Luật tố tụng hành chính là gì

Ngày 24/11/2010, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, khóa XII, kì họp thứ 8 đã thông qua LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH và NQ số 56/2010/QH12 về việc thi hành Luật TTHC, Chủ tịch nước ký lệnh số 22/2010/L.CTN ngày 07/12/2010 về việc công bố Luật TTHC và kể từ 01/7/2011 Luật này sẽ có hiệu lực. Để nhận thức và thực hiện đúng đắn và đầy đủ các quy định của Luật Tố tụng Hành chính chúng ta cần nghiên cứu các vấn đề sau đây

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VỀ VIỆC BAN HÀNH LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

1. Sự cần thiết phải ban hành Luật Tố tụng Hành chính

Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và các Pháp lệnh sửa đổi bổ sung đã tạo điều kiện cho việc giải quyết các khiếu kiện hành chính, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính trong gần 15 năm qua cho thấy những quy định của Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, có những quy định mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác [Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo...], có những quy định thiếu rõ ràng và chưa đầy đủ, đặc biệt là các vấn đề về thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của Tòa án, điều kiện khởi kiện, thời hiệu khởi kiện, vấn đề chứng minh và chứng cứ, nhất là quy định chưa rõ ràng đầy đủ về việc thi hành bản án, quyết định hành chính - một khâu rất quan trọng, có ý nghĩa đảm bảo tính hiệu lực của các phán quyết của Tòa án trên thực tế, cũng như đảm bảo thiết thực quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Với chính sách mở cửa và trong điều kiện Việt Nam đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế và trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại quốc tế [WTO], thì việc pháp điển hoá các quy định của pháp luật về tố tụng để giải quyết các khiếu kiện hành chính, cụ thể hoá các cam kết của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế là rất cần thiết.

Ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó, xác định: "Mớ rộng thẩm quyền xét xử của Toà án đối với các khiếu kiện hành chính; đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Toà án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và quan công quyền trước Toà án". Cộng với việc mở rộng quyền khiếu kiện, Nghị quyết 49/NQ-TW đặt ra yêu cầu xây dựng chế bảo đảm cho mọi bản án của Toà án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, các quan hành chính vi phạm bị xử lý theo phán quyết của Toà án phải nghiêm minh chấp hành" .

Với tính chất phức tạp của các khiếu kiện hành chính, việc xây dựng và ban hành Luật Tố tụng Hành chính, văn.bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao hơn thay thế Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, nhằm đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích chính đáng của người dân là hết sức cần thiết.

2. Quan điểm chỉ đạo và các yêu cầu của việc ban hành Luật Tố tụng Hành chính

Việc ban hành Luật Tố tụng Hành chính đã quán triệt những quan điểm chỉ đạo và các yêu cầu sau đây:

a] Thể chế hoá các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp đã được xác định trong các Nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" như đã trình bày ở trên.

b] Bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp và tính thống nhất của Luật Tố tụng Hành chính trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi của Luật Tố tụng Hành chính.

c] Bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng hành chính phải dân chủ, công khai, đơn giản, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tồ chức trong hoạt động tố tụng hành chính.

d] Trên cơ sở tổng kết, đánh giá các quy định của pháp Luật Tố tụng Hành chính hiện hành, kế thừa kinh nghiệm giải quyết các vụ án hành chính từ thực tiễn xét xử của Toà án và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội và của quá trình hội nhập quốc tế của nước ta.

đ] Bảo đảm các bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh và kịp thời.

e] Bảo đảm các quy định của Luật Tố tụng Hành chính không làm cản trở việc thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia.

II. KẾT CẤU CỦA LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

Luật Tố tụng Hành chính 2010 [Luật TTHC] gồm 18 chương với 265 Điều, cụ thể như sau:

