Học sinh mắc lỗi trình bày đề tự luận năm 2024

Cô Bảo Ngọc chỉ ra một số lỗi sai phổ biến khiến thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn bị mất “điểm oan”. Cụ thể:

Thứ nhất, lỗi xác định sai từ khóa trong câu hỏi phần Đọc hiểu, dẫn đến trả lời sai [bị trừ 0,5 - 1,0 điểm].

Thứ hai, lỗi không đảm bảo đúng hình thức và cấu trúc của đoạn văn nghị luận xã hội [bị trừ ít nhất 0,5 điểm].

Thứ ba, lỗi không đảm bảo đúng hình thức và cấu trúc của bài nghị luận văn học [bị trừ ít nhất 0,5 điểm].

Thứ tư, mắc các lỗi chính tả, dập xóa, diễn đạt, trình bày [bị trừ ít nhất 0,5 điểm].

Thứ năm, lỗi xác định sai yêu cầu của câu hỏi trong đề dẫn đến viết lạc đề, có thể bị 0 điểm.

Thí sinh tham gia thi THPT. [Ảnh minh hoạ: Đ.H]

Học Văn bằng sơ đồ tư duy

Cô cũng cho rằng, một trong những bí quyết giúp đạt điểm cao môn Văn, thí sinh cần cần tập trung hệ thống toàn bộ kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Đây cũng là bước đầu tiên giúp thí sinh kiểm tra lại kiến thức đã học, nắm được kiến thức trọng tâm, cốt lõi.

Khi luyện đề môn Ngữ văn, các em nên thực hiện dưới cả 2 hình thức: lập dàn ý chi tiết và viết thành bài hoàn chỉnh, luyện càng nhiều đề càng tốt. Đây là hình thức củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng, phương pháp làm bài tốt nhất.

Nếu viết thành bài hoàn chỉnh, ngoài các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng, phương pháp; các em cần chú ý đảm bảo phân bổ thời gian hợp lí: Đọc hiểu khoảng 20 phút, Nghị luận xã hội khoảng 20 phút, Nghị luận văn học khoảng 80 phút.

Hệ thống ‎ý của mỗi bài, mỗi vấn đề càng rành mạch, sắp xếp càng hệ thống và nổi bật thì càng dễ nhớ.

Cô Ngọc khuyên thí sinh khi ôn thi và làm bài thi môn Ngữ văn, thí sinh nên liên hệ giữa kiến thức trong sách giáo khoa với thực tế đời sống, kiến thức sẽ trở nên sinh động, gần gũi và hấp dẫn hơn.

Giải mã các dạng bài trong đề thi

Theo cô Trần Bảo Ngọc, để đạt điểm cao trong môn thi Ngữ văn, thí sinh cần nắm chắc các dạng bài phần Đọc hiểu, phần Nghị luận xã hội, phần Nghị luận văn học.

Với phần Đọc hiểu, văn bản thường gặp các dạng như văn bản nghị luận hoặc thơ, các văn bản này thường nằm ngoài chương trình sách giáo khoa.

Câu 1 thường chiếm khoảng 0,5 điểm, mức độ kiến thức là nhận biết, yêu cầu nhận biết phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ hoặc biện pháp tu từ.

Câu 2 thường chiếm 0,5 điểm và câu 3 thường chiếm 1,0 điểm, mức độ kiến thức là thông hiểu, yêu cầu thí sinh hiểu một nội dung hoặc một quan niệm nào đó.

Câu 4 thường chiếm 1,0 điểm, mức độ kiến thức là vận dụng, yêu cầu các em trình bày quan điểm của mình về một vấn đề nào đó.

Ngoài ra, các em cũng lưu ý ở các câu 2, câu 3, câu 4, nếu câu hỏi có dạng: “Theo tác giả”, “Theo văn bản”, “Trong văn bản”…thì câu trả lời sẽ có ở trong văn bản.

Nếu câu hỏi có dạng “Theo anh/chị”, “Anh/chị hiểu như thế nào”, “Anh/chị có đồng tình [hoặc “cho rằng”, “tán thành”…] thì các em phải tự suy nghĩ và trình bày cách hiểu hoặc quan niệm của mình.

