 triệu lắp bình năng lượng mặt trời 160 lít. 

Lắp vào dịp hè, gia đình ông rất vui vì ngày nào nước nóng cũng tràn trề. Tuy nhiên, sang tới mùa đông, những ngày có chút nắng thì nước chỉ âm ấm. Dịp nào mưa dầm, nước vẫn lạnh nguyên. Gia đình buộc phải lắp thêm hai bình nước nóng chạy điện nữa.

"Cuối cùng, chiếc bình năng lượng mặt trời coi như chẳng cần thiết vì khi trời lạnh, cần nước nóng thì bình không phát huy tác dụng. Lúc nắng to mùa hè, gia đình rất ít nhu cầu sử dụng", ông Tuấn kết luận.

Có nên bình nước nóng năng lượng mặt trời

Vào thời gian mùa đông, nếu lắp thêm một điện trở, gia chủ vẫn có thể sử dụng nước nóng từ bình năng lượng mặt trời. Ảnh: solarquotes.

Rất nhiều gia đình ở miền Bắc dù đã lắp bình năng lượng mặt trời vẫn phải lắp thêm bình nóng lạnh. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, giảng viên Đại học quốc gia TP HCM, đó là cách làm phức tạp hóa vấn đề và không tiết kiệm.

"Thay vào đó, bạn chỉ cần lắp thêm một thiết bị gia nhiệt phụ trợ (là một điện trở) trực tiếp với máy nước nóng năng lượng mặt trời", tiến sĩ Cường khuyên.

"Khi trời âm u, máy không thể làm nóng nước, điện trở sẽ giúp nó trở thành một bình nước nóng gián tiếp - như một bình nước nóng chạy điện bình thường. Lưu ý, bạn chỉ cấp điện cho điện trở khi bức xạ mặt trời không đủ để gia nhiệt mà bạn vẫn muốn dùng nước nóng. Nếu sử dụng thiết bị này, vào mùa đông, bạn vẫn có thể tiết kiệm được 70% tiền điện so với dùng bình nóng lạnh chạy điện", tiến sĩ Cường bổ sung.

Vị chuyên gia cũng cho biết, việc lắp đặt điện trở khá đơn giản. Thiết bị này có ở các cửa hàng cung cấp máy nước nóng năng lượng mặt trời cũng như cửa hàng điện, với giá vài trăm nghìn đồng (đã bao gồm thiết bị bảo vệ chống rò rỉ điện). 

Có nên bình nước nóng năng lượng mặt trời

Một loại điện trở dùng cho bình năng lượng mặt trời. Ảnh: Vattu.

Gia đình ông Toàn ngụ ở thành phố Thái Bình gồm 6 người, cách đây một năm đã đầu tư hơn 10 triệu cho một hệ thống máy làm nước nóng năng lượng mặt trời, lắp trên mái nhà, rồi đưa nước đến nhiều vị trí cần sử dụng, như tắm giặt, rửa bát, nấu ăn... Vì đã lắp thiết bị gia nhiệt phụ trợ nên mùa đông nhà ông vẫn có nước nóng dùng.

Ông Toản so sánh với thời còn dùng bình nóng lạnh chạy điện, vào mùa hè, mỗi tháng gia đình ông tiết kiệm được khoảng 40 số điện, tầm 80.000 đồng và 30.000 đồng tiền gas đun nấu. Mùa đông, cũng tiết kiệm được 30 số điện/tháng.

Tiến sĩ Cường nhận xét, do nguyên lý hoạt động của máy năng lượng mặt trời phụ thuộc vào thời gian chiếu sáng cũng như bức xạ của mặt trời nên lắp đặt ở miền Nam (không có mùa đông, lượng mưa ít và ngắn, hệ số bức xạ mặt trời cao) hiệu quả hơn ở miền Bắc. Ở miền Nam, người sử dụng không cần lắp thiết bị gia nhiệt phụ trợ.