Chương I: "Những quy đinh chung" [27 Điều từ Điều 1 đến Điều 27]; Chương II: "Thẩm quyền của Tòa án" [6 Điều từ Điều 28 đến Điều 33]; Chương III: "Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và việc thay đổi người tiên hành tố tụng", [13 Điều từ Điều 34 đến Điều 46]; Chương IV: "Người tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng" [13 Điều từ Điều 47 đến Điều 59]; Chương V: "Các biện pháp khẩn cấp tạm thời" [12 Điều từ Điều 60 đến Điều 71]; Chương VI: "Chứng minh và chứng cứ" [20 Điều từ Điều 72 đến Điều 91]; Chương VII: "Cấp tống đạt thông báo văn bản tố tụng" [11 Điều từ Điều 92 đến Điều l02]; Chương VIII: "Khởi kiện, thụ lý vụ án" [1 4 Điều từ Điều 103 đến Điều 116]; Chương IX: "Chuẩn bị xét xử [8 Điều từ Điều 117 đến Điều 124]; Chương X: "Phiên tòa sơ thẩm" [43 Điều từ Điều 125 đến Điều 167]; Chương XI: "Thủ tục giải quyết kiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân" [5 Điều từ Điều 168 đến Điều 172]; Chương XII: Thủ tục phúc thẩm [36 Điều từ Điều 173 đến Điều 208]; Chương XIII: "Thủ tục giám đốc thẩm" [23 Điều từ Điều 209 đến Điều 231]; Chương XIV: "Thủ tục tái thẩm" [7 Điều từ Điêu 232 đến Điều 238]; Chương XV: "Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao" [2 Điều - Điều 239 và Điều 240]; Chương XVI: "Thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính" [8 Điều từ Điều 241 đến Điều 248]; Chương XVII: "Khiếu nạt, tố cáo trong tố tụng hành chính" [14 Điều từ Điều 249 đến Điều 262]; Chương XVIII "Điều khoản thi hành [3 Điều từ Điều 263 đến Điều 265].

Như vậy, so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính 1996, sửa đối bổ sung năm 1998, 2006 [11 Chương với 76 Điều], Luật TTHC đã có sự thay đổi lớn về mặt kết cấu cũng như số lượng các chương, điều. Cụ thể:

Các Điều của Luật TTHC đều có tên gọi chứ không chỉ đơn thuần đánh số như Pháp lệnh. So với Pháp lệnh, Luật TTHC có thêm 189 Điều [từ 76 Điều lên 265 Điều].

Luật TTHC có 7 chương mới hoàn toàn: Chương V "Các biện phẩm khẩn cấp lạm thời", Chương VI "Chứng minh và chứng cứ", Chương VII "Cấp, tống đạt thông báo văn bản tổ tụng, Chương XI "Thủ tục giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc danh sách cử tri bầu cử đại biếu Hội đồng nhân dân", Chương XV "Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao", Chương XVI "Thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính" và Chương XVII Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính".

- Ngoài ra, Luật TTHC còn có một số nội dung khác so với Pháp lệnh:

+ Bỏ Chương V quy định về "án phí thay vào đó Luật quy định bằng 1 điều Luật trong Chương I Những quy định chung".

+ Tách Chương X- "Thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm thành 2 chương: Chương XIII "Thủ tục giám đốc thẩm" và Chương XIV "Thủ tục tái thẩm".

+ Bổ sung quy định về "Cơ quan tiến hành tố tụng" [Chương III] bên cạnh quy định về "Người tiến hành tố tụng".

III. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

Có thể nói 265 Điều của Luật TTHC so với 76 Điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính là một sự chênh lệch rất lớn. Con số đó phần nào đã phản ánh quy mô của kết quả pháp điển hóa lĩnh vực pháp luật tố tụng này. Với dung lượng như vậy, Luật TTHC đã điều chỉnh đầy đủ những nội dung cần thiết của đạo luật tố tụng. Trong đó có cả những vấn đề mới hoàn toàn và cà những vấn đề "kinh điển của TTHC nhưng đã có sự sửa đổi, bổ sung quan trọng theo tinh thần, đường lối cải cách tư pháp của Đảng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không đề cập tất cả nội dung của Luật TTHC mà chỉ đề cập đến một số vấn đề như sau: Những khiếu.kiện thuộc thẩm quyền của Tòa án; điều kiện khởi kiện; thời hiệu khởi kiện; vấn đề thi hành bán án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, thủ tục đặc biệt; vị trí, vai trò của VKS trong TTHC, Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật TTHC.

1. Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

Trong quá trình xây dựng Luật Tố tụng Hành chính vấn đề các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án luôn được các cơ quan chức năng và Quốc hội quan tâm đặc biệt. Quán triệt một trong những nội dung của Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, là "Mở rộng thẩm quyền xét xử của Toà án đối với các khiếu kiện hành chính, đổi mới mạnh mẽ các thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Toà án; tạo điều kiện cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đắng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Toà án..." . Luật Tố tụng Hành chính xác định các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền xét xứ của Toà án theo phương pháp loại trừ.

