Khi nào chấm dứt quan hệ cha mẹ con nuôi năm 2024

Việc nhận nuôi con nuôi là một việc tử tế và cần được lan tỏa hơn để giúp đỡ các em có mảnh đời bất hạnh. Việc nhận nuôi con nuôi phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi mới được xác lập và sẽ được pháp luật bảo vệ mối quan hệ này. Nhưng thực tế, vẫn có nhiều trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi sau khi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Vậy, nếu sau khi đăng ký mà muốn chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi thì phải làm thế nào cho hợp pháp? Thủ tục, hồ sơ chấm dứt nuôi con nuôi ra sao? Hãy cùng NPLAW tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

I. Thực trạng việc nuôi con nuôi hiện nay

Hiện nay, tình trạng vợ chồng đã kết hôn nhiều năm nhưng vẫn khổ sở trên con đường tìm kiếm duyên với con cái diễn ra rất nhiều và phổ biến. Nhiều cặp vợ chồng đã chạy chữa nhiều nơi, nhiều bệnh viện lớn nhỏ với mong manh được lộc con cái nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn.

.png]

Cũng chính vì thế, mà nhiều cặp vợ chồng đã nghĩ đến việc nhận con nuôi. Nên hiện nay, nhiều trẻ em có mảnh đời bất hạnh được nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn nhận làm con nuôi. Đứa trẻ được nhận nuôi sẽ có một gia đình như bao đứa trẻ khác và bố mẹ nhận nuôi cũng sẽ có được đứa con họ mong đợi. Đây là một hành động đẹp, cao cả và tình trạng nhận nuôi con nuôi hiện nay diễn ra khá nhiều.

II. Chấm dứt việc nuôi con nuôi được hiểu như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.

Như vậy, chấm dứt việc nuôi con nuôi là việc chấm dứt quan hệ pháp luật giữa cha mẹ nuôi và con nuôi. Chấm dứt việc nuôi con nuôi do Toà án quyết định khi việc nuôi con nuôi không đạt được mục đích và ý nghĩa xã hội của nó, làm cho tình cảm giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi không còn nữa hoặc trên sự tự nguyện của cha, mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên.

III. Những trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi trên thực tế

Theo quy định tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi được nêu rõ trong 04 trường hợp sau đây:

- Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;

- Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;

- Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;

- Vi phạm các hành vi bị cấm như lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi; Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi....

IV. Quy định của pháp luật về chấm dứt việc nuôi con nuôi

1. Hồ sơ, thủ tục chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do đó, hồ sơ thủ tục chấm dứt việc nuôi con nuôi được quy định như sau:

Bước 1: Người yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải gửi đơn đến Tòa án có thẩm quyền.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:

- Ngày, tháng, năm làm đơn;

- Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;

- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử [nếu có] của người yêu cầu;

- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;

- Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó [nếu có];

- Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;

- Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp

Bước 2: Thủ tục nhận và xử lý đơn yêu cầu

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.

- Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thực hiện như sau:

+ Thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;

+ Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự;

+ Trường hợp người yêu cầu được miễn hoặc không phải nộp lệ phí thì Thẩm phán thụ lý việc dân sự kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu.

Bước 3: Ra thông báo thụ lý đơn yêu cầu

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.

Việc chuẩn bị xét đơn yêu cầu được thực hiện trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý.

Bước 4: Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết việc dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp.

Cơ sở pháp lý: Điều 362, Điều 363, Điều 365, 366 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

2. Chủ thể có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Theo quy định tại Điều 26 Luật Nuôi con nuôi 2010, người có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi gồm:

- Cha mẹ nuôi.

- Con nuôi đã thành niên.

- Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi.

- Cơ quan lao động, thương binh và xã hội hoặc Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có một trong các căn cứ để chấm dứt nuôi con nuôi được nêu tại Mục III của Bài viết này [trừ trường hợp con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi].

3. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi

Căn cứ Điều 10 Luật Nuôi con nuôi 2010, khoản 5 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi là Tòa án nhân dân.

Theo điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc giải quyết nuôi con nuôi thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Đồng thời, theo điểm l khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Như vậy, qua các căn cứ nêu trên, nơi có thẩm quyền giải quyết chấm dứt nuôi con nuôi thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc. Trừ trường hợp nếu có đương sự ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh [khoản 3 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015].

V. Giải đáp một số câu hỏi thường gặp về chấm dứt việc nuôi con nuôi

1. Trường hợp gặp khó về kinh tế thì cha mẹ nuôi có thể chấm dứt việc nuôi con nuôi hay không?

Theo Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi thì đối với trường hợp gặp khó về kinh tế không phải là căn cứ để chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Do đó, trường hợp gặp khó khăn về kinh tế thì cha mẹ nuôi không thể chấm dứt việc nuôi con nuôi.

2. Việc nuôi con nuôi có chấm dứt nếu sau khi nhận nuôi người nhận con nuôi mắc bệnh hiểm nghèo không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì người giám hộ của con nuôi được quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi nếu thuộc một trong các trường hợp chấm dứt nuôi con nuôi.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 25 về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi thì trường hợp người nhận con nuôi mắc bệnh hiểm nghèo không thuộc một trong các trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc nuôi con nuôi không thể chấm dứt nếu người nhận con nuôi mắc bệnh hiểm nghèo.

3. Con nuôi có được yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi hay không?

Theo quy định Điều 26 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì con nuôi đã thành niên có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Như vậy, con nuôi được yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi đã thành niên.

VI. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến chấm dứt việc nuôi con nuôi

Trên đây là nội dung tư vấn của NPLAW muốn gửi đến quý khách hàng. Mọi vướng mắc chưa rõ cần tư vấn về chấm dứt việc nuôi con nuôi hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác như: Doanh nghiệp; Sở hữu trí tuệ; Lao động; Tư vấn và hỗ trợ tiến hành thủ tục xin cấp các loại giấy phép con…quý khách vui lòng liên hệ với NPLAW để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời. Với đội ngũ luật sư có trình độ chuyên môn cao và nhiều năm trong nghề thì chúng tôi cam đoan rằng sẽ giải quyết tất cả các thắc mắc của bạn và sẽ hỗ trợ bạn trong việc giải quyết các vấn đề về chấm dứt việc nuôi con nuôi. Xin chân thành cảm ơn!

Chủ Đề