Mùa đông năm nào mình gặp nhau giữa hà nội năm 2024

Đó là một mùa đông Hà Nội rất khác. Năm đó Hà Nội rét và tôi thì ngây thơ chỉ mang theo những chiếc áo mỏng manh.

Hà Nội lần đầu tiên

Tôi đã tới Hà Nội những lần trước thường vào mùa xuân hoặc mùa hạ, khi đó Hà Nội khác với những ngày đông. Tôi cũng đã một mình đi dạo khắp các con đường đến mỏi cả chân, sau đó lại kêu một anh xe thồ chở về lại chốn cũ. Tôi nhớ lần đầu tiên ra Hà Nội bằng xe lửa vào năm 1995, đó là một cuộc hành trình cực kỳ thú vị và nao nức. Lần đó tôi đoạt giải viết cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức, được bố trí ở một khách sạn gần hồ Thiền Quang, và tôi bắt gặp những cây hoa sữa cao thật cao trên đường Quang Trung, đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy cây hoa sữa [khi ấy cây hoa sữa chưa được trồng nhiều trong các tỉnh miền Nam].

Hà Nội những ngày đầu tìm tới của tôi vô cùng lạ lẫm, để rồi tình cờ gặp một anh chàng sinh viên đang đi xe đạp chơi trong hồ Bảy Mẫu, anh tình nguyện chở tôi đi ăn phở ở cái hè phố rất nhỏ, khách phải ngồi nép vào vì còn xe ra vô. Đó cũng là lần đầu tôi biết rằng ở các quán như thế, không có bình nước uống đi kèm, mà ăn xong phải qua hàng nước bên cạnh để uống. Và cũng lần đầu tiên đó, tôi thuê hẳn một anh xe ôm cũng là sinh viên, chở tôi đi cùng cả ngày, ăn cùng tôi để cùng đi tới con đường gì đó ở ven hồ Tây chỉ để tận mắt ngắm cây “cơm nguội vàng” ám ảnh tôi trong nhạc Trịnh Công Sơn. Cũng là lần đầu tiên tôi ăn kem Tràng Tiền và thú vị ăn bánh tôm hồ Tây, đi tận một làng hoa tôi không nhớ tên ven sông Hồng để xem người dân trồng hoa. Chuyến đi đầu tiên như thế là đã thỏa lòng.

Những lần khác tôi khám phá Hà Nội như lần bắt gặp, lần tận thấy với bao điều thú vị. Là cùng ngồi bên hàng bán chè [trà] kêu một ly nóng, thêm vài viên kẹo đậu phộng, nói giọng miền Nam và luôn được hỏi: “Bác ở trong Nam là tỉnh nào?”. Tôi theo chân những gánh hàng hoa, mà những người bán hoa thường đi xe đạp, thường dừng lại ở một gốc cây xà cừ cổ thụ. Những gánh hàng hoa là nét đẹp rất đặc trưng Hà Nội..., rồi đi đền Trấn Quốc, chùa Một Cột... và đi lên Đông Anh, tới làng Cổ Loa, vào am Mỵ Châu, tận mắt thấy tảng đá tượng trưng cho Mỵ Châu phủ vải màu, trong một gian nhà bị khóa giống như đang nhốt...

Một mùa đông rất khác

Nhưng có những ngày đông rất lạnh. Cái lạnh của Hà Nội như thấm vào tận trong da thịt. Đó cũng là những ngày đầu tiên của một năm dương lịch.

Đó là một mùa đông Hà Nội rất khác, một mùa đông ở lại trong tôi ấn tượng không thể nào quên được. Năm đó Hà Nội rét và tôi thì ngây thơ chỉ mang theo những chiếc áo mỏng manh. Hà Nội rét, tôi ở một khách sạn đường Cầu Đất, trước khách sạn bà bán hàng nước để một bếp than hồng cho sưởi ấm. Khi đó, tôi gọi cho Thủy, cô bạn dân Hà Nội, có một thời gian làm việc ở Nha Trang. Gọi chỉ là gọi vậy thôi, nhưng Thủy hẹn buổi tối ghé chỗ tôi.

