Đánh giá thai chậm phát triển trong tử cung

Nuôi con, mẹ nào mà không ám ảnh với nỗi lo con mãi không tăng cân, sợ con thiếu dinh dưỡng, không phát triển bằng bạn bè. Ấy vậy mà trước khi bước vào hành trình dinh dưỡng khoa học cho con trẻ, thì từ rất sớm khi đang mang thai, không ít mẹ bầu còn hoang mang hơn khi bỗng một ngày đi khám thai, bác sĩ thông báo em bé trong bụng có thể nhẹ ký, nhỏ hơn những thai khác cùng tuổi rất nhiều kèm theo chẩn đoán “thai nhỏ”, “thai chậm tăng trưởng trong tử cung”.

Mẹ bầu và gia đình sẽ đối diện với hàng trăm câu hỏi đau đầu : “Em bé của tôi bị suy dinh dưỡng phải không? Có phải vì tôi ăn uống không đầy đủ? Ăn nhiều hơn có giúp bé tăng kí được không?!?”

Mời các mẹ bầu tham khảo bài viết sau đây để hiểu thêm về thai chậm tăng trưởng trong tử cung nhé! Đây là một tình trạng bệnh lý không có biểu hiện cụ thể quá rõ ràng nhưng hậu quả nó có thể gây nên lại vô cùng nghiêm trọng.

1. Thai chậm tăng trưởng được chẩn đoán như thế nào?

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung [Fetal Growth Restriction – FGR] là tình trạng mà sự phát triển của thai bị chậm hơn so mức mà nó kỳ vọng đạt được.

Việc chẩn đoán hầu như chủ yếu dựa vào siêu âm đánh giá tăng trưởng thai do thường không có triệu chứng đặc trưng.

Có một khái niệm mà khi khám thai bạn hay thấy bác sĩ ghi là BÁCH PHÂN VỊ. Đây là cách đơn giản để đánh giá các chỉ số thai so với dân số chung. Ví dụ như con bạn có cân nặng ở bách phân vị thứ 10 so với tuổi thai. Nói nôm na cho dễ hình dung: có 100 em bé cùng tuổi thai với con bạn thì con bạn có cân nặng đứng vị trí thứ 10, thua 90 bé khác. Thông thường em bé có cân nặng dưới bách phân vị thứ 10 là nhỏ.

Tuy nhiên làm thế nào để phân biệt được một em bé bị suy dinh dưỡng, ốm o gầy mòn với một em bé tuy nhỏ nhưng là lại mạnh khoẻ, nhỏ do cơ địa của nó là một điều không dễ dàng và chỉ dựa vào cân nặng thôi là chưa đủ. Người ta còn dựa vào nhiều chỉ số khác để đánh giá xem em bé của bạn có thực sự bị “chậm tăng trưởng” hay không ví dụ như:

  • Nước ối
  • Chu vi bụng
  • Siêu âm Doppler màu: Kỹ thuật này dùng để đo tốc độ và lưu lượng máu chảy vào mạch máu não của thai nhi.
  • Siêu âm đánh giá dị tật thai

Tuy nhiên đây là một chẩn đoán khó ngay cả với bác sĩ siêu âm và bác sĩ sản khoa. Bởi vì bác sĩ chỉ mới đưa ra chẩn đoán ban đầu qua những gì siêu âm thể hiện. Trong khi các thai nhi với kích cỡ nhỏ hơn bình thường được phân ra các nhóm khác nhau:

1. Thai nhỏ nhưng là một thai bình thường.

2. Thai với tăng trưởng trong tử cung bị giới hạn không do nguyên nhân nhau thai – nghĩa là em bé có bất thường nhiễm sắc thể, bất thường chuyển hóa, nhiễm trùng bào thai.

3. Thai với tăng trưởng trong tử cung bị giới hạn do nhau thai.

Việc xác định chính xác tuổi thai dựa vào siêu âm 3 tháng đầu giữ vai trò then chốt. Các chỉ số sinh học AC < 10% giúp phát hiện TCTT với tỷ lệ 75%, vòng bụng nhỏ là một dấu chứng nhạy để phát hiện TCTT. Để chẩn đoán xác định cần dựa vào siêu âm là chủ yếu vì:

  • Đây là phương pháp hữu hiệu để chẩn đoán vì có thể so sánh đối chiếu kích thước của thai với kích thước chuẩn từ đó đánh giá thai chậm phát triển trong tử cung cân đối hay không cân đối
  • Có đến 90% trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung có thiểu ối và dễ dàng phát hiện được qua siêu âm.
  • Có khả năng ước lượng được trọng lượng thai để đối chiếu với chỉ số trung bình.

