Diễn thể hiện sự thanh lịch như thế nào

Xét trong quan hệ so sánh với xứ Ðoài, xứ Ðông, xứ Nam Hạ, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Huế, xứ Quảng, cả với miền Gia Ðịnh - Ðồng Nai, trải dài non nước Việt Nam, nơi nào cũng "địa linh nhân kiệt", vậy mà duy nhất chỉ có một "người Hà Nội thanh lịch" - như một chân lý lịch sử văn hóa được truyền miệng, từ truyền miệng sang nghiên cứu học thuật chữ nghĩa sách vở cũng chỉ nhằm chứng minh, khẳng định một sự thật khách quan đã thành niềm tự hào cùng sự tôn vinh đến thiêng liêng, cả sự tin cậy đinh ninh đến mức "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".

Tại sao lại nảy sinh ra cái tình huống của tư duy "chẳng", "cũng thể", "dẫu không" và "cũng" như vậy. Và có đúng thế không hai chữ "thanh lịch" (hai mà một) chỉ xuất hiện, tồn tại trong câu ca dao này, một câu ca dao có nhiều dị bản, từ truyền khẩu ghi thành văn tự, để từ truyền miệng trở thành một chủ đề lớn của nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền, động viên. Theo nhịp thời gian, từ 990 năm đến 995 năm rất gần kề, chỉ còn tính bằng tháng, bằng ngày và rồi theo sự vận động gia tốc sẽ là trọn vẹn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cái chủ đề "Người Hà Nội thanh lịch" lại càng được nhắc đến, bàn tới sôi nổi, khẩn trương đến sốt ruột!

"Người Hà Nội thanh lịch" truyền miệng, truyền đời, cảm nhận trực giác và tổng thể cùng với cả sự giảng giải lý thuyết như một định đề minh họa cho rõ mà không cần chứng minh, mặc nhiên thừa nhận là như vậy theo kiểu "các cụ ngày xưa nói có bao giờ sai" nên các con cháu cứ thế mà nghe, mà tin, như giáo điều bất biến vậy.

Thế rồi "hậu sinh khả úy", lớp người Hà Nội của vài chục năm nay, của hôm nay đầu óc mở mang nhờ vào thực tiễn vô cùng sôi động và biến đổi va đập mạnh mẽ vào những tín điều và cả những giáo điều; lại học hỏi thêm nhiều ở phép tư duy phân tích nên từ trong cái mệnh đều phán đoán khẳng định "Người Hà Nội thanh lịch" ấy đã nảy sinh nhiều câu hỏi lớn.

Vẫn biết rằng tiếp theo những câu hỏi lớn ấy cũng còn nhiều lời giải đang còn bỏ ngỏ; thế nhưng chỉ riêng việc đặt ra những câu hỏi lớn từ hiện tượng, hiện trạng đi sâu vào bản chất, với những thuộc tính, những quan hệ, hơn nữa lại còn đi tìm căn nguyên của sự hình thành, tạo lập, biến đổi, phát triển và cả suy thoái; để từ đó làm sáng tỏ những giải pháp vốn có và cần có, để giữ gìn phát huy như một di sản văn hóa thiêng liêng; như vậy thì thật là quý hóa, càng cần tôn trọng, khuyến khích mạnh mẽ cho sự kiếm tìm, thay vì tùy tiện cho rằng, đó là một sự hạ bệ, giải thiêng; phải coi đó là một việc làm thật sự có ý nghĩa tôn vinh di sản truyền thống; và để tôn vinh thì phải hiểu cho đến ngọn ngành, từ đó mà ứng xử có trách nhiệm để chính mình, tự mình trở thành người Hà Nội thanh lịch. Xưa ông bà, cha mẹ đã thanh lịch; nay cháu con càng thanh lịch để thật sự là người Hà Nội của hôm nay và mai sau, lớp hậu duệ xứng đáng của người Hà Nội xưa, người Thăng Long xưa.

"Thanh lịch là gì" một từ khái niệm công cụ của tư duy vừa phản ánh thực tại vừa đánh giá, định tính, định danh thực tại; ở đây là xét việc, xem người, sống ở đời và làm người Hà Nội. Do vậy đây là một câu hỏi lớn.