Buổi tối mùa đông Hà Nội mọi người che kín mình, che cả mặt với những chiếc mũ lông, che đôi bàn tay bằng găng tay, và những chiếc áo dạ dày mới chống đỡ cái lạnh ở đây. Thủy tới đúng giờ, và điều bất ngờ là Thủy mang cho tôi một chiếc áo khoác rất dày, có cả mũ để che đầu. Thủy bảo: “Em biết anh sẽ không có áo lạnh mà, nên em ghé mua đem tới tặng anh”.

Hôm đó, tôi “bày đặt” bảo Thủy để tôi lái xe, nhưng lái được một tí thì tay tôi lạnh, không thể nào đi được nữa. Thế là tôi phải nhường cho Thủy lái. Và chỗ Thủy đưa tôi đến quả thật là thú vị, một quán ốc nóng. Trong cái lạnh đông về ấy, hai đứa tôi ngồi ở góc quán nhỏ. Một lò lửa than cháy rực, bên trên là nồi ốc bắc lên, rất nóng. Ăn những con ốc nóng, sưởi lửa than cùng cô gái Hà Nội như thể là đủ ấm cả mùa đông.

Một thành phố ta đi qua, có khi quên, có khi nhớ. Rồi lục trong ký ức, những điều đẹp đẽ trở lại như thể mới vừa hôm qua. Chiếc áo Thủy tặng vẫn còn, chỉ thỉnh thoảng đi Đà Lạt tôi mang theo mặc. Chiếc áo của mùa đông Hà Nội.

Có đôi khi, trong cuộc đời, thứ bạn sợ cũng đồng thời là thứ bạn nhớ nhung nhiều nhất. Cái lạnh của mùa đông Hà Nội là một điều giống như thế…

Ở trong mùa đông Hà Nội bao giờ cũng làm cho tâm trí dày thêm những hoài niệm. [Ảnh: HN]

Gần như 10 mùa đông qua tôi đều ở Hà Nội trong cái hẹn cuối năm. Phần vì đó là công việc của một người ra sách vào mùa Giáng Sinh muốn được gặp gỡ những độc giả thương quý mình, phần khác là để cho bản thân một khoảng lặng cần thiết trước khi năm cũ từ biệt.

Trong một đêm tối mùa đông nào đó, chân trên hè phố và mắt vô tình ngước nhìn tán lá bàng dưới bóng đèn đường vàng vọt, dập dờn in lên mái ngói rêu phong của một căn nhà trên phố, tôi nghĩ mình đã hóa thành tượng đá. Cái lạnh se sắt trong không gian cùng với khung cảnh hoài cổ ấy, khiến cho tim tôi thật sự muốn ngừng đập. Khoảnh khắc ấy giúp tôi nhận ra mình đang hạnh phúc trong sự cô độc! Trong đời sống này, có những thứ vốn dĩ cứ được bày biện ra như thế bất chấp bạn có nhận ra sự tồn tại của nó hay không. Mùa đông thì lạnh, tim người thì ấm. Khoảng cách giữa mùa đông và tim người là sát cạnh bên hay xa dịu vợi là tùy vào cách bạn chọn trong nhận thức.

Một lần khác, tôi ngồi cùng những người bạn của mình dưới một gầm cầu sắt cũ để ăn những bát phở đậm hương vị Hà Nội xưa. Cái vị mặn hơn bình thường của thứ nước phở ấy trong buổi sớm mù sương, bỗng chốc lại hóa ngọt dịu như viên kẹo đầu ngày. Ở Sài Gòn hầu như tôi chẳng bao giờ ăn phở, nhưng ra Hà Nội thì món đầu tiên muốn ăn lại là phở. Mùa đông lạnh cùng nước phở nóng là hai thứ đi kèm với nhau không thể tuyệt hảo hơn. Tôi ăn từ phở gà cho đến phở tái, phở lõi bò… Ăn từ phở Thìn ở phố Lò Đúc danh tiếng cho đến vỉa hè không tên. Phở càng nóng, càng cay thì lại càng ghiền.