Với phần Nghị luận xã hội, đề thi thường yêu cầu trình bày suy nghĩ về một vấn đề được rút ra từ văn bản đọc hiểu. Vấn đề này thường nằm ngoài chương trình sách giáo khoa, mang tính chất tổng hợp vừa là hiện tượng đời sống vừa là tư tưởng đạo lí.

Khi xử lý phần câu hỏi này, thí sinh phải đảm bảo đúng cấu trúc của đoạn văn có dung lượng khoảng 200 chữ đồng thời bày tỏ được quan điểm, cách đánh giá của bản thân về vấn đề cần bàn luận một cách sâu sắc nhất.

Ở phần Nghị luận văn học, thí sinh cần chú ý các dạng bài: Phân tích, cảm nhận văn học [một đoạn thơ/ một đoạn văn/ một nhân vật/ một hình tượng…].

Khi làm câu Nghị luận văn học, các em cần đảm bảo đúng cấu trúc của một bài văn, gồm có: Mở bài [là một đoạn văn khoảng 6-10 dòng], thân bài [gồm nhiều đoạn văn nhỏ, mỗi ý viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh] và kết bài [là 1 đoạn văn khoảng 6-10 dòng].

Đây cũng là phần có khả năng phân hóa thí sinh cao nhất, nên cần viết sâu sắc, tinh tế, càng toàn diện càng tốt. Do đó, các em cần thêm các phân tích và liên hệ thực tiễn sẽ dễ dàng giành điểm cao hơn.

Xác định sai vấn đề cần nghị luận dẫn đến viết lạc đề, có thể bị 0 điểm, là lỗi thường gặp khi học sinh làm bài Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn trường THCS-THPT Hoa Lư, TP HCM, chia sẻ lỗi học sinh thường mắc khi làm bài thi tốt nghiệp THPT.

Phần Đọc hiểu, câu nhận biết [câu 1], học sinh thường nhầm lẫn giữa phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ. Cần nhớ phương thức biểu đạt là cách thức, phong cách sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu... để thể hiện thái độ, tình cảm và ý nghĩa nào đó. Còn phong cách ngôn ngữ là toàn bộ đặc điểm về cách thức diễn đạt tạo thành kiểu diễn đạt trong mỗi loại văn bản nhất định.

Vậy nên học sinh cần nắm vững và phân biệt 6 loại phong cách ngôn ngữ: sinh hoạt, khoa học, chính luận, hành chính, nghệ thuật, báo chí. Tương tự, có 6 phương thức biểu đạt, đó là tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính - công vụ.

Câu nhận biết cũng có thể hỏi về thể thơ, nếu không đọc kỹ ngữ liệu, học sinh sẽ trả lời sai. Một số thể thơ thường gặp là lục bát; bốn chữ; năm chữ; bảy chữ; tám chữ [còn gọi là thể thơ tự do]. Trừ thể thơ lục bát [cặp câu 6 chữ và 8 chữ luân phiên theo quy luật], cách nhận biết đơn giản là dựa vào số chữ trong một dòng thơ để trả lời cho chính xác. Học sinh trả lời sai câu nhận biết sẽ bị điểm 0.

Câu thông hiểu [câu 2], thường có dạng như: Theo đoạn trích, tác giả nói đến điều gì. Học sinh phải dựa vào nội dung của văn bản để trả lời, chứ không phải nói theo quan điểm của mình. Hoặc đề yêu cầu chỉ ra các hình ảnh đề cập đến nội dung nào đó của văn bản. Hình ảnh được thể hiện qua các từ, ngữ [đơn vị lớn hơn từ], chứ không phải chép nguyên cả câu văn, câu thơ. Học sinh trả lời sai câu nhận biết sẽ bị điểm 0.

Câu vận dụng thấp [câu 3], thường kiểm tra việc đọc hiểu một nội dung có sẵn trong ngữ liệu. Câu hỏi rất tường minh nên học sinh cần trả lời ngắn gọn, đầy đủ. Ví dụ, đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021 hỏi: "Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về mảnh đất và con người miền Trung: Miền Trung/Eo đất này thắt đáy lưng ong/Cho tình người đọng mật?".