Thanh lịch, người Hà Nội thanh lịch, người xưa nói như vậy, anh nói như vậy, "nó" (ngôi thứ ba) nói như vậy; ca dao truyền miệng như vậy, rồi nay văn kiện chính trị, văn chương, báo chí, văn bản học thuật cũng viết như vậy; hiển nhiên là như vậy; nay tôi, chúng tôi, chúng ta, lớp hậu sinh cũng nói và viết như vậy, có điều gì cần phải bàn cãi cho tốn giấy mực, mất thời gian?

Ấy vậy mà vẫn có quá nhiều điều phải nói rõ, bàn cho trúng đấy, lại là việc làm rất cần thiết, thiết thực chứ không phải là giáo điều sách vở.

Thanh lịch là một hay hai từ ghép lại? Tra cứu nguồn gốc và nghĩa của nó được ghi trong Từ điển Hán Việt và Từ điển tiếng Việt: Thanh lịch là nhã nhặn và lịch sự, hướng vào sự giao tiếp giữa người và người, thông qua phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (trang phục, trang điểm, cử chỉ, nét mặt, điệu bộ...). Và phải chăng với người Hà Nội thanh lịch chỉ là như vậy, dẫu rằng để có được như vậy thì cũng đã khó khăn lắm, trong tu rèn, từ gia đình đến trường học, trường đời gần gũi.

Tuy nhiên cái nghĩa, cái ý, cái lý của thanh lịch nó sâu và rộng lắm, nhiều chiều kích, nhiều lớp, nhiều tầng. Thanh lịch là một từ ghép lại bởi hai từ đơn: Thanh và Lịch, và mỗi từ đơn ấy cũng đã hàm nghĩa, hàm ý riêng.

Thanh là trong, trong trẻo, trong sáng, trong suốt, một cách giản dị, tự nhiên cho đến tận cùng, không một chút vẩn đục. Thanh vừa là sự thanh lọc, lọc bỏ, gạn đục khơi trong, vừa là kết quả của chính cái sự thanh lọc ấy. Một chữ thanh bao hàm hai ý nghĩa: thuộc tính, tính chất và cơ chế hình thành nên cái thuộc tính, tính chất ấy, cũng tức là để tự mình trở nên thanh, trong, phải tự mình gạn, lọc, thanh lọc chính mình. Thanh có thanh bạch, thanh cảnh, thanh cao, thanh đạm, thanh khiết, thanh lịch, thanh liêm, thanh nhã, thanh tao, thanh thản, thanh tịnh, thanh tú. Thế còn Lịch? Lịch là sự trải qua, từng trải, trải nghiệm, nếm trải của mỗi người với bao khôn, dại, ngọt bùi, cay đắng, trong cuộc sống thực của mình, ở đời và làm người; đó cũng là sự đánh giá của người đời, miệng thế về một ai đó đã từng trải để trở nên có bản lĩnh và bản sắc. Lịch có lịch duyệt, lịch lãm, lịch sự, lịch thiệp. Lịch vừa là phẩm giá con người vừa là cơ chế hình thành nên cái phẩm giá ấy.

Như vậy thanh lịch của người Hà Nội là từ trong trí tuệ và cảm xúc biểu hiện ra nơi thái độ, định hướng giá trị, hành động, hành vi, hoạt động, quan hệ giao tiếp ứng xử với người và việc, với môi trường xã hội, văn hóa, sinh thái vật thể và phi vật thể. Thanh lịch là sự sâu sắc, nhuần nhị, là tinh tế, là khéo léo, là sự tử tế, ở đó hàm chứa và chung đúc những giá trị văn hóa, nhân văn của đất và người Hà Nội, cũng là sự hội tụ và thăng hoa nơi Hà Nội của bao nhiêu con người đến và sống với Hà Nội, đóng góp cho Hà Nội những tinh hoa của trăm miền đất nước.

Thanh lịch cũng chính là quá trình, là cơ chế tâm lý xã hội để tạo nên con người thanh lịch. Ðó là quá trình thanh lọc và trải nghiệm, hội tụ và thăng hoa với thời gian, thời gian vật lý, thời gian tâm lý, xã hội, lịch sử trong dòng chảy của sự di truyền sinh học và sự kế thừa di sản văn hóa, không chỉ một đời người, vài ba thế hệ mà là nhiều thế kỷ, cả nghìn năm!

