Dây thường xuân xanh biếc review năm 2024

Con chim xanh biếc bay về là tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Cả câu chuyện là sự gói ghém cẩn thận từ tình thương máu mủ, tình yêu chân thành và cả những câu chuyện của tuổi thơ. Ta từng thấy các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đều mang một vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của vùng quê Nam bộ, trải dài những chốn cũ kĩ như cái làng nhỏ, cái trường tẹo teo hay cả cái tính thân thiện của con người miền Nam dân dã. Và ở Con chim xanh biếc bay về cũng vậy, tái hiện lại thôn xóm ở vùng quê ấm áp, vẽ ra bức tranh của cô gái nông thôn vào Sài Gòn ăn học, hiện lên khung cảnh của kẻ xa nơi ‘chôn rau cắt rốn’ để đến một miền xa lạ mưu sinh. Khuê chính là vậy! Mà tại đây, bằng một cách nào đó cô đã gặp được những người bạn đồng hương, những cái duyên nợ bất chợt mà Khuê chẳng ngờ đến. Ở chốn Sài Gòn xa hoa, Khuê liệu có tìm cho mình một lối đi đúng đắn hay lạc lối giữa dòng chảy của xã hội...

Khuê – cô gái kiên cường mang nhiều hoài bão

Cái chuông nhỏ bé đó, sau này những buổi tối đi dạy thêm hay đi làm về khuya tôi vẫn buồn tay nhấn để nghe tiếng leng keng vang lên trong hẻm vắng. Để vơi bớt nỗi nhớ nhà. Để tan đi trong lòng những muộn phiền của cuộc mưu sinh vất vả. Để thấy đời vui hơn.

Khuê xuất hiện với hình ảnh cô gái giản dị, cái giản dị ấy hiện qua từng câu nói, lời kể trải dài trên trang giấy thẳng tắp. Dù ra trường hơn một năm nhưng Khuê vẫn chấp nhận đi chiếc xe đạp cũ của ba đã mua cho suốt thời gian học đại học. Đó là một chiếc xe đạp thô kệch mà theo lời kể ấy chẳng khác nào chiếc xe dành cho nam giới, không hề mang dáng vẻ của một cô gái điệu đà, dễ mến. Thế nhưng cô biết, đó là chiếc xe tốt, là chiếc xe ba đã dùng số tiền từ công việc buôn ve chai cực nhọc để mua cho cô, cô trân trọng nó dù đôi khi cảm thấy có chút mặc cảm… Tôi vốn sinh ra ở Sài Gòn, tôi khó mà hình dung ra cảm xúc của kẻ xa quê, nhưng tôi đoán rằng nó chẳng dễ dàng gì, đôi khi ta muốn bỏ rơi mọi thứ để về vòng tay của gia đình, nhưng rồi hoài bão chồng ước mơ khiến ta lại tiếp tục cật lực với cuộc sống.

Khuê tìm được công việc tại một quán ăn, đó cũng là nơi cô gặp Sâm – người chủ quán khó tính. Đối diện với Sâm, Khuê luôn xem những lời anh nói như những bài học bổ ích và cô là cô học trò lẽo đẽo theo sau nghe chỉ bảo. Sâm kĩ tính, kĩ đến từng ‘thớ thịt ngọn rau’, đi chợ mua nguyên liệu luôn là những sản phẩm đầy đủ về cả chất lượng lẫn người bán. Trước cái triết lý sâu xa ấy của Sâm, Khuê từ một cô gái dân dã dần chấp nhận và thích nghi với lối tư duy nơi thành thị.

Tự nhiên tôi nhớ nhà. Phía xa xa, cách xe bán bánh mì đầu hẻm chừng mười mét là một trung tâm ngoại ngữ năm tầng đồ sộ, ngay đằng trước hiên kể một chậu mai lớn, báo hiệu Tết sắp về. Chỉ vậy thôi đủ làm lòng tôi nao nao. Có lẽ chàng trai cô gái xa quê nào cũng vậy, mỗi khi trời trở lạnh, lòng mình bỗng lạnh theo.

Cách đối xử của Sâm trong thời gian qua giúp lòng tôi ấm áp lên một chút. Tôi vơi được phần nào nỗi nhớ quê. Tôi không còn thấy quá sốt ruột vì phải mỏi mòn chờ xin việc mới. Dẫu sao tôi cũng học được ở Sâm nhiều điều hay. Lương tối tháng này cũng đã tăng lên.

Nhưng chuyến đi trả quà vừa rồi như một cú đánh mạnh vào đầu tôi. Nhìn vẻ mặt thất vọng của các chủ sạp khi tôi ngượng ngùng đặt những túi quà xuống trước mặt họ.

...

“Em không muốn ở lại đây rồi phải tiếp tục mang quà đi trả nữa. Em không thích chuyện đó. Em không thích biến thành con người lúc nào cũng để phòng người khác lợi dụng mình.”