Muốn theo dõi một thai nhi có thật sự bị chậm tăng trưởng hay không cần một thời gian dài theo dõi. Cần phải siêu âm đo đạc kích thước thai ít nhất 2 thời điểm, cách nhau ít nhất 4 tuần xem thai nhi có lên kí, cử động thai ra sao, tim thai, nước ối, đo kháng trở động mạch… rồi mới đưa ra được quyết định chính xác cho cả mẹ và con.

Bác sĩ cũng có thể làm thêm một số những xét nghiệm khác như:

  • Xét nghiệm máu mẹ xem mẹ có bị nhiễm những vi trùng thường gây ảnh hưởng lên thai không
  • Chọc ối : Đây là một thủ thuật dùng mũi kim để lấy nước ối. Mẫu dịch này được kiểm tra xem thai có bị nhiễm trùng hay bất thường di truyền nào không và đôi khi để đánh giá độ trưởng thành của phổi thai nhi. Tuy nhiên, đây là sự lựa chọn cuối cùng, vì phương pháp xâm lấn này có thể dẫn đến nguy cơ sinh non.
  • Theo dõi nhịp tim thai để đánh giá sức khoẻ thai.

2. Nguyên nhân nào gây thai chậm tăng trưởng? Có phải do mẹ ăn ít không?

Đa số các mẹ thường rất lo sợ và cho rằng do mẹ ăn ít hoặc do chế độ ăn của mẹ “chưa đủ dinh dưỡng”! Thật ra có rất nhiều nguyên nhân gây thai chậm tăng trưởng:

  • Nguyên nhân do mẹ :
  • Mẹ mắc một số bệnh lý nội khoa [bệnh lý thận, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu…]
  • Mẹ quá gầy, ăn uống thiếu thốn hoặc hút thuốc lá, nghiện rượu bia hay ma tuý.
  • Hội chứng kháng phospholipid
  • Do phần phụ của thai : Bệnh lý bánh nhau, dây rốn.
  • Do thai :
  • Đa thai: song thai hay tam thai.
  • Nhiễm trùng bào thai: mẹ nhiễm có thể lây sang con gây nhiễm trùng bào thai như: rubella, toxoplasma, giang mai, cytomegalovirus.
  • Dị tật thai, ví dụ dị tật tim.
  • Bất thường về gen hay nhiễm sắc thể.

Một số trường hợp thai chậm tăng trưởng do nhiều nguyên nhân nhưng cũng có khi không tìm được nguyên nhân cụ thể.

3. Điều này ảnh hưởng đến thai như thế nào?

Tỷ lệ biến chứng và tử vong sau sinh của thai sẽ gia tăng do hiện tượng giảm nước ối thường xuất hiện, từ đó gây nên sự chèn ép dây rốn, các bé đã từng là thai chậm phát triển trong tử cung sẽ dễ bị những di chứng trầm trọng về thần kinh, kém phát triển trí tuệ, cao huyết áp lúc về già và những biến chứng về tim mạch hoặc bị vàng da, bị thừa hồng cầu hơn những em bé là thai khỏe bình thường khác.

Nguy cơ lớn nhất mà các bác sĩ lo sợ là thai mất trong bụng mẹ! Tình trạng kiệt quệ nguồn dinh dưỡng nuôi thai có thể vượt quá khả năng chịu đựng của thai và do đó bác sĩ có thể tiên lượng cho bạn sinh sớm hơn dự định. Những em bé quá nhỏ hay quá non tháng có thể cần phải được bác sĩ nhi sơ sinh chăm sóc tích cực và có thể gặp nhiều vấn đề như:

  • Hạ đường huyết
  • Hạ thân nhiệt
  • Nhiễm trùng sơ sinh
  • Vàng da
  • Suy hô hấp
  • Tổn thương thần kinh

Ngoài ra nếu như em bé của bạn có thể có bất thường là nguyên nhân nền gây chậm tăng trưởng như dị tật tim, bất thường nhiễm sắc thể thì tiên lượng về sau phụ thuộc rất nhiều vào những bất thường này. Bác sĩ sẽ tư vấn thêm cho bạn tuỳ vào tình huống cụ thể.

4. Mẹ có thể làm được gì trong trường hợp này để giúp con?

  • Lưu giữ giấy tờ khám thai cẩn thận, nhất là các siêu âm trong 3 tháng đầu thai kỳ. Điều này sẽ giúp cho các bác sĩ tính được tuổi thai chính xác. Việc tính sai tuổi thai có thể làm cho con bạn bị so sánh với các bạn khác “già tháng” hơn nhiều dẫn tới việc bị chẩn đoán nhầm là thai nhỏ!
  • Các cặp vợ chồng khi có kế hoạch mang thai cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn về di truyền.
  • Tăng cường dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày của mẹ, cố gắng dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ giấc, giảm bớt các stress trong công việc, cuộc sống. Bỏ ngay thuốc lá, rượu bia hay trường hợp hiếm là ma tuý nếu có lỡ sa vào mẹ nhé.
  • Khám thai định kỳ đều đặn theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Lịch khám thai của bạn có thể dày hơn rất nhiều so với các mẹ bầu khác. Lý do vì bác sĩ muốn theo dõi sát sao sức khoẻ của con bạn để tìm nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày.
  • Khi sử dụng thuốc cần phải hỏi ý kiến bác sĩ để tránh thuốc có tác dụng phụ làm thai chậm phát triển
  • Theo dõi cử động thai tại nhà. Mặc dù phương pháp này còn hạn chế trong việc đánh giá sức khoẻ thai nhưng nó khá tiện lợi, dễ áp dụng và tăng cường nhận thức về sức khoẻ thai của mẹ. Thời điểm bắt đầu theo dõi là sau 28 tuần.

5. Điều trị :

Tùy vào phân loại thai chậm tăng trưởng tại thời điểm chẩn đoán mà bác sĩ sản khoa sẽ đưa ra hướng xử trí thích hợp.

  1. Rất sớm : tuổi thai ≤ 29 tuần
  2. Sớm 29 tuần ≤ tuổi thai ≤ 34 tuần
  3. Muộn : tuổi thai > 34 tuần

Chẩn đoán thai chậm tăng trưởng giai đoạn sớm

  • Chỉ chiếm 20 – 30% IUGR
  • 50% có thể kèm tiền sản giật sớm
  • Tình trạng suy chức năng bánh rau nghiêm trọng, giảm cung cấp oxy cho thai mãn tính
  • Biểu hiện: EFW < 10% [siêu âm đánh giá trọng lượng thai], Doppler ĐM rốn bất thường
  • Kết cục sau sinh: rất xấu, toan hóa máu, nguy cơ tử vong cao

Chẩn đoán thai chậm tăng trưởng giai đoạn muộn

  • Chiếm 70 – 80% IUGR
  • Ít kèm tiền sản giật [

    10%]

  • Tình trạng suy chức năng bánh nhau mức độ nhẹ.
  • Biểu hiện: Trọng lượng gần như phù hợp tuổi thai hoặc hơi nhỏ; Doppler ĐM rốn bình thường trong hầu hết trường hợp; MCA doppler giảm kháng trở 25%; CPR bất thường [25%] -> giảm oxy thai; Doppler ống TM gần như bình thường
  • Kết cục sau sinh: nguy cơ tử vong thấp hơn, nhưng dự hậu lâu dài xấu

Mục tiêu là chấm dứt thai kỳ đúng thời điểm!

Nguyên tắc chọn thời điểm chấm dứt thai kỳ là khi mà nguy cơ em bé mất trong tử cung do chậm tăng trưởng lớn hơn nguy cơ em bé mất sau sinh do non tháng.

Lưu ý : Nếu nguyên nhân đến từ bất thường nhiễm sắc thể hay đa dị tật thì nên chỉ định đình chỉ thai nghén, nếu dị tật đơn độc thì cần được hội chẩn với trung tâm chẩn đoán trước sinh và bác sĩ phẫu thuật để có hướng xử trí sau sinh.

─────

Với thai chậm tăng trưởng rất sớm ≤ 29 tuần : cần tham vấn tiền sản và xử trí tùy trường hợp.

Với thai 29 tuần ≤ tuổi thai ≤ 34 tuần : Tuỳ trường hợp mà thái độ xử trí khác nhau, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ nhập viện hoặc theo dõi tại nhà kết hợp tái khám liên tục. Các phương pháp điều trị : Theo dõi sát sao em bé bằng siêu âm Doppler, đo nước ối, hỗ trợ phổi bằng liệu pháp Corticosteroids, theo dõi tim thai cơn gò bằng monitor kèm theo điều trị bệnh lý nội khoa cho mẹ [nếu có]

Thai > 34 tuần : Hỗ trợ phổi bằng liệu pháp Corticosteroids được chỉ định trong những trường hợp mổ lấy thai chủ động.

─────

Trong đa số trường hợp bác sĩ có thể theo dõi cho bạn sinh thường. Tuy nhiên nếu sức khoẻ em bé yếu trầm trọng và có thể không chịu đựng được cuộc đẻ, có kèm các yếu tố bất lợi như nước ối giảm, nhau bám thấp, ngôi không thuận… thì bạn có thể được mổ chủ động và có sự tham gia của bác sĩ hồi sức sơ sinh.

Chủ Đề