Giá trị của Nhà đày Buôn Ma Thuột

Khách thăm quan nhà đày Buôn Ma Thuột. Ảnh TL

Dưới cái nắng hanh cao điểm giữa tháng Tư, các dãy nhà sơn màu vàng trong khu di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột càng khiến người nhìn chói mắt và liên tưởng ngay đến những hình ảnh tra tấn, đàn áp rợn người của một nhà tù thời thực dân. Nhưng khi bước chân vào bên trong, khuôn viên bao trùm bởi hệ thống cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa làm không khí mát rượi.

Bà H’Nga Byă, phụ trách khu Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột cho biết, Nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi giam giữ hơn 3.855 tù chính trị, đa phần là đảng viên cộng sản, trong đó có những ủy viên Trung ương, xứ ủy, huyện ủy và chi ủy. Đặc biệt, có nhiều người giữ vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước và quân đội như Võ Chí Công, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu…

Nhà đày Buôn Ma Thuột được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia năm 1980. Năm 2018, di tích này được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Sau nhiều lần trùng tu và đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu thăm quan, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử của Nhân dân cũng như du khách trong nước, quốc tế, số lượt du khách đến đây tăng đều theo từng năm. Từ năm 2015 đến nay, di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột đã đón tiếp hơn 47.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, bình quân mỗi năm có tới gần 10.000 lượt khách.

Tuy nhiên, đây vẫn là một con số khiêm tốn so với những khu di tích lịch sử khác ở trong nước như Nhà tù Sơn La, Nhà tù Hỏa Lò, Nhà tù Phú Quốc, Nhà tù Côn Đảo… Nguyên do bởi những hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong Nhà đày Buôn Ma Thuột vẫn còn ít ỏi, nghèo nàn.

Hình ảnh người tù hoạt động cách mạng trong phòng giam.

Theo Ban Quản lý di tích tỉnh Đăk Lăk, sau khi được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, Nhà đày Buôn Ma Thuột sẽ có cơ hội được trùng tu, mở rộng một cách bài bản hơn để du khách đến đây đều có cảm giác sống lại cùng thời gian và không gian lịch sử chân thực vốn có. Đó là phục dựng nguyên vẹn Nhà đày thực dân Pháp với 4 tường bao cao 4m, dày 40cm phía trên có dây thép gai, 4 góc có vọng gác, điện chiếu sáng và lính canh 24/24 giờ. Ở giữa là 6 dãy nhà lao tập thể, dãy xà lim biệt giam và một số hạng mục khác như nhà xưởng, nhà kho, bếp ăn, bệnh xá và khu cai ngục…

Mô phỏng lại các cuộc tra tấn, hành xử khổ sai trong nhà lao, xà lim hay xây dựng các chuyên đề bằng hình ảnh, âm thanh, ánh sáng với các nội dung như tái hiện lại các cuộc vượt ngục của tù chính trị, các hình thức đấu tranh với kẻ thù; hoạt động lao dịch, khổ sai của các chiến sĩ cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột trong hoàn cảnh tù đày. Qua đó, người xem thấy được mức độ tàn bạo và rùng rợn của một “địa ngục trần gian” và tinh thần yêu nước, kiên cường, bất khuất, bí mật đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của thực dân Pháp. Các thế hệ tù chính trị biến nơi giam cầm, xiềng xích thành “Trường học lớn về cách mạng”. Ngoài ra, công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật, hình ảnh, tư liệu liên quan đến di tích phải được duy trì thường xuyên để trưng bày, giới thiệu cho người xem cảm nhận được toàn cảnh về Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Ông Trần Hùng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh Đăk Lăk, cho biết: tỉnh đang tập trung gìn giữ, tôn tạo để Nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành điểm nhấn văn hóa, “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, phát triển du lịch địa phương. Trước mắt, cơ quan quản lý đang lập đề án mở rộng khu di tích để có một không gian thông thoáng. Tỉnh Đăk Lăk sẽ tiếp tục tổ chức thêm các cuộc hội thảo để việc trùng tu vừa bảo đảm được yếu tố gốc của di tích, vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch và các giá trị gia tăng đi kèm.