Lần này Sâm để mặc tôi nói. Anh không ngắt lời tôi như mọi lần. Có lẽ anh biết lòng tôi đang chất chứa hờn giận. Sâm đưa mắt nhìn đi đâu đó một lúc lâu. Mãi một hồi, anh mới quay lại nhìn tôi, nhẹ giọng:

“Tôi xin lỗi cô. Các túi quà đó, lẽ ra tôi nên tự mình đem đi trả. Dù sao tôi cũng đã quen với việc trả quà mỗi dịp Tết rồi.”

“Ai trả cũng vậy thôi. Tôi không thích việc từ chối tình cảm của người khác.”

“Thật ra, tôi không nhận quà của các đối tác không phải vì tôi sợ “ăn xôi chùa ngọng miệng”. Đó chỉ là một phần nhỏ.” - Sâm thở dài, giọng ưu tư - “Lý do quan trọng là họ buôn bán quanh năm cực khổ, những ngày cuối năm chưa chắc họ đã mua được gạo ngon, áo đẹp cho con cái, vậy mà họ cố dành dụm tiền bạc, có khi phải vay nợ, để lo quà biếu mình. Mà có phải họ chỉ tặng quà cho riêng mình thôi đâu. Có bao nhiêu mối hàng là họ phải tặng bấy nhiêu phần quà. Cùng một lúc họ phải mua một số lượng lớn bia, đường, bột ngọt, đó quả là một gánh nặng với họ mỗi khi Tết đến.”

Thế nhưng đôi lúc Khuê cũng tỏ thái độ chống đối trước những lý lẽ của Sâm - những lý lẽ vừa lạnh lùng vừa khắc nghiệt. Vì Khuê vẫn chưa có cái nhìn thực tế về cuộc đời và đời sống con người nơi đây, mọi thứ vốn không giống như bức tranh yên bình, ấm áp Khuê vẫn hay mơ về. Xuất phát từ trái tim nhân hậu và bao dung thì việc trả những món quà cho các chủ sạp – những người đối với Khuê đã trở nên gần gũi, quen thuộc trở thành công việc khó khăn, tàn nhẫn đến mức nào! Khi họ cất công trao cho ta cái tình, cái mến mà ta lại từ chối nó một cách thẳng thừng, như thể giữa người mua người bán chỉ là quan hệ trao đổi vật chất không hơn không kém. Khuê hoài nghi về cuộc đời, về chốn Sài Gòn hoa mỹ, nơi bao kẻ mơ ước được sinh sống ở đây lại không hề đẹp đẽ như cô mường tượng.

Cô quay lại quán gặp Sâm để muốn xin nghỉ, quay về quê sinh sống, có lẽ vì thái độ trả đi tình cảm của người khác dành cho mình thật quá khó để Khuê chấp nhận. Thế rồi Sâm một lần nữa ‘sắm vai’ người thầy giáo để lý giải cho cô hiểu về hành động của mình. Tuy Sâm có cái vẻ lạnh nhạt, cái nụ cười nửa miệng ‘đáng ghét’ và cả gương mặt ‘không nóng không lạnh’ thế nhưng trái tim anh lại giàu lòng thương cảm biết bao! Ngày xuân đến, lúc những người buôn bán phải bận sáng bận tối bán hàng kịp Tết, họ đã có đủ ăn đủ sống đâu mà lại mua quà gửi tặng khách mối? Xuất phát từ sự thấu hiểu ấy dù rằng họ có lòng, mình có tâm song Sâm vẫn không thể để cái lòng ấy trở thành gánh nặng cho họ. Hiểu được tâm tình của sếp, Khuê nhận ra hành động mình làm có mang cảm tính trong đó, đồng thời nhận ra Sâm là người có tình nghĩa hơn mình nghĩ. Cứ dần dần sự cảm mến của cô dành cho Sâm bắt đầu biến hóa, cao thêm một chút, nhiều hơn một chút, như cái cán cân giữa tình yêu và lòng ngưỡng mộ.

Tôi hóa ra vẫn chưa hiểu hết con người anh. Có lẽ trái tim anh không sắt đá như tôi nghĩ. Có những người, dù sống rất lâu bên cạnh họ, mình vẫn không dám tự nhận là biết rõ về họ. Sâm giống như ống kính vạn hoa, cứ xoay một cái trong mắt tôi lại hiện ra một bông hoa mới.

...

“Anh ưu ái em nhiều quá, người ta lại đồn thổi lung tung.”

