Giải pháp hoàn thiện văn hóa doanh nghiệp năm 2024

Với đặc thù 80% số tổ chức cơ sở đảng trong Khối cơ sở Bộ Công thương tại TPHCM là doanh nghiệp, nên việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp được Đảng bộ Khối xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp và các đoàn thể; đặc biệt coi trọng đạo đức kinh doanh gắn với uy tín, thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong Khối đã làm tốt công tác tuyên truyền và ban hành đồng bộ các quy chế, quy định, các chuẩn mực đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp; thay đổi cung cách làm việc của cán bộ, nhân viên trên tinh thần tận tụy, hết lòng vì nước, vì dân, cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, đoàn kết, phát huy dân chủ; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, bảo vệ môi trường... góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh [SXKD] và tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học - công nghệ vào công tác quản lý, SXKD, áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến và sử dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành để tối ưu hóa năng suất lao động và hiệu quả SXKD. Nhiều doanh nghiệp có những công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người lao động, điển hình như: Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu, Phân viện Công nghiệp thực phẩm, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm…đã nghiên cứu đổi mới giống cây trồng và tạo ra những sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao; các doanh nghiệp cơ khí, điện, điện tử, may mặc, logistics…đã đổi mới quy trình công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ…

Các doanh nghiệp thường xuyên phát động phong trào thi đua lao động sản xuất; trong đó, tập trung phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “tổ chức thi tay nghề, thi thợ giỏi hàng năm”… Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, thúc đẩy phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong doanh nghiệp.

Ngoài phát triển SXKD, các doanh nghiệp đã tích cực tham gia hoạt động xã hội như: Hỗ trợ bà con nghèo vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ các địa phương xây dựng đường sá, cầu cống, trường học, nhà tình thương; hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng… Đặc biệt đã đồng hành cùng thành phố trong công tác chống dịch Covid-19, cụ thể: ủng hộ quỹ mua vaccine phòng chống dịch hơn 210 tỷ đồng, lắp đặt hệ thống cung cấp khí oxy và khí nén cho các Bệnh viện trị giá 19,7 tỷ đồng; hỗ trợ lương thực, đồ bảo hộ y tế cho bệnh viện và các quận, huyện; triển khai ứng dụng di động “Tìm người thân - danh sách người mất vì đại dịch Covid-19”; tài trợ, chăm lo cho 98 học sinh cấp THCS mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mức hỗ trợ 2 triệu đồng/em/tháng, đến khi các em đủ 18 tuổi...

Hàng năm, các cấp ủy đều chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động; phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện chế độ chính sách cho người lao động…Qua đó, kịp thời ngăn ngừa các hành vi sai phạm, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thực hiện và khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp trong xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế còn cho thấy việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện văn hóa doanh nghiệp ở một số doanh nghiệp còn mang tính phong trào, chưa thực sự tạo được môi trường làm việc hấp dẫn, lôi cuốn. Một số doanh nghiệp chưa có chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chưa tạo được sự gắn bó, đoàn kết giữa các thành viên trong doanh nghiệp. Vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ở một số doanh nghiệp còn hạn chế.

Một số giải pháp thực hiện xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Đảng bộ Khối trong thời gian tiếp theo:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp và sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong thực hiện.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người lao động về văn hóa doanh nghiệp và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ba là, chú trọng xây dựng, nâng cao uy tín thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp. Đặc biệt chú trọng vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong xây dựng, thực hiện văn hóa doanh nghiệp.

Bốn là, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh cho cán bộ, công nhân viên, người lao động.

Năm là, chú trọng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động. Có chế độ, chính sách để khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động tự nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

Sáu là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Việc tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp nêu trên sẽ góp phần cùng Đảng bộ thành phố hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Chủ Đề