Luật đền bù đất đai 2023

Có đại biểu cho rằng, các địa phương, doanh nghiệp đã giải toả công trình đền bù nhưng vướng Luật Đất đai. Nếu kéo dài thời gian xem xét sửa đổi và thông qua luật này, sẽ có hàng trăm nghìn tỉ đồng ứ đọng, doanh nghiệp gặp nguy hiểm.

Đề nghị đẩy nhanh tiến độ trình dự án Luật Đất đai

Chiều 21.7, Quốc hội [QH] cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Theo tờ trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội [UBTVQH] cho hay, dự án luật Đất đai [sửa đổi] là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, QH thảo luận kỹ lưỡng.

Thảo luận về chương trình, đại biểu [ĐB] Nguyễn Thị Kim Bé [đoàn Kiên Giang] nhắc đến tình trạng dự án luật đưa vào chương trình họp rồi vì nhiều lý do lại rút ra.

“Có dự án luật rất cấp bách theo phản ánh cử tri, nhưng lại không được đưa ra sửa đổi kịp thời. Như Luật Đất đai sửa đổi từng đưa ra nhưng nhiều lần xin lùi thời gian và đến giờ phút này vẫn chưa được sửa đổi.

Theo tiến trình thì dự án Luật Đất đai phải tới giữa năm 2023 mới được thông qua, tới năm 2024 mới có hiệu lực và các văn bản thi hành cụ thể. Trong khi đó, đây là dự luật rất quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi về sở hữu đất đai của người dân”, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé nêu ý kiến và đề xuất cần đẩy nhanh tiến độ trình dự án Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp cuối năm 2021.

Đại biểu Tô Văn Tám [đoàn Kon Tum] phát biểu. Ảnh QH

Theo đại biểu Tô Văn Tám [đoàn Kon Tum], Luật Đất đai đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Chính phủ đề nghị cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 năm 2022 và thông qua vào kỳ họp thứ 4 năm 2022, UBTVQH đề nghị thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Đó là sự thận trọng có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề.

Theo đại biểu Tám, trên thực tế, việc quản lý, sử dụng đất đai cho thấy đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tiêu cực sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương trong quá trình giao đất thu hồi đất…

Đại biểu Lê Xuân Thân [đoàn Khánh Hoà] cho rằng, QH khoá XIV năm 2018 đã đưa Luật Đất đai vào chương trình luật, pháp lệnh năm 2019, nhưng năm 2019 - 2020 không xây dựng và chuyển sang Quốc hội khoá XV.

“Tôi đề nghị giao Chính phủ và các bộ, ngành làm thế nào để cuối năm 2022 ban hành được Luật Đất đai sửa đổi, để thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Quốc hội với vấn đề rất nóng bỏng”, ông Thân nói.

Sớm sửa luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân

Bấm nút tranh luận thêm, Đại biểu Nguyễn Văn Thân [đoàn Thái Bình] nêu thực trạng thị trường bất động sản đang tăng giá rất mạnh, thậm chí có thể khủng hoảng vấn đề bất động sản về đất ở, song bất động sản du lịch đang đi xuống.

“Tất cả các địa phương, doanh nghiệp đã giải toả công trình đền bù nhưng vướng Luật Đất đai và Luật Đấu thầu nên không xử lý được. Nếu kéo dài đến kỳ họp thứ 4 mới đưa trình Luật Đất đai thì hàng trăm nghìn tỉ đồng sẽ ứ đọng và doanh nghiệp gặp tình trạng rất nguy hiểm. Nếu không kịp trình thì Quốc hội nên đưa ra nghị quyết để giải toả bức xúc của doanh nghiệp”.

Nhiều Đại biểu Quốc hội đề xuất sớm sửa đổi Luật Đất đai. Ảnh Quốc hội

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Liên quan tới nội dung Luật Đất đai [sửa đổi], Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, việc đưa nội dung Luật Đất đai vào kỳ họp tháng 5.2022 là cố gắng rất lớn của các cơ quan soạn thảo, do đây là nội dung rất lớn, liên quan đến nhiều vấn đề.