Máy phù hợp cho hầu hết các hộ gia đình, khách sạn, nhà hàng, resort, bệnh viện.... Trên thị trường có nhiều dòng máy phù hợp với quy mô hộ gia đình có tuổi thọ 12-15 năm.

Máy có thể làm nước nóng trong thời gian ngắn, nhiệt độ làm nóng trung bình là 55 - 65 độ C (thậm chí lên đến 100 độ C tùy thời tiết). Bình bảo ôn có thể giữ nhiệt được vài ngày, thất thoát nhiệt trung bình khoảng 4 độ C/ngày.

Để sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời hiệu quả, tiến sĩ Cường khuyến cáo người tiêu dùng nên đặt máy ở mái nhà (hoặc ngoài trời) có vị trí tiếp nắng tốt và không bị che khuất. Tấm thu sáng tốt nhất nên quay về hướng Nam với góc nghiêng khoảng 15 độ.

Nguồn cấp nước cho máy phải ổn định vì máy chỉ hoạt động khi được cấp nước đều đặn và liên tục, nước không nhiễm phèn, nhiễm mặn.

Vì khi sử dụng, phải xả hết nước lạnh trong ống ra mới có nước nóng nên các gia đình cần bố trí đường ống càng ngắn càng tốt để tiết kiệm nước. Đường ống dẫn nên là ống nước nóng chuyên dụng. 

Đã thành lệ, mỗi khi giá điện rục rịch leo thang hoặc khi có người dùng máy nước nóng chạy điện bị giật, thì mặt hàng máy nước nóng năng lượng mặt trời lại được nhiều người hỏi mua. Những nỗ lực marketing của các doanh nghiệp sản xuất máy nước nóng năng lượng mặt trời xem ra không hiệu quả bằng một thông tin kiểu như vậy trên báo chí. Đến mức có người tự hỏi phải chăng đây là loại máy đồng hành cùng với những thông tin “làm đau lòng người”?

Tuy nhiên, có lẽ nói máy nước nóng năng lượng mặt trời là loại “làm ấm lòng người” thì đúng hơn. Ưu điểm lớn nhất của máy này được thể hiện ngay trong tên gọi, đó là không tốn điện. Sau nữa là nguồn nước nóng khá dồi dào, an toàn, không tiếng ồn, độ bền, chi phí bảo trì thấp và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên chừng đó ưu điểm cũng không khắc phục được một nhược điểm “không thể tha thứ” được: giá quá cao, rẻ nhất thì cũng khoảng bằng 5 cái máy nước nóng điện. Tuy nhiên, nếu tính bài toán kinh tế thì máy nước nóng năng lượng mặt trời rất nên dùng, vì chỉ cần hai năm là tiền điện sẽ bù lại tiền máy. Mặt khác, nếu nhà có 3 phòng ngủ chẳng hạn, thì thay vì lắp 3 cái máy nước nóng điện chỉ cần lắp một cái máy năng lượng mặt trời là đủ.

Nhiều người lầm tưởng là máy năng lượng mặt trời chỉ cung cấp được nước nóng khi trời nắng vào ban ngày. Thực tế thì loại máy này có bồn dự trữ và cung cấp đủ nước nóng vào ban đêm, thậm chí đến sáng hôm sau vẫn có nước nóng. Tại TP HCM, nhiệt độ nước sẽ nóng đủ tắm quanh năm suốt 365 ngày. Riêng tại Đà Lạt, các tỉnh miền Trung và phía Bắc, thì có thể sử dụng trong khoảng hơn 300 ngày. Số ngày còn lại thì người tiêu dùng có thể lựa chọn phương án nấu nước nóng bằng điện, gas, củi hay… tắm nước lạnh.

Máy năng lượng mặt trời không sợ những ngày đông lạnh giá mà sợ những ngày âm u, cả ngày không thấy mặt trời thì máy không thu được năng lượng. Để khắc phục một phần tình trạng này, bạn có thể chọn loại máy có dung tích lớn. Ví dụ, tại TP HCM chỉ cần máy có dung tích 120 lít (ít nhất là 5 triệu, chưa tính chi phí lắp đặt) cho gia đình 4 người; thì tại Hà Nội, bạn nên chọn loại máy có dung tích 180-200 lít (ít nhất là 6,5 triệu) hoặc hơn. Máy lớn hơn sẽ dự trữ được nhiều nước nóng hơn để bạn dùng trong những ngày ông trời ủ ê.

