Đánh giá thi học sinh giỏi lớp 9

Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 ở Hà Nội gồm 2 câu hỏi 6 điểm và 14 điểm. Học sinh làm bài trong thời gian 150 phút.

Câu 1: Với nội dung từ hình ảnh của anh Grabbike chở một nữ bác sĩ vào bệnh viện chống dịch nhưng đã cương quyết không nhận tiền cuốc xe, học sinh tạo lập một văn bản nghị luận (khoảng 2 trang giấy thi) với chủ đề: Một khía cạnh của Tổ quốc trong em.

Câu 2: "Có người băn khoăn thế nào là thơ hay? Rồi người đó tự trả lời: Với tôi, một câu thơ hay, một bài thơ hay ít nhất phải gây được ấn tượng về một phương diện nào đó. Những ấn tượng đó thường in sâu vào trí nhớ, hóa thành máu thịt, hóa thành tâm hồn. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Làm rõ "những ấn tượng" của em về một bài thơ hay trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở".

Đánh giá thi học sinh giỏi lớp 9

Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 cấp thành phố. Ảnh: MXH

Đề thi năm nay nhận nhiều lời khen ngợi từ các giáo viên vì có tính mới trong tư duy ra đề.

Cô giáo Lê Trần Diệu Thu, sinh năm 1995, tốt nghiệp Thạc sĩ Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ văn, hiện tại là Giáo viên Ngữ văn hệ song bằng, Khoa Giáo dục Chính trị và Khoa học cơ bản, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị. Cô Thu từng ôn luyện cho nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi HSG cấp thành phố, từng đạt Huy chương Bạc phần thi Xử lý tình huống sư phạm, cuộc thi Nghiệp vụ Sư phạm toàn quốc mở rộng lần V - 2013, nhiều năm liền đạt danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu, Sinh viên 5 tốt cấp Đại học Quốc gia Hà Nội.  

Nhận xét về đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9, cấp thành phố Hà Nội năm học 2021-2022, cô Diệu Thu cho hay:

"Ở câu số 1 đã giúp học sinh thể hiện được kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận xã hội, trình bày được nhận thức của các em trước những vấn đề đang diễn ra hàng ngày.

Giữa con người với con người: Đó chính là tình thương đồng loại, sự sẻ chia, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, đặc biệt trước những biến cố chung của cộng đồng - ảnh hưởng của đại dịch Covid.

Giữa cá nhân với Tổ quốc: Dưới góc độ này, đề còn hướng học sinh đến giá trị cao đẹp, lớn lao hơn mà cộng đồng hướng tới, vì mọi người, vì cộng đồng, vì Tổ quốc.

Tôi đánh giá tư duy của người ra đề mang tới tính đột phá bởi phần ngữ liệu hay, mang tới cho các em cách nhìn và cách viết mở để trả lời câu hỏi: Một khía cạnh của Tổ quốc trong em là gì? Tuy đề chỉ hỏi một khía cạnh nhưng học sinh có nhiều góc nhìn để đánh giá, nêu quan điểm, đo lường tốt năng lực của học trò.

Đối với câu Nghị luận văn học - câu số 2, câu hỏi tập trung làm rõ vấn đề luận bàn: Thế nào là một bài thơ hay, yêu cầu học trò phải nêu minh chứng cụ thể một bài thơ trong chương trình Ngữ văn THCS. Thực tế, thơ hay hoặc không hay tùy thuộc vào cảm quan đánh giá của mỗi người. Vì thế học trò sẽ lựa chọn một bài thơ bất kỳ để đánh giá cái hay, cái đẹp của mỗi bài thơ đã chọn. Tôi cho rằng, bài thơ nào có giá trị thì đó là một bài thơ hay, bài thơ càng nhiều giá trị: nội dung, nghệ thuật (giá trị giáo dục, giá trị thẩm mỹ, giá trị nhận thức) thì bài thơ đó càng dễ dàng chứng minh để làm nổi bật vấn đề luận bàn. 

Như vậy, ở câu hỏi số hai này, học trò hoàn toàn có thể nêu lên quan điểm, khai thác sâu hơn ở "những ấn tượng" của chính bản thân để giải quyết vấn đề luận bàn".

Cô Thu kết luận, đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố của Hà Nội năm nay hay, có tính mới tư duy trong quá trình sáng tạo nội dung câu hỏi, khác hẳn những năm trước theo lối tư duy cũ. Đề thi năm nay cũng gần gũi với thực tế, đo lường kết quả chọn lọc học sinh giỏi tốt, có tính phân loại học sinh cao, đặc biệt là theo kịp chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Đánh giá thi học sinh giỏi lớp 9

Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) đứng đầu các trường THPT trong cả nước về số lượng giải đoạt được tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021 - 2022 - Ảnh chụp màn hình

Không ít người cho rằng kỳ thi học sinh giỏi góp phần thúc đẩy phong trào dạy tốt học tốt, lấy kết quả kỳ thi học sinh giỏi như là một trong những thước đo đánh giá chất lượng giáo dục địa phương hay của một trường nào đó. 

Rồi người ta có thể biện luận cho các kỳ thi học sinh giỏi giúp tạo ra động lực cạnh tranh giữa các cá nhân học sinh (và ngay cả giáo viên) để trẻ có thể đủ tự tin để sống và làm việc trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Tuy nhiên, ít ai thẳng thắn nhìn nhận và phân tích mặt trái của kỳ thi này.

