Hiện nay nước mình có bao nhiêu tầng lớp

TCCS - Giáo dục là một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả nhằm giảm phân tầng xã hội bằng cách cung cấp cho các cá nhân những kỹ năng và kiến ​​thức cần thiết để thành công trong xã hội, nhất là xã hội trọng dụng nhân tài. Bảo đảm tất cả các cá nhân đều được tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng, chính là cách thức hiệu quả thúc đẩy khả năng kiểm soát phân tầng xã hội, hạn chế bất bình đẳng xã hội.

Phân tầng xã hội và vai trò của giáo dục

Dựa trên những phương pháp tiếp cận đa dạng, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về “phân tầng xã hội”, trong đó nổi bật phải kể đến lý thuyết phân tầng xã hội của Max Weber, khi cho rằng, phân tầng xã hội chịu tác động của hai nhóm yếu tố kinh tế [vốn, tư liệu sản xuất, thị trường…] và phi kinh tế [vị thế xã hội, khả năng, cơ may, quyền lực…]. Từ giữa thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, cấu trúc hệ thống xã hội biến đổi mạnh mẽ. Trong tình hình đó, xuất hiện các cuộc thảo luận về giai cấp công nhân và vị trí của nó trong cơ cấu xã hội, về đặc điểm, vai trò của tầng lớp trung lưu… Theo P.A. Sorokin [nhà khoa học Mỹ gốc Nga], phân tầng xã hội là sự phân chia người dân thành những tầng lớp, giai cấp với những thứ hạng, đẳng cấp khác nhau. Cơ sở và bản chất của nó nằm ở: 1- Sự phân chia không đồng đều các quyền, đặc quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm; 2- Sự tồn tại của những giá trị xã hội nhất định; 3- Quyền lực và ảnh hưởng của cộng đồng đối với các thành viên. Các nhà nghiên cứu Charles Wright Mills[1], Harry Braverman[2], Eric O. Wright[3] đã luận bàn về nội dung mới của lý thuyết phân tầng xã hội, chỉ ra sự cần thiết phải sửa đổi các tiêu chí phân tầng, xác định các tiêu chí liên quan đến thuật ngữ “giai cấp”, “bóc lột giai cấp”.

  1. Mác - Người tìm câu trả lời cho phân tầng xã hội ở mâu thuẫn giữa các giai cấp trong xã hội - diễn giải quan hệ giữa các giai cấp thông qua bóc lột giá trị thặng dư. C. Mác cho rằng, hoạt động tổ chức sản xuất của cải vật chất, chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, phân công lao động xã hội là nguyên nhân trực tiếp của phân tầng xã hội [phân chia giai cấp] và bất bình đẳng xã hội. C. Mác kết luận, để bảo đảm công bằng xã hội, cần xóa bỏ và thay thế chế độ sở hữu tư nhân bằng sở hữu xã hội.

Nhìn chung, dù cách tiếp cận và diễn đạt có khác nhau, quan điểm chung của các nhà khoa học đều có một điểm thống nhất là phân tầng xã hội nhìn dưới bất cứ góc độ nào thì về bản chất, nó vẫn luôn phản ánh bất bình đẳng xã hội. Từ nhận thức này, các nhà khoa học đã chỉ ra sự cần thiết phải kiểm soát phân tầng xã hội; đồng thời, coi một trong những biện pháp quan trọng thực hiện sự kiểm soát là phát triển hệ thống giáo dục.

Giáo dục và sự phân tầng xã hội có liên quan chặt chẽ với nhau, bởi giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định địa vị xã hội và cơ hội phát triển của một cá nhân hoặc một nhóm xã hội. Trong đa số các xã hội, những cá nhân có trình độ học vấn cao thường dễ đạt đến địa vị xã hội cao và có nhiều cơ hội hơn để phát triển bản thân, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế; từ đó nâng cao uy tín xã hội cũng như khả năng tiếp cận các nguồn lực. Giáo dục cũng có thể tác động đến cách mà một cá nhân định vị mình trong xã hội thông qua bồi đắp vốn văn hóa[4] và xây dựng mạng lưới quan hệ xã hội của họ. Những cá nhân có trình độ học vấn cao thường sở hữu vốn văn hóa lớn - điều này giúp tăng khả năng di chuyển sang tầng lớp cao hơn.