Tôi thích lạnh nhưng lạnh buốt thì rất sợ. Lần nào ra với mùa đông Hà Nội thì môi đều khô nức nẻ. Có khi quên mất bôi son dưỡng làm cho môi khô đến rách chảy máu. Lần nào chạm tay vào cũng thấy đau, thế nhưng chân chẳng bao giờ muốn ở yên trong căn phòng cho ấm áp.

Ở trong mùa đông Hà Nội bao giờ cũng làm cho tâm trí dày thêm những hoài niệm. Thậm chí chỉ là động tác khuấy ly cà phê trứng dưới một mái hiên nhỏ cũng rất chậm chạp và từ tốn. Vừa khuấy vừa nhớ cũng thời gian này mình đã ngồi cùng với ai, vừa khuấy vừa nghĩ về một niềm thương vẫn còn đâu đó, cũng có khi vừa khuấy vừa cười nói mà lòng thì đầy mênh mang những khúc mắc…

Mùa đông lạnh nên những cái ôm, những cái nắm tay dù chỉ mới vừa quen hay đã biết nhau từ rất lâu trước đó đều quý giá. Nhận ra dường như trời càng trở lạnh thì lòng người lại càng tha thiết sống, tha biết bày tỏ yêu thương… Phút chốc gặp nhau thì đều muốn gắn bó…

Hà Nội, một ngày mùa đông. [Ảnh: Phi Hùng]

Làm một người viết, một người sáng tạo câu chữ… đôi lúc phải mang vác trên vai những muộn phiền của đời sống như một phần không thể thiếu. Thế nên nhiều lần nhìn thấu trong ánh mắt của những người đọc, khi gặp gỡ nhau trong mùa đông, không thể tránh khỏi cảm giác để lòng mình nặng trĩu.

Vì đâu phải ai cũng đủ bản lĩnh để trò chuyện với nỗi niềm cô đơn của mình như một người bạn!

Mùa đông Hà Nội có những mùa rất lạnh nhưng cũng có những mùa chỉ đủ chút xuýt xoa ở đầu môi. Que kem Trang Tiền trong một tối lang thang vô định như góp thêm vào chút tiếc nhớ cái lạnh xưa cũ. Thì ra bản năng con người là một thứ vô cùng kỳ lạ. Cái gì nhiều quá thì lại sợ, rồi đến khi ít đi lại nhớ đến ngày từng rất nhiều dư thừa kia.

Tôi sẽ còn gặp gỡ mùa đông Hà Nội nhiều lần nữa. Không chỉ vì thèm những bát phở, cốc café trứng, tô bún chả, xiên nem nướng, lẩu riêu cua… Mà trên hết còn vì thấy mình đã đủ bao dung với những ý nghĩ không thể bày tỏ cùng với ai trong rét buốt.

Mùa đông, ai chẳng muốn khoác tay ai đó để cùng bước đi trên phố giữa những ồn ào và tất bật. Nhưng giả sử, chẳng có một ai để đi cùng, thì vẫn có thể lặng lẽ ngắm nhìn mình giữa xôn xao ấy. Thứ cảm xúc đó quả thật rất đặc biệt nhất là vào thời khắc tiễn đưa những ngày cuối cùng của năm cũ.

Đời người, há chẳng phải cuối cùng là được mong cầu mình tự do như một dòng chảy, để vượt thoát ra khỏi những tị hiềm bình thường của đời sống.

Và, mùa đông Hà Nội, có những thương nhớ như những thử thách, để mình không sợ mình chỉ còn lại một mình dù đường vẫn còn xa tít tắp!

Chủ Đề