Nghị định lương tối thiểu 2023

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường - Ảnh: PHẠM THẮNG

Tổng hợp ý kiến từ 19 tổ thảo luận về ngân sách, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết nhiều ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở [từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng] và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.

Một số ý kiến nhận thấy Chính phủ trình Quốc hội tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu [tăng khoảng 20%], thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2023, như vậy từ lúc tăng lương từ tháng 7-2019 đến tháng 7-2023 là 4 năm.

Điều này dẫn đến người hưởng lương từ ngân sách nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành giáo dục, ngành y tế, cán bộ, công chức kể cả cấp xã.

"Do vậy hiện nay mong muốn của người hưởng lương là kiến nghị Chính phủ cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương cơ sở sớm hơn, từ ngày 1-1-2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương", theo tổng hợp của tổng thư ký Quốc hội từ 11 ý kiến của đại biểu.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần lưu ý việc điều chỉnh tăng trợ cấp cho người có công cần bảo đảm cao hơn chuẩn nghèo đô thị.

Có ý kiến cho rằng việc thực hiện tăng lương cơ sở năm 2023 là cần thiết, nhưng cũng cần điều chỉnh trợ cấp bảo trợ xã hội ở mức cao hơn.

Mức hỗ trợ [360.000 đồng/người/tháng] còn khá thấp so với mức chuẩn nghèo ở thành thị và nông thôn và cũng điều chỉnh từ ngày 1-7-2023 để bảo đảm tính thống nhất .

Có ý kiến nhất trí tăng lương tối thiểu, tuy nhiên đề nghị không tăng đồng đều, chỉ tăng cho bộ phận lương thấp, đồng thời phải có đánh giá lại mức sống cơ bản, mức sống tối thiểu theo vùng miền, khu vực.

Đồng thời đề nghị xem xét không tăng lương cơ sở đối với những đơn vị, địa phương có cơ chế đặc thù.

Cũng theo tổng hợp của tổng thư ký Quốc hội, có ý kiến đề nghị tăng phụ cấp của cán bộ không chuyên trách cấp xã do mức hỗ trợ hiện tại chưa tạo được sự động viên.

Đại biểu còn đề nghị làm rõ các cơ quan thanh tra nhà nước có được điều chỉnh tăng lương cơ sở hay không.

Một số vị cho rằng cần xác định thời gian cụ thể thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2024 trong nghị quyết của Quốc hội, tránh tình trạng trì hoãn, kéo dài việc thực hiện nghị quyết của trung ương.

Có ý kiến cho rằng trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương theo quy định tại nghị quyết 27 của trung ương, cần có quy định cụ thể trong việc quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng, bảo đảm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực này.

Trước đó Chính phủ đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023, nhưng từ ngày 1-7-2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng [khoảng 20,8%]; tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách đảm bảo khoảng 12,5%.

Hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

Từ ngày 1-1-2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Chính phủ đề xuất dành 12.500 tỉ đồng để tăng lương từ 1-7-2023. 

Trước đó, thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Quốc Tuấn [đoàn Trà Vinh] và nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần đề xuất sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, có thể áp dụng ngay từ 1-1-2023.

Việc này nhằm kịp thời hỗ trợ giảm khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh giá cả các mặt hàng tăng.

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội dành cả ngày hôm nay, 27-10 để thảo luận về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 [trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý].

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp sáng 27-10. Ảnh: Trọng Hải

Một trong những nội dung được Quốc hội thảo luận tại phiên họp là việc Chính phủ trình phương án tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do Ngân sách Nhà nước chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội; điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Đây là mức tăng lương cao nhất từ trước đến nay nhằm bảo đảm giữ chân nguồn nhân lực trong khu vực công, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận sáng 27-10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với đề xuất này của Chính phủ, đề nghị Chính phủ xem xét việc tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng [Đoàn Hà Nam] đề nghị Chính phủ thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, song cũng cần xem xét và cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương để góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương.

Cùng với việc nâng lương cơ sở, theo đại biểu Phạm Hùng Thắng, cũng cần sớm điều chỉnh mức trợ giúp xã hội [hiện nay đang là 360 nghìn đồng/tháng] bởi đây là mức tiền rất thấp đối với các đối tượng được trợ giúp.

Đại biểu Thái Thu Xương [Đoàn Hậu Giang] đề xuất tăng lương cơ sở từ ngày 1-1-2023. Ảnh: VPQH

Cùng mối quan tâm, đại biểu Thái Thu Xương [Đoàn Hậu Giang] đề xuất tăng lương cơ sở từ ngày 1-1-2023.

Đại biểu Thái Thu Xương cho biết, thời gian gần đây, nhất là khi lương tối thiểu vùng được Chính phủ trình phương án tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, sách giáo khoa, xăng dầu, viện phí, học phí… tăng liên tục.

Trong khi đó, tiền lương thực tế của cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2019 đến nay chưa tăng. Lương tối thiểu vùng của người lao động cũng tăng không cao, chỉ 6% - thấp hơn nhiều so với số chỉ số trượt giá và tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP.

“Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đặc biệt nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương, gây tâm lý đối với nhóm đối tượng này”, đại biểu nói.

Theo nữ đại biểu, cử tri và cán bộ, công chức, viên chức rất vui mừng khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội việc tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt.

“Theo ý kiến của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức đề xuất Chính phủ tăng lương từ ngày 1-1-2023 vì theo phương án trình của Chính phủ là tăng lương từ ngày 1-7-2023, nếu tính khoảng cách giữa hai lần tăng lương là 4 năm”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, Chính phủ cần kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng; lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng. Nếu như vậy thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn.

Cùng với đó, đại biểu tỉnh Hậu Giang kiến nghị nghiên cứu, xem xét sửa đổi Nghị định 56 ngày 4-7-2011 của Chính phủ về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập; trong đó nâng mức lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% tăng lên mức 100%.

Đồng thời, xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng là bác sĩ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực ngành y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Cập nhật ngày 27/10/2022

Chủ Đề