Cho đến lúc này, sau nhiều lần cẩn thận sàng lọc cảm xúc, tôi vẫn chưa thể tự tin xếp loại và dán mác cho tình cảm của mình, dù tôi biết rõ thứ tình cảm phức tạp đó chắc chắn đã được sinh ra. Giống như một đứa trẻ, nó đang âm thầm lớn lên dù chưa có giấy khai sinh hợp lệ. Thứ tình cảm chưa được đặt tên đó bắt đầu làm tôi hoang mang, mệt mỏi, đặc biệt từ khi Sâm ghé nhà trọ thăm tôi. Và đúng như tôi linh cảm, cuộc trò chuyện thân mật giữa Sâm và Tịnh trong buổi trưa hôm đó chỉ là khúc dạo đầu. Đến khi biết Sâm vẫn hay gọi điện thoại cho Tịnh thì tôi đâm ra bần thần. Cao hơn sự bần thần nữa, đó là cảm giác uất nghẹn. Nó rất giống với cảm giác của người bị đâm sau lưng mặc dù xét cho cùng tôi không thể nhân danh bất cứ điều gì để phán xét hay lên án Sâm.

Khuê bắt đầu suy nghĩ về những điều Sâm làm cho cô, theo cách hiểu nào đó cô cảm thấy anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt nhiều hơn những người con gái khác. Sâm bán rẻ cho Khuê chiếc xe Cup và cô chỉ việc trả góp dần về sau, chỉ với lý do sợ cô đi làm xa đâm nản rồi nghỉ việc. Hay anh luôn thắc mắc vì sao cô không cài ruy – băng, đánh son đậm như những cô gái khác. Mà theo lời người khác đàn ông chỉ chú ý ngoại hình của ai đó khi họ có cảm tình đặc biệt dành cho đối phương, Khuê đã tin rằng đó là sự thật, tin vào cảm giác thân mật lạ lùng ấy. Thậm chí lúc Khuê bệnh, Sâm không chỉ gọi điện hỏi thăm mà còn đặc biệt đến nhà trọ của Khuê để thăm cô. Chẳng biết từ khi nào tình yêu ấy được nuôi nấng lớn thêm, mà với cô thứ cảm xúc ấy thật mông lung, mơ hồ biết bao! Sâm ân cần với cô đâu có nghĩa là anh cũng yêu cô như cô yêu anh, đâu có gì chắc chắn về tình cảm của Sâm, Khuê lại càng không thể hỏi anh vì sao lại đối xử đặc biệt với cô như vậy...

Anh chưa từng mời tôi đi ăn một lần, điều mà anh dễ dàng làm với cô gái anh chỉ quen mới có vài ngày. Tất cả những gì đẹp đẽ nhất, những gì tôi vẫn bắt gặp trong mơ, hóa ra chỉ là ảo ảnh, là những cuộc phiêu lưu tình cảm do tôi tự vẽ ra. Tôi đã bị trí tưởng tượng cầm tù và tự nguyện để nó thao túng suốt một thời gian dài.

Tôi từng nghe ai đó bảo tình yêu là trò chơi của những sai lầm. Tôi không rõ tôi đã thật yêu chưa, nhưng sai lầm thì tôi có thừa. Tôi tự mua dây buộc mình, buộc luôn những kẻ vô can như Sâm, Tịnh vào đó và không ngừng làm phiền họ.

Bỗng chốc tôi ngạc nhiên nhận ra tôi không cảm thấy ghen tức hay giận hờn như những ngày qua. Cái đang bóp nghẹt trái tim tôi lúc này là sự buồn tủi. Là nỗi đắng cay. Bây giờ nhớ lại, tôi thất vọng nhận ra quan hệ giữa tôi và Sâm lâu nay dường như không có một điểm nhấn nào để có thể nghĩ là anh có tình cảm đặc biệt với tôi. Tất cả chỉ đơn giản là quan hệ giữa người dạy việc và người học việc. Ờ, tất cả chỉ có thế thôi.

Rồi Tịnh xuất hiện - người bạn cùng trọ với Khuê và cũng là đồng hương của cô nhưng lại càng trùng hợp hơn, Tịnh là cô gái của ông bà Mười Thái - chủ vựa trái cây giàu có ở huyện, bà chủ của mẹ Khuê. Tịnh là cô gái trong sáng, trẻ trung và từ khi gặp Tịnh, Sâm như bị thu hút trước cô gái năng động này. Sâm nhiệt tình xin số điện thoại của Tịnh, nhiệt tình đối tốt với Tịnh và hơn hết là nhiệt tình mời Tịnh đi chơi, đi ăn. Khuê từ nỗi băn khoăn trước cảm xúc dành cho Sâm, giờ đây lại như sụp đổ hoàn toàn, như thể kẻ thứ ba thầm lặng chen chân vào mối tình riêng tư giữa hai người. Khuê không có tư cách ghen ghét Tịnh càng không có tư cách chất vấn Sâm. Cô tuyệt vọng, tuyệt vọng trước tình yêu mà ngỡ nó sẽ lãng mạn đến nhường nào.

"Dạ, tháng sau con trả lời.”