Tìm hiểu con người Thăng Long - Hà Nội, từ xuất xứ, lai lịch đến hành trạng và sự nghiệp, từ võ công, văn nghiệp đến chính nghiệp và doanh nghiệp, trong kinh bang tế thế nhằm vào quốc gia đại sự, quốc kế dân sinh; tìm hiểu sự hình thành những làng nghề, làng tiến sĩ, khoa bảng, những phường nghề, với những đặc sản vật chất và văn hóa được sinh ra, tạo nên từ đó, ta đều có thể nhận ra cái cốt cách, cái bản sắc của người Thăng Long - Hà Nội; thanh lịch cũng là tài hoa, trong sự thanh lọc và trải nghiệm đã thăng hoa những tài năng, những tinh hoa, những tài hoa; cũng có thể coi đó là hào hoa, thanh lịch và hào hoa như đã có người bàn tới mà chưa thật tới chính ở nội hàm của cái con chữ hào hoa này.

Thanh lịch là phẩm cách bản sắc, cũng là quá trình tạo dựng nên phẩm cách và bản sắc ấy. Quá trình này cũng là sự gắn kết với mỗi bước thăng trầm của lịch sử Thăng Long - Hà Nội, từ khởi thủy đến hiện tại, liên tục vận động, biến đổi, phát triển, gìn giữ, nâng cao, hoàn thiện, bổ sung gắn với lọc bỏ những gì đã cũ kỹ, lạc hậu. Ðó cũng là quá trình hiện đại hóa để tiếp nhận những thành tựu mới của thời đại. Ðó là quá trình hội tụ, nhưng lại phải thêm một lần, nhiều lần vừa hội tụ, vừa nhào luyện, vừa thanh lọc để thật sự hóa thành cái chất thanh lịch của đất và người Thăng Long - Hà Nội. Do vậy, thanh lịch không chỉ là cốt cách bản sắc của người Thăng Long - Hà Nội cổ truyền, nó cũng là cốt cách và bản sắc của người Hà Nội hôm nay và mai sau trong tiến trình CNH, HÐH, hội nhập khu vực và quốc tế. Trong cái phẩm chất, cốt cách của người Hà Nội đến hiện đại từ cổ truyền, từ trong thuộc tính bản chất hàm nghĩa nơi "thanh lịch" đã chứa đựng văn minh, hiện đại rồi. Và đây là một vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận khi nhìn nhận bản chất, thuộc tính và sự hình thành nên con người Thăng Long - Hà Nội. Ðó không phải là một phép cộng và trừ, thêm và bớt mà là phép hóa, thanh lọc trải nghiệm, hội tụ và nâng cao để trở thành thanh lịch.

Từ một quan niệm như vậy, đặt ra một câu hỏi lớn, "Người Hà Nội thanh lịch hôm nay, "anh" là ai trong ba triệu người Hà Nội hộ tịch - hộ khẩu, trước hết là thường trú nhiều đời, vài ba đời, một đời, gần trọn một đời, vài ba chục năm; và một số lượng không nhỏ là những người Hà Nội tạm trú, chưa thật an cư thì cũng khó khăn nhiều bề trong lập nghiệp, tu thân để tự mình trở thành người thanh lịch, đóng góp vun xới cho cái cây đời thanh lịch của đất và người Hà Nội càng thanh càng lịch. Người Hà Nội thanh lịch là ai, nơi phố phường; phố và phường, trung tâm và ngoại vi, nơi phố cổ, "phố Tây", phố mới, các khu chung cư, khu tập thể cũ và mới, những "vùng lõm" và cả "xóm liều"; là ai nơi làng xã vốn và vẫn thuần nông, truyền thống trong cơ cấu kinh tế - lao động - dân cư; là ai nơi làng xã, theo quyết định đã thành phường, làng xã chuyển thành thị trấn, làng xã đang diễn ra quá trình chuyển đổi mạnh mẽ về ngành nghề, hướng vào thị trường, từ chợ quê, chợ làng, chợ tổng ngày xưa ra chợ huyện, chợ tỉnh, thành, chợ khu vực, chợ quốc tế, theo đó là sự phân hóa, phân tầng xã hội và cả sự chuyển đổi hệ giá trị văn hóa làng xã. Người Hà Nội thanh lịch hôm nay, họ là ai trong các nhóm xã hội lớn nam và nữ, trẻ, trung niên và cao tuổi; những công chức, viên chức, còn gọi là cán bộ; những nông dân, thợ thủ công, công nhân công nghiệp, thương gia, doanh nhân, từ các bà, các chị hàng xén đến các giám đốc công ty thuộc loại hình sở hữu khác nhau; là ai trong cả triệu học sinh, sinh viên, những cậu tú, cô cử tương lai không xa; ngày xưa là những sĩ tử con cái những danh gia vọng tộc và đám người bình dân, thứ dân, ngày nay là tuổi trẻ học đường với trách nhiệm và niềm tin cậy sâu nặng mà lịch sử và thời đại đặt lên vai họ. Bức xúc hơn cả có lẽ là câu hỏi người Hà Nội hôm nay, họ là ai trong tầng lớp trí thức đông đảo về số lượng, cao hơn cả về bằng cấp, học vị; với Thăng Long xưa và Hà Nội chưa xa, họ là tầng lớp kẻ sĩ, kẻ sĩ Thăng Long, kẻ sĩ Bắc Hà rất nhiều tên tuổi, tỏa sáng học phong, sĩ khí, nên đứng ở đầu bảng của sự phân tầng, cắt lớp xã hội, từ chốn khoa bảng, họ gia nhập chốn quan trường, tài cao, đức trọng, thanh liêm, chính trực, và nếu cần vẫn có thể treo ấn từ quan về nhà bốc thuốc, gõ đầu trẻ, từ bỏ mọi bổng lộc, danh lợi để giữ trọn nhân phẩm.

