Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa review năm 2024

“Tuy rất cảm kích nhưng khi đọc thư, bố nhận ra, câu trả lời của bố có tác dụng là bởi ý chí của bản thân người đó chứ không phải vì những thứ khác. Nếu bản thân họ không muốn sống tốt, sống hết mình thì dù có nhận được câu trả lời nào cũng thế thôi”.

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya, Higashino Keigo | 2016. Hội Nhà Văn

.

.

Tôi ghi lại những suy nghĩ và một vài phân tích của mình sau khi đọc xong Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya nên đây không phải một bài review sách.

Trước khi nói về nội dung cũng như cảm xúc cá nhân với tác phẩm này của Higashino, phải nói lâu lắm rồi, hoặc đúng ra đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác muốn đọc sách, đọc gì cũng được, miễn là một cuốn sách làm tôi cảm thấy thích. Sự thật là, để miêu tả chân dung một kẻ vô học và hơi thiếu tính văn hóa, nghệ thuật, tôi sẽ lấy chính mình ra làm ví dụ. Tôi không thích đọc sách, nhất là sách văn học. Một cách thần kỳ nào đó, não trạng của tôi cự tuyệt sự sáng tạo và hư cấu văn chương nói chung. Nó chỉ cởi mở với manga, điện ảnh và các hình thức diễn xướng khác. Dù đúng là công việc của tôi gắn với chữ nghĩa và tài liệu, nhưng đọc những thứ ấy vì kiếm sống và để sống là một câu chuyện khác, một tình cảm khác và hẳn nhiên một vị thế khác. Nên thú thực là khá lạ lẫm và bất ngờ khi nảy ra ý niệm muốn đọc sách chỉ để giải trí. Một phần có lẽ vì thư viện thành phố cách trường có chưa đến năm phút nếu đi tàu, một phần vì thẻ được miễn phí. Nhưng lý do gì cũng được, tôi sẽ coi đây là cơ hội hay ho để có thêm một sở thích lành mạnh. Đọc và biết thì không bao giờ đủ chứ đừng nói là thừa.

Lúc ngồi viết những dòng này, tôi đang nghĩ đến Nhím. Quen nhau ngần ấy nắm, có vô số thứ chúng tôi đồng tình, thậm chí còn không cần lên tiếng. Nhưng cũng có cả chục lần tranh luận, thậm chí là gay gắt về đủ thứ, đương nhiên không đi đến một tiếng nói chung nào cả. Thói quen đọc sách cũng thế. Nhím nói với tôi về chuyện này không dưới năm lần, và tôi biết cô ấy đúng. Điều duy nhất cản trở chỉ là: tôi không có động lực làm việc ấy, văn chương nói chung không phải phạm trù hấp dẫn tôi. Nhưng lúc này, tôi đang nghĩ đến người mà tôi không bao giờ miêu tả bằng từ “bạn” trong khi miệng thì mỉm cười. Có thể tôi đã hiểu được chút ít niềm vui lẫn sự trải nghiệm gián tiếp mà Nhím hay nói. Cô ấy luôn bảo thứ văn (vở) mà tôi chế ra thiếu nhiều thứ, trong đó là dòng cảm xúc phập phồng chân thực, là chất văn chương. Tất nhiên, giờ tôi vẫn không hiểu đó là cái gì, nhưng tôi chạm đến một chút cái Nhím hay bảo: muốn gì thì gì cũng phải sống nhiều lên đã, tự bồi tụ và làm dày bản thân lên đã thì văn chương mới có thể thay đổi được.

Quay lại với Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya, tôi phải cảm ơn chị Mèo Bánh Trôi với lời bảo chứng: Xịt phải tin chị vì Higashino Keigo là chân ái của chị, là nước Nhật chân thực mà chị biết và chị nghĩ người khác cũng có thể cảm nhận được. Nói chung, với một đứa không thích đọc sách, tôi chọn tin người nhà, tức là những người có gout thưởng thức và nhiều quan điểm giống mình. Ơn giời, chưa thấy lệch chuồng phát nào. Tôi vẫn đang ở trong trạng thái lâng lâng với quá nhiều suy nghĩ trước một tác phẩm sinh động và cuốn hút như một bộ phim. Nhưng tôi sẽ cố gắng diễn đạt hết những suy nghĩ của mình theo hướng rành mạch nhất có thể.