Khi trả lời mẹ tôi như vậy, tôi có cảm giác đôi môi tôi đã hoạt động nhanh hơn ý nghĩ của tôi. Tôi không hiểu tại sao tôi lại hứa với mẹ tôi điều đó. Tôi đã bao nhiêu lần kiếm cớ trì hoãn khi ba mẹ tôi nhắc đến chuyện lấy chồng và tôi luôn đinh ninh tôi sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua xem ai kiên trì hơn ai này.

Nhưng rồi tôi đã nói “tháng sau con trả lời”, nghe như một cái gật đầu. Thật là điên! Phải chăng ngoại cảnh đã tác động tới tâm trạng của tôi?

Khuê từng được gia đình ông Mười Thái hỏi cưới cho Quyền - anh của Tịnh. Quyền học cùng với Khuê từ nhỏ, nó vốn là đứa hư hỏng, ‘chuyên gia’ của mọi cuộc ẩu đả và ăn chơi mà trong làng ai cũng biết. Gia đình Khuê tuy mong con gái mau chóng kết hôn nhưng vẫn từ chối cuộc dạm hỏi này. Mãi về sau ông Bảy Sớm cũng hỏi cưới Khuê cho con trai, ông là ba của Sẹo - bạn lúc nhỏ của Quyền và Khuê nhưng thằng Sẹo đã rời quê từ nhỏ, ngay cả khuôn mặt cũng chỉ là những ký ức mờ ảo, mơ hồ trong cô. Thứ duy nhất Khuê còn nhớ về Sẹo là những lần cô ăn hiếp Sẹo và câu chuyện về mẹ Sẹo qua đời do chết đuối.

Dù ba Khuê - ông Cầm từng bảo kết hôn trước yêu sau, nhưng với Khuê đó là quan niệm vừa cũ kĩ vừa cổ hủ. Cô vẫn hy vọng hy vọng được chọn người mà cô yêu, mà Sâm - chàng trai cô đã trót rơi vào lưới tình lại yêu người khác là Tịnh. Trước mối tình chưa nở đã tàn, Khuê dường như đổ gục trước điều này, như vỡ lẽ ra ấy chỉ là giấc mộng mà bản thân tự thêu dệt. Khuê quyết định nghe lời ba mẹ đi xem mắt thử, thái độ này khiến ba mẹ Khuê vui mừng khôn xiết mà bản thân cô như đang đánh lừa cảm xúc của chính mình, cố tìm cách quên đi Sâm…

Sâm - số phận của kẻ ‘bị đánh tráo’

Những năm tháng đi xa, giữa bao khó khăn lo toan bộn bề, tôi vẫn bắt gặp mình không ít lần nghĩ đến nhỏ Khuê như nghĩ đến một đốm sáng nhỏ trong những ngày u ám của tuổi thơ tôi. Khuê bắt nạt tôi nếu không nhiều hơn thì cũng không ít hơn lũ bạn trong trường nhưng không hiểu sao tôi không ghét nó như ghét những đứa khác. Ngược lại, tôi luôn sung sướng mỗi khi được Khuê nhờ vả - sai khiến thì đúng hơn: “Nhặt bông sứ xâu chuỗi giùm chị đi, Sẹo”, “Sẹo hái trái trứng cá cho chị đi”, “Mày xếp cho chị chiếc tàu bay giấy đi, Sẹo”. Bao giờ tôi cũng đỏ mặt tía tai “Chị cái đầu mày” nhưng sau đó tôi lại vui vẻ làm theo lời nó.

Lúc đó tôi còn quá bé để biết mình có thích một đứa con gái hay không nhưng tính cách đặc biệt của nhỏ Khuê dường như có một sức hút kỳ lạ với tôi, đã khiến tôi không ngớt tò mò về nó…

Sâm từ nhỏ là đứa trẻ nhút nhát, rụt rè với cái đầu chi chít vết sẹo - bởi thế mà cả bọn trẻ ở vùng gọi anh bằng cái tên Sẹo, thậm chí về sau chẳng ai nhớ rõ tên thật của Sâm là gì. Hồi còn bé, Sâm luôn là đứa bị ăn hiếp, nhất là nhỏ Khuê mỗi sáng đều chặn cửa ‘ép’ Sâm gọi bằng “chị”, không thì choàng cổ Sâm mà vật xuống đất. Điều giúp Sâm có được sự chú ý của bạn bè là mỗi lần kể chuyện ma, bằng trí tưởng tượng cùng với ngôi nhà cạnh nghĩa trang, Sâm luôn có vô số câu chuyện hấp dẫn để lôi cuốn bạn bè. Vậy sau khi kể xong chúng bạn là ‘phủi mông’ bỏ đi, xem Sâm như kẻ vô hình.

Trong một thời gian dài, ba tôi sống trong sự giằng xé giữa niềm tin và sự hoài nghi, vừa chống lại bà tôi và các cô tôi vừa khổ sở chống lại chính mình và sự sát hạch tình cảm nghiệt ngã đó khiến ông gần như kiệt sức và tính tình ông dần thay đổi. Con người vui vẻ biến mất, thay vào đó là một ông chồng lầm lì và một ông bố hay gắt gỏng. Và đứa bé còn là tôi đã phải sống nơm nớp trong nỗi hoang mang thắc thỏm suốt hai năm cuối tiểu học, giống như một con chuột nhắt sống trong hang tối, lo sợ một ngày trần hang sẽ sập xuống chôn lấy cuộc đời mình.

Chuyện ở lớp đã đáng chán, chuyện nhà lại càng thêm sầu não. Bà nội trước giờ vốn không tin Sâm là con ruột của ông Bảy Sớm, từ cái dáng vẻ lẫn những vết tích trong dòng họ mang tính di truyền Sâm đều chẳng thừa hưởng cái nào! Đối với điều này, ba Sâm mang một áp lực rất lớn, ông yêu vợ nhưng chính bản thân ông cũng cảm nhận con chẳng có tí nào giống mình, và ông biết việc xét nghiệm ADN sẽ vô tình tạo nên hố sâu trong tâm trí vợ. Mẹ Sâm vốn hiểu điều này, bà thương chồng, thương cảnh chồng phải chịu đựng những lời chì chiết từ mẹ. Bà đề nghị chồng kiểm tra ADN, ít nhất là để ngăn chặn sự tấn công từ bà nội và các cô.

Ngày kiểm tra ADN đến, như một điềm báo xấu xa sẽ ập đến gia đình - trời mưa to không ngớt! Ông Bảy Sớm đi nhận kết quả một mình mà không cho Sâm theo cùng, có lẽ ông sợ điều mình không mong muốn sẽ xảy ra, điều mà Sâm phải đối mặt khi tuổi vẫn còn nhỏ. Và kết quả hệt như cái cơn mưa hôm ấy, đổ nước vào vết thương hãy còn mới khoét, đúng như lời bà nội nói Sâm không phải con ruột ông Bảy. Dù thế ông vẫn thương Sâm, như mang dòng chảy của tình thương đã nuôi từ ngày Sâm lọt lòng, vượt lên cả ruột rà máu mủ, ông không vì Sâm là con người khác mà từ bỏ cậu. Trước kết quả đúng như người bà suy đoán, cả gia đình ‘chĩa mũi dùi’ vào người mẹ, bà tần tảo vì gia đình, hy sinh vì chồng con ấy mà giờ đây bà phải ngồi đó để lắng nghe sự mắng nhiếc thậm tệ, lời lăng mạ phẩm hạnh, nỗi đau ấy như cú đạp thẳng vào sự nhẫn nhịn gầy dựng bao lâu của bà. Mẹ Sâm vụt chạy trong cơn mưa xối xả, hôm sau người ta vớt xác bà ở bên sông, chẳng biết là bà trượt ngã hay đã trầm mình xuống dòng nước để che lấp nỗi oan ức trong lòng.

“Dạ.”

Tôi lại “dạ”, cảm thấy vốn từ của mình thật nghèo nàn, nhưng tôi không biết nói gì khác. Tôi không phải là con ruột của ba tôi, sự thật đó tôi đã biết nên không cảm thấy hụt hẫng lắm. Tuy nhiên, linh tính mách bảo tôi những gì gay cấn nhất vẫn còn ở phía trước.

Quả nhiên câu nói tiếp theo của ba tôi làm tôi muốn ngất:

“Con cũng không phải là con ruột của mẹ con.”

“Ba nói gì vậy, ba?” - Tôi gần như hét lên.

“Ờ, mẹ con không phải là người sinh ra con.” - Giọng ba tôi buồn bã.

“Vậy ai sinh ra con?”

Lần này ba tôi có vẻ do dự, có lẽ ông không muốn tôi, và cả chính ông, đối diện với thực tế này. Nhưng đó là thực tế mà ông biết hai cha con không thể tránh né, không thể nhón chân đi vòng qua nó để thanh thản sống tiếp.

Ông nhìn sâu vào mắt tôi, chầm chậm thở ra:

“Ông bà Mười Thái mới là ba mẹ ruột của con.”

Nhờ cậu của Quyền - thầy giáo dạy cả bọn để ý đến Sâm, cái dáng vẻ quen thuộc không khác gì ông Mười Thái. Sau khi gia đình ông Mười cùng ba Sâm đến gặp mặt nói chuyện thì mới biết khi xưa Quyền và Sâm sinh cùng ngày cùng giờ chỉ khác phút, vào thời điểm y tế chưa tiến bộ như giờ thì vẫn có những trường hợp hi hữu như vậy. Nhưng có ai ngờ chính cái sai lầm ngỡ như chẳng có gì tai hại ấy đã vô tình cướp mất người mẹ của Sâm, mà lẽ ra bà phải nhận được hạnh phúc chứ không phải là nỗi oan ức không tài nào xóa bỏ và nấm mộ bên nhà!

Trong chuyện này, thằng Quyền là đứa phản đối kịch liệt nhất. Tất nhiên cả tôi lẫn nó đều không muốn thay đổi cuộc sống hiện nay. Từ khi sinh ra, bọn tôi đã lớn lên và gắn bó với ba mẹ nuôi của mình, đã mặc nhiên xem đó là những người thân thiết nhất trên đời và tình cảm đó cũng thiêng liêng không kém gì tình cảm ruột thịt. Bây giờ tôi qua nhà nó, nó qua nhà tôi, bắt tôi xem ba mẹ nó là ba mẹ tôi và bắt nó xem ba tôi là ba nó, cho dù về lý trí đứa nào cũng biết điều đó không có gì sai nhưng trái tim bọn tôi quyết liệt chống trả, dứt khoát không chịu thúc thủ trước hoàn cảnh.

Đối diện trước điều bất ngờ này, Sâm không tin vào tai mình, cậu đã quen hơi ấm của ba, kể cả hoàn cảnh gia đình có nghèo túng thì ấy vẫn là nơi nuôi nấng cậu, tình cảm ấy thiêng liêng hơn bất cứ điều gì trên đời. Vậy mà giờ đây, cuộc đời éo le này ép Sâm phải xa người ba suốt bấy lâu gắn bó và gọi người mình chưa từng trò chuyện là gia đình, có cái gì đó là lạ, khó khăn quá mức với một cậu bé còn nhỏ như vậy! Về sau, hai gia đình quyết định lâu khi sẽ đưa Sâm qua nhà ông bà Mười Thái ăn cơm và ngược lại Quyền đến nhà ông Bảy Sớm dùng bữa, thế nhưng thứ tình cảm ấy quá bất chợt, quá vội vã nên hai đứa trẻ đều không thể thích ứng ngay. Sâm vẫn ngoan ngoan làm theo lời người lớn nhưng Quyền thì khác, nó ngang bướng và không chịu nhận ông Bảy Sớm làm ba, nó chê gia cảnh ông bần cùng, chê bữa ăn chẳng có nổi thịt cá, tóm lại nó không thể trở thành con của ông được. Kể cả là đứa con chưa nuôi ngày nào thì vẫn là máu mủ của ông Bảy bởi thế nên thái độ của thằng Quyền làm ông đau lòng khôn xiết… Sự thật về gốc gác của Sâm khiến bà nội ân hận khôn nguôi, bà đổ bệnh rồi qua đời cũng trong đêm mưa to gió lớn - hệt như cái ngày mẹ Sâm qua đời lúc trước. Trước nỗi mất mát liên tục cùng những vấn đề ập tới quá bất ngờ, ông Bảy quyết định rời quê lên Sài Gòn làm ăn, ông đưa theo Sâm đi cùng, cả hai người cứ thế lặng lẽ biệt tăm khỏi huyện, không một ai biết kể cả ba mẹ ruột của Sâm.

Mối tơ duyên rối rắm

Tôi lí nhí:

“Con Khuê.”

“Nó là con cái nhà ai?”

“Dạ, nó là con ông Cầm.”

“Trời đất! Tưởng ai chứ ông Cầm ve chai thì ba lạ gì. Ba cũng hay ngồi lại rai với ông. Hồi trước nếu ba không kịp đưa ổng tới bệnh viện thì ổng về chầu ông bà từ lâu rồi.

Ba tôi gục đặc đầu:

“Được rồi. Con để ba lo.”

“Ba lo gì, ba?” - Tôi giật nẩy - “Con đã quyết định đâu.”

“Quyết định gì nữa. Rõ ràng là con thích nó mà.”

“Nhưng đó là chuyện hồi nhỏ.” - Tôi nhăn nhó - “Bây giờ nó thế nào, con đâu có biết. Biết đâu nó có chồng rồi…”

Tôi bỏ lửng câu nói, đột nhiên nghe cổ họng nghẹn lại. Tự nhiên tôi nhớ đến bài ca dao tôi thuộc từ bé: “Trèo lên cây bưởi hái hoa. Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay”. Ờ, có khi nhỏ Khuê lấy chồng rồi cũng nên. Thời gian đã trôi qua lâu thế rồi còn gì.

Trên Sài Gòn cuộc sống cũng chẳng khá hơn bao nhiêu, nhưng nhờ vậy Sâm càng nuôi chí tiến thủ, cậu biết những công việc nhẹ trong xóm làm để dành dụm tiền từng ngày đồng thời chuyên tâm ăn học nên người. Sau khi tốt nghiệp đại học, nhờ có người cô người miền Trung dạy nghề Sâm quyết định mở quán làm ăn, cũng chính là nơi Khuê đến xin việc. Trước nay Sâm chỉ lo học hành, tốt nghiệp thì bận rộn việc ở quán nên vốn chưa từng có bạn gái lại càng chưa để ý đến cô gái nào, có lẽ cô gái gần gũi với Sâm nhất chỉ có Khuê mặc dù sự tiếp xúc ấy chỉ là những màn bắt nạt cùng vật lộn.

Thế nhưng bằng cách nào đó, Sâm vẫn luôn giữ trong mình hình ảnh của cô gái năng động, hoạt bát ấy, như chất nước mát trong lành tưới dội tâm hồn đã sớm khô cằn của Sâm suốt bấy lâu nay. Khuê xuất hiện ngay thời điểm Sâm không ngờ đến nhất, như mối nhân duyên kì lạ và trùng hợp ngay lúc ba Sâm đang muốn kiếm vợ cho con trai. Ngay lập tức ông Bảy liên lạc đến gia đình Khuê ở quê, được biết Quyền từng hỏi cưới Khuê nhưng không thành, mà cả Sâm hỏi cưới Khuê cũng nấn ná chưa muốn với lý do Sẹo là người bạn đã lâu chưa gặp sao nói cưới liền cưới như vậy!

Ngày Khuê đồng ý gặp gia đình thằng Sẹo là ngày cô hiểu lầm Sâm, nhưng cô đâu biết rằng Sâm cũng đang 'lội dòng suy nghĩ’ vì sao Khuê đồng ý đi xem mắt, anh đã tin rằng cô có tình cảm với anh nhưng cái gật đầu ấy vô tình tạo nên nỗi sợ vô hình. Như thể Sâm và Sẹo là hai kẻ khác nhau, có linh hồn riêng biệt, Sâm mâu thuẫn với chính bản thân, tự ghen với chính thằng Sẹo - là mình của quá khứ. Anh gặp Khuê vào ngày xem mắt bằng một tâm trạng vừa mong chờ vừa ủ dột, nhiều thứ cứ tua trong đầu Sâm: thái độ của Khuê, hơn hết là thằng Quyền - nó sẽ để yên cho anh kết hôn với người con gái nó từng nhắm tới sao? Và ông bà Mười Thái - ba mẹ ruột của Sâm sẽ đối diện với điều này như thế nào? Đứa con trai ruột đi biệt tích bao lâu không về, giờ về đã muốn ‘cướp’ cô con dâu hụt của ông bà?

“Mẹ nhớ con lắm đó.”

“Dạ, con cũng rất nhớ ba mẹ.” - Tôi sụt sịt.

Ba ruột tôi chồm người ra trước, nhìn sững vào mặt tôi:

“Sao hôm trước con bảo con tên Lâm?”

“Dạ.” - tôi lí nhí -”Con xin lỗi đã nói dối ba mẹ. Lúc đó con chưa dám nhận người thân.”

“Cái thằng này!” - Ba ruột tôi hừ giọng - “Con sợ thằng Quyền quậy phá lung tung chứ gì. Nó bây giờ khác trước rồi, con à.”

Ba ruột tôi quay nhìn ba tôi, vui vẻ:

“Thằng Quyền gần đây tu tỉnh, biết chí thú làm ăn rồi, anh Mười. Từ hồi lên cấp ba, tự nhiên tính tình nó thay đổi hẳn.”

Có lẽ không có câu nói nào làm ba tôi vui bằng tin tức tốt lành đó.

Trái với những gì Sâm nghĩ, ông bà Mười Thái tìm được nơi tổ chức buổi xem mắt, vui mừng khi gặp lại ông Bảy Sớm và đặc biệt là Sâm. Họ tiết lộ Quyền đã thay đổi, có chí thú là ăn và điềm tĩnh hơn trước nhiều lắm! Nhưng Khuê thì khác, cô nín thinh, im lặng suốt cả buổi, ngay cả nhìn Sâm cô cũng không nhìn. có lẽ Khuê cũng quá bất ngờ, hoang mang trong cái câu chuyện lạ lùng này: Sâm là Sẹo, Sẹo là Sâm, là sếp cô, là người khiến cô hao mòn tâm tư bao lâu nay.

Trong một lúc, tôi không biết cảm giác nào đang đè bẹp tôi: phẫn nộ, đớn đau, thất vọng, đắng cay, hay tất cả cùng xúm vào nghiền nát trái tim tôi. Lòng đầy uất nghẹn, tôi xoay mình lao vụt xuống cầu thang. Tôi nhảy từng hai bậc một, suýt ngã dúi dụi, ba lô nảy tưng tưng trên lưng. Cho đến khi chạy đến bãi gửi xe, tôi vẫn chưa hiểu điều gì vừa xảy ra. Như sóng thần, mọi thứ ập đến bất ngờ đến mức tôi không kịp nghĩ ra cách ứng xử với nó. Tôi như chiếc lá bị cuốn phăng đi, tơi tả, quay cuồng, rên xiết, đây thương tổn và đau đớn như sắp bị xé ra từng mảnh nhỏ.

Khuê quay lại Sài Gòn với tâm trạng vò như tơ rối, trong suy nghĩ của cô Sâm đang yêu Tịnh nhưng lại hỏi cưới mình, đây là việc quá mức hoang đường nhưng cô đâu ngờ rằng Sâm lại là Anh ruột của Tịnh. Tâm trạng của Khuê càng tụt dốc không phanh khi cô trông thấy Tịnh và Sâm ôm nhau ở trước phòng trọ. Cảm giác bị lừa dối ấy như quả bóng của định mệnh đập mạnh vào đầu Khuê, ép cô từ chối cuộc hôn nhân với Sâm.

Ta không thể trách Khuê, bởi cô chỉ là người đứng bên cuộc sống của Sâm, cô chưa có cơ hội bước vào để là sáng tỏ cái đám mây nghi hoặc trong mình, cái nhìn của Khuê một phía vì chẳng ai giải thích cho cô hiểu, đã thế Khuê lại yêu Sâm, tình yêu khiến người ta bất giác tự ti, chẳng dám phá ranh giới mà vượt qua nó. Ta cũng chẳng thể trách Sâm, đâu ai nói anh Khuê cũng yêu anh, rằng Khuê đã hiểu lầm - một sự hiểu lầm tai hại và đâu thể trách anh vì sao đã biết Khuê là cô gái năm xưa nhưng anh vẫn vờ như không quen, cuộc đời của anh đã quá nhiều trở ngại và trở ngại lớn nhất là Quyền - khối u không tan của Sâm, nhiều lúc anh muốn thể hiện tình cảm của mình với Khuê nhưng rồi hình ảnh của Quyền thoáng qua, như sự nhắc nhở, dày vò dành cho Sâm.

Tôi ngừng xe, chống chân nhìn vào quán nước ngay đầu hẻm.

Đúng là Quyền. Thấy tôi quay đầu nhìn, nó đưa tay ngoắt:

“Vào uống nước đi, Sâm.”

Quyền bất ngờ đổi cách gọi khiến tôi thêm cảnh giác. Tôi bước vào quán, kéo ghế ngồi đối diện với Quyền.

“Sao mày biết tao ở đây?” – Tôi nhìn nó, dò xét.

“Tôi biết ông ở đây lâu rồi.”

Hóa ra gần một năm nay Quyền hay gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe và tình hình sinh hoạt của Tịnh. Qua vài lần trò chuyện, Quyền phát hiện em gái nó đang ở chung với Khuê, cô bạn học ngày nào cũng là người từng từ chối mình. Thế là nó bí mật đến trước dãy phòng trọ theo dõi Khuê. Quyền thú nhận nó chẳng biết nó theo dõi Khuê để làm gì vì lúc này nó đã có bạn gái rồi. Nó bảo có lẽ là do tò mò vì quá lâu rồi nó không gặp Khuê.

“Thế là ông theo Khuê đến chỗ làm và nhìn thấy tôi ở đó?” - Tôi hỏi.

Về sau Sâm gặp Quyền, biết được Quyền đã thay đổi, Quyền đã nhiều lần đến nhà ba con Sâm nhưng chỉ nhìn chứ không đến chào hỏi, có lẽ vì nhận ra lúc bé quá khó bảo nên giờ Quyền mặc cảm. Không chỉ lén lút thăm ba ruột, Quyền còn tìm cách giúp công việc của ba đỡ vất vả hơn, âm thầm để không làm xáo trộn sự yên bình mà ba con Sâm cất công gầy dựng. Mà Khuê cũng nhờ Tịnh nên biết được quan hệ của bạn cùng phòng và Sâm không như mình tưởng, cô vui vẻ tìm Sâm để bày tỏ nỗi lòng, cả hai có cái kết viên mãn và những nút thắt cũng được gỡ rối.

Lời kết

Con chim xanh biếc bay về là hy vọng của Sâm, Khuê,... Tình yêu đến rồi lại vụt mất, điều quan trọng là chúng ta có biết tìm cách để vẫy gọi con chim xanh ấy quay về hay chấp nhận đánh mất một tình yêu đẹp. Đến cuối cùng, họ đều có cái kết tựa cổ tích và ta thấy dường như con chim xanh thấp thoáng bên vai họ, hót lên tiếng vang của hạnh phúc. Câu chuyện mang nhiều màu sắc khiến ta gợi nhớ về tuổi thơ, về quê hương, về cái tình ở con người,... Con chim xanh không đơn thuần là bản nhạc tình yêu và còn là tiếng ca trong trẻo của tấm lòng đối nhau giữa người với người, tạo cho ta về niềm tin vào cuộc sống, nhân văn và đẹp đẽ như màu xanh của chú chim mang tên Hy Vọng.

ĐMA.Thư – Bookademy

Hình ảnh: ĐMA.Thư

------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: //bit.ly/bookademy_ctv

[*] Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Chủ Đề