Những ai trong các tầng lớp xã hội trong tổng thể cơ cấu dân cư - dân số ấy đã có được lòng tự tin, tự hào để tự khẳng định mình là người Hà Nội với cái thanh lịch đã trở thành bản lĩnh, bản sắc, từ trong lồng xương ống máu, trong nếp nghĩ, nếp cảm, nếp sống, lối sống; và những ai vẫn đang là người Hà Nội hộ tịch, hộ khẩu, coi Hà Nội chỉ là nơi mưu sinh lập nghiệp, còn tâm thức và thói quen thì lại vẫn cứ là đậm đà sắc mầu quê hương tỉnh lẻ nơi xứ Ðông, xứ Ðoài, xứ Bắc, xứ Nam.

Thăng Long - Hà Nội, đất văn hiến, người thanh lịch từ nhân cách văn hóa đến văn hóa môi trường cảnh quan thiên nhiên, đến môi trường tự tạo mang hồn cốt văn hiến thanh lịch; từ hồn phố đến hồn làng, vỉa hè ngõ nhỏ nơi phố nhỏ, xóm nhỏ, mùa hè oi ả và mùa đông gió bấc mưa phùn mưa bụi; những phố hàng và những làng cổ tên nôm, làng Cót, làng Lủ, làng Mọc, làng Nành, Chèm, Vẽ, Canh, Diễn; những món ăn đặc sản bánh cốm, bánh đúc, bánh giò chả, bún ốc, bún thang, chè hạt sen, chè kho; những món quà sáng và quà đêm, ăn và ở, hát ca trù, ả đào; cành đào ngày xuân, những bông cúc, bông hường; những nếp áo, nếp tóc, lời chào hỏi, thưa gửi; người thanh tiếng nói cũng thanh; những đền, chùa, miếu, đình, những hội làng và ở phố xưa là làng; những con hồ, con sông, nhịp cầu và bóng thuyền câu; cần mẫn, khéo tay, kỹ tính là những người thợ thủ công với những sản phẩm mang dấu ấn của mỗi vùng đất về với Thăng Long, đua nở, phát đạt.

Nghìn năm đất văn hiến - người thanh lịch của Thăng Long - Hà Nội là một quá trình lịch sử tự nhiên, trầm tích, thanh lọc theo nhịp vận động chậm chạp. Ðã và đang sang một thập kỷ mới, thế kỷ mới của một thiên niên kỷ thứ hai, trước sau và vẫn là bồi đắp cho vững, tôn tạo cho cao cái bản lĩnh, bản chất, bản sắc văn hiến, thanh lịch của đất và người Hà Nội; vẫn phải là một quá trình lịch sử tự nhiên nhưng lại cần phải rút ngắn, gia tốc theo nhịp thời gian sống của con người trong xã hội công nghệ thông tin, hiện đại. Ði cho thật vững bằng những bước đi khẩn trương hơn, nhưng đó không thể là những bước "đi ngang về tắt", những bước nhảy cóc vội vàng, tùy tiện; học khôn nhưng lại không thể là khôn lỏi, khôn vặt, theo đuổi những lợi ích tức thời, thực dụng.