Thực tiễn cho thấy, việc quy định theo phương pháp liệt kê các khiếu kiện thuộc thẩm quyền của Toà án như Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã hạn chế quyền khởi kiện vụ án hành chính của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với một số loại việc, đặc biệt là các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. Việc quy định theo phương pháp liệt kê như Pháp lệnh trong một số trường hợp dẫn đến việc tranh luận không đáng có hoặc bỏ sót loại việc lẽ ra cần được giải quyết tại Toà án.

Quy định các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo phương pháp loại trừ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xác định quyền khởi kiện các vụ án hành chính, đảm bảo sự công bằng cho người dân và đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Về mặt kỹ thuật lập pháp, việc quy định theo phương pháp loại trừ là tiến bộ và bảo đảm tính ổn định của điều luật.

Tại điều 28, Luật Tố tụng Hành chính quy định những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án như sau:

" 1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

2. Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại hiểu Hội đồng nhân dân.

3. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.

4. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh".

Như vậy, phạm vi thẩm quyền của Tòa án đã được làm rõ bằng việc loại trừ khỏi đối tượng khởi kiện vụ án hành chính các "quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức""các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức được giải thích tại khoản 4 Điều 3, như sau: "Là những quyết định, hành vi quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi cơ quan, tổ chức đó".

Các quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh ngoại giao mang tính chất bí mật nhà nước sẽ do Chính phủ quy định cũng nằm ngoài phạm vi thẩm quyền xét xử án hành chính của Toà án nhân dân.

Về việc quy định thẩm quyền của Toà án giải quyết các khiếu kiện hành chính trong quân đội. Vấn đề này đã được đề cập khi xây dựng Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây nhưng đa số ý kiến của các cơ quan chức năng và đại biểu Quốc hội đều thống nhất là chưa cần thiết quy định Toà án quân sự các cấp có thẩm quyền xét xử các khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính do các cấp chỉ huy hoặc cơ quan quân sự thực hiện.

Ngoài ra, để loại trừ xung đột trong các quy định của pháp luật về thẩm quyền loại việc được khởi kiện ra Tòa hành chính, Điều 264- Luật TTHC đã "sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai", đó là sửa đổi Khoản 2- Điều 136 và Điều 138 của Luật Đất đai năm 2003. Theo đó, đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 Điều 50- Luật Đất đai khi có tranh chấp quyền sử dụng đất nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc UBND cấp tỉnh thì đương sự có thể lựa chọn tiếp tục khiếu nại lên cơ quan hành chính cấp trên hoặc khởi kiện ra Tòa hành chính [Khoản 1- Điều 264- Luật TTHC]. Tại Khoản 2- Điều 264, Luật TTHC sửa Khoản 2, Điều 138 Luật Đất đai, như sau: "Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính". Như vậy, với quy định về việc sứa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 136 và 138- Luật Đất đai 2003, Luật TTHC đã tạo ra sự thống nhất trong việc giải quyết các khiếu kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lí đất đai cũng như sự thống nhất với quy định của Luật khiếu nại, tố cáo 2005 góp phần bảo đảm tính khả thi của Luật TTHC.

Việc giải thích từ ngữ tại Điều 3 Luật TTHC đã góp phần làm rõ thêm thế nào là "quyết định hành chính", "hành vi hành chính với tư cách là đối tượng khởi kiện được quy định tại Điều 28 Luật TTHC. Tại Khoản 1 Điều 3 giải thích như sau: "Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tô chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể".

Như vậy theo khái niệm này, quyết định hành chính là đối tượng xét xử của Toà án khi nó thoả mãn những điều kiện sau đây:

- Quyết định hành chính đó phải là quyết định cá biệt;

- Quyết định đó phải tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân cơ quan, tổ chức, làm phát sinh tranh chấp giữa cá nhân, cơ quan, tổ chức với cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong thực tế có những văn bản hành chính không đúng về mặt hình thức của một quyết định hành chính nhưng lại có đầy đủ những dấu hiệu đặc trưng nên cũng có thể coi là quyết định hành chính và có thể bị khởi kiện.