Người hả hê, kẻ khóc thầm

Đã thi thì phải có kẻ thắng người thua. Chiến thắng ở một kỳ thi sẽ giúp cho trẻ được hả hê nhất thời, người thua cuộc thì khóc thầm và rất có thể xuất hiện sự ghen tị, đố kỵ. 

Điều này rất không phù hợp với mục tiêu giáo dục trẻ tinh thần đồng đội, hợp tác, vốn là kỹ năng rất quan trọng cho cuộc sống của trẻ sau này. Nhà trường sẽ làm gì, cha mẹ học sinh sẽ làm gì nếu các em thắng cuộc và thua cuộc? Câu trả lời dường như chưa có sẵn.

Trong điều kiện nào đó, thi học sinh giỏi có ý nghĩa tích cực, nhưng nhiều trường hợp rất dễ tạo ra những giá trị sai trái như đố kỵ, ghen tức, thiếu hợp tác, ích kỷ và thậm chí không tránh khỏi chuyện gian lận, mua bán, đi đêm bằng mọi giá để đoạt giải vì thành tích của nhà trường hay địa phương.

Học sinh có thể lo lắng về việc làm cha mẹ, thầy cô và hiệu trưởng của mình thất vọng vì thành tích bản thân thấp, do vậy càng phải tập trung quá mức để giành chiến thắng. Khi không đạt kết quả mong muốn, học sinh sẽ thất vọng tột độ, thậm chí mất niềm tin vào bản thân, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý.

Đối với giáo viên, cuộc cạnh tranh cũng không kém phần khốc liệt. Học sinh đi thi nhưng thầy cô hồi hộp vì kết quả của trò sẽ giúp thầy cô đạt tới các mục tiêu như được khen ngợi, nhiều học sinh tìm đến để luyện thi, học thêm, đồng nghiệp nể phục... 

Trong khi đó, những kinh nghiệm đào tạo học sinh giỏi thì lại rất ít hoặc hầu như không hữu ích trong việc dạy học sinh đại trà, do mỗi học sinh là một cá thể khác nhau, nên không thể áp cách luyện thi học sinh giỏi vào để dạy cho đa số học sinh bình thường khác.

Phải thay đổi

Một hệ thống giáo dục bị chi phối bởi thứ hạng và điểm số, vì bệnh hám thành tích không thể không làm cho khiếm khuyết của hệ thống bị lộ rõ. 

Điều đáng nói, vì sao những tác động tiêu cực của việc thi học sinh giỏi đến học sinh ít được các nhà quản lý trường học và địa phương quan tâm?

Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các trường, các địa phương dẫn đến các cuộc chạy đua không ngừng nghỉ rồi nhiều khi quên mất mục tiêu giáo dục toàn diện và thực hiện sự bình đẳng trong hưởng thụ giáo dục. 

Ngoài ra không loại trừ sự vụ lợi của những người quản lý khi đứng ra tổ chức việc luyện thi, tổ chức thi (chuẩn bị mua sắm vật tư, vận động tài trợ, ra đề, coi thi, chấm thi, công bố giải...).

Một chính sách tốt cần luôn hướng đến người học, giúp cho học sinh phát triển năng lực cá nhân đầy đủ, đa dạng về nhận thức, có năng lực phản biện, học tập suốt đời để đóng góp cho xã hội khi trưởng thành. 

Một chính sách giáo dục không phục vụ vì lợi ích của số đông học sinh thì chính sách đó rất cần xem xét lại để điều chỉnh.

Thi học sinh giỏi chắc chắn không nên vì lợi ích của người lớn, kể cả lợi ích chính trị và lợi ích kinh tế. 

Câu chuyện thi học sinh giỏi không phải là "không quản được thì cấm" mà nên có nghiên cứu đánh giá, hoàn thiện chính sách, luật pháp để thi cái gì, khi nào, thi thế nào, ở đâu; để tổ chức kỳ thi lành mạnh, đúng pháp luật vì mục tiêu phát triển học sinh và lợi ích đất nước.

Có phù hợp với Luật giáo dục?

Việc Bộ Giáo dục và đào tạo đứng ra tổ chức các kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi không thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước theo quy định của Luật giáo dục. Tương tự, UBND các địa phương cũng cần có giải pháp để cuộc thi học sinh giỏi ở địa phương diễn ra đúng pháp luật.

Mời tham gia Diễn đàn "Thi học sinh giỏi để làm gì?"

Có nên duy trì kỳ thi học sinh giỏi? Nếu có thì nên điều chỉnh, thay đổi như thế nào cho phù hợp? Nếu không thì có cách thức nào phát hiện, tìm kiếm được nhân tài?

Mời quý bạn đọc, thầy cô, phụ huynh và học sinh chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình về câu chuyện này. Bài viết xin email về . Những bài được sử dụng trên nhật báo Tuổi Trẻ hoặc báo Tuổi Trẻ điện tử (tuoitre.vn) sẽ được chấm nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Đến nay, tòa soạn đã nhận được ý kiến, bài viết tham gia diễn đàn của các tác giả Lê Phương Trí, Minh Anh, Trịnh Kỳ An, Minh Đăng, Phương Ninh, Thanh Nguyễn, Lê Tấn Thời, Nguyễn Trung Nguyên... Chúng tôi sẽ xem xét, sử dụng trong thời gian tới.