Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh lớp 10 năm 2024

[HNM] - Điểm nhấn của ngành Giáo dục Thủ đô trong học kỳ I năm học 2022-2023 là những chuyển biến về đạo đức, nếp sống của học sinh. Là đơn vị được giao thí điểm hoạt động giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, các trường học thuộc quận Hoàn Kiếm đã tạo nên sự thay đổi lớn về ý thức, hành động của học sinh. Nhiều học sinh quận Hoàn Kiếm đã trở thành những đại sứ với mong muốn lan tỏa nét đẹp thanh lịch, văn minh của học sinh Thủ đô.

Học sinh quận Hoàn Kiếm tuyên truyền về ứng xử văn minh tại Ngày hội “Sáng mãi nét đẹp thanh lịch, văn minh” cấp quận, tháng 1-2023. Ảnh: Minh Đức

Đề án ý nghĩa

Hơn 10 năm qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã triển khai dạy đại trà ở các trường học bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh. Năm học 2022-2023, thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm đã xây dựng đề án giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh. Quận Hoàn Kiếm cũng là đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lựa chọn triển khai điểm hoạt động giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục học sinh trong tình hình mới.

Ngay sau lễ khai giảng, nhiều trường đã tổ chức tiết học giáo dục nét đẹp thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Giáo viên thường xuyên giao cho học sinh làm bài tập dự án, quay các video ghi lại nét đẹp của người Hà Nội trong cuộc sống hằng ngày. Việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh không chỉ diễn ra ở những giờ học chính khóa, mà còn ở nhiều không gian, hoạt động phong phú. Học sinh được tham gia nhiều cuộc thi bổ ích, như: Tìm hiểu về nét đẹp thanh lịch, văn minh qua trò chơi hái hoa dân chủ, thi ứng xử và xử lý tình huống giả định, thi đóng vai nhân vật để giải quyết các vấn đề liên quan đến văn hóa giao tiếp...

Các trường học cũng tổ chức nhiều hoạt động thú vị, lôi cuốn học sinh. Đơn cử như Trường Tiểu học Nguyễn Du thưởng "hoa thanh lịch" cho một việc làm tốt; Trường Tiểu học Thăng Long phát động học sinh tham gia phong trào lịch sự từ những điều nhỏ nhất; Trường Trung học cơ sở Chương Dương tổ chức vận động rèn nếp chào hỏi…

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm Vương Hương Giang, việc triển khai đề án không chỉ xây dựng được văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp văn minh, thanh lịch cho học sinh, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế hiện tượng bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật.

Em Phạm Minh Hiền, học sinh lớp 4I, Trường Tiểu học Tràng An chia sẻ: “Sau khi tham gia nhiều hoạt động của trường, em thấy các bạn trong lớp ngoan hơn và bỏ được nhiều tật xấu như xả rác bừa bãi, viết lên mặt bàn… Việc chào hỏi, lễ phép với người lớn cũng như giúp đỡ, chia sẻ và lắng nghe những người xung quanh cũng dần trở thành thói quen của chúng em”.

Lan tỏa hành động đẹp

Xác định công tác giáo dục đạo đức, nếp sống có vai trò quan trọng, tạo nền tảng để học sinh trở thành những công dân có ích, giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa của người Hà Nội, các trường học đang lan tỏa nhiều cách làm, mô hình hiệu quả.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long Nguyễn Thị Bình Minh chia sẻ, với truyền thống 93 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đặc biệt coi trọng việc giáo dục nếp sống cho học sinh từ những điều nhỏ nhất. Cán bộ, giáo viên của trường duy trì nếp đón học sinh từ cổng, truyền cho học sinh năng lượng tích cực nhất khi bắt đầu một ngày mới bằng những nụ cười, lời chào, sự động viên, khích lệ… Để lan tỏa những tấm gương điển hình, nhà trường phát động tới học sinh phong trào chia sẻ, lan tỏa mỗi ngày một câu chuyện hay, một tấm gương sáng. Hằng tuần, hằng tháng, nhà trường tổ chức bình chọn một đại sứ thanh lịch, văn minh để vinh danh.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An Trần Thị Bích Liên, để học sinh, phụ huynh hiểu thêm về lịch sử truyền thống và những nét đẹp của các thế hệ nhà giáo, học sinh Tràng An nói riêng, người Hà Nội nói chung, nhà trường đã phát động cuộc thi “Sáng mãi nét đẹp Tràng An”. Cuộc thi đã khơi gợi niềm tự hào của học sinh, nhà giáo và phụ huynh học sinh về truyền thống lịch sử, từ đó nỗ lực chung sức xây dựng nhà trường. “Vai trò làm gương của người lớn là rất quan trọng. Vì vậy, các nhà giáo, nhân viên nhà trường đều cố gắng hướng dẫn và thể hiện trách nhiệm nêu gương ở mọi hoạt động, từ đó giúp các em học theo, làm theo để rèn thành nếp tốt”, nhà giáo Trần Thị Bích Liên chia sẻ.

Là một trong 11 học sinh của 7 trường trung học cơ sở được lựa chọn, suy tôn trong cuộc thi “Tìm kiếm gương mặt đại sứ thanh lịch, văn minh”, em Phan Trần Kim Anh, lớp 8A2, Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên cho biết: "Bên cạnh niềm vinh dự, em thấy rõ trách nhiệm trong việc tuyên truyền, nhắc nhở bạn bè cùng học tập, làm lan tỏa những hành động đẹp, góp phần xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh của học sinh Thủ đô".

Chủ Đề