Tại khoản 2, Điều 3 giải thích về hành vi hành chính như sau: "Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Tuy cùng là đối tượng xét xừ của Toà án nhưng hành vi hành chính không được thể hiện bằng văn bản mà chỉ biểu hiện dưới dạng không làm đúng hoặc làm trái các quy định của pháp luật, hay im lặng tức là không thực hiện một trách nhiệm, một nghĩa vụ của cơ quan nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đáng lẽ phải làm. Hành vi hành chính là đối tượng xét xử của Toà án theo Luật Tố tụng Hành chính là hành vi gây thiệt hại hoặc xâm hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân cơ quan, tổ chức và giữa chúng có mối quan hệ nhân quả. Ví dụ: Công ty A đã hoàn tất các thủ tục bổ sung hoặc sửa đổi giải pháp kinh doanh nhưng quá thời hạn do luật định mà cơ quan B hay công chức C vẫn không giải quyết và cũng không trả lời cho Công ty A lý do hợp lý. Trong trường hợp này sự im lặng là hành vi hành chính của cơ quan B hoặc công chức C có thể bị khởi kiện và thuộc thẩm quyền của Toà án hành chính giải quyết.

2- Về điều kiện khởi kiện hành chính:

Theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính sửa đổi bổ sung năm 2006 thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính nếu đã thực hiện thủ tục khiếu nại [lần đầu hoặc lần thứ hai] đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại mà hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại. Đối với một số lĩnh vực như: Quản lý đất đai, kỷ luật buộc thôi việc cán bộ, công chức thì yêu cầu phải có quyết định giải quyết khiếu nại rồi mới có quyền khởi kiện ra Toà án [Điều 2- Pháp lệnh]. Việc quy định như vậy chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức trong việc khởi kiện vụ án hành chính, thủ tục còn rườm rà và trong một số trường hợp còn không đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của họ, không phù hợp với thoả thuận của Việt Nam khỉ gia nhập tổ chức thương mại thế giới [WTO]

Khắc phục nhược điểm này của Pháp lệnh, tại Điều 103 Luật TTHC đã quy định theo hướng đơn giản hóa điều kiện khởi kiện vụ án hành chính. Theo đó, cá nhân cơ quan tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính hành vi hành chính trong trường hợp không đồng ý với quyết định đó, hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với kết quả giải quyết đó. Như vậy, thủ tục "tiền tố tụng" đã không còn là yếu tố bắt buộc đối với hầu hết các khiếu kiện hành chính nữa.

Với quy định này, cá nhân, cơ quan, tổ chức hoàn toàn có quyền lựa chọn giải pháp hành chính [khiếu nại đến cơ quan hành chính hoặc người đã ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính] hay giải pháp tư pháp [khởi kiện ra Toà án] khi có tranh chấp hành chính. Họ cũng đồng thời không phải tuần tự qua các bước: Khiếu nại lần đầu, khiếu nại lần hai, khởi kiện.

Quy định theo hướng đơn giản hóa điều kiện khởi kiện vụ án hành chính như trên cũng chính là một trong các yếu tố để công dân, cơ quan tổ chức tiếp cận với Toà án được dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ- TW của Bộ Chính trị "đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải các khiếu kiện hành chính tại Tòa án, tạo điều kiện thuận lơi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án ..."

3- Thời hiệu khởi kiện:

Theo quy định tại Điều 30 Pháp lệnh thì thời hiệu khởi kiện là 30 ngày hoặc 45 ngày tùy vào từng trường hợp cụ thể. Sở dĩ thời hiệu ngắn như vậy là vì tất cả các khiếu kiện đều đã qua "thủ tục khiếu nại", các bên tranh chấp đều đã "theo đuổi vụ việc trong một thời gian nhất định, đều biết về nội dung tranh chấp, đều đã có thời gian chuẩn bị tài liệu, chứng cứ hay lựa chọn, nhờ tư vấn trước khi khởi kiện. Quy định thời hiệu như vậy là phù hợp với điều kiện khởi kiện tương ứng trong Pháp lệnh. Hiện nay, Luật TTHC thủ tục "tiền tố tụng" không bắt buộc đối với cơ quan tổ chức, công dân khi khởi kiện hành chính, nên Luật cũng có sự điều chỉnh thời hiệu khởi kiện cho phù hợp. Theo đó, thời hiệu khởi kiện được xác định tại Điều 104 như sau:

- 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

- Đối với vụ việc cạnh tranh và khiếu kiện về danh sách cử tri thì Luật TTHC vẫn giữ quy định như trong Pháp lệnh là 30 ngày [đối với vụ việc cạnh tranh] vả 5 ngày [đối với danh sách cử tri].