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã đề cập và thông tin một số vấn đề liên quan đến Luật Đất đai sửa đổi sắp tới.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết đến năm 2023, Luật Đất đai sẽ được sửa đổi, hoàn thành.

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, hiện nay, trong các vụ khiếu kiện, khiếu nại ở các địa phương có đến 70% liên quan đến đất đai. Cán bộ ở các tỉnh thành trong thời gian qua bị kỷ luật cũng có tỷ lệ đáng kể liên quan đến đất đai. Chính sách đất đai còn thiếu ổn định, thường xuyên thay đổi. Có những luật liên quan đến đất quy định còn chồng chéo, liên quan đến nhau nên sắp tới sửa với quyết tâm cao. “Đáng ra Nghị quyết của Trung ương về đất đai đã ban hành tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4, nhưng làm không kịp, do vấn đề rất nhạy cảm, rất khó. Trong quá trình làm rất nhiều ý kiến khác nhau về một vấn đề chứ không phải đạt được sự đồng thuận. Tư tưởng về cơ bản thống nhất với nhau, nhưng triển khai tư tưởng thành nội dung, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật trong từng nội dung rất khác nhau”, Thường trực Ban Bí thư nói và cho rằng quỹ đất có hạn, vì vậy, phải sử dụng cho hiệu quả, không chỉ tính đến cho hiện tại mà tính đến tính bền vững ở tương lai.

Liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định đến năm 2023 sẽ hoàn thành xong sửa đổi Luật Đất đai. Trong đó, xác định Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.

Trong thời gian qua có việc doanh nghiệp vào tại trợ các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng, quy hoạch lĩnh vực. “Quy hoạch là công cụ quản lý của nhà nước, là định hướng để hình dung một địa phương trong tương lai. Nhưng lại giao cho doanh nghiệp làm tài trợ, quy hoạch doanh nghiệp vào làm thì có xí phần trong đó rồi làm shophouse nhiều, thương mại nhiều, làm nhà ở để bán nhiều, công trình văn hóa ít, công cộng ít, mất công bằng trong tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói và cho biết trong lần sửa đổi luật này, Nhà nước đảm bảo nguồn lực cho công tác quy hoạch.

Luật Đất đai sửa đổi sẽ bỏ khung giá đất hiện hành và xác định lại giá đất theo nguyên tắc thị trường [Ảnh minh họa]

Đặc biệt, Luật Đất đai sửa đổi sẽ bỏ khung giá đất và xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. “Đây là chuyện rất lớn. Thực tế, cho thấy những năm qua khung giá đất không sát với thị trường. Khung giá đất bao giờ cũng thấp hơn giá thị trường. Đôi khi chỉ bằng bằng 1/3, thậm chí có nơi bằng 1/4, 1/5 giá thị trường”, đồng chí Võ Văn Thưởng thông tin. Theo Thường trực Ban Bí thư, giá đất theo khung giá cũ có lợi cho người dân thực hiện nghĩa vụ khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho con cái. “Nhưng khó là khi thu hồi đất làm các công trình khác thì thực hiện đền bù phải đẻ ra thêm nhiều thể loại khác mới ra được giá. Hình thành cơ chế 2 giá trong hệ thống. Khi hội đồng định giá giao đất thì có tiêu chí A,B,C,D rồi chọn, rồi cuối cùng không tránh khỏi chủ quan”, đồng chí Võ Văn Thưởng làm rõ.

Trong Luật Đất đai sửa đổi sắp tới cũng sẽ khắc phục triệt để tình trạng giao đất không qua đấu thầu, đấu giá. Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, trên thực tế thời gian qua, ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước đều có khuyết điểm giao đất không qua đấu thầu, đấu giá; hoặc có nhưng không đúng quy định.

Ngoài ra, sẽ khẳng định lại cơ chế tự thỏa thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện các dự án nhà ở, thương mại; bổ sung điều khoản các dự án thu hồi đất phải tái định cư cho dân.

Chủ Đề