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya là cuốn tiểu thuyết liên kết nhiều câu chuyện nhỏ xoay quanh những vị khách tìm kiếm sự trợ giúp, lời khuyên trong lúc họ ở ngã tư đường. Điểm chung căn bản nhất giữa họ là việc cùng trao đổi qua lại với ông chủ của tiệm tạp hóa Namiya. Tác phẩm này trở nên đặc biệt nằm ở cách Keigo điều khiển tình huống diễn ra không phải trên dòng thời gian tuyến tính mà trên nhiều chiều thời gian khác nhau (quá khứ chồng quá khứ, tương lai chồng quá khứ, hiện tại chồng tương lai và quá khứ). Nếu như câu chuyện chỉ dừng lại ở nhóm trộm trẻ tuổi mắc kẹt trong ngôi nhà kì lạ rồi từ từ phát hiện ra bí mật của nó, ngược dòng về quá khứ thì chẳng có gì đặc biệt hay đáng nhớ hết. Chính việc kể những thứ, những người tưởng chẳng liên quan nhưng đến tận cùng lại liên kết thành một bức tranh tổng thể lại là cái tài của tác giả – người như tôi được biết thành danh nhờ các tác phẩm trinh thám. Chương một dừng ở mức thú vị, khi đám thanh niên học hành chẳng đến đâu, tính cách có vài phần thô thiển, cục cằn lại đưa ra lời khuyên vớ vẩn cho một cô gái không biết mặt. Thế nhưng, cách người ta diễn giải những lời khuyên đó theo ý họ muốn bẻ ngoặt mạch tình huống ra khỏi ngoài mọi trù tính. Nhưng đấy chỉ là một chút phấn khích và tò mò thôi. Chỉ đến chương hai, khi ý đồ của tác giả mở ra như một cú “bang” về những dòng thời gian đan nhau, tụ lại ở cùng một điểm, tôi bắt đầu say sưa với tác phẩm này của Higashino đến mức không dứt được mắt ra.

Điều khiến tôi đánh giá cao nhất về kĩ năng viết của tác giả trong Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya chính là dù sử dụng tình tiết thắt nút căn bản là yếu tố thần bí, phi thường nhưng điều đó không làm mất đi bản chất hiện thực, giản dị và cảm động của toàn bộ tác phẩm. Mạch truyện đơn ở từng truyện nhỏ và mạch truyện ngầm xuyên qua dòng thời gian chảy song song với nhau, từ điểm khởi đầu khi ông Yuji – chủ tiệm tạp hóa – bắt đầu công việc tư vấn qua những lá thư phúc đáp để trong hộp sữa. Không có việc vì mải mê trong một số phận cụ thể mà quên mất điều bí ẩn nào khiến thời gian ở Namiya dừng lại, kết tụ rối rắm với nhau trên những lá thư được gửi tới hiện tại từ quá khứ.

Higashino không miêu tả nhiều nhưng mỗi câu chuyện đều tự nổi bật lên những chủ đề của chính nó từ việc nên theo đuổi ước mơ hay ở cạnh người yêu đang bị bệnh sắp chết, nên thừa kế cửa hàng cá hay kiên trì chinh phục giấc mơ âm nhạc, cô gái trẻ với mong muốn đổi đời ở thành phố hoa lệ… Nói thế này hơi buồn cười và kệch cỡm khi bảo Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya rất Nhật, một nước Nhật bình thường, một nước Nhật trong sự biến chuyển của kinh tế, xã hội kéo dài từ những năm 80, 90 đến hiện tại. Bởi tôi chưa từng đi Nhật dù chỉ là du lịch, nói gì đến sống ở đó để cảm nhận những điều mà truyền thông, du lịch không bao giờ nói đến. Nước Nhật với tôi thân thuộc và gần gũi thông qua những bộ phim xem từ nhỏ, từ cô thợ làm bánh ngọt truyền thống, Oshin, Nữ tiếp viên hàng không, Ngôi sao may mắn, và 1001 những tác phẩm phim ảnh, manga và các loại hình nghệ thuật khác. Trong câu chuyện này, những hình ảnh mà tác giả dựng lên thật và gần, tương đồng với những gì lưu dấu trong tôi từ những tác phẩm, hiểu biết đã có ấy, với một màu thời gian như những phim của thập niên 80, 90 đầy hoài niệm nhưng không hề cũ kỹ.

