Nghiên cứu đánh giá là gì

Nghiên cứu bao gồm "hoạt động sáng tạo được thực hiện một cách có hệ thống nhằm làm giàu tri thức, bao gồm tri thức về con người, văn hóa và xã hội, và sử dụng vốn tri thức này để tạo ra những ứng dụng mới."[1] Hoạt động nghiên cứu được dùng để thiết lập hay xác nhận các dữ kiện, tái xác nhận kết quả của công trình trước đó, giải quyết những vấn đề mới hay đang tồn tại, chứng minh các định lý, hay phát triển những lý thuyết mới. Mục đích chính yếu của nghiên cứu cơ bản [khác với nghiên cứu ứng dụng] là thu thập dữ kiện, phát kiến, diễn giải, hay nghiên cứu và phát triển những phương pháp và hệ thống vì mục tiêu thúc đẩy sự phát triển tri thức nhân loại. Các hình thức nghiên cứu bao gồm: khoa học, nhân văn, nghệ thuật, kinh tế, xã hội, kinh doanh, thị trường... Cách tiếp cận nghiên cứu trong những lĩnh vực khác nhau có thể rất khác nhau.

Nghiên cứu khoa học cơ bản đang được tiến hành tại Phòng thí nghiệm Kính viễn vọng điện tử.

Thông thường người ta chia ra ba dạng nghiên cứu:

  • Nghiên cứu khảo sát [Exploratory research], giúp xác định câu hỏi hoặc vấn đề nghiên cứu. Ví dụ: lắp kính thiên văn mới để thám hiểm không gian, nghiên cứu chung về thực trạng béo phì tại Việt Nam để đưa ra câu hỏi nghiên cứu "ăn gạo nhiều có gây béo phì không?".
  • Nghiên cứu xây dựng [Constructive research], đưa ra các lý thuyết, kiểm định lý thuyết để nhằm giải thích câu hỏi nghiên cứu. Ví dụ: áp dụng lý thuyết Tân cổ điển giải thích tại sao tăng cung tiền lại dẫn tới lạm phát.
  • Nghiên cứu thực nghiệm: kiểm định lời giải mà mô hình lý thuyết đã giải, xem có đúng trong thực tế không, sử dụng các bằng chứng thực tế. Ví dụ: lý thuyết nói tăng cung tiền thì dẫn tới lạm phát, chúng ta kiểm định lại bằng cách thu thập dữ liệu các lần tăng cung tiền từ trước tới giờ của Mỹ, dùng kinh tế lượng và thống kê học để khẳng định lại giả thuyết: "tăng cung tiền sẽ dẫn tới lạm phát". Câu trả lời có thể khẳng định lý thuyết đúng, nhưng cũng có thể phủ định lý thuyết.

Còn có thể chia phương pháp nghiên cứu thành:

  • Sử dụng dữ liệu sơ cấp [primary research]: lục tìm các tài liệu, dữ liệu gốc chưa có ai xử lý hoặc tổng hợp chúng. Ví dụ: nghiên cứu các tài liệu Hán Nôm để phát hiện các sự kiện lịch sử.
  • Sử dụng dữ liệu thứ cấp [secondary research]: sử dụng lại các dữ liệu đã được tổng hợp biên soạn lại. Ví dụ: dùng các dữ liệu của Tổng cục Thống kê đã đăng tải [các dữ liệu đã được TCTK thu thập từ nguồn sơ cấp và tổng hợp thành các bảng biểu] để kiểm định giả thuyết: Dự án xóa đói giảm nghèo đã phát huy hiệu quả, hay: tác động của chính sách kế hoạch hóa gia đình là đáng kể.

Có thể chia phương pháp nghiên cứu thành:

  • Nghiên cứu định tính [qualitative research]: nghiên cứu mang tính mô tả nhiều hơn, chủ yếu về nghiên cứu ứng xử con người, ví dụ trong xã hội học, không có nhiều con số thống kê.
  • Nghiên cứu định lượng [quantitative research]: nghiên cứu sử dụng nhiều số liệu thống kê, chạy các mô hình kinh tế lượng [econometrics] để đánh giá tương quan giữa các biến số. Cũng bao gồm các nghiên cứu thí nghiệm [lặp đi lặp lại nhiều lần một thí nghiệm để khẳng định giả thuyết sử dụng quy luật số lớn], điều tra survey diện rộng.