Như vậy, thời hiệu khởi kiện được quy định tương đối dài [l năm] với các loại tranh chấp hành chính nói chung. Trường hợp quy định ngắn hơn là 30 ngày, 5 ngày đối với loại khởi kiện vụ án hành chính có tính đặc thù. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện [Khoản 3 Điều l04]. Ngoài ra, các quy định của Bộ luật Dân sự về cách tính thời hạn, thời hiệu cũng được áp dụng trong tố tụng hành chính [Khoản 4, Điều 104]. Có thể nói, việc quy định thời hiệu khởi kiện như Luật TTHC đã tạo điều kiện tốt nhất cho đương sự trong việc bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

4- Về thủ tục đặc biệt xem xét 1ại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng Thẩm phán [ HĐTP]- Tòa án nhân dân tối cao [TANDTC] là cơ quan xét xử cao nhất nên không một thiết chế nào có thẩm quyền xem xét lại quyết định của HĐTP TANDTC. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử giám đốc thẩm của HĐTP- TANDTC thời gian qua ở một số loại án cho thấy có trường hợp quyết định giám đốc thẩm của HĐTP có sai lầm nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi nội dung cơ bản quyết định mà HĐTP, các đương sự không biết được khi ra quyết định đó nhưng không có cơ chế để giải quyết lại, gây ra sự bức xúc cho đương sự và dư luận xã hội cũng như tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Để khắc phục vướng mắc trên, Luật TTHC đã dành Chương XV gồm 2 Điều: Điều 239 và Điều 240 quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của HĐTP - TANDTC. Theo các Điều 239, HĐTP- TANDTC xem xét lại quyết định của mình khi có một trong các trường hợp sau: Yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao [VKSNDTC], đề nghị của Chánh án TANDTC. Vì đây là thủ tục đặc biệt, xuất hiện ở những vụ án phức tạp, đòi hỏi sự thận trọng và trình độ chuyên môn cao nên Luật quy định thủ tục này rất chặt chẽ. Theo đó, khi có yêu cầu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc HĐTP nhất trí với kiến nghị của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Toà án nhân dân tối cao thì HĐTP ra quyết định giao cho Chánh án Toà án nhân dân tối cao tổ chức nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo HĐTP xem xét, quyết định. Trường hợp HĐTP không nhất trí với kiến nghị thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Tại điều 240 quy định thủ tục và thẩm quyền xem xét lại quyết định của HĐTP, Toà án nhân dân tối cao. Chánh án TANDTC sẽ tổ chức nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ, báo cáo HĐTP TANDTC xem xét lại quyết định của HĐTP trong thời hạn 4 tháng kế từ ngày nhận được yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tại Khoản 2 Điều 239 hoặc kể từ ngày có quyết định của HĐTP theo quy định tại Khoản 3 Điều 239. Phiên họp của HĐTP có sự tham gia của Viện trưởng VKSNDTC, trường hợp xét thấy cần thiết TANDTC có thể mời cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến tham dự phiên họp. Quyết định của HĐTP sau khi xem xét lại quyết định của HĐTP- TANDTC phải được ít nhất 3/4 tổng số thành viên của HĐTP biểu quyết tán thành. Nội dung phán quyết này được quy định cụ thể tại Khoản 3- Điều 240- Luật TTHC.

Đây là quy định đặc biệt, có tính cách mạng trong hệ thống pháp luật tố tụng nước ta, được quy định lần đầu tiên trong pháp luật TTHC. Với thủ tục rất chặt chẽ, nó sẽ tạo điều kiện khắc phục sai sót của quyết định HĐTP Toà án nhân dân tối cao mà trước đây pháp luật chưa quy định. Đồng thời, nó cũng sẽ góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân với nền công lý.

5- Về thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính:

Trước đây, Pháp lệnh chưa quy định thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà mới chỉ có quy định mang tính nguyên tắc "Bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu tục pháp luật về vụ án hành chính phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức và mọi người tôn trọng. Cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành phải nghiêm chỉnh chấp hành. Cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó. [Điều 9- Pháp lệnh].

Do thiếu vắng những quy định cụ thể về cơ chế đảm bảo thi hành bản án quyết định của Tòa án về vụ án hành chính nên trong thực tế, việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án chưa được đảm bảo, nhiều bản án, quyết định không được thi hành hoặc thi hành không đúng, ảnh hưởng đến lợi ích của người được thi hành cũng như không đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định trong thực tế.

