Đánh giá vi xử lý p630 tinhte năm 2024

Nếu không muốn đọc những phân tích chi tiết của Jonathan Goldberg đăng tải trên TechSpot, thì nhà phân tích cũng như tư vấn nổi tiếng từng làm việc cho vài tập đoàn bán dẫn lớn này cũng liệt kê ra đúng ba vấn đề mà Intel cần phải xử lý ngay lập tức nếu không muốn tiếp tục tụt hậu so với phần còn lại của thị trường gia công bán dẫn:

  • Giải quyết vấn đề gia công
  • Thiết kế ra những sản phẩm cạnh tranh
  • Tìm được những khách hàng béo bở cho dịch vụ IFS

"Intel đang ở vị thế rất khó khăn, và họ cần thừa nhận điều đó"

Đó là nhận định của Jonathan Goldberg, nhà sáng lập đơn vị tư vấn thị trường D2D Advisory trong bài viết ông này vừa đăng lên trang Techspot. Những góc nhìn của Goldberg đối với Intel, theo mình, là thứ không phải ai cũng nhìn ra…

Điều quan trọng nhất ở đây là, Intel muốn làm cả ba việc cùng lúc, chứ họ không hề đợi bước thứ nhất hoàn thành mới chuyển sang nghiên cứu vấn đề thứ hai. Theo họ, nếu làm vậy, họ sẽ lại chậm chân hơn các đối thủ lớn trong ngành, nói thẳng ra là TSMC và Samsung. Vấn đề lại nằm ở chỗ, ba cái gạch đầu dòng ở trên là những thử thách mang tính hệ quả. Giải quyết toàn vẹn cái trước thì mới bắt đầu nghĩ đến cái tiếp theo được.

Giải quyết vấn đề gia công

Intel hiện giờ vẫn được cơ cấu theo mô hình IDM [Integrated Device Manufacturing], với những fab gia công của riêng họ, Intel có toàn quyền quản lý. Hiện giờ dù Intel đã chuyển một phần đơn hàng gia công sang TSMC, nhưng khoảng 70% tổng doanh thu của họ vẫn đến từ những sản phẩm xuất xưởng từ fab của riêng Intel.

Gần 1 thập kỷ trước, một quyết định sai lầm được ban lãnh đạo Intel đưa ra, đó là ở lại với giải pháp gia công bán dẫn quang khắc DUV thay vì chạy đua đầu tư những chiếc máy EUV tối tân, cùng lúc nghiên cứu quy trình gia công dựa trên EUV. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, họ tụt hậu đáng kể, được mô tả ngắn gọn bằng câu nói đùa của cộng đồng mê công nghệ bao năm qua, là “14nm+”.

Intel: Chỉ cần đúng một quyết định sai, đánh rơi ngôi vương trong chưa đầy 10 năm

Hãy vào đề luôn. Gần 10 năm về trước, Intel, kẻ dẫn đầu thị trường gia công chip bán dẫn toàn cầu đã đưa ra một quyết định mang tính định mệnh đối với họ. Khi ấy có một công nghệ mới, gọi là in thạch bản EUV, extreme ultra violet…

Vài năm qua, Intel đã chệch khỏi quỹ đạo dự báo hiệu năng và mật độ transistor mà chính nhà sáng lập Intel, Gordon Moore dự báo thông qua “định luật” được cả ngành gọi là kim chỉ nam. Đương nhiên Intel hiểu điều đó, và họ đang chạy đua để bắt kịp. Vậy là mục tiêu đầy tham vọng được đưa ra: 4 năm nghiên cứu xong 5 tiến trình bán dẫn.

Giải quyết điều này là thử thách mang tính sống còn đối với Intel. Không hoàn thành mục tiêu trong thời hạn tự đưa ra, thì với tốc độ nghiên cứu bán dẫn như hiện giờ, Intel sẽ tự vẽ ra một tương lai vô cùng bất ổn cho chính họ.

Hiện giờ, nhìn thì có vẻ Intel đang đạt được những mục tiêu họ đưa ra, nhưng cũng phải hơn một năm nữa, những cải tiến lớn trong tiến trình gia công mới tìm được đến các sản phẩm thương mại hoá. Hãy đưa ra một dự đoán, rằng chúng ta tin tưởng Intel trong những nỗ lực 4 năm chạy từ Intel 10nm lên Intel 3, thì chí ít họ cũng chỉ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường, chứ không thể vượt qua được khả năng của TSMC trong tương lai gần.

Tạo ra sản phẩm cạnh tranh

Những nỗ lực giải quyết việc chậm chạp trong nghiên cứu tiến trình bán dẫn của Intel đưa chúng ta đến vấn đề thứ hai. Hãy giả định, quy trình Intel 4 hay Intel 3 đạt tiêu chuẩn chấp nhận được, thì họ vẫn phải đối mặt với việc tạo ra những sản phẩm thương mại đủ sức cạnh tranh. Ở đầu danh sách những cái tên Intel phải vượt qua chính là AMD. Kể cả là khách hàng doanh nghiệp hay cá nhân, dàn sản phẩm CPU hiện tại của AMD là những giải pháp cực kỳ hứa hẹn.

Mấy năm qua, AMD, nhờ sức mạnh của TSMC, đã đưa ra không ít những sáng tạo mới cho CPU thương mại, ví dụ kiến trúc chiplet và kỹ thuật associated packaging. AMD hiện giờ đảm bảo rằng, những con chip Ryzen, Threadripper và Epyc của họ có hiệu năng cũng như tổng chi phí vận hành thấp hơn Intel. Intel mất càng nhiều thời gian giải quyết vấn đề gia công, thì khoảng cách giữa họ và AMD sẽ càng lớn. Vấn đề là Intel sẽ không thể giải quyết xong vấn đề gia công cho tới cuối năm 2024.