Câu hỏi có 2 ý "mảnh đất" và "con người miền Trung". Học sinh có thể trả lời: Những dòng thơ tái hiện hình ảnh mảnh đất miền Trung: một vùng đất hẹp với thời tiết vô cùng khắc nghiệt, thiên tai triền miên. Nhưng đối lập với sự chật hẹp của mảnh đất là con người miền Trung với tấm lòng rộng mở, ngọt ngào, chan chứa yêu thương, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống. Câu 3, nếu trả lời thiếu ý sẽ bị trừ ít nhất 0,25 điểm.

Câu hỏi vận dụng thấp [câu 4] thường gặp là, bản thân có đồng tình với ý kiến nào đó trong ngữ liệu hay không. Học sinh có thể trả lời đồng tình, không đồng tình hoặc chỉ đồng tình một phần. Tuy nhiên, phải đưa ra được chính kiến của mình, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật. Có thể trả lời từ 3 đến 5 câu là đầy đủ ý, tránh viết dài dòng, lan man.

Hoặc đề yêu cầu nhận xét về tình cảm của tác giả được thể hiện qua văn bản. Học sinh cần đọc kỹ ngữ liệu để khái quát nội dung chính mà tác giả gửi gắm. Chẳng hạn đề minh họa hỏi: "Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với miền Trung được thể hiện trong đoạn trích".

Học sinh tham khảo cách trả lời: Thông qua đoạn trích, tình cảm của tác giả được thể hiện thật chân thành, xúc động. Đó là tình thương yêu vô bờ dành cho mảnh đất miền Trung khắc nghiệt, con người miền Trung chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi. Cùng với đó là sự cảm phục sức vươn dậy của con người miền Trung và niềm tin sâu sắc vào vẻ đẹp của tình người miền Trung. Câu 4, nếu trả lời sơ sài sẽ bị trừ ít nhất 0,25 điểm.

Phần Làm văn, học sinh cần chú ý về hình thức và nội dung của câu nghị luận xã hội. Câu này yêu cầu viết một đoạn văn [khoảng 200 chữ] trình bày một khía cạnh của nội dung được nói đến ở phần Đọc hiểu.

Về hình thức, học sinh viết khoảng 2/3 hoặc một mặt giấy thi là đạt yêu cầu. Đoạn văn cần lùi vào đầu dòng và không xuống dòng cho đến khi kết thúc. Nếu học sinh viết đoạn văn quá ngắn hoặc viết xuống dòng thì sẽ bị trừ ít nhất 0,25 điểm.

Về nội dung, lỗi xác định sai vấn đề cần nghị luận dẫn đến viết lạc đề, có thể bị 0 điểm. Học sinh nên viết đoạn văn theo kiểu tổng - phân - hợp, là sự phối hợp diễn dịch với quy nạp. Nếu không chú ý về mặt nội dung, học sinh thường chỉ đạt số điểm dao động từ 1 đến 1,25/2 điểm.

Riêng câu Nghị luận văn học chiếm số điểm cao nhất trong toàn bài văn - 5 điểm. Không đảm bảo đúng hình thức và cấu trúc của bài nghị luận văn học, học sinh bị trừ ít nhất 0,5 điểm. Lỗi xác định sai vấn đề cần nghị luận dẫn đến viết lạc đề, có thể bị 0 điểm.

Cần lưu ý đến câu hỏi phụ, nếu bỏ sót sẽ bị trừ 0,5 điểm. Ví như, đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý phụ "nhận xét về tính trữ tình của bút ký Hoàng Phủ Phủ Ngọc Tường". Bên cạnh đó, học sinh mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt, tẩy xóa... cũng bị trừ ít nhất 0,5 điểm.

Ngoài ra, giám khảo rất thiếu thiện cảm khi học sinh làm bài lộn xộn. Một số kiểu bài bị trừ điểm như làm 4 câu hỏi phần Đọc hiểu không theo thứ tự; khi làm xong bài mới bổ sung câu hỏi chưa làm, phần làm bài bị thiếu. Đặc biệt, bài viết tẩy xóa, sử dụng ký hiệu riêng, viết hơn hai màu mực... sẽ bị đem ra chấm hội đồng, cũng rất bất lợi về điểm số cho học sinh.

Chủ Đề