Khắc phục hạn chế trên, Luật TTHC đã dành một chương để quy định về "thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính" [Chương XVI]. Đây chính là sự thể chế hóa đường lối được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị: Xây dựng cơ chế bảo đảm cho mọi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, các cơ quan hành chính vi phạm bị xử lý theo phán quyết của Tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành". Với 8 điều nhưng Luật TTHC đã điều chỉnh cụ thể các vấn đề cơ bản về thi hành án hành chính như: Thủ tục thi hành án, trách nhiệm thực hiện yêu cầu thi hành án, quản lý nhà nước về thi hành án, xử lý vi phạm trong thi hành án, kiểm sát việc thi hành án hành chính... Với những quy định này, bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có cà một cơ chế phối hợp và đồng bộ để đảm bảo cho việc thi hành. Về mặt nguyên tắc, công tác thi hành án được thống nhất quản lý bởi Chính Phủ, có sự phối hợp với TATDTC, VKSNDTC. Trong đó, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thi hành án dân sự có trách nhiệm đôn đốc và phối hợp với nhau để thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Viện kiểm sát sẽ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tất cả các chủ thể trong quá trình đó. Như vậy, công tác thi hành án hành chính sẽ được đảm bảo thực hiện hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền lợi của công dân và củng cố hoạt động xét xử của Tòa án.

6 - Vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính:

Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nói chung cũng như của pháp luật TTHC nói riêng, đó là nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đây là nguyên tắc mang tính hiến định. Nó yêu cầu mọi chủ thể phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, đảm bảo tính thống nhất và thượng tôn của pháp luật. Thiết chế để đảm bảo cho các yêu cầu trên vận hành trong thực tiễn áp dụng pháp luật chính là Viện kiểm sát [VKS]. Trong tố tụng hành chính, VKS đóng vai trò rất quan trọng bởi tranh chấp hành chính là tranh chấp giữa cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước với cá nhân, cơ quan, tổ chức. Do vậy, sự tham gia của VKS trong TTHC để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, sự công bằng, bình đẳng, sự tuân thủ pháp luật của các chủ thể là rất cần thiết.

Điều 23- Luật TTHC ghi nhận vai trò của VKS như sau : "VKSND kiếm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật...". Theo quy định tại Điều 34, VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng và Viện trưởng VKS, Kiểm sát viên VKS là người tiến hành tố tụng với nhiệm vụ quyền hạn được quy định tại Điều 39 và 40- Luật TTHC. Theo quy định tại Khoản 2- Điều 23, VKS thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc vụ án:

- Kiểm sát việc thụ lý, lập hồ sơ vụ án hành chính: Trong giai đoạn này, VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật của TAND, của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án và việc tuân theo pháp luật của các chủ thể khác có liên quan khi họ tham gia vào quan hệ TTHC để đảm bảo cho việc thụ lý, lập hồ sơ vụ án của TAND được khách quan, đầy đủ, đúng pháp luật:

+ VKS đảm bảo việc thụ lý hay không thụ lý vụ án của TAND có căn cứ và đúng pháp luật. Khoản 2- Điều 109 Luật TTHC quy định: "Khi trả đơn khởi kiện, Tòa án phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Văn bản trả lại đơn được gửi ngay cho VKS cùng cấp". Đây là quy định mới của Luật TTHC so với Pháp lệnh trước đây. Quy định này đã loại trừ sự tùy tiện của đương sự trong việc khởi kiện cũng như của Tòa án trong việc xem xét trả lại đơn khởi kiện.

+ Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử để đảm bảo việc thu thập tài liệu, chứng cứ xác minh lập hồ sơ vụ án của TAND được khách quan, đầy đủ, đúng pháp luật. Khi cần thiết VKS có thể "yêu cầu Toà án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án" [Khoản 3, Điều 78] và "yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý lưu giữ cung cấp cho mình chứng cứ [ Khoản 2- Điều 87].

- Vi trí, vai trò của VKS được thể hiện tập trung nhất trong công tác kiểm sát xét xử vụ án hành chính. Theo quy định của Luật TTHC, VKS tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm, các phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm. Tại các phiên tòa, phiên họp này, Kiểm sát viên phát biểu về việc "tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án" [Khoản 1 - Điều 1 60] hoặc "trình bày về nội dung kháng nghị và các căn cứ của việc kháng nghị" [Đoạn 3, Điểm a, Khoản 1 - Điều 204], "phát biểu ý kiến của VKS về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm" [Khoản 3 Điều 204]. Tại giai đoạn giám đốc thẩm và tái thẩm "Đại diện VKS phát biểu ý kiến của VKS về việc giải quyết vụ án" [Khoản 3- Điều 223 và Điều 238].Trong quá trình thực hiện thủ tục đặc biệt xem xét lại QĐ của HĐTP TANDTC, vị trí vai trò của VKS tiếp tục khẳng định bằng việc kiến nghị và tham gia các phiên họp của HĐTP TANDTC. Như vậy, sự tham gia của VKS trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án là một hoạt động quan trọng đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các chủ thể tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng.

