Khai thác đất trái phép xử lý thế nào

Hiện tại, có rất nhiều xe ô tô tải, xe cuốc, xe ủi đất của các đối tượng chuyên làm dịch vụ khai thác đất mặt ruộng, đất nuôi trồng thủy sản để san lấp mặt bằng nằm trên sân bãi của Công an tỉnh do bị bắt quả tang khi đang hoạt động.  

Khai thác đất trái phép xử lý thế nào

Hàng chục ô tô tải phục vụ chở đất do khai thác trái phép bị lực lượng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) bắt giữ.

2 NGÀY BẮT QUẢ TANG 3 VỤ HOẠT ĐỘNG VỚI QUY MÔ LỚN

Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh cho biết, đơn vị này vừa chuyển tin báo tội phạm cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh về 3 vụ bắt quả tang hành vi khai thác tài nguyên khoáng sản (đất) trái phép.

Vụ thứ nhất, vào lúc 14 giờ, ngày 9/4/2021, lực lượng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) đã bắt quả tang hoạt động khai thác đất trái phép tại bãi đất trống thuộc ấp Vĩnh An (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Tại hiện trường, có một đối tượng đang điều khiển xe cuốc móc đất mặt ruộng đưa lên ô tô tải cho 9 đối tượng khác vận chuyển ra bãi tập kết kế bên Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh. Tại bãi tập kết còn có các đối tượng khác dùng xe cuốc và xe ủi đưa đất lên cao với khối lượng lớn. Bãi đất này sau đó được vận chuyển đi bán cho người khác để san lấp mặt bằng. Làm việc với công an, người điều khiển xe khai nhận tham gia khai thác đất cho ông Lâm Minh. Cảnh sát môi trường đã thu giữ tang vật gồm 5 chiếc xe ô tô tải, một chiếc xe ủi, 2 chiếc xe cuốc…

Vụ thứ hai, lúc 14 giờ 30 phút cùng ngày 9/4, Cảnh sát môi trường tiếp tục bắt quả tang 7 đối tượng đang khai thác đất trái phép tại bãi đất thuộc ấp Công Điền (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Các đối tượng đang điều khiển xe cơ giới gồm 2 chiếc xe cuốc và 5 ô tô tải vận chuyển đất cho đối tượng Dương Vĩ Lâm (tên thường gọi là Bé).

Vụ thứ ba sau đó một ngày, Cảnh sát môi trường lại bắt quả tang một nhóm đối tượng đang khai thác đất trái phép tại bãi đất ấp Vĩnh Mẫu (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình). Khi đó có 8 đối tượng đang điều khiển xe cơ giới, gồm một chiếc xe cuốc và 5 xe ô tô tải vận chuyển đất trái phép. Làm việc với công an, các đối tượng này khai nhận hoạt động khai thác đất của họ do Phạm Thành Đầy điều hành.

Khai thác đất trái phép xử lý thế nào

Khai thác đất mặt ruộng trái phép diễn ra trên cánh đồng ấp Cù Lao (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: H.A

XỬ LÝ THÍCH ĐÁNG

Thượng tá Mai Văn Tuấn - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường cho biết, các tổ chức và cá nhân hoạt động nghề này hàng năm đều được cảnh sát môi trường mời lên tuyên truyền pháp luật và đề nghị ký cam kết không khai thác trái phép đất mặt ruộng, nhưng sau đó hầu hết đều không chấp hành. Theo Thượng tá Tuấn, thời gian qua, do quy định pháp luật chưa rõ ràng, không chặt chẽ nên không đủ sức răn đe các đối tượng này. Nay, chế tài xử phạt đã có đủ nên các đối tượng sẽ không còn cơ hội hoạt động, khi tái phạm là bắt ngay.

Theo văn bản hướng dẫn của Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam thì đất mặt ruộng và đất nuôi trồng thủy sản là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Do đó, hoạt động khai thác trái phép 2 loại đất này với số lượng lớn đem bán cho người có nhu cầu san lấp mặt bằng là hành vi vi phạm pháp luật được xử lý theo Điều 43 Nghị định 36 năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Thượng tá Mai Văn Tuấn cho biết thêm, nếu có đủ chứng cứ xác định lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác đất trái phép từ 100 triệu đồng trở lên hoặc đất khai thác trái phép có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên là đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, vào ngày 20/3/2021, Giám đốc Công an tỉnh đã ra Quyết định thành lập chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép. Kết quả đến nay, công an đã thu giữ 16 chiếc ô tô tải, 5 chiếc xe cuốc, 1 chiếc xe ủi và bắt quả tang 25 đối tượng đang trực tiếp khai thác đất. Công an tỉnh đang thu thập chứng cứ chứng minh mức độ vi phạm để có hình thức xử lý phù hợp.               

Theo đánh giá của Cảnh sát môi trường, hành vi khai thác đất trái phép trên địa bàn tỉnh thời gian qua để lại hậu quả khá nặng nề. Nếu là đất trồng lúa thì không còn trồng lúa được. Nếu đất nuôi trồng thủy sản thì ở những nơi đào sâu dẫn đến không sử dụng được nữa. Hay nói khác hơn, hành vi trên đã hủy hoại tài nguyên đất, không thể canh tác được. Ngoài ra, nó còn gây sạt lở các thửa ruộng xung quanh…  nên cần thiết phải xử lý thích đáng.

HOÀI ANH

Theo Điều 47 Nghị định 36 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản: Vi phạm về khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh bị phạt từ 200 - 300 triệu đồng. Đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN-MT thì bị phạt từ 300 - 500 triệu đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.