Hướng dẫn đánh piano bài có anh ở đây rồi Informational

Trong 2 phần trước mình đã chia sẻ về những gì cần chuẩn bị để học Piano và nhạc lý cơ bản để chơi Piano. Còn trong bài này, mình sẽ nói về cách mình chơi một bản nhạc cover.

Phần 1. Chuẩn bị những gì để tự học Piano

Phần 2. Nhạc lý cơ bản Thực sự phải nói rằng, không hiểu sao mọi người rất khó tin khi mình nói mình tự học. Mình chưa học qua bất cứ một lớp học nào về âm nhạc [ngoài môn âm nhạc trong sách giáo khoa hồi cấp 1, cấp 2], tất cả kỹ năng và kiến thức về piano của mình đều là tự học và mình cũng là đứa lười nên không phải ngày nào cũng đều đặn để tập luyện được. Đến tận bây giờ, mình cũng bất ngờ với khả năng của mình, vì gần như mỗi khi mình nghĩ đến một bài hát quen thuộc nào đó, google hợp âm [luôn luôn có sẵn trên mạng] và mình có thể cover bài hát mình muốn ngay. Mời các bạn nghe bài hát cover mới nhất của mình trên instagram.

Sau đây là cách mình từng bước cover 1 bài hát, sau đó mình sẽ chia sẻ một số website chia sẻ sheet nhạc cover mà bạn có thể chơi theo phương pháp hợp âm.

  1. Hiểu về gam và hợp âm Phần này là lý thuyết, hơi phức tạp nhưng mà bạn chỉ cần hiểu nó là gì không cần phải học thuộc đâu, vì khi chơi đàn không giống như bạn lên bảng kiểm tra bài cũ. Với mình âm nhạc là cảm nhận của bạn, và cảm nhận nó đã có sẵn trong bạn rồi.
  1. Gam

Gam là hệ thống gồm 7 bậc âm tự nhiên [7 bậc âm ở đây là tên gọi nhé, VD nốt Đồ và nốt Đố tính là 1 âm] được sắp xếp liền bậc trong một quãng 8 [từ âm chủ đến chủ âm]. Ví dụ: Các bạn hay hát Đồ Rê Mi Fa Sol La Si Đô, đó chính là Gam Đô Trưởng. Gam đô trưởng [C ] bắt đầu và kết thúc là nốt C – Đô gọi là âm chủ. Và bài hát được viết ở gam C thì các nốt nhạc sử dụng trong bài đều là các nốt trong gam đó và xoay quang âm chủ. [thường thì nốt cuối cùng bài hát sẽ là nốt Đô – C luôn]. C [1] D [1] E [1/2] F [1] G [1] A [1] B [1/2] C

*[1] có nghĩa là nốt C và nốt D cách nhau 1 cung, E và F cách nhau ½ cung. Các gam [8 nốt] mà có cao độ các nốt liên tiếp trong gam cách nhau theo quy luật 1 – 1 – 1/2 – 1 – 1 – 1 – 1/2 gọi là gam trưởng. Cũng tương tự, nếu 8 nốt trong gam xếp theo quy luật 1 – 1/2 – 1 – 1 – 1/2 – 1 – 1 thì đó là gam thứ. Cơ bản, bài hát viết ở giọng trưởng thường là bài hát vui tươi, còn các bài hát buồn chia tay chia chân thì viết ở giọng thứ.

  1. Hợp âm

Hợp âm là tập hợp 3 nốt nhạc cơ bản. Mình thấy nó có vai trò làm nền/đệm cho bài hát. Hợp âm trưởng có cấu tạo=1 quãng 3 trưởng [2 cung ] + 1 quãng 3 thứ [1,5 cung] Vd: Hợp âm C: C [2] E [1,5] G Trên phím đàn, bạn xác định phím C. Cách C 2 phím trắng là phím E và cách E 2 phím trắng là nốt G.