Ngoài vốn văn hóa, giáo dục cũng tác động đến mạng lưới quan hệ xã hội của một cá nhân[5] - cơ sở quan trọng đối với việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội. Các cá nhân có trình độ học vấn cao có thể tiếp cận với các mạng lưới quan hệ xã hội rộng lớn, có ảnh hưởng, giúp họ gần hơn với các cơ hội việc làm, liên hệ kinh doanh và nắm bắt các nguồn lực khác, giúp dịch chuyển địa vị xã hội theo hướng đi lên.

Phân tầng xã hội và phát triển hệ thống giáo dục ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam, sự phân tầng xã hội là kết quả của các yếu tố lịch sử và văn hóa. Chế độ phong kiến và thời kỳ thuộc địa đã tạo ra một xã hội có thứ bậc. Ngoài ra, các giá trị Nho giáo tôn trọng quyền lực và giáo dục cũng đóng một vai trò quan trọng trong duy trì thứ bậc xã hội. Sau đó, phân tầng xã hội diễn ra trong suốt thời kỳ quản lý kinh tế theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp nhưng với mức độ chưa thực rõ nét, với mô hình cơ cấu xã hội truyền thống, bao gồm giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức.

Từ năm 1986, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển dần từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội IX của Đảng chính thức xác định, mô hình kinh tế tổng quát thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Quá trình đó dẫn đến sự biến đổi nhanh chóng xã hội Việt Nam, với sự phân tầng ngày càng phức tạp.

Dưới tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị - xã hội những năm đổi mới, trật tự và thứ bậc các tầng lớp xã hội ở Việt Nam đang biến đổi mạnh mẽ, các giai cấp, tầng lớp không còn giữ nguyên như cũ mà thay đổi một cách căn bản. Cấu trúc xã hội không còn giản đơn theo cấu trúc ngang hoặc chỉ đơn tuyến phát triển theo hướng tiến dần đến sự thuần nhất, đồng nhất xã hội như quan niệm trước đây. Hình thành các tầng lớp, nhóm xã hội mới, như lãnh, đạo quản lý, doanh nhân, trí thức, tiểu thương, tiểu chủ, lao động tiểu thủ công nghiệp, lao động giản đơn… Trong mỗi giai tầng và trong toàn xã hội diễn ra sự phân hoá giữa các nhóm, thành viên xã hội về thu nhập, mức sống, cơ hội thăng tiến, vị thế, vai trò, trình độ học vấn, nghề nghiệp… Phân tầng xã hội ở Việt Nam chuyển dịch và dễ nhận thấy qua mô hình dạng tháp hình nón với nhiều thành phần, nhiều tầng lớp xã hội phong phú, đa dạng về ngành nghề. Hiện nay, quá trình phân tầng xã hội diễn ra sâu rộng theo địa vị kinh tế, theo thành thị - nông thôn và các vùng, miền, cũng như trong từng giai tầng xã hội. Phân tầng xã hội thể hiện trên tất cả các phương diện của đời sống: Từ kinh tế, chính trị đến văn hoá, giáo dục, y tế, thể thao, giải trí…; trong đó, phân tầng kinh tế là dễ nhận thấy nhất với khoảng cách đáng kể trong phân hóa giàu - nghèo. Bất bình đẳng kinh tế phần nào đi kèm với bất bình đẳng cơ hội về giáo dục.

Hệ thống giáo dục của Việt Nam được chia thành năm cấp học [mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục đại học]; trong đó 3 cấp học đầu thuộc diện phổ cập giáo dục. Chính phủ đã thực hiện các chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục cho tất cả các nhóm xã hội. Luật Giáo dục chỉ rõ: “Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình”[6]. Tại Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 9-1-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” với tinh thần “mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt”[7]. Tiếp đó, ngày 30-7-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg, phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”, với mục tiêu tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế... Như vậy, khung pháp lý nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục ngày càng hoàn thiện cùng sự phát triển của xã hội.

Sinh viên Trường Đại học Hùng Vương trong giờ thực nghiệm khoa học_Nguồn: hvu.edu.vn