Đó có khi nào nên được gọi là một mặt khác, một mặt sau, mặt bên của đất nước ấy, nơi con người cô đơn hơn ai hết trong việc tìm một người lắng nghe? Bởi dường sự độc lập và cô độc đằng sau những cử chỉ lịch sự, khách sáo đến mức ít nhiều khó chịu bởi kiểu cách lẫn xa cách là điều ấn định cho mỗi người, kể cả có gia đình hay những kẻ bị bỏ rơi lẫn bỏ rơi. Kéo dài trong cả thiên truyện là những vấn đề phổ biến xã hội nào cũng có, nhưng nếu là người Nhật, họ sẽ xử lý như thế. Dấu ấn văn hóa, suy nghĩ thể hiện ngay trong cách hành văn qua thư, trong tâm thế, hành xử của mỗi nhân vật. Họ có thể khác nhau về tính cách, chính kiến nhưng sự nghiêm túc, khuôn mẫu, chỉn chu có đầu có cuối có phần máy móc làm nên những mối liên hệ tuy ngắn, tuy không hề thấy mặt nhưng lại có trách nhiệm, lại thành cú huých đưa những hướng vận động, đưa bánh răng số mệnh theo những hướng khác nhau.

Số mệnh? Phải, ấy là thứ đưa họ lại trong tấm mạng chặt chẽ, thần kỳ ấy. Nhưng đến tột cùng, vẫn là sự lựa chọn của con người làm ra kết quả.

Tôi sẽ không nói nhiều về nội dung những câu chuyện nhỏ trong Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya, vì nói ra sẽ chẳng còn gì thú vị nữa. Nhưng sau Game of Throne, lâu lắm rồi tôi mới lại được trải nghiệm cảm giác sống một lúc nhiều cuộc đời, nhiều cá tính, nhiều bối cảnh xuất thân như thế. Không phải chỉ nhập vai để cảm hiểu nhân vật trung tâm, để nghĩ nên quyết định thế nào, nên cảm thấy thế nào trước những lá thư hồi đáp, độc giả nào cũng có quyền đóng vai ông chủ để thử đưa một lời khuyên. Thật khó. Thật nhiều trách nhiệm khi biết lời của mình có thể làm thay đổi cuộc đời của người. Đây nào phải trò chơi, cũng nào phải một cách để tỏ bày sự trên cơ của mình trước những kẻ rối lòng. Ông cụ Yuji biết rõ điều nhạy cảm, mong manh ấy nên luôn mất rất nhiều thời gian để trả lời mỗi ưu tư gửi đến.

Higashino không nói về những ca tư vấn thành công xuất sắc, cũng không vẽ ra những tình huống mẫu mực, mà mỗi câu nhân vật gỡ rối tơ lòng viết ra đều văn vẻ đến mức trích ra làm quote lưu truyền trên Facebook chẳng hạn. Những lời khuyên cũng như mỗi cuộc đời của một người cụ thể không phải lúc nào cũng hiệu quả hay kết thúc có hậu. Có khi vẫn có rất nhiều nỗi buồn, rất nhiều luyến tiếc, nhưng cao nhất vẫn là: người ta cảm thấy mình được lắng nghe chăm chú, tử tế, ấm áp và nhận được những phản hồi ôn tồn, quan tâm của một người xa lạ. Cái thiếu đôi khi chỉ là thế thôi, một sự lắng nghe, một sự tỏ bày được hồi đáp chân thành.

Điều đọng lại mạnh mẽ nhất sau khi đọc xong Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya chính là một suy niệm không thể Á Đông hơn được nữa: thiện giả thiện báo, nhân quả tuần hoàn. Có điều, nhân – quả trong cuộc sống thực không như trong truyện cố tích, nhưng nó có, nó hiện hữu mạnh mẽ hơn cả thần linh, tôi tin thế. Nên là cứ gieo xuống những điều tốt lành đi bằng một nỗi niềm trong sáng, thời gian ắt sẽ có câu trả lời tuyệt đối công bằng. Khi những mấu cớ của tấm mạng liên kết những cá thể xa lạ trên những mảng miếng không-thời gian khác nhau hiện hình trọn vẹn, tôi chỉ có thể nghĩ: đôi khi, người ta cần được đối xử tốt đẹp; người ta cũng cần và nên đối xử tử tế với một ai đó vô tình lướt ngang cuộc đời. Một chút thôi, đó có thể làm nên rất nhiều thay đổi rồi.