Trung ương Đảng phân tích sâu sắc toàn diện những thay đổi cơ bản về tình hình quốc tế và trong nước sau chiến tranh. Trung ương Đảng nhận định lực lượng hoà bình mạnh hơn lực lượng chiến tranh; bốn mâu thuẫn lớn trên thế giới vẫn tồn tại và gay go hơn hết là mâu thuẫn giữa các dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam châu Á.

Về tình hình Đông Dương, Chỉ thị vạch rõ những khó khăn trong việc giữ chính quyền. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới thành lập đã phải đối phó ngay với ngoại xâm, nội phản và nạn đói đang đe doạ.

Dựa trên những nhận định về tình hình khách quan và chủ quan về tình hình ta, địch, Chỉ thị chỉ rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành vì nước ta chưa hoàn toàn độc lập".

Nhiệm vụ cứu nước của giai cấp vô sản chưa xong, giai cấp vô sản vẫn phải hăng hái, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng ấy. Khẩu hiệu vẫn là “Dân tộc trên hết", "Tổ quốc trên hết". Chỉ thị xác định, kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là "thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng", đề ra nhiệm vụ cần kíp của nhân dân Đông Dương đối với cách mạng thế giới. Đối với cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ riêng, cần kíp là củng cố chính quyền; chống thực dân Pháp xâm lược; bài trừ nội phản; cải thiện đời sống nhân dân”.

Chỉ thị đã đề ra những nhiệm vụ cho từng mặt công tác như sau:

Về nội chính,xúc tiến việc thành lập Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức.

Về quân sự,động viên toàn dân kiên trì kháng chiến, tổ chức lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài, dùng lối đánh du kích với phương pháp bất hợp tác triệt để.

Về ngoại giao,nắm vững nguyên tắc thêm bạn, bớt thù, biểu dương thực lực; kiên trì chủ trương ngoại giao với các nước theo nguyên tắc "bình đẳng, tương trợ"; đối với Tưởng Giới Thạch vẫn chủ trương "Hoa - Việt thân thiện", đối với Pháp, thực hành độc lập về chính trị, nhân nhượng kinh tế.

Về tuyên truyền,kêu gọi đoàn kết chống thực dân Pháp xâm lược phản đối chia rẽ, nhưng chống sự thống nhất vô nguyên tắc với bọn phản quốc chống âm mưu phá hoại và chia rẽ của bọn phản động, Việt gian, chống thực dân Pháp xâm lược (không nói đánh cả Ấn, Anh). Không công kích nhân dân Pháp, chỉ công kích bọn thực dân Pháp xâm lược.

Về kinh tế tài chính,khôi phục sản xuất công nghiệp, cho tư nhân góp vốn kinh doanh các nhà máy, khai mỏ, khuyến khích giới công thương, mở hợp tác xã, mở hội cổ phần; hỗ trợ và khuyến khích sản xuất nông nghiệp, sửa chữa đê điều, lập quốc gia ngân hàng, lập ngân quỹ toàn quốc và ngân quỹ xứ, tỉnh, phát hành giấy bạc, định lại các ngạch thuế.

Về cứu tế,kêu gọi lòng yêu nước thương nòi, lập quỹ cứu tế, lập kho thóc cứu tế, đẩy mạnh khai hoang tăng gia sản xuất, quyên góp tiếp tế cho dân nghèo...

Về văn hoá,chống nạn mù chữ, cải cách giáo dục theo tinh thần mới, mở đại học và trung học, xây dựng nền văn hoá mới theo ba nguyên tắc: khoa học hoá, dân tộc hoá, đại chúng hoá.

Chỉ thị nhấn mạnh: muốn thực hiện được những nhiệm vụ trên "Đảng và Mặt trận Việt Minh phải được củng cố và phát triển. Đảng phải duy trì hệ thống tổ chức bí mật và nửa công khai của Đảng, tuyển thêm đảng viên; giữ vững sinh hoạt của Đảng; thành lập Đảng đoàn trong các cơ quan hành chính và các đoàn thể quần chúng; xây dựng hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội;

Về Mặt trận Việt Minh thống nhất các tổ chức quần chúng trên toàn quốc; phân biệt ranh giới giữa các Uỷ ban nhân dân và Việt Minh; củng cố quyền lãnh đạo về Đảng trong Mặt trận, thống nhất Mặt trận Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược.

Chỉ thị còn đề ra các biện pháp thực hiện những nhiệm vụ cụ thể về chính quyền, kháng chiến ở Nam Bộ, về chống và đề phòng nạn đói, về tổng tuyển cử...

Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc là Cương lĩnh hành động trước mắt của Đảng và nhân dân ta.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảoTẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.44-47, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2008.