Tự học Piano Phần 3

Hợp âm thứ có cấu tạo = 1 quãng 3 thứ [ 1,5 cung ] + 1 quãng 3 trưởng [ 2 cung ] Vd: Hợp âm Cm: C [1,5] Eb [2] G Trên phím đàn, tương tự hợp âm C trưởng, hợp âm C thứ bạn dịch nốt nhạc thứ 2 [E] sang trái 1/2 cung [thành phím đen Eb cũng chính là D#]. 14 hợp âm cơ bản tổng hợp như sau:

  • 7 hợp âm trưởng:
  • C [đô trưởng]: Đô – Mi – Sol
  • D [rê trưởng]: Rê – Fa# – La
  • E [mi trưởng]: Mi – Sol# – Si
  • F [fa trưởng]: Fa – La – Đô
  • G [sol trưởng]: Sol – Si – Rê
  • A [la trưởng]: La – Đô# – Mi
  • B [si trưởng]: Si – Rê# – Fa#
  • 7 hợp âm thứ:
  • Cm [đô thứ]: Đô – Mi [b] – Sol
  • Dm [rê thứ]: Rê – Fa – La
  • Em [mi thứ]: Mi – Sol – Si
  • Fm [fa thứ]: Fa – La[b] – Đô
  • Gm [sol thứ]: Sol – Si[b] – Rê
  • Am [la thứ]: La – Đô – Mi
  • Bm [si thứ]: Si – Rê – Fa#

Các bạn có thể tham khảo các hợp âm cơ bản trong bài viết này: //boingocpiano.com/14-hop-am-co-ban-va-du-xai-tren-piano/ Phần kiến thức nâng cao hơn về hợp âm các bạn đọc trong cuốn sách “Phương pháp tự học Piano hiện đại” mình chia sẻ ở phần 1 nhé. Cơ bản là như vậy. Phần sau mình sẽ hướng dẫn cách bấm các hợp âm này trên đàn một cách dễ dàng. Bạn không phải nhớ nhiều đâu.

  1. Các bước chơi 1 bản nhạc cover BƯỚC 1: Tìm hợp âm cho bài hát bạn muốn chơi Nếu bạn học nhạc lý sâu hơn một chút, hoặc chơi đàn lâu để quen giai điệu, các gam bản nhạc rồi, bạn cũng có thể tự mò hợp âm cho bản nhạc mình cần. Tuy nhiên, để làm được cái đó rất lâu, cũng rất đau đầu [như kiểu học toán vậy] nên thời gian đầu, bạn hãy tận dụng nguồn lực có sẵn Bạn hãy lên google và gõ từ khóa ‘Tên bài hát cần tìm”+”hợp âm”. Ví dụ, mình gõ “Proud of you hợp âm” và kết quả trả về rất nhiều. Các trang chia sẻ hợp âm miễn phí và bạn có thể chỉnh tông theo ý muốn mà mình hay dùng là hopamviet.vn hoặc hopachuan.vn, chưa bài hát nào mình tìm mà không có cả, trang này rất đầy đủ. Còn nếu 2 trang này không có các bài hát nước ngoài, bạn hãy google theo từ khóa “Tên bài hát”+”Chord” [VD: Proud of you chord]. Bạn hãy cố gắng đưa bài hất về 2 gam đơn giản nhất là Đô trưởng [C ] hoặc La thứ [Am], bởi 2 gam này các bạn chỉ sử dụng toàn bộ phím trắng, nên khi chơi sẽ dễ dàng hơn, không bị nhầm. Khi nào đã quen với đàn và âm thanh hơn thì bạn có thể chuyển sang các gam khó hơn như Rê trưởng, Mi Thứ…

Các kiến thức khác về gam và dấu hóa bạn có thể đọc trong sách “Tự học Piano hiện đại nhé” Vậy là cơ bản xong 50% rồi.

BƯỚC 2: Tìm nốt nhạc cho tay phải Mình sẽ dùng các ký hiệu chữ cái của nốt nhạc để dễ nhìn và ngắn gọn . Bản chất của việc chơi cover là tay phải bạn sẽ chơi giai điệu chính [giai điệu như khi bạn hát bài hát] còn tay trái sẽ chơi hợp âm. Bước này khá là trừu tượng bởi nó hoàn toàn dựa vào khả năng cảm âm của bạn. Vậy nên, mình khuyên là bạn hãy chọn bài hát nào mà bạn đã quen thuộc rồi, hoặc là hãy nghe bài hát đó cho đến khi bạn thuộc giai đoạn từng câu từng chữ của nó, thì bước này sẽ tốn của bạn khoảng 10 phút. Thời gian đầu, mình thường in bản hợp âm trên web ra rồi ghi chú các nốt nhạc theo từng chữ của bài hát để nhìn vào [Như tờ ghi chú mình cover bài “Còn nơi đó chờ em” của Đông Nhi nè”.