Trên cơ sở khung pháp lý đó, Chính phủ đã thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục cho các nhóm yếu thế, bao gồm người dân tộc thiểu số, những người sống ở vùng sâu, vùng xa, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính phủ chú trọng đầu tư vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, bao gồm xây dựng mạng lưới trường học, nâng cấp cơ sở vật chất hiện có, cải thiện các chương trình đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên cả về chất lượng và số lượng. Ngoài ra, Chính phủ thực hiện nhiều chương trình khác nhau để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất giáo dục…; vì thế, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về thực hiện công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục những năm gần đây.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít nhóm xã hội gặp nhiều khó khăn trong thực hiện quyền tiếp cận giáo dục, nhất là liên quan đến học phí và các chi phí học tập khác. Theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thì học phí để một người đi học từ mẫu giáo đến đại học trong hệ thống trường công là khoảng 112.550.000 đồng. Với thu nhập ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam [GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD], số tiền này có thể là cả gia tài đối với nhiều gia đình. Như vậy, các học sinh ở gia đình có thu nhập thấp thường ít có khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng cao. Trên thực tế, vẫn còn 4,7% trẻ em 5 tuổi chưa được đi học, thường là trẻ em khuyết tật, trẻ dân tộc thiểu số, trẻ em trong các gia đình di cư hoặc trẻ thuộc nhóm nghèo nhất. Ngoài ra, mức chi tiêu cho giáo dục ở các cấp học càng cao thì sẽ càng tốn kém hơn và mức chi tiêu cho giáo dục cũng tăng khá nhanh theo thời gian ở từng cấp học. Thời gian qua, học phí và tổng chi phí theo học đại học nói chung đã tăng hơn gấp hai lần. Mặc dù hiện nay, Chính phủ có nhiều chính sách miễn giảm học phí cho người nghèo; tuy nhiên, vẫn còn không ít người nghèo chưa có cơ hội tiếp cận với giáo dục, vì đa số sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi còn rất hạn chế về cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục.

Phát triển hệ thống giáo dục Việt Nam để kiểm soát phân tầng xã hội

Để phát triển hệ thống giáo dục của Việt Nam nhằm góp phần kiểm soát sự phân tầng xã hội, cần có cách tiếp cận đa diện để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục; đồng thời, thúc đẩy các cơ hội bình đẳng giáo dục cho tất cả các nhóm xã hội, theo đó cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, giải quyết sự chênh lệch về kết cấu hạ tầng giáo dục. Cơ sở vật chất, nguồn lực phục vụ giáo dục gồm nhiều yếu tố, bộ phận, như trường học, công nghệ, tài liệu học tập, nguồn nhân lực… Đặc biệt, khi đầu tư xây dựng các tòa nhà trường học, lớp học, thư viện, phòng thí nghiệm, sân chơi và các cấu trúc vật chất khác hỗ trợ giáo dục, thì những cấu trúc này phải được thiết kế sao cho hình thành nên môi trường học tập an toàn, thân thiện, thoải mái cho người học. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến nguồn nhân lực, bao gồm các nhà quản lý giáo dục, giáo viên và các chuyên gia khác có liên quan đến việc cung cấp giáo dục. Đội ngũ này cần được đào tạo bài bản, có kiến ​​thức, có chất lượng chuyên môn và năng lực, văn hóa, cùng sự nhạy cảm nghề nghiệp với nhu cầu của nhiều đối tượng người học… Để giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng giáo dục, cần đầu tư xây dựng và cải thiện cơ sở vật chất trường học và các nguồn lực khác dành cho giáo dục ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thứ hai, đẩy mạnh giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo nghề. Sự phát triển của giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo nghề đóng một vai trò to lớn đối với việc bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. Giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo nghề có thể cung cấp cho người học những kỹ năng, những giá trị đáp ứng yêu cầu của thị trường việc làm. Một trong những lợi ích chính của giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo nghề là thường dễ tiếp cận hơn [nhất là các nhóm xã hội có thu nhập thấp] khi học phí phải chăng, thời gian học tập ngắn hơn so với học đại học.

Lớp học thực hành về điện công nghiệp của Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên_Ảnh: TTXVN

Để thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp, cần tăng đầu tư cho các chương trình giáo dục và trường dạy nghề; đồng thời, khuyến khích người sử dụng lao động tuyển dụng những người đã tốt nghiệp của các chương trình này. Điều đó giúp giảm bớt sự phân tầng xã hội bằng cách tạo nhiều cơ hội hơn cho những người khó tiếp cận giáo dục đại học. Ngoài ra, các chương trình giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo nghề có thể điều chỉnh các ngành cụ thể một cách linh hoạt, nhanh nhạy, phù hợp với những biến động của thị trường việc làm, bảo đảm cho những sinh viên tốt nghiệp có thể nhanh chóng tìm được việc làm.