Để lắp đặt loại máy này bạn cần chú ‏ ý các điểm sau:

    • Mái nhà phải có nắng và không bị che khuất. Nếu nhà bạn lọt thỏm giữa hai nhà hàng xóm cao lừng lững hoặc bạn ở lưng chừng một tòa chung cư thì hãy quên máy năng lượng mặt trời và tìm mua máy nước nóng điện.
    • Phải có nguồn cấp nước ổn định vì máy năng lượng mặt trời chỉ hoạt động khi được cấp nước đều đặn và liên tục. Nước máy phải lên được mái nhà hoặc phải có bồn chứa nước cao hơn mái nhà. Nếu nước ở nhà bạn chảy ri rỉ và bạn muốn làm thêm bồn phụ để bơm nước cho máy, thì hãy chuẩn bị tinh thần là chi phí cho hệ thống cấp nước này sẽ bằng khoảng ½ giá máy.
    • Chuẩn bị tinh thần là sẽ phải đục tường nhà và tường toilet để đi ống (còn nếu nhà bạn đang xây thì đỡ lo khoản mục này). Đối với nhà 4 tầng trở lên, chi phí cho đường ống và vòi nóng lạnh sẽ cao bằng hoặc hơn chi phí máy. Khi sử dụng, bạn phải xả hết nước lạnh trong ống ra thì mới có nước nóng, vì vậy, bố trí đường ống càng ngắn càng tốt để đỡ phải xả nước.
    • Ống nước nóng có thể dùng ống nhựa PPR, ống kim loại và trong một số trường hợp đường ống không dài quá thì dùng ống nhựa PVC loại tốt cũng được.
    • Nên chọn loại máy làm bằng inox tốt (inox 304). Nếu nguồn nước nhiễm phèn hoặc ô nhiễm nặng thì không nên dùng máy năng lượng mặt trời vì ở nhiệt độ cao, tính ăn mòn của nước tăng rất mạnh, thậm chí có thể ăn thủng bình inox.
    • Sự cố thường gặp nhất của máy năng lượng mặt trời không phải là nước không nóng mà là bị rò rỉ nước. Vì vậy, ngay sau khi lắp máy một ngày bạn phải lên mái nhà kiểm tra và nếu thấy rò rỉ, phải yêu cầu đơn vị bán máy khắc phục ngay. Nếu để lâu, bệnh rò rỉ sẽ ngày càng nặng.

Nếu không thỏa mãn tất cả những điểm nêu trên mà bạn vẫn cố lắp đặt máy thì coi chừng chiếc máy năng lượng mặt trời sẽ trở thành một cái máy gây phiền muộn cho bạn. Đừng tin những lời quảng cáo của đơn vị bán máy là họ sẽ khắc phục sự cố, vì máy năng lượng mặt trời rất bền, rất dễ sử dụng, rất ổn định nếu lắp đặt đúng nhưng một khi đã xảy ra sự cố thì lại rất khó khắc phục.

Trên thị trường hiện nay phổ biến nhất là loại máy có bộ phận thu nhiệt bằng ống thủy tinh chân không, ít phổ biến hơn là loại thu nhiệt bằng ống đồng hay ống nhựa. Loại thu nhiệt bằng ống nhựa tuy giá rẻ nhưng hiệu suất thu nhiệt kém, chỉ thích hợp tại các tỉnh phía Nam. Loại ống thủy tinh chân không phổ biến nhất, giá thành vừa phải và chủ yếu là hàng Trung Quốc. Còn loại thu nhiệt bằng ống đồng có hiệu suất cao, bền nhưng giá thành cao, tính bằng nghìn đôla trở lên, có hàng của một số nước như Australia, Malaysia....