- Kiểm sát thi hành án hành chính: Các bản án, quyết định về vụ án hành chính của Tòa án có được đảm bảo thực thi và phát huy hiệu quả trong thực tế hay không phụ thuộc vào sự tuân thủ thực hiện của các chủ thể liên quan. Thiết chế để đảm bảo cho sự tuân thủ ấy chính là VKS cơ quan sẽ giám sát, kiểm tra và theo dõi quá trình chấp hành bản án, quyết định của các chủ thể : "VKS trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật của đương sư, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thi hành bản án, quết định của Tòa án nhằm bảo đảm việc thi hành bản án, quyết định kịp thời, đây đủ, đúng pháp luật [Điều 248].

Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính từ khi thụ lý cho đến khi thi hành phán quyết của Tòa án, không một khâu tố tụng nào thiếu vắng vai trò của VKS. Để VKS thực hiện tốt chức năng, vai trò, nhiệm vụ của mình, Luật TTHC đã trao cho VKS những quyền năng nhất định:

Quyền yêu cầu, kiến nghị: Đây là một trong những quyền quan trọng của VKS khi thực hiện chức năng kiểm sát tư pháp nói chung cũng như khi thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC nói riêng. Khoản 2 Điều 23 đã ghi nhận quyền này như sau: "VKSND... thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị... theo quy định của pháp luật". Bên cạnh đó, VKS sử dụng quyền năng này, trong một số trường hợp cụ thể tùy thuộc vào yêu cầu kiểm sát ở từng giai đoạn tố tụng khác nhau:

+ Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, nếu họ không có người khởi kiện thì VKS có quyền kiến nghị UBND cấp xã nơi người đó cư trú cử người giám hộ đứng ra khởi kiện vụ án hành chính ..." [Khoản 3- Điều 23].

+ "VKS có quyền kiến nghị với Chánh án Toà án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời..." [Khoản 1- Điều 70].

+ VKS có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với Tòa án cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ; đúng pháp luật [Điều 262].

Quyền kháng nghị: Đây là quyền năng đặc trưng và quan trọng nhất của VKS khi thực hiện chức năng kiềm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC. Theo quy định của Luật TTHC, Viện trưởng VKS cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm" [Điều 181], "Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án nhân dân các cấp trừ quyết định của HĐTP Toà án nhân dân tối cao" [Khoản 1 Điều 212]. "Viện trưởng VKS cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thú tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của Toà án cấp huyện" [Khoản 2 Điều 212]. Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bán án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án các cấp, trừ quyết định của HĐTP Toà án nhân dân tối cao" [Khoản 1 Điều 235]. "Viện trướng VKS cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thấm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp huyện" [Khoản 2 Điều 235]. Như vậy, khi bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm pháp luật, cũng như khi bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hay tình tiết mới có thể làm thay đổi bản chất vụ án, VKS sẽ thực hiện quyền kháng nghị để đảm bảo việc xét xử của Tòa án tuân thủ đúng pháp luật, tránh oan sai, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Thông qua những quy định của Luật TTHC, chúng ta thấy VKS tiếp tục được khẳng định là cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật quá trình giải quyết vụ án hành chính. Vị trí, vai trò của VKS được thế hiện xuyên suốt quá trình này với tư cách là định chế đảm bảo tính nghiêm mình của pháp luật, tính đúng đắn của hoạt động xét xử của Tòa án, góp phần nâng cao hiệu quà quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hành chính.

7 - Về Nghị quyết số 56/2010/QH12 về việc thi hành luật TTHC:

Cùng với việc ban hành Luật Tố tụng Hành chính, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 56/2010/QH12 ngày 24/11/2010 Về việc thi hành Luật tố tụng hành chính.

Tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 56/2010 quy định việc áp dụng Luật Tố tụng Hành chính để giải quyết vụ án hành chính theo trình tự giám đốc thẩm; Cụ thể như sau:

1. Kể từ ngày Luật Tố tụng Hành chính được công bố đến ngày Luật này có hiệu lực:

a] Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Luật Tố tụng Hành chính được công bố thì áp dụng theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 69 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính;

b] Thời hạn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật từ ngày Luật Tố tụng Hành chính được công bố thì áp dụng theo quy định tại các điều 211, 215 và 236 của Luật Tố tụng Hành chính;

c] Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án quyết định nêu tại Điểm a và Điểm b Khoản này được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh thú tục giải quyết các vụ án hành chính".

Quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 nêu trên đã tạo thuận lợi cho đương sự khi áp dụng Khoản 2 Điều 215 Luật TTHC để đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật từ ngày Luật TTHC được công bố mà đương sự đã có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, nhưng quá thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định tại Khoản 1 Điều 215 Luật TTHC mới phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 56/2010 quy định việc áp dụng Luật Tố tụng Hành chính đối với những trường hợp vụ án hành chính đã được Tòa án thụ lý giải quyết trước khi Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực; Cụ thể như sau:

"2. Kể từ ngày Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực:

a] Đối với những vụ án hành chính đã được Toà án thụ lý trước ngày Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực, nhưng kể từ ngày Luật lố tụng hành chính có hiệu lực mới xét xử sơ thẩm thì áp dụng Luật Tố tụng Hành chính để giải quyết,

b] Đối với những vụ án hành chính đã được Tòa án xét xử sơ thẩm trước ngày Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực mà có kháng cáo kháng nghị, nhưng kể từ ngày Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực mới xét xử phúc thẩm thì áp dụng Luật Tố tụng Hành chính để giải quyết;

c] Đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà bị kháng nghị giám đốc thấm, tái thẩm trước ngày Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực nhưng kể từ ngày Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực mới xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng Luật Tố tụng Hành chính để giải quyết;

d] Đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có đơn đề nghị giám đốc thẩm tái thẩm trong thời gian kể từ ngày Luật Tố tụng Hành chính được công bố cho đến ngày Luật này có hiệu lực mà chưa có kháng nghị của người có thẩm quyền, thì việc kháng nghị được thực hiện theo Luật Tố tụng Hành chính;

đ] Đối với những vụ án hành chính đã được Toà án xét xử và bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực mà kể từ ngày Luật này có hiệu lực mới kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì căn cứ để thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

3. Đối với các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực, nhưng đến ngày Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực vẫn chưa được thi hành hoặc chưa thi hành xong thì được thi hành theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính".

Tại Điều 3 Nghị quyết 56/2010 quy định việc áp dụng Luật Tố tụng Hành chính để hồi tố giải quyết những trường hợp khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai mà trước đây Tòa án không thụ lý giải quyết theo quy định tại Điều 136 và Điều 138 của Luật Đất đai năm 2003, cụ thế là:

Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực, người khiếu nại đã thực hiện việc khiếu nại quyết định hành chính, hành ví hành chính về quản lý đất đai đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 01 tháng 6 năm 2006 đến ngày Luật này có hiệu lực, nếu khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính".

Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang cùng các ngành xây đựng Nghị quyết để hướng dẫn quy định tại Điều 3 Nghị quyết 56/2010 nêu trên.

Ngày 15/2/2011 Viện trưởng VKSTC đã ban hành Chỉ thị số 03/2011/CT - VKSTC "Về việc triển khai thi hành Luật TTHC trong ngành KSND".

Trên đây là một số nội dung cơ băn của Luật TTHC vừa được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam - Khóa XII, kì họp thứ 8 thông qua. Luật TTHC thay thế Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 [sửa đổi bổ sung năm 1998, 2006] là sự hoàn thiện pháp luật về mặt lập pháp. Nó đóng vai trò quan trọng trong đời sống pháp luật hành chính, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc giải quyết các khiếu kiện hành chính đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp. Luật TTHC cũng đồng thời là công cụ sắc bén để cá nhân, cơ quan tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình chống lại sự xâm phạm từ phía công quyền. Với ý nghĩa như vậy, việc đưa Luật TTHC vào cuộc sống, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Quốc Hội và mọi người dân là rất cần thiết. Để làm được điều đó các cơ quan có thẩm quyền cần phải có những hướng dẫn đầy đủ, kịp thời; các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần phải tích cực tuyên truyền, phổ biến; và mọi tầng lớp nhân dân cần phải chủ động tìm hiểu các quy định của pháp Luật TTHC .

In bài viết
Ý kiến bạn đọc
Tham gia ý kiến về bài viết trên
Họ tên
Email
Tiêu đề
Ý kiến của bạn:
Mã xác nhận: Gửi

Video liên quan

Chủ Đề