Thứ ba, thúc đẩy giáo dục hòa nhập [Inclusive education]. Giáo dục hòa nhập là một thuật ngữ dùng để mô tả một hệ thống giáo dục nhằm cung cấp cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả người học, bất kể khả năng, giới tính, dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc tình trạng kinh tế - xã hội của họ. Mục tiêu của giáo dục hòa nhập là tạo ra một môi trường học tập hỗ trợ sự đa dạng, tôn trọng sự khác biệt cá nhân, thúc đẩy sự gắn kết xã hội và hiểu biết lẫn nhau. Giáo dục hòa nhập dựa trên nguyên tắc: Tất cả học sinh đều có quyền được hưởng giáo dục, đáp ứng nhu cầu cá nhân của họ và cho phép họ tham gia đầy đủ vào lớp học, vào cộng đồng rộng lớn hơn. Giáo dục hòa nhập liên quan đến việc điều chỉnh các phương pháp và tài liệu giảng dạy để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học. Cách tiếp cận này dựa trên cơ sở rằng, mỗi học sinh là duy nhất và có những điểm mạnh, những thách thức riêng, vì thế, thực hiện phương pháp giáo dục đồng nhất, như nhau cho tất cả người học là không hiệu quả.

Giáo dục hòa nhập chính là hình thức thúc đẩy công bằng xã hội thông qua việc nhận ra và đánh giá cao sự khác biệt, thúc đẩy sự tôn trọng đối với sự đa dạng và tạo ra một cộng đồng nơi mọi người đều cảm thấy được chào đón và hòa nhập. Giáo dục hòa nhập là một thành phần quan trọng của một xã hội công bằng, bình đẳng, góp phần xây dựng một cộng đồng toàn diện, đa dạng hơn và bảo đảm rằng tất cả người học đều được tiếp cận với nền giáo dục và cơ hội mà họ cần để phát huy hết tiềm năng của mình.

Thứ tư, xây dựng văn hóa học tập suốt đời. Văn hóa học tập suốt đời dựa trên ý tưởng rằng, học tập là điều cần thiết cho sự trưởng thành, phát triển cá nhân cũng như cho sự tiến bộ và đổi mới của xã hội. Văn hóa học tập suốt đời đề cập đến một môi trường giáo dục trong đó các cá nhân được khuyến khích và hỗ trợ để tiếp tục học tập, phát triển trong suốt cuộc đời. Điều này có nghĩa là, việc học không chỉ giới hạn trong một khoảng thời gian hoặc giai đoạn cụ thể của cuộc đời, mà được coi là một quá trình liên tục trong suốt cuộc đời của một con người. Bằng cách tiếp tục học hỏi, phát triển các kỹ năng và kiến ​​thức mới, các cá nhân có thể cập nhật những tiến bộ mới nhất trong các lĩnh vực đã lựa chọn và đóng góp cho cộng đồng một cách cao nhất. Học tập suốt đời có nhiều hình thức khác nhau, bao gồm giáo dục chính quy, đào tạo nghề, học tập trực tuyến và phát triển cá nhân. Bằng cách cung cấp một loạt các tùy chọn học tập, các cá nhân có thể tìm thấy cách tiếp cận phù hợp nhất với nhu cầu và điều kiện của mình.

Văn hóa học tập suốt đời có thể được nuôi dưỡng thông qua các thư viện, trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục khác... Các tổ chức này cung cấp khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên phong phú và cơ hội học tập rộng mở. Thúc đẩy học tập suốt đời giúp giải quyết sự bất bình đẳng trong giáo dục bằng cách tạo điều kiện cho các cá nhân có cơ hội nâng cao kỹ năng và kiến ​​thức, bất kể xuất thân hoặc tình trạng kinh tế - xã hội. Việc khuyến khích tham gia học tập suốt đời giúp các cá nhân vượt qua các rào cản đối với giáo dục và thúc đẩy khả năng có được nhiều hơn các cơ hội học tập.

Đặc biệt, Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, hỗ trợ, ưu đãi việc học tập đối với các đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... nhằm tạo công bằng trong cơ hội học tập, qua đó góp phần giúp giảm phân tầng xã hội, như Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, ngày 9-5-2017, của Chính phủ, quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên thuộc 16 dân tộc thiểu số ít người; Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, ngày 27-8-2021, của Chính phủ, quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo...

Phân tầng xã hội sâu là một trở lực đối với sự phát triển xã hội lành mạnh. Trên giác độ xây dựng, quản lý xã hội, giải quyết những vấn đề nảy sinh từ phân tầng xã hội trở thành yêu cầu cấp bách; và thực tiễn chứng minh, con đường hiệu quả, bền vững hơn cả vẫn chính là thông qua phát triển giáo dục và đào tạo./.

Chủ Đề