LÊ HƯỜNG

Nhà đày Buôn Ma Thuột được thực dân Pháp thiết lập và xây dựng trong giai đoạn 1930 - 1931, để đày biệt xứ và giam giữ những cán bộ, đảng viên bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ. Trong số họ phần nhiều là những người đi đầu ở các cuộc đấu tranh phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Công trình có diện tích rộng 2 ha, với nhiều hạng mục công trình như: Nhà lao giam giữ, nhà quản lý, nhà y tế, bếp - ăn, nhà giáo huấn, khu tra tấn, nhà xưởng, nhà nguyện, khu bàn giấy... Các công trình này được xây dựng và hoạt động qua 2 giai đoạn: 1931-1945 trong thời kỳ Pháp thuộc và 1954-1975 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Có tất cả 6 nhà lao chính, được đánh số từ 1 đến 6. Tất cả đều trải dài, cửa sổ cao có chấn song sắt, tường xây kiên cố, mái lợp ngói, phía trên trần giăng lưới dây thép gai để chống tù nhân vượt ngục.

Chỗ của tù nhân là những kệ sát tường. Tùy theo mức án và “mức độ nguy hiểm” mà tù nhân bị cùm chân hay không.

Đúng như tên gọi nhà đày, những tù nhân ở đây, đặc biệt là tù chính trị sống vô cùng khổ cực và thường xuyên bị tra tấn, đánh đập tàn nhẫn.

Tù nhân phải lao động vất vả ở các công trường, đồn điền hay trong nhà xưởng dưới sự giám sát chặt chẽ của quản giáo, cai ngục. Trên ảnh là tái hiện cảnh lao động của tù nhân trong nhà xưởng.

Khu bàn giấy là nơi tiếp nhận tù nhân. Quản ngục dùng mọi biện pháp tra tấn, đánh đập tù nhân trước khi hỏi cung và phân về các lao.

Ngoài 6 lao giam tập thể, còn có một khu xà lim. Đây là nơi biệt giam các chiến sĩ trung kiên, những người đứng đầu trong các cuộc đấu tranh, biểu tình và vượt ngục. Ở đây, mỗi người bị giam trong một phòng rộng khoảng 2 m2, tối tăm ẩm thấp, bị cùm chân 24/24 và mọi sinh hoạt thực hiện tại chỗ.

Tái hiện một hình thức tra tấn đối với tù nhân: phơi nắng ngoài sân bê tông, chân bị xích vào quả cầu to, nặng.

Tuy nhiên, sự gian khổ và áp bức tàn nhẫn không khuất phục được ý chí những người cộng sản, những nhà yêu nước. Những tù nhân cộng sản đã biến nhà tù thành trường học cách mạng.

Bằng rất nhiều cách, thoát khỏi sự kìm kẹp và giám sát của cai ngục, những truyền đơn, tài liệu, sách vở vẫn được truyền tay nhau ở trong nhà lao. Nhiều chiến sĩ cộng sản đã trưởng thành trong tù đày, trong trường học cách mạng như thế.

Công trình này là khu quản lý của nhà đày trước đây, hiện là một nhà trưng bày. Bên trong có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chiến sĩ cộng sản đã hy sinh trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, phòng lưu danh những người cộng sản trung kiên.

Trong nhà trưng bày có bày nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật về quá trình xây dựng nhà đày Buôn Ma Thuột, các phong trào đấu tranh trong lao, sự phát triển của Đảng Cộng sản trong nhà đày và của tỉnh Đắk Lắk.

Sổ ghi chép, sách cách mạng của những tù nhân hiện được lưu giữ trong nhà trưng bày là các chứng tích lịch sử.

Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột được trùng tu vào năm 1992, 2006 và được đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử của người dân.

Nhà đày nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2019. Công trình tọa lạc trên đường Tán Thuật, phường Tự An, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột chừng 1 km về phía đông nam. Giá vé tham quan với người lớn là 20.000 đồng; trẻ em là 10.000 đồng.

Hà Thành

Video liên quan

Chủ Đề