Bạn hãy xác định nốt nhạc đầu tiên của bài hát, sau đó lần lượt tìm các nốt nhạc sau. Phần này chính là lý thuyết về “quãng” mình đã trình bày trong bài trước. Từ nốt gốc hãy dịch chuyển ngón tay sang phím khác đến khi nào đúng với giai điệu bạn cần. Kinh nghiệm: Hợp âm đầu tiên của các bài hát giọng C [đô trưởng] thường là hợp âm C. Các bài hát giọng C thường bắt đầu bằng các nốt C hoặc E. Trong phần hợp âm sẵn của hopamviet.vn, chữ cái ký hiệu hợp âm đứng trước từ nào thì thường đó chính là nốt nhạc của từ đó. Ví dụ: bài Proud of you [C] Love in your [G] eyes Sitting [Am] silent by my [Em]side Going [F] on holding [C] hand Walking [Dm7] through the [G] nights Giọng C [đô trưởng], chữ Love bắt đầu bài hát là nốt E, còn chữ “eyes” có ký hiệu hợp âm [G] phía trước, mình xác định đó là nốt G. Nghe kỹ kẻo bị lệch nha. Bạn đầu bạn sẽ thấy bước này khá lâu, và khó, tuy nhiên sau 3 bài bạn sẽ quen.

Update: Mình vừa tìm được trang web bạn có thể xem nốt nhạc cho một số bài hài US-UK khi cảm âm còn chưa tốt. Bạn có thể tham khảo tại đây nhé. //noobnotes.net/let-it-go-frozen-disney/ BƯỚC 3: Luyện ngón từng tay Nhìn chung đã xong thủ tục giấy tờ, nếu đã quen, bạn có thể bỏ bước 3 mà tập luôn. Bạn hãy tập cho quen tay phải trước, rồi sau đó tập đến tay trái. Tay phải bạn bấm phím đàn, tại bất cứ quãng 8 nào cũng được, miễn là bạn thấy thoải mái. Đối với tay trái, các chơi hợp âm đơn giản nhất và thuận tay nhất là bạn dùng 3 ngón út – trỏ – cái. Vận dụng các kiến thức về hợp âm trên, nhưng đừng máy móc quá. Ví dụ: hợp âm C sẽ gồm 3 nốt C-E-G. Nhưng nếu dùng 3 ngòn út – trỏ-cái, bạn sẽ bấm 3 phím C1 – G – C2. Việc này sẽ đơn giản hơn là bấm 3 phím C-E-G rất nhiều, và mình cảm giác như là chỉ cần mình xòe 5 ngón tay đặt trên phím đàn, ngón út chạm phím C thì 2 ngón tay trỏ và cái sẽ rất tự nhiên chạm phím G và C ở quãng sao.

Tự học Piano Nguồn ảnh: Internet

Ví dụ trong ảnh minh họa, nghệ sĩ đang bấm hợp âm F. Ngón út bấm nốt F, ngón trỏ bấm phím C và ngón cái bấm phím F tiếp theo. Nếu chơi thế này, bạn cũng chẳng cần quan tâm đến đó là hợp âm thứ hay trưởng vì nốt đầu và nốt cuối trong tổ hợp 3 nốt của hợp âm F trưởng và F thứ là giống nhau.

Bạn có thể bấm 3 nốt cùng lúc hay bấm lần lượt. Mình thường bấm lần lượt cho bài hát mềm mại hơn.

Mình lấy ví dụ 2 bản cover bài A thousand year, các bạn chú ý phần vào lời bài hát.

Ở Phiên bản này, người chơi cùng dậm 3 nốt trong hợp âm cùng một lúc. Để chơi theo cách này, bạn sẽ dùng cùng lúc 3 ngón tay trái út – trỏ – cái. Cách này giúp cho phần đệm dày hơn.

Nhưng mình thích chơi theo cách thứ 2 này hơn.

Thay vì dậm một lúc 3 phím, người chơi sẽ nhấn lần lượt từng ngón tay một từ út – trỏ -cái. Mình thấy làm vậy giai điệu sẽ mềm mại hơn. Chú ý là bạn sẽ rải hợp âm 3 ngón này theo nhịp, không phải theo từ của câu hát nhé. Mình thấy chơi cả 2 cách này đều ổn, không có cách nào khó hơn cả. Mỗi hợp âm bạn bấm 3 phím đó, có thể lặp lại cho đến lời hát rồi chuyển sang hợp âm sau. Khi nào quen với hợp âm bạn có thể đánh tổ hợp 4 nốt bằng cách thêm nốt thứ 2 của hợp âm vào sau tổ hợp 3.