Quá trình nghiên cứuSửa đổi

Phòng nghiên cứu tại Thư viện Công cộng New York, một ví dụ về nghiên cứu thứ cấp.

Để nghiên cứu đạt được kết quả đúng đắn, đáng tin cậy, nghiên cứu cần được thực hiện theo một quy trình khoa học. Tất nhiên số bước trong quy trình có thể phụ thuộc vào lĩnh vực khoa học và trình độ cũng như kinh nghiệm của nhà nghiên cứu. Tuy vậy, quy trình bao giờ cũng bao gồm các bước sau:

  • Quan sát và định hình: từ các quan sát ban đầu để phán đoán liệu có mối quan hệ giữa các nhân tố hay không, hoặc đọc các tài liệu để xem đã có ai trước đó đã nghiên cứu về vấn đề này hay chưa, họ còn chưa giải quyết được vấn đề gì. Cũng cần đọc kỹ người ta đã làm gì để tránh lặp lại nghiên cứu đã từng làm từ trước. Đồng thời đánh giá ban đầu nghiên cứu mình định làm có quan trọng hay không, có đóng góp gì hay không, có nên làm không, có khả thi không.
  • Nêu giả thuyết [Hypothesis]: đưa ra một phán đoán về quan hệ giữa hai hay nhiều biến số. Ví dụ: phán đoán rằng ăn nhiều đường sẽ sâu răng [2 biến số ở đây là lượng đường ăn một ngày và chất lượng của răng].
  • Định nghĩa: mô tả chi tiết các khái niệm biến số, gắn với các khái niệm khác hiện có. Tìm và mô tả biến số đó sẽ được đo, đánh giá thế nào. Ví dụ: làm sao đo được lượng đường ăn một ngày của một người trung bình [phải định nghĩa thế nào là người trung bình, hoặc sẽ phải đo ở nhiều nhóm người khác nhau: già trẻ, gái trai, dân tộc, vùng miền].
  • Thu thập dữ liệu: bao gồm xác định tổng thể và mẫu mình sẽ lấy ở tổng thể đó. Ví dụ: tổng thể ở đây là người Việt Nam, mẫu lấy sẽ là 100 ngưởi ở Hà Nội, 100 ở Sài Gòn. Thu thập thông tin sử dụng các công cụ nghiên cứu [ví dụ: bảng hỏi, phỏng vấn nhóm]. Các công cụ phải tốt, chính xác, tin cậy nếu không nghiên cứu sẽ đưa ra kết luận sai lầm.
  • Phân tích dữ liệu: tổng hợp dữ liệu, làm sạch, chia thành các nhóm khác nhau để rút ra kết luận. Ví dụ: tập hợp dữ liệu của 1000 lần quan sát tiêm thuốc lên chuột, chia các lần quan sát đó theo thời gian, theo cân nặng của chuột, theo giới tính, sức khỏe của chuột để rút ra kết luận liệu thuốc có tác dụng hay không, tác dụng lên nhóm chuột nào.
  • Diễn giải dữ liệu: diễn giải thông qua bảng, hình ảnh, và sau đó mô tả bằng văn viết.
  • Kiểm tra, sửa lại giải thuyết: sau các bước trên, có thể khẳng định giả thuyết là đúng, sai, hay cần sửa để rõ hơn.
  • Kết luận, hướng nghiên cứu sau nếu cần.

Nhà nghiên cứu lâu năm, hoặc đứng đầu ngành, có thể làm bước 1 và 2 rất nhanh. Trong khi các nhà nghiên cứu trẻ cần phải làm bước 1 và 2 rất cẩn thận do họ chưa có hiểu biết nhiều về lĩnh vực định nghiên cứu.

Công bốSửa đổi

Nghiên cứu khoa học thực thụ cần phải được công bố kết quả. Trước hết, nghiên cứu thường được tài trợ, vì vậy theo yêu cầu kết quả phải được công bố. Công bố cũng chứng tỏ mình là người đầu tiên nghiên cứu vấn đề này, coi như khẳng định bản quyền. Công bố cũng là thước đo để xác định nhà nghiên cứu có thực sự nghiên cứu hay không, có đáng được nhận lương hay không. Ở các nước, số bài công bố là thước đo đánh giá lên chức, về năng lực nghiên cứu của cá nhân và của cơ quan nghiên cứu, của trường đại học. