Đề so sánh từ ấy và việt bắc năm 2024

Từ đó liên hệ với bài thơ “Từ ấy” để nhận xét về đặc điểm phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu?

+ Giới thiệu vấn đề nghị luận: Cảm nhận đoạn thơ trong “Việt Bắc”. Từ đó liên hệ với bài thơ “Từ ấy” để nhân xét về đặc điểm phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu.

+ Cảm nhận đoạn thơ trong “Việt Bắc”:

– Nội dung: Đoạn thơ là bản hùng ca ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Bức tranh Việt Bắc ra quân được tái hiện bằng cảm hứng tự hào, bằng niềm tin tươi sáng. Tự hào về sức mạnh dân tộc, tự hào về quyền làm chủ; tin tưởng vào thắng lợi của nhân dân.

– Nghệ thuật: Âm hưởng hào hùng, hình ảnh thơ tráng lệ, kì vĩ, giàu ý nghĩa biểu tượng; ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhạc điệu…

+ Liên hệ với “Từ ấy” để nhận xét về đặc điểm phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu:

– “Từ ấy” là bài thơ đầu tiên mở đầu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu. Đây là bài thơ đánh dấu mốc son quan trọng, có ý nghĩa nhất đối với cuộc đời nhà thơ. Đó là thời điểm ông bắt gặp ánh sáng lí tưởng của Đảng. Ở khổ đầu ta bắt gặp cảm xúc vui sướng, say mê, hạnh phúc ngập tràn của nhân vật trữ tình khi được đón nhận ánh sáng cách mạng. Đó là nguồn cảm xúc thiêng liêng và chân thành. Khổ thơ thứ hai và thứ ba thể hiện những chuyển biến rõ rệt trong tình cảm, nhận thức của nhà thơ: quyết tâm đem cái “tôi” nhỏ bé của mình hòa nhập vào với cái “ta” chung rộng lớn của nhân dân, tạo thành khối đoàn kết vững mạnh trong cuộc chiến đấu vì cuộc sống của nhân dân, đất nước.

– Nhận xét về đặc điểm phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu: Hồn thơ Tố Hữu luôn hướng tới cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của dân tộc; luôn coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện chủ yếu; luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử, có tính chất toàn dân; giọng thơ sôi nổi, hào hứng..

LỜI NGỎ Các em yêu quý của chị ☺ Chị đây rồi! Các bạn đang cầm trên tay là một cuốn “Sổ tay văn học” nhỏ trong tổng số 8 quyển sổ tay văn học chị biên soạn. Mỗi cuốn sổ các em đọc là những kiến thức nền tảng nhất về từng tác phẩm văn học. Các bạn thường nói với chị, học văn thực sự là một cuộc chiến dài. Chị thì không nghĩ vậy, luôn tâm niệm rằng học văn là một quá trình đưa chúng ta đến biết bao những xúc cảm, những con người, những thế giới vô cùng diệu kỳ. Thế nên, khi học môn học này, nhất định phải giữ cho mình một tâm thế thật thoải mái, được không? Hãy để cuốn sổ này trở thành người đồng hành cùng với các em, khi đi học, khi đi chơi, khi trên xe buýt, ngồi nơi quán quen, bất cứ nơi nào cũng được… và đọc nó nhé! Chúc các em có những giây phút thật thú vị cùng văn học! Có khó khăn gì, liên lạc với chị nha! Chị ở đây rồi! Minh Hiên CUỐN 3 – VIỆT BẮC – “TÌNH THƠ KHÁNG CHIẾN” Cứ mỗi lần thấy cuộc đời chán nản, ừ thì, lại lóc cóc đạp xe ra hiệu sách, mà phải là một hiệu sách thật cũ, để làm một việc nghe có vẻ hơi điên rồ, là đọc thơ Tố Hữu. Chị cũng không biết diễn tả thế nào cho phải, cho đủ, chỉ cảm thấy những vần thơ của người nghệ sĩ này thực sự có sức lay động rất lớn, mà không hẳn là lay động mà là truyền động lực rất lớn. Thôi thì tôi cứ mạn phép được gọi mình là bông hoa, để được một lần tưới tắm bởi hồn thơ “trữ tình chính trị” này có được không? Ngày xưa, có nhiều đọc giả vẫn bảo, hình như khó có thể tìm thấy một người nghệ sĩ nào trong nền thi ca Việt Nam lại gần gũi với đời, với cách mạng như thế. Mỗi chặng đường cách mạng, là một mảnh đất thật nhiệm màu để Tố Hữu viết, sáng tạo không ngừng nghỉ những tác phẩm nghệ thuật gắn bó với nhân dân, với cuộc đời. Bao nhiêu năm đã trôi qua rồi các em nhỉ? Vậy mà, những vẫn thơ của tác giả này vẫn còn mãi với thế hệ hiện tại và cả tương lai, những vẫn thơ đôi khi mạnh mẽ vui tươi, đôi khi trữ tình vương vấn, đôi khi là tự hào, rồi lại là niềm tin, sự lạc quan vào cuộc sống. Học thơ Tố Hữu, chỉ xin các em nhớ cùng chị một điều thôi, hãy sống như “con chim chiếc lá” mà “con chim thì phải hót, chiếc lá phải xanh”, cứ làm thật tốt công việc của mình, đó đã là sự thành công lớn nhất trong cuộc đời này. Và các bạn nhỏ ơi, cũng xin chớ có được quên những năm tháng sau còn nhiều gian nan vất vả lắm, các em rồi thì sẽ được cuộc đời dạy cho vài ba bài học thật sâu sắc, đôi khi phải trả giá bằng cả nỗi đau, thế nhưng, nhất định không bao giờ được lùi bước, hãy mạnh mẽ như cách Tố Hữu truyền động lực cho thế hệ trẻ chúng ta, mà bước tới. Em phải tin bản thân mình nhất định có thể làm được, trước khi cả thế giới gật đầu đồng ý tin em, nhé! Ngày hôm nay, lại được một lần quay ngược thời gian về với những năm tháng “oanh oanh, liệt liệt” trong lịch sử của dân tộc mình, bước vào một tình thơ thật hồn hậu, thật mặn nồng, biết bao nhiêu niềm thương nỗi nhớ được gói trọn trong tình thơ “Việt Bắc”, sẵn sàng chưa các em? Tác phẩm: VIỆT BẮC (Tố Hữu) CHƯƠNG I: KIẾN THỨC CHUNG VỀ TÁC GIẢ 1. Cuộc đời Tố Hữu Tên thật là Nguyễn Kim Thành (1920 - 2002), quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hình tượng của nhà thơ – chiến sĩ tiêu biểu.

Quá trình trưởng thành Thiếu niên Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, cha ông - nhà báo Hải Triều - là một nhà nho nghèo, không đỗ đạt và phải kiếm sống rất chật vật nhưng lại thích thơ, thích sưu tập ca dao tục ngữ. Ông đã dạy Tố Hữu làm thơ cổ. Mẹ ông cũng là con của một nhà nho, thuộc nhiều ca dao dân ca Huế và rất thương con. Cha mẹ đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn thơ Tố Hữu. Năm 13 tuổi, ông vào trường Quốc học Huế. Hoạt động trong đảng Cộng sản Năm 1938 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4/1939, ông bị bắt, bị tra tấn dã man và đày đi nhà lao Thừa Phủ (Huế) rồi chuyển sang nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) và nhiều nhà tù khác ở Tây Nguyên. Tháng 3-1942, ông vượt ngục Đắc Lay (nay thuộc Kon Tum) rồi tìm ra Thanh Hóa, bắt liên lạc với Đảng (về hoạt động bí mật ở huyện Hậu Lộc và thôn Tâm Quy, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế. Năm 1946, ông là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuối 1947, ông lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Từ đó, ông được giao những chức vụ quan trọng trong công tác văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước. 2. Sự nghiệp văn học * Phong cách nghệ thuật - Là nhà thơ đã chọn con đường Cách mạng từ thời thanh niên, trải qua những năm tháng tù đày, thơ của ông là tiêu biểu của quan niệm nghệ thuật Cách mạng. - Quan niệm thơ: "Muốn có thơ hay, trước hết, phải tạo lấy tình. Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng; xác định thật rõ ràng tầm nhìn, cách nhìn. Tự nguyện gắn bó chân thành là yêu cầu cao nhất đối với người nghệ sĩ trong quan hệ với đất nước, với nhân dân. Ngoài ra, các nhà thơ Cách mạng còn phải kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước những biểu hiện lệch lạc, với cái xấu cái ác. Tóm lại, viết thơ phải xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng." - Ngoài vai trò nhà thơ, ông còn là một nhà chính trị, có một số bài thơ ca ngợi các lãnh tụ phong trào cộng sản quốc tế như Stalin (“Đời đời nhớ Ông”), Mao Trạch Đông (“Đường sang nước bạn”), Hồ Chí Minh (“Bác ơi, Cháu nhớ Bác Hồ”), Fidel Castro (“Từ Cuba”). Ở Tố Hữu có sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ. Chặng đường thơ của Tố Hữu là chặng đường lịch sử của cả một dân tộc. Ông được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng và kháng chiến Các tác phẩm chính ∙ Việt Bắc (1954), Từ ấy (1946), Gió lộng (1961), Ra trận (1962-1971), Máu và Hoa (1977), Một tiếng đờn (1992), Ta với ta (1999) ∙ Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973) ∙ Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981) 3. Những nhận định hay về tác giả "Tôi chỉ biết ông là nhà thơ có nhiều bạn đọc nhất trong thời đại của ông. Tôi chỉ biết rằng ông đã sinh ra đúng thời. Giọng nói của ông là giọng nói của thời đại ấy. Có hai người làm thơ sinh đúng thời nhất: Tố Hữu và Trần Đăng Khoa. Tôi không hiểu nếu những năm tháng này, Tố Hữu đang 20 tuổi trai trẻ và Trần Đăng Khoa đang 8 tuổi ấu thơ thì giọng nói của họ sẽ vang lên như thế nào. Họ có tài và họ sẽ làm thơ. Nhưng họ sẽ viết những câu thơ ra sao? Tôi luôn luôn nghĩ Tố Hữu là người nghệ sĩ nhân dân. Thơ ông là bài ca vui bất tận. Khi thơ ông bước vào cái tuổi sung sức nhất lại chính là lúc dân tộc Việt Nam sau bao năm làm thân phận nô lệ đã thành người tự do. Ai sống trong thời đại ấy cũng sẽ quên đi những nỗi buồn cá nhân để cất cao tiếng hát của mình trong bài ca độc lập của dân tộc." (“Tố Hữu và ngọn đèn đã tắt”- Nguyễn Quang Thiều) "Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng. Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội. Đến đâu cũng nghe vang tiếng trống, tiếng kèn. Mà thơ ông đâu chỉ có trống phách linh đình như một đám rước, ông còn bắn cả 21 phát đại bác vang trời. Cho đến nay, chỉ có ông là nhà thơ Việt Nam duy nhất đã bắn đại bác “trang trọng như thế." “Chân dung và đối thoại”- Trần Đăng Khoa " Thời đại ta đã may mắn có được nhà thơ Tố Hữu" Hoài Thanh “Tố Hữu không tô vẽ lên nhân vật quần chúng những nét sơn hào nhoáng, giả tạo. Tình cảm của nhân vật thơ anh biểu hiện lên từ bản chất giai cấp, từ đời sống thực. Người bộ đội chiếm một địa vị quan trọng trong tập thơ Việt Bắc, chính là người nông dân nghèo khổ.” (“Chặng đường mới của chúng ta”- Hoàng Trung Thông) “Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Ðó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca.” (“Lời giới thiệu tập thơ Từ ấy”-Đặng Thai Mai) “Phong cách dân tộc ở Tố Hữu thể hiện ở chỗ thơ anh giàu chất nhạc, anh nắm rất vững cái âm điệu, vần điệu của dân tộc. … Thơ anh là lối thơ lấy cái đường đi toàn đời, lấy cái hơi toàn tập, lấy cái tứ toàn bài là chính… Anh là một con chim vụ ở đường bay hơn là bộ lông, bộ cánh, tuy vẫn là lông cánh đẹp.” (Chế Lan Viên) CHƯƠNG II: TÁC PHẨM 1. Hoàn cảnh ra đời “Việt Bắc” được Tố Hữu sáng tác vào tháng 10 năm 1954, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa kết thúc thắng lợi, các cơ quan trung ương của Đảng và Chính phủ từ Việt Bắc về lại thủ đô Hà Nội. Tố Hữu cũng là một trong số những cán bộ kháng chiến từng sống gắn bó nhiều năm với Việt Bắc, nay từ biệt chiến khu để về xuôi. Bài thơ như được viết trong buổi chia tay lưu luyến đó. Tác phẩm được in trong tập thơ cùng tên sáng tác trong giai đoạn 1946 – 1954. Tác phẩm này được đánh giá là tác phẩm đỉnh cao và tiêu biểu cho tư tưởng, phong cách nghệ thuật của đời thơ Tố Hữu, được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp. 2. Nội dung chính “Việt Bắc” là bản hùng ca, bản tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và những con người kháng chiến. Việt Bắc là tiếng nói khẳng định nghĩa tình thủy chung, son sắc giữa những người cán bộ cách mạng và nhân dân đồng bào Việt Bắc. Bài thơ đặt ra những vấn đề khác nhau mà một trong những vẫn đề được đề cập tới sâu sắc nhất đó chính là thái độ sống của người cán bộ cách mạng: sự tri ân đối với quá khứ, với chiến khu VB, với đồng bào VB – những con người đã từng chở che cho mình trong suốt khoảng thời gian 15 năm chiến đấu – 15 năm vẹn nghĩa nồng tình. 3. Bố cục bài thơ Tác phẩm “Việt Bắc” gồm 2 phần: ∙ P1: 90 câu thơ đầu: Tái hiện những kỷ niệm của cuộc cách mạng, của cuộc kháng chiến ∙ P2: Gợi ra viễn cảnh tươi sáng của đất nước, ngợi ca công ơn của Đảng, công ơn của Bác Hồ Trích đoạn trong tác văn bản gồm 90 câu và thuộc phần đầu của tác phẩm 4. Một số nhận định về tác phẩm 1. “Cảnh vật và tinh thần Việt Bắc đã nhập vào hồn tôi, máu thịt tôi, Việt Bắc ở trong tôi.” (Tố Hữu- Nhà văn nói về tác phẩm) 2. “Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên.” (Xuân Diệu- Tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu) 3.“Với Việt Bắc, hồn thơ cũng như nghề thơ Tố Hữu chin rộ, …, không phải là một cây bút trong tay Tố Hữu nữa mà là nhiều ngọn bút nở cùng một lúc, bút tả tình, bút tả cảnh, bút tả người. Người ta thấy văn chương cách mạng chí nghĩa chí tình, cái văn chương nên thơ nên nhạc…”. (Xuân Diệu) 4. “Việt Bắc trước hết là một bài thơ trữ tình-chính trị… Bài thơ là một khúc hát ân tình thủy chung réo rắt, đằm thắm bậc nhất, và chính điều đó làm nên sức ngân vamg sâu thẳm, lâu bền của bài thơ…” (Trần Đình Sử) 5. Một số mở bài hay 1. Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có ít nhất một niềm thương, nỗi nhớ. Niềm thương, nỗi nhớ ấy luôn thường trực trong ta tạo nên những rung động mãnh liệt trong cảm xúc. Với các thi nhân cảm xúc lại là yếu tố vô cùng quan trọng. Nó giúp cho các nhà thơ làm nên những thi phẩm say đắm lòng người, tiếng nói từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu là một trong những tác phẩm tiêu biểu thể hiện nỗi nhớ sự lưu luyến và tấm lòng sắt son của người dân Việt Bắc với chiến sĩ cách mạng miền xuôi. 2. Đề tài kháng chiến là một đề tài quen thuộc trong thơ ca cách mạng VN trong đó bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu là thi phẩm tiêu biểu. Bài thơ được sáng tác vào tháng 10-1954 sau thắng lợi chiến dịch ĐBP lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Vì thế bài thơ vừa có ý nghĩa lịch sử lại vừa có ý nghĩa văn học sâu sắc. Có ý kiến cho rằng: “Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu là khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến” 3. Bài thơ Việt Bắc là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là thành tựu xuất sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ ra đời nhân một sự kiện lịch sử: tháng 10 năm l954, những người kháng chiến rời căn cứ miền núi trở về miền xuôi. Từ điểm xuất phát ấy, bài thơ ngược về quá khứ để tưởng nhớ một thời cách mạng và kháng chiến gian khổ mà anh hùng, để nói lên nghĩa tình gắn bó thắm thiết với Việt Bắc, với Đảng và Bác Hồ, với đất nước và nhân dân – tất cả là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc ta vững vàng bước tiếp trên con đường cách mạng. Nội dung ấy được thể hiện bằng hình thức đậm tính dân tộc. Bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu. 6. Phân tích

  1. Phân tích 8 câu thơ đầu * Khắc họa lại cuộc chia tay lịch sử của những tình cảm thủy chung, son sắc: - Nỗi niềm gợi lên qua câu hỏi của người ở lại là nỗi nhớ, tình cảm của người ở lại hướng tới người ra đi. - Âm hưởng nhớ thương ân tình tha thiết. - Tiếng lòng kẻ đi người ở trong buổi chia li bịn rịn lưu luyến qua lối đối đáp quen thuộc trong ca dao.

* 4 câu thơ đầu: Nỗi lòng của người ở lại Trong cuộc sống này, có khoảnh khắc nào lưu luyến bằng khoảnh khắc chia xa sau khoảng thời gian 15 năm vẹn nghĩa, nồng tình. Dẫu biết rằng xa tới đâu chỉ cần giữ trong tâm chính mình là đủ, nhưng lại không thể nào ngăn nổi sự hụt hẫng, bâng khuâng. Tố Hữu viết “Việt Bắc” thật tinh tế khi chọn những câu chữ để đặt vào vẫn thơ, gửi trọn bao nỗi niềm tâm sự: “Mình về mình có nhớ ta Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng” Câu thơ của Tố Hữu phảng phất chất liệu ca dao – chất liệu dân tộc kết hợp với lối xưng hô “mình – ta” đầy ý nhị. Tiếng lòng của người ở lại đã được gói ghém và thể hiện một cách trọn vẹn ở 2 câu thơ này. Câu hỏi tu từ được nhà thơ sử dụng một cách linh hoạt, rất phù hợp để thể hiện những nỗi niềm sâu kín của người ở lại: “Mình về mình có nhớ ta” Câu thơ được thể hiện dưới hình thức là một câu hỏi tu từ và có cấu trúc phần lớn là vần bằng. Thêm vào đó, từ kết thúc được lựa chọn là từ “ta” mang âm “a”, đây là một âm có sức lan tỏa bởi đó là một âm tiết mở, tạo nên sự ngân vang và dư ba cho câu thơ. Để tình thương mến thương giữa người với người lan tỏa khắp nơi đây, không gian này, trong khoảnh khắc lưu luyến ấy. Câu hỏi khơi dậy kỷ niệm, sợi dây nghĩa tình giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ miền xuôi. Câu hỏi bỏ ngỏ liệu rằng người đi rồi, về với thủ đô sao vào nắng Ba Đình rồi, có còn nhớ tới tình nghĩa 15 năm qua không? Giọng khởi đầu đã là giọng yêu thương trìu mến, vương vấn bao nỗi niềm, lưu luyến. Điểm rơi thấp nhất của câu thơ là tiếng “về” gợi cảm giác về khoảng trống, về sự hụt hẫng trong lòng người ở lại. Câu hỏi hướng về khoảng thời gian 15 năm. Mười năm năm, vốn chỉ là khoảng thời gian vô tri trong tâm thức của mỗi người, thế nhưng với người đi kẻ ở, đó lại là khoảng thời gian chứa đựng biết bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn, biết bao nhiêu gian khổ hy sinh, biết bao nhiêu ân nặng, nghĩa tình của đôi bờ miền xuôi, miền ngược. Nhà thơ đã rất tình tế khi chọn cách thêm vào sau mốc thời gian từ “ấy” để cá nhân hóa, trữ tình hóa, cảm xúc hóa khoảng thời gian này. Theo tâm lý bình thường, người ở lại vẫn thường rất nhạy cảm với những cuộc chia xa, người đi thường háo hức vì được đến khám phá những điều mới lạ ở chân trời mới. Chính vì thế, cảm xúc bao trùm trong 2 câu thơ này là cảm giác hụt hẫng, nhớ mong. Biết bao nhiêu nghĩa tình sâu nặng được gói trọn trong 2 từ “thiết tha, mặn nồng”. Tôi cứ phân vẫn mãi, bởi 2 từ này thường chỉ dùng khi nói về tình yêu lứa đôi, thế nhưng ở đây lại được Tố Hữu sử dụng để đưa vào giây phút chia ly giữa đồng bào miền ngược và cán bộ miền xuôi. Chưa cần người ra đi hồi đáp, ngừoi ở lại lại muốn tiếp tục được hỏi người ra đi về nỗi nhớ, niềm thương: “Mình về mình có nhớ không Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn” Vẫn là dạng câu hỏi tu từ, đây là lời tâm tình của người ở lại hỏi người ra đi. Câu thơ như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, gửi đến cán bộ cách mạng với mong mỏi, khi về Hà Nội rồi, liệu rằng có còn nhớ đến nơi đây hay không. Nỗi nhiềm được nhắc nhở bộc bạch qua 2 từ: “núi”, “sông”. Từ “núi” biểu thị cho nỗi nhớ thiên nhiên, từ “sông” nhắc tới cội nguồn. Vừa là cội nguồn của cách mạng, thế nhưng đó cũng là cội nguồn của nghĩa tình. * 4 câu sau: Tiếng lòng của người ra đi Người ở lại cùng với những khoảng trống và những nỗi trông mong chỉ dám gửi vào vô định cùng những câu hỏi bỏ ngỏ, người ra đi chẳng trả lời thế nhưng lại bộc bạch tấm lòng tri ân và đồng vọng của mình một cách thật tinh tế: “Tiếng ai tha thiết bên cồn Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi” Đại từ phiếm chỉ “ai” đã vang lên một cách thảng thốt, bồi hồi. Ta có cảm giác như người ra đi đang chìm đắm, đang miên man trong những dòng xúc cảm, những hoài niệm, những kỷ niệm về Việt Bắc rồi bất ngờ sực tỉnh, chợt nhận ra hiện thực phũ phàng khi vài phút giây đây thôi, ta sẽ phải chia xa nhau chưa biết đến bao giừo gặp lại. Trước những biến thiên của cuộc đời, con người ta luôn mang trong mình những trạng thái tâm lý phức tạp, bất ngờ. Vừa náo nức, vừa hạnh phúc ngập tràn khi kháng chiến thành công, muốn về với thủ đô thân yêu để đoàn tụ với bạn bè, gia đình thế nhưng cũng lại chẳng muốn bước đi vì nơi đây – mảnh đất này – những con người kia 15 năm qua đã cùng ta cố gắng, cùng ta chiến đấu, yêu thương và che chở cho ta. Trước câu hỏi của những người ở lại, người ra đi không trực tiếp trả lời nhưng lại tự khẳng định lòng mình với mối thâm tình với vùng đất, con người Việt Bắc: “Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi” Tác giả đã rất tinh tế khi sử dụng 2 tính từ “bâng khuâng” và “bồn chồn” để diễn tả của người đi. Thêm vào đó, còn cấu trúc thơ kết hợp với biện pháp đảo ngữ đã giúp cho nhà thơ thể hiện, nhấn mạnh vào trạng thái cảm xúc của người ra đi. Trong giây phút luyến lưu này, người ra đi đang trong tâm thế nửa muốn đi, nửa lại chẳng muốn rời, nửa không muốn xa nửa lại phải đành xa. Trong tâm tưởng của người ra đi, cảnh chia ly diễn ra vô cùng cảm động. Tố Hữu tái hiện qua 2 câu thơ tiếp theo: “Áo chàm đưa buổi phân ly Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” Hình ảnh hoán dụ “áo chàm” gợi cho người đọc biết bao liên tưởng và suy ngẫm. Đó là hình ảnh biểu trưng cho người dân Việt Bắc – màu áo chàm của những con người bền bỉ, màu áo chàm là màu của tình nghĩa vẹn nguyên – màu áo chàm màu đơn sơ, mộc mạc, ân tình, giản dị lẫn với rừng xanh. Đó là một trong nhữngg chi tiết nổi bật thể hiện cho hình ảnh của những người ở lại – đồng bào Việt Bắc. Giờ chia ly không muốn cũng đã tới, trong khoảnh khắc ấy, dường như tất cả mọi thứ đều ngưng lại và chẳng có thứ ngôn từ nào có thể diễn tả hết mọi cảm xúc bây giờ. Mọi điều trở nên vô nghĩa, chỉ có cái nắm tay xóa nhòa tất cả: “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”. Bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu nghĩa tình mặn nông son sắt bây giờ được trao cho nhau qua hơi ấm đôi tay. Người đi kẻ ở chẳng thể nói gì, chỉ có sự nghẹn ngào và hụt hẫng đang chiếm lĩnh không gian. Quả thực, trong khoảnh khắc tất cả mọi thứ lùi xa chỉ còn nghĩa tình ở lại, cái nắm tay là hình ảnh vô giá có sức mạnh to lớn gìn giữ trọn vẹn những phút giây. Tôi lại chợt nhớ tới những vần thơ quen thuộc của nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Phút chia tay ta chỉ nắm tay mình Lời chưa nói thì bàn tay đã nói Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại Còn bồi hồi trong những ngón tay ta.” Khác với “ta và mình” trong những vần thơ của Lưu Quang Vũ, người đi kẻ ở trong thi phẩm “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu đã có nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, bao nhiêu yêu thương luyến lưu còn đong đầy trên khóe mắt. Nhớ núi đồi, nhớ cảnh vật nơi đây, nhớ con người Việt Bắc, nhớ những kỷ niệm của 15 năm vẹn nghĩa. Nhịp thơ lục bát đều đặn ngắt 3/3/2 tạo nên nhạc điệu cho bài thơ, đó cũng chính là nhịp lòng, nhịp lòng của người đi kẻ ở, cũng có thể, đó là những khoảng trống khó có thể lấp đầy. Tôi chợt nhớ tới những câu thơ quen thuộc của nhà thơ Chế Lan Viên, xin được dùng lời kết cho bài cảm nhận này: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” 2. 10 câu thơ: Bức tranh tứ bình *Thiên nhiên và con người hiện lên qua bốn mùa: - Mùa đông: Gợi ra tư thế của người làm chủ núi rừng trên nền thiên nhiên sống động - Mùa xuân: con người cần mẫn, tài hoa cùng nhiên nhiên đẹp, thơ mộng - Mùa hạ: con người lao động nhẹ nhàng, uyển chuyển trong ánh rừng bừng sắc vàng - Mùa thu: con người ân cần, thủy chung với ánh trăng thơ mộng, trữ tình. \=> Sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người Việt Bắc thể hiện phẩm chất cần cù chịu khó nghĩa tình thủy chung của người dân Việt Bắc.

Tố Hữu chẳng phải ngẫu nhiên, chẳng phải cố tình, tất cả là sự vừa phải khi viết Việt Bắc. Nếu như ở trong đoạn thơ đầu, là giây phút chia ly giữa người đi, kẻ ở, là thời điểm muốn đi rồi lại muốn dừng thì chuyển sang 10 câu thơ này, một bức tranh thiên nhiên đã được vẽ ra thật tuyệt mỹ, hơn vậy trong tranh vẫn đong đầy tình cảm thương mến, vẫn đong đầy nỗi nhớ nhung, một tình cảm thật đẹp: “Ta về mình có nhớ ta, Ta về, ta nhớ những hoa cùng người Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi Đèo cao nắng ánh, dao gài thắt lưng Ngày xuân mơ nở trắng rừng Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang Ve kêu rừng phách đổ vàng Nhớ cô em gái hái măng một mình Rừng thu trăng rọi hoà bình Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung” Phần đầu của bài thơ, dưới hình thức đối đáp giữa mình và ta, đã tập trung khắc hoạ một khung cảnh tiễn đưa đầy thương nhớ, bịn rịn, bồn chồn, lưu luyến của kẻ ở người đi. Qua lời đối đáp ân tình, cảnh và người Việt Bắc hiện lên thật đẹp. Và có lẽ đẹp nhất trong nỗi nhớ Việt Bắc là ấn tượng không phai về những người dân hoà quyện với thiên nhiên, núi rừng tươi đẹp: “Ta về mình có nhớ ta Ta về ta nhớ những hoa cùng người” Đoạn thơ mở đầu bằng một câu hỏi tu từ, nhưng hỏi chỉ là cái cớ để bộc lộ chiều sâu tình cảm. Điệp từ ta và nhớ khẳng định, nhấn mạnh nỗi nhớ da diết của người về thủ đô. Phép liệt kê những hoa cùng người nêu lên đối tượng của nỗi nhớ. Đó là những gì tươi đẹp nhất của chiến khu. Hoa là kết tinh hương sắc của thiên nhiên còn người là kết tinh vẻ đẹp của đời sống xã hội. Xét cho cùng, người cũng là một loại hoa của đất. Hoa và người đặt cạnh nhau càng tôn vẻ đẹp cho nhau, làm sáng lên cả không gian núi rừng Việt Bắc trùng điệp. Những câu thơ tiếp theo tập trung tái hiện cụ thể, chân thực vẻ đẹp bốn mùa của chiến khu. Cảnh và người hoà quyện, đan xen vào nhau, cứ câu thơ lục tả cảnh thì câu thơ bát tả người. Mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng tạo thành một bức tranh tứ bình tràn ngập ánh sáng, màu sắc, đường nét, âm thanh vui tươi, ấm áp. Mở đầu cho bức tranh tứ bình là khung cảnh mùa đông: “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng” Nhớ về mùa đông Việt Bắc, nhà thơ không nhớ về cái giá rét âm u mà lại nhớ tới những ngày nắng đẹp rực rỡ. Biện pháp tiểu đối rừng xanh với hoa chuối đỏ tươi đã tái hiện một không gian rừng núi mênh mông, bạt ngàn màu xanh tươi của cây cỏ, ẩn hiện trong sắc xanh sống động đó là những bông chuối rừng ngời ngời sắc đỏ như những ngọn đuốc. Hai gam màu ấm nóng kết hợp với nhau tạo cảm giác vui tươi, làm ấm cả không gian, tạo ám ảnh trong tâm hồn con người. Trong núi rừng ấy không chỉ có những bông chuối đỏ tươi mà còn có những con người vượt lên không gian, xuất hiện trên đỉnh đèo cao ở tư thế đầy kiêu hãnh, xuất hiện trong ánh sáng lấp lánh của mặt trời phản chiếu vào chiếc dao đi rừng gài ngang lưng. Hình bóng con người lồng lộng trong không gian, giữa núi và nắng, giữa trời và rừng xanh chính là kết tinh vẻ đẹp của núi rừng, là điểm nhấn của núi rừng.

Hai câu thơ tiếp khắc hoạ cảnh mùa xuân: “Ngày xuân mơ nở trắng rừng Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang” Hai động từ “nở”, “trắng” đặt cạnh nhau vừa diễn tả bước đi của mùa xuân vừa nhấn mạnh vào màu sắc của Việt Bắc ngày xuân. Mùa xuân đến đem theo sức sống mới, làm cho từng cây, từng cây mơ nở hoa trắng rồi dần dần làm cho cả núi rừng tràn ngập sắc hoa trắng tinh khiết, dịu dàng, thơ mộng. Màu trắng của hoa mơ lấn át các màu sắc khác làm cả khu rừng như toả sáng, khiến cho lòng người không khỏi xao xuyến, bâng khuâng, nhung nhớ. Và nhà thơ đã nhớ đến những người đan nón. Hành động chuốt từng sợi giang là biểu hiện của sự cần mẫn, khéo léo, tài hoa trong tâm hồn, tính cách người dân Việt Bắc. Họ nhẫn nại, tỉ mỉ trong từng cử chỉ để tạo ra những sản phẩm đẹp cho đời. Câu thơ chứa đựng một thái độ trìu mến, thân thương, trân trọng những người lao động của nhà thơ Tố Hữu.

Tiếp đến, mùa hè chiến khu hiện lên trong âm thanh và màu sắc không thể nào quên: “Ve kêu rừng phách đổ vàng Nhớ cô em gái hái măng một mình” Qua cách miêu tả của nhà thơ, tiếng ve râm ran như khúc nhạc rộn rã không chỉ làm cho núi rừng vang động mà còn làm cho màu sắc cây lá biến đổi. Động từ “đổ vàng” đã diễn tả tài tình sự thay màu đột ngột của rừng phách. Khi tiếng ve vang lên báo hiệu hè đến, cả rừng phách xanh tươi bỗng khai nở muôn nghìn cánh hoa màu vàng óng ả như được trộn bằng mật ong và nắng rừng ngọt ngào. Trong giàn nhạc và thảm hoa ấy, nhà thơ nhớ đến một người em gái. Cô sơn nữ một mình trong núi rừng không gợi ấn tượng buồn hiu hắt mà lại mang vẻ đẹp khoẻ khoắn vì cô hiện lên trong tư thế lao động vất vả, giản dị nhưng cũng rất thơ mộng, vui vẻ. Nhớ về mùa thu, nhà thơ không thể nào quên ánh trăng: “Rừng thu trăng rọi hoà bình Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung” Câu thơ mở ra một không gian tràn ngập ánh trăng thanh bình soi chiếu khắp núi rừng chiến khu. Ánh trăng ấy không chỉ mang vẻ đẹp tự nhiên mà nó còn gắn với niềm xúc động của những con người từng trải qua bao năm khốc liệt, gian khổ của chiến tranh. Trong khu rừng thấm đẫm ánh vàng ấy bỗng ngân nga lên tiếng hát ân tình làm rạo rực lòng người. Tiếng hát bộc lộ lòng người , bộc lộ tâm hồn thuỷ chung , tình nghĩa của con người Việt Bắc cũng chính là tấm lòng của người về xuôi với chiến khu . Thế nên dường như ánh trăng cũng ngời sáng hơn và tiếng hát cũng du dương và vang xa hơn. Như vậy, nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi đã khắc sâu thiên nhiên núi rừng Việt Bắc với vẻ đẹp vừa hiện thực vừa thơ mộng, thi vị, riêng biệt, độc đáo, khác hẳn những miền quê khác của Tổ quốc. Gắn liền với cảnh là những con người lao động bình dị nhưng chính họ đã góp phần to lớn tạo nên chiến tháng vĩ đại của dân tộc. Chỉ những người gắn bó sâu nặng, coi Việt Bắc là quê hương thân thiết mới có những xúc cảm, ấn tượng và nỗi nhớ da diêt như thế. Nỗi nhớ Việt Bắc còn được tác giả khắc sâu và mở rộng trong những đoạn thơ sau của tác phẩm. Theo dòng hoài niệm, Việt Bắc trong kháng chiến hiện lên vừa gian khổ vừa hào hùng với niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ vĩ đại, với cảm hứng ngợi ca đất nước sâu sắc. Đoạn thơ ngắn 10 dòng trên mang âm điệu ngọt ngào, từ ngữ trong sáng giản dị giàu sức gợi, in đậm phong cách thơ Tố Hữu đã bộc lộ sự gắn bó sâu sắc của nhà thơ với Việt Bắc. Qua nỗi nhớ, niềm trân trọng tha thiết của nhà thơ, cảnh và người Việt Bắc hiện lên thật gần gũi, chân thực mà thơ mộng, trữ tình. Thông qua tình cảm riêng của mình, Tố Hữu đã nói lên tình cảm của cả một thế hệ với quê hương đất nước, đã ngợi ca tình nghĩa thuỷ chung ân tình của nhân dân ta. 3. Việt Bắc – Nỗi nhớ “Nhớ gì như nhớ người yêu … Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi” Bài thơ Việt Bắc triền khai theo lối kết cấu đối đáp giữa kẻ, người đi thật tự nhiên, khéo léo. Những câu hỏi gợi nhắc của người ở lại đã khơi nguồn biết bao kỉ niệm ùa về. Kỉ niệm kết nối kỉ niệm, kí ức gọi kí ức. Tất cả bỗng thức dậy và trôi nảy trong mạch cảm xúc dào dạt tưởng chừng không bao giờ vơi cạn. Kết nối những kỉ niệm, kí ức ấy chính là sợi nhớ, sợi thương. Chỉ riêng đoạn thơ 8 câu này, từ “nhớ” đã điệp lại bốn lần trong lòng người đi, nỗi nhớ này chưa qua thì nỗi nhớ khác đã ùa về như lớp sóng miên man không dịu. Mỗi lần niềm nhớ rung lên là bao kỉ niệm ùa về, bao nghĩa tình được bồi đắp. Có thể nói nhớ thương đã trở thành điệp khúc, lực hấp dẫn để hút về tất cả kí ức hoài niệm dấu yêu. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên, Tiếng hát con tàu) Chia xa mảnh đất mình từng gắn bó, ai mà chẳng nhớ chẳng thương. Thế nhưng hiếm có thi sĩ nào mang trong tim nỗi nhớ tha thiết, khắc khoải, cháy bỏng khi dã từ chiến khu Việt Bắc: “Nhớ gì như nhớ người yêu” Một dòng thơ mà hai lần chữ “nhớ” được láy lại. Nỗi nhớ cứ lơ lửng ám ảnh mãi tâm trí người đi đến mức không thể kìm nén được. Lời thơ buông ra với ngữ điệu hết sức đặc biệt, nửa như nghi vấ, nửa như cảm thán tạo ấn tượng, ám ảnh người đọc. “Như nhớ người yêu” là hình ảnh so sánh, ví von thật lãng mạn, tình tứ. Nỗi nhớ Việt Bắc được cảm nhận như nỗi nhớ thương người yêu. Có khi ngẩn ngơ, ngơ ngẩn, có khi bồn chồn, bối rối, bổi hổi, bồi hồi. Khi da diết khắc khoải, khi lại đau đáu thăm thẳm. Nỗi nhớ khi chia xa Việt Bắc phải chăng hàm chứa mọi cung bậc cảm xúc ấy. Một nỗi nhớ nồng nàn, đằm thắm, tha thiết. Với hình ảnh so sánh này, Tố Hữu thực sự là một tình nhân đắm đuối trước Việt Bắc, trước nhân dân đất nước mình. Cùng với những câu thơ Mình về mình có nhớ ta – Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng, Áo chàm đưa buổi phân lí – Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay, tứ thơ Nhớ gì như nhớ người yêu đã đưa thi phẩm Việt Bắc trở thành khúc tình ca bậc nhất trong thơ ca Cách mạng. Quả không sai khi Xuân Diệu nhận xét: “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ thơ rất đỗi trữ tình”. Khám phá câu thơ Nhớ gì như nhớ người yêu, ta bỗng vỡ lẽ hiểu ra rằng lối kết cấu đối đáp cùng cách xưng hô “ta – mình” trong Việt Bắc không đơn thuần là sáng tạo hình thức, là câu chuyện ngôn ngữ. Tình cảm giữa cán bộ Cách mạng và đồng bào chiến khu thiết tha, mặn nồng như tình đôi lứa khiến nhà thơ tìm đến cách cấu tứ xưng hô như vậy. Chảy về trong nỗi nhớ niềm thương là cảnh sắc Việt Bắc thơ mộng hiền hòa: “Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương Nhớ từng bản khó cùng sương Sớm khuya bếp lửa người thương đi về Nhớ từng rừng nứa, bờ tre Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy” Những câu thơ như một bức họa gợi cảm về cảnh rừng Việt Bắc thơ mộng, hữu tình. Có đêm trăng huyền ảo, mảnh trăng lấp ló nơi đầu núi, có những chiều tỏa nắng trên nương và hình ảnh những nếp nhà, bản làng thấp thoáng trong sương khói bồng bềnh. Không miêu tả chi tiết, Tố Hữu chỉ chấm phá, khơi gợi. Tuy nhiên, với những người trong cuộc, chỉ chừng ấy thôi cũng đủ bồi hồi, xao xuyến biết bao. Hòa cùng vẻ đẹp bình dị và thơ mộng của thiên nhiên Việt Bắc là hình ảnh con người Việt Bắc rất đỗi thân thương: “Sớm khuya bếp lửa người thương đi về” Hình ảnh thơ gợi tả tinh tế sự tần tảo, đảm đang, chịu thương, chịu khó của những cô gái nuôi quân nơi chiến khu Việt Bắc. Không quản khó nhọc gian nan, những thiếu nữ Việt Bắc vẫn sớm hôm cần mẫn nuôi dấu cán bộ. Hình ảnh bếp lửa gợi những buổi đoàn tụ ấm cùng và nghĩa tình quân dân nồng đượm. Tình quân dân, cách mạng mà mang không khí ấm áp, yêu thương như tình cảm gia đình. Cách nói “người thương” khéo léo, nhiều sức gợi, chứa chan tình cảm dịu dàng mà nồng nàn, yêu thương. Hẳn trong trái tim nhà thơ đã để thương một người con gái Việt Bắc biết hi sinh vì Cách mạng. Kết thúc khổ thơ, tình cảm lại toả ra tràn ngập cả núi rừng Việt Bắc. Những kỷ niệm chung và riêng đan xen nhau, lần lượt hiện ra trong tưởng tượng của người đi: “Nhớ từng rừng nứa bờ tre Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy Ta đi ta nhớ những ngày Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi” Những đồi tre bát ngát, những dòng suối mát trong, con sông hiền hòa, tất cả cứ in sâu trong nỗi nhớ người về. Nhắc đến dòng sông, đồi núi, rừng nứa, bờ tre là dung dưng bao kỉ niệm, đong đầy bao yêu thương. Những cái tên: Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê có lẽ không đơn thuần chỉ là những địa danh mà còn ẩn dấu bao kỉ niệm cảm xúc. Những gắn bó gian khổ, ngọt bùi đã trở thành những kỷ niệm da diết trong trái tim người đi khó có thể quên được. Biết bao những xúc động bồi hồi cùng những ngọt ngào dưng dưng dồn chứa trong mấy chữ “đắng cay, ngọt bùi” cùng dấu chấm lửng cuối dòng thơ. Người đi muốn nhắn gửi với người ở lại rằng người về xuôi sẽ không quên bất cứ một kỉ niệm, một kí ức nào. Có thể thấy, đoạn thơ đã thể hiện rõ nỗi nhớ da diết của người đi Việt Bắc, đó là tấm lòng chân tình của cán bộ kháng chiến với Việt Bắc Bằng thể thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển; hình ảnh trong sáng giản dị, gợi cảm, đoạn thơ đã tạo nên sức hấp dẫn đối với độc giả. Đọc đoạn thơ, ta thấy bịn rịn một tấm lòng nhớ thương da diết vô hạn. CHƯƠNG III: BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM CỦNG CỐ 1. Con đường thơ của Tố Hữu được đánh dấu bằng 5 tập thơ chính. Sắp xếp nào sau dây đúng trình tự thời gian sáng tác của các tập thơ dó.

  1. Việt Bắc, Từ ấy, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa.
  2. Từ ấy, Việt Bắc, Ra trận, Gió lộng, Máu và hoa.
  3. Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Máu và hoa.
  4. Ra trận, Từ ấy, Việt Bắc, Máu và hoa. 2. Bước chuyến biến rõ rệt nhất trong sáng tác của Tố Hữu từ tập thơ “Việt Bắc” trở đi so với “Từ ấy” là.
  5. Thể hiện lòng căm thù giặc sâu sắc hơn.
  6. Thể hiện tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc.
  7. Từ cái tôi trữ tình ở tập “Từ ấy” đến “Việt Bắc” thơ Tố Hữu đã hướng về hình tượng quần chúng cách mạng. D.Vận dụng thể thơ truyền thống vào sáng tác. 3. Bài thơ “Việt Bắc” được sáng tác năm bao nhiêu?
  8. 1954
  9. 1945
  10. 1948
  11. 1950 4. Bài thơ được viết theo cấu trúc hình thức nào?
  12. Cấu trúc lục bát
  13. Cấu trúc biền ngẫu
  14. Cấu trúc sóng đôi
  15. Cấu trúc đối đáp trong dân ca 5. Theo em nhận định sau đây đúng hay sai: " Bài thơ là sự tái hiện một giai đoạn gian khổ nhưng vẻ vang của cách mạng và kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc"
  16. Đúng
  17. Sai 6. Cảm xúc tiêu biểu nhất của bài thơ “Việt Bắc” là:
  18. Ca ngợi con người và cảnh sắc Việt Bắc.
  19. Ca ngợi cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.
  20. Tình đồng chí, đồng đội trong kháng chiến.
  21. Khúc hát ân tình thủy chung của con người kháng chiến với quê hương đất nước, với nhân dân, với kháng chiến. 7. Đánh giá “Việt Bắc” là một đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là một tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chông thực dân Pháp là:
  22. Đề cao quá mức độ.
  23. Xác đáng 8. Bài thơ “Việt Bắc” đậm màu sắc dân gian bởi nhiều yếu tố từ nội dung và nghệ thuật. Theo em, yếu tố nào sau đây khiến người đọc khi tiếp xúc với bài “Việt Bắc” đã như được đưa ngay về với thế giới của ca dao dân ca xưa:
  24. Thể thơ lục bát (ca dao hay dùng).
  25. Lối đối đáp cùng với cặp đại từ “Mình - ta” làm nổi bật cuộc giao tiếp tình tứ giữa các nhân vật trữ tình.
  26. Hình ảnh thiên nhiên và con người đậm màu sắc dân tộc.
  27. Dùng nhiều cách nói tu từ. 9. Tính dân tộc về mặt hình thức của bài thơ “Việt Bắc” được biểu hiện ở điểm nào sau đây:
  28. Vận dụng thành công khả năng diễn tả của thể thơ lục bát truyền thống.
  29. Câu thơ lúc thì dung dị, dân dã gần với ca dao, lúc cân xứng, nhịp nhàng, trau chuốt đến độ cổ điển.
  30. Lối nói giàu hình ảnh, cách chuyển truyền thống.
  31. Tất cả các biểu hiện trên. 10. Lời của Việt Bắc ở đoạn đầu bài thơ có ý nghĩa:
  32. Bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ thương lưu luyến đối với người kháng chiến về xuôi.
  33. Kể cụ thể những kỉ niệm đã từng chung sống.
  34. Dùng hàng loạt câu hỏi để gợi những kỉ niệm, trong lòng người về và gửi gắm kín đáo nỗi nhớ của mình.
  35. Khuyên người về đừng quên cảnh và người Việt Bắc. 11. Mở đầu bài thơ “Việt Bắc”, Tố Hữu viết: Mình về mình có nhớ ta Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng. Em hiểu như thế nào về thời gian “mười lăm năm ấy” được dùng trong câu thơ trên:
  36. Thời gian tượng trưng, không phải thời gian xác định (giống như con số 7, số 3 trong ca dao không phải chỉ số lượng cụ thể).
  37. Thời gian tính từ thời kháng Nhật (1940) đến khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1954).
  38. “Truyện Kiều” có câu “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình” Nguyễn Du nói về thời gian Thúy Kiều và Kim Trọng xa cách. Tố Hữu tiếp nhận cách dùng thời gian này là để chỉ sự gắn bó dài lâu. 12. Trong bài thơ “Việt Bắc”, Tố Hữu thay lời người kháng chiến khẳng định tình cảm đối với Việt Bắc bằng câu thơ: “Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”. Cách nói ví von quen thuộc này thường gặp trong ca dao. Cách nói này có ý nghĩa:
  39. Chỉ tình cảm thắm thiết.
  40. Tình cảm nhiều như nước trong nguồn.
  41. Tình cảm nhiều và không bao giờ nguôi cạn 13. Nói về tấm lòng dậm đà nghĩa tình son sắt của người dân Việt Bắc, Tố Hữu viết: Mình đi có những những nhà Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son. Thủ pháp đối được phát huy ở câu thơ thứ hai đó là:
  42. Đối nhịp thơ.
  43. Đối từ.
  44. Đối hình ảnh.
  45. Cả ba kiểu đối trên. 14. Thiên nhiên Việt Bắc tươi thắm, rực rỡ một phần là nhờ sắc màu của bốn mùa. Màu sắc nào sau đây không phải là màu hoa ở núi rừng Việt Bắc (trong đoạn thơ 10 câu đặc tả cảnh và người Việt Bắc).
  46. Đỏ tươi.
  47. Trắng.
  48. Vàng.
  49. Tất cả các màu sắc trên đều là màu hoa. 15. Bốn mùa trong bức tranh tứ bình về cảnh và người Việt Bắc được sắp xếp theo trinh tự nào sau đây?
  50. Đông- Xuân- Hạ- Thu
  51. Xuân- Hạ- Thu- Đông
  52. Hạ- Thu- Đông- Xuân
  53. Thu- Đông- Xuân- Hạ *ĐÁP ÁN 1. C 4. D 7. B 10. C 13. D 2.B 5. B 8. B 11. B 14. C 3. A 6. D 9. D 12. C 15. A

CHƯƠNG IV: CÁC DẠNG ĐỀ THI Dạng 1. Đề so sánh văn học (Trọng tâm) Đề 1: So sánh Hình ảnh đất nước trong Việt Bắc của Tố Hữu và Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm Đề 2: Cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh người lính Việt Nam trong kháng chiến qua hai bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc Đề 3: So sánh nỗi nhớ của hai nhà thơ qua hai đoạn thơ sau: “Nhớ gì như nhớ người yêu Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương Nhớ từng bản khói cùng sương Sớm khuya bếp lửa người thương đi về. Nhớ từng rừng nứa bờ tre Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy” (Việt Bắc – Tố Hữu) và “Con sóng dưới lòng sâu Con sóng trên mặt nước Ôi con sóng nhớ bờ Ngày đêm không ngủ được Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức”. (Sóng- Xuân Quỳnh) Dạng 2. Nghị luận ý kiến bàn về bài thơ Việt Bắc, chứng minh nhận định về bài Việt Bắc. Đề 1: “Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu là khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến”. Hãy bình luận ý kiến trên Đề 2: “Kế tục xuất sắc truyền thống thơ ca dân tộc, đặc biệt là thơ ca dân gian và thơ ca cổ điển, thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc cả trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện” (SGK Văn 12 trang 152). Qua việc cảm nhận đoạn mở đầu và phần 1 của bài thơ ViệtBắc làm sáng tỏ nhận xét trên. Đề 3: “Bức tranh “Việt Bắc ra quân” là một bức tranh hùng tráng, tràn đày khí thế chiến thắng của quân dân ta”. Phân tích đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của Tố Hữu để làm sáng tỏ nhận định trên: “Những đường Việt Bắc của ta …. Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.” (Trích Việt Bắc – Tố Hữu) Đề 4: Về đoạn trích Việt Bắc của Tố Hữu có ý kiến cho rằng: “Việt Bắc ngợi ca ân tình cách mạng sắc son bền chặt” ý kiến khác lại cho rằng: “Việt Bắc ngợi ca tình yêu quê hương đất nước son sắc” Từ cảm nhận của mình về đoạn trích Việt Bắc anh(chị) hãy bình luận ý kiến trên. Dạng 3. Cảm nhận về đoạn thơ: Đề 1: Cảm nhận về 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc Đề 2: Cảm nhận về đoạn trích: “Nhớ gì như nhớ người yêu…Chày đêm nện cối đều đều suối xa” Đề 3: Cảm nhận về Bức tranh tứ bình trong bài thơ Đề 4: Cảm nhận về đoạn thơ Việt Bắc trong kháng chiến: “Những đường Việt Bắc của ta…Đèo De núi Hồng”