Hướng dẫn làm sơ yếu lý lịch mẫu 01 ubnd năm 2024

Tin tức, trao đổi nghiệp vụ

Xác nhận hay chứng thực sơ yếu lý lịch

Sơ yếu lý lịch là những thông tin về nhân thân, về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh chính trị-xã hội, trình độ văn hóa chuyên môn, quá trình tham gia công tác, ... của công dân. Sơ yếu lý lịch thường được sử dụng vì mục đích học tập hoặc tuyển dụng việc làm, do vậy sơ yếu lý lịch cần phải ghi đầy đủ diễn biến quá trình hoạt động, công tác của công dân đến thời điểm nhất định và trong nhiều trường hợp chỉ có giá trị khi có chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trước đây việc xác nhận sơ yếu lý lịch của Ủy ban nhân dân cấp xã không được thực hiện thống nhất, tùy theo cách tiếp cận của người có thẩm quyền mà việc xác nhận sơ yếu lý lịch ở mỗi địa phương có nội dung xác nhận khác nhau, Có nơi xác nhận Lý lịch khai đúng sự thật, có nơi xác nhận người dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương, có xã xác nhận chữ ký của người khai trong lý lịch, có xã chỉ đóng dấu Ủy ban nhân dân mà không ghi nội dung xác nhận, … Đặc biệt, có xã đã gắn việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước khu dân cư, để làm cơ sở xác nhận sơ yếu lí lịch cho công dân, ép người dân phải thực hiện đầy đủ các khoản đóng góp đã đề ra. Vấn đề này đã gây bức xúc cho người dân và phản ảnh của các cơ quan báo chí…

Để tránh việc tùy tiện trong xác nhận sơ yếu lí lịch ngày 20/3/2014 Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1520/HTQTCT_CT về việc hướng dẫn xác nhận Sơ yếu lý lịch, hướng dẫn cụ thể như sau:

“Trong thời gian chưa ban hành Luật Chứng thực, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị các Sở Tư pháp chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai Sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch. Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai Sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong Sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung Sơ yếu lý lịch là đúng. Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân.”

Văn bản ban hành có quy định trường hợp ngoại lệ cho người khai sơ yếu lý lịch, theo đó người khi sẽ không phải thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký nếu người thực hiện chứng thực biết rõ và yên tâm về nội dung khai sơ yếu lý lịch của người khai. Quy đinh này nhằm tạo cơ chế mở cho người dân tránh các thủ tục phiền hà khi thực hiện việc chứng thực chữ ký. Tuy nhiên trong thực hiện quy định này đã nảy sinh vấn đề rắc rối.

Có sự khác biệt rõ ràng về thủ tục xác nhận sơ yếu lý lịch và thủ tục chứng thực sơ yếu lý lịch. Xác nhận sơ yếu lý lịch người khai không phải trực tiếp đến xin xác nhận sơ yếu lý lịch có thể tự mình hoặc nhờ bất kỳ ai yêu cầu được xác nhận. Nhưng chứng thực chữ ký sơ yếu lý lịch thì người khai phải trực tiếp đến yêu cầu chứng thực, bên cạnh đó phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế. Khi chứng thực xong lại phải phô tô 1 bộ để lưu tại UBND xã. Từ hai thủ tục hành chính trên thì chứng thực chữ ký sơ yếu lý lịch thủ tục phiền hà hơn nhiều so với xác nhận sơ yếu lý lịch. Điều đáng nói ở đây ai sẽ là người được thụ hưởng thủ tục xác nhận sơ yếu lý lịch? Đó chính là những người mà người thực hiện chứng thực biết rõ về nhân thân, yên tâm tin tưởng về nội dung khai sơ yếu lý lịch của người khai sơ yếu lý lịch. Trong bối cảnh vừa qua hầu hết đội ngũ Tư pháp ở thành phố Việt Trì- Phú Thọ phải luôn chuyển công tác thì những người mà người chứng thực biết rõ chỉ có thể là anh, em, hoặc người có mối quan hệ thân thiết với người làm công tác chứng thực. Hơn nữa do văn bản không quy định rõ về mức thu lệ phí xác nhận sơ yếu lý lịch nên việc áp dụng mức thu phí xác nhận sơ yếu lý lịch cũng chưa được thống nhất, có nơi thu phí xác nhận thu theo quy định về thu lệ phí chứng thực chữ ký [ 20.000đ]. Có nơi áp dụng thu lệ phí xác nhận lý lịch vẫn theo mức thu cũ [2.000đ]. Sự không thống nhất cả về thủ tục cũng như lệ phí dẫn đến sự so bì trong nhân dân. Tuy là việc nhỏ nhưng chứng thực, xác nhận sơ yếu lý lịch là công việc diễn ra hàng ngày ở các xã, phường, nên dễ nảy sinh cách hiểu tiêu cực, một bộ phận người dân cho rằng có sự ưu ái, thiếu công bằng trong thụ hưởng thủ tục hành chính. Thiết nghĩ cách hiểu của người dân cũng không sai. Cần có quy định thống nhất cả về thủ tục và lệ phí tránh những cách hiểu tiêu cực, đồng thời giúp UBND xã có đủ căn cứ để giải thích thắc mắc trong nhân dân .

Chủ Đề