Thêm nữa, thị trường đang có những bước chuyển, kể cả ở mảng doanh nghiệp lẫn tiêu dùng. Trong những data center, các doanh nghiệp đang dần chuyển dịch từ việc phụ thuộc hoàn toàn vào sức mạnh của CPU đa dụng sang những hệ thống kết hợp cả CPU, GPU và chip tăng tốc chuyên biệt.

Intel khoe benchmark chip AI Gaudi2: Mạnh hơn Nvidia A100 khi nghiên cứu mô hình ngôn ngữ

Intel và startup nghiên cứu chip Habana Labs của họ vừa công bố kết quả benchmark MLPerf của con chip nghiên cứu machine learning Gaudi2. Với những con số được công bố, và khi Instinct MI300X của AMD chưa chính thức ra mắt…

Đúng là Intel có GPU và chip xử lý AI, nhưng tác động trên thị trường của họ là rất thấp. Nhìn từ bên ngoài, có thể đưa ra kết luận rằng Intel đang bận dồn gần hết sức lực giải quyết vấn đề mang tính sinh tồn, đó là tiến trình bán dẫn. Vậy là roadmap sản phẩm thương mại của Intel, mô tả những bước chuyển của thị trường điện toán hiện giờ vẫn chưa thấy đâu cả.

Vấn đề của Intel giờ đã khác. Nửa thập kỷ trước, họ chỉ có một đối thủ duy nhất: AMD. Giờ họ phải cạnh tranh với cả Nvidia, Qualcomm, hay thậm chí là cả Apple nữa. Chỉ khi Intel hồi sinh được mảng gia công bán dẫn, thì những thử thách ấy mới có thể được giải quyết. May mắn là Intel giờ vẫn sở hữu thị phần đáng nể trên thị trường máy tính cá nhân, nhưng chỉ có danh tiếng của một ông lớn hết thời thì không bao giờ là đủ.

Tìm kiếm đối tác cho dịch vụ IFS

Intel càng khó khăn thì họ lại càng phải đầu tư mạnh tay. Đầu tư ở đây bao gồm cả việc nghiên cứu tiến trình, lẫn nghiên cứu sản xuất sản phẩm thương mại. Lại phải nói đến khả năng Intel thành công trong việc nhảy vọt tiến trình, từ Intel 10nm lên Intel 3 trong vòng 4 năm, thì đương nhiên họ không thể ngồi yên với Intel 3 trong vòng mấy năm sau đó, hệt như những gì xảy ra với 14nm được. Cái yếu tố yêu cầu tài chính để đáp ứng tốc độ phát triển của định luật Moore là rất khủng khiếp. Vậy là Intel phải có doanh thu để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Vấn đề trở nên tệ hơn khi các fab của Intel có sản lượng gia công thấp hơn của TSMC rất nhiều. Để đảm bảo mảng nghiên cứu phát triển của Intel sống khoẻ, fab của họ phải có khách hàng thông qua dịch vụ IFS [Intel Foundry Services].

Hãy nhìn vào lý do TSMC giờ trở thành kẻ dẫn đầu thị trường bán dẫn toàn cầu. Fab của họ có doanh số quá khủng khiếp, đồng nghĩa với việc tốc độ học hỏi và tổng kết kinh nghiệm sản xuất của TSMC cao hơn rất nhiều. Trong ngành, tìm ra vấn đề và tìm cách giải quyết nhanh luôn là một yếu tố quan trọng.

Vậy là Intel vừa phải đảm bảo tiến trình của họ cạnh tranh, vừa phải có những chip xử lý đáng sở hữu, lại vừa phải biến IFS trở thành một đối thủ đáng gờm trong ngành. Các doanh nghiệp và đối tác sẽ chỉ chọn Intel khi họ tin [có kèm bằng chứng] rằng IFS có thể cạnh tranh với TSMC. Mà nếu Intel không làm được hai bước trước đó, thì không ai coi IFS là một giải pháp thay thế nghiêm túc cả.

Tính ra, trong mắt các nhà đầu tư và phân tích thị trường, Intel không thể có doanh thu từ IFS cho tới những năm cuối thập niên 2020.

Tạm kết

Về cơ bản, thử thách lớn nhất của Intel là thay đổi văn hoá tập đoàn. Họ phải chấp nhận rằng thế giới đang thay đổi quá nhanh, khi ấy mới có được những bước chuyển phù hợp. Những năm qua, Intel tự tạo ra cho họ những “điểm mù” do quá tập trung vào việc nghiên cứu nội bộ, không kịp nhận ra những thay đổi trong cả ngành.

Cũng có một bằng chứng cho chuyện này. Từng có lần, Intel tự gọi IFS là “dịch vụ gia công bán dẫn lớn thứ nhì thế giới,” nếu cộng cả doanh số sản phẩm CPU và GPU đóng mác Intel. Tuyên bố trên hoàn toàn không sai, nhưng có phần tự phụ và lệch lạc về tầm nhìn.

May mắn là vẫn có những yếu tố tích cực ủng hộ Intel trong quá trình chuyển mình. Họ vẫn có những tài năng xuất chúng làm việc cho tập đoàn. Thêm nữa, họ cũng không cần phải gồng mình để dẫn đầu ngành ở mọi mảng, mọi khía cạnh. Ví dụ ở phần gia công, họ không có áp lực phải vượt qua TSMC, chỉ cần bắt kịp với họ mà thôi. Và ở mảng IFS, họ cũng không cần vượt qua Samsung để “lớn thứ nhì thế giới”, mà chỉ cần có khách hàng mà thôi.

Chủ Đề