Ví dụ: Hợp âm [C] cơ bản bạn sẽ rải ngón 3 nốt Đô – Sol – Đô, nhưng câu hát còn dài nên bạn có thể đánh thêm nốt Mi [E] là nốt thứ 2 trong hợp âm Đô Trưởng [Đô – Mi – Sol] tạo thành tổ hợp 4 nốt, phần đệm sẽ dày hơn. Kỹ thuật trên đàn là bạn sẽ đánh ngón Út – Trỏ – Cái như bình thường, sau đó vòng ngón trỏ qua ngón cái đến bấm phím Mi bên phải ngón Cái của bạn. Hoặc đơn giản là bạn lặp lại 3 ngón tay từ phím C, khi nào nào đủ nhịp thì chuyển sang hợp âm tiếp theo.

Bạn nhìn mẫu bài “Lời yêu đó” mình chơi dưới đây hoặc bài “Proud of you” bên dưới để thấy cách mình chơi tổ hợp nhiều hơn 3 nốt nhé.

Bạn áp dụng kỹ thuật tay này cho tất cả các hợp âm còn lại. BƯỚC 4: Ghép 2 tay Sau khi từng tay đã thành thạo thì bạn ghép 2 tay như sau: Bạn để ý phần hợp âm của bài Proud of you như sau: [C] Love in your [G] eyes

Sitting [Am] silent by my [Em]side

Going [F] on holding [C] hand

Walking [Dm7] through the [G] nights Nếu tay phải bạn bấm phím để thể hiện từ “Love” đầu bài [phím E], thì tay trái bạn sẽ đồng thời bấm phím C để bắt đầu hợp âm [C]. Bạn rải 3 ngón tay Út – Trỏ – Cái cho đến hết hợp âm [C] rồi chuyền sang hợp tâm tiếp theo. Khi nào tay phải bấm đến chữ “eyes” thì tay trái sẽ chuyển sang hợp âm [G ]. Lần lượt, cho đến hết bài. Bạn nhớ duy trì tốc độ phù hợp cho đúng nhịp điệu của bài hát. Và sau đó bạn luyện tập đến khi nào cover mượt mà là xong.

Đây là thành quả của bài Proud of you của mình cover.

Xong. Đó là cách mình cover 1 bài hát. Nếu bạn không muốn làm bước 3 bạn có thể tìm sheet nhạc có ký hiệu hợp âm. So với các sheet piano thông thường [gồm 2 khuông là khuông khóa Sol và khuông khóa Fa], thì sheet có hợp âm bạn chỉ cần quan tâm đến khuông khóa Sol còn lại tay trái chơi theo ký hiệu hợp âm. Mình thường tìm các sheet nhạc của bài hát Việt Nam trên trang //khuyennhac.net/ và các bài hát quốc tế trên blog của chị Joyce //joycemusic1.com/. Ở phần sheet nhạc, bạn có thể tìm thấy sheet nhạc US-UK, K-pop, nhạc phim Anime hoặc C- pop. Tuy nhiên, không phải bài nào cũng có. Vậy nên để có thể cover các bài hát bạn thích [đặc biệt là mấy bài cũ rất khó tìm sheet nhạc] bạn hãy quay lại 4 bước như mình chia sẻ ở trên. Xong rồi, vậy là có bao nhiêu vốn liếng về kiến thức tự học Piano mình đã chia sẻ hết trong 3 phần Tự học piano rồi. Xin lỗi vì có thể khả năng diễn đạt kiến thức của mình không được tốt lắm.

Chúc các bạn thành công với những bản piano mình yêu thích và hãy tin là bạn sẽ làm được, và sẽ còn đi nhanh hơn mình nếu bạn chăm chỉ tập luyện. Mình tặng các bạn cảm âm bài “Lạ lùng” của Vũ nhé. Đây là bài hát đầu tiên mình tự mò nốt và tự chơi. Mình cũng tìm hợp âm trên hopamviet.vn rồi tìm nốt tay phải. Ngày hôm đó mình đã dành hết 1 buổi chiều cho đến khi chơi được mượt mà. Và đến khi đứng dậy thì đầu óc quay cuồng luôn =]] Mò nốt nhạc cũng đau đầu phết.

Hợp âm, cảm âm Lạ Lùng – Vũ

Còn đây là bản cover đầu tiên của mình 😀

Các bạn tham khảo các nguồn học Piano miễn phí mình thấy hiệu quả tại Phần 4 nhé.

Nếu có phần nào chưa hiểu, bạn có thể hỏi mình bằng cách comment xuống bên dưới hoặc gửi mail theo địa chỉ ở phần About me nhé. Mình sẽ update bài viết này liên tục để làm rõ hơn cách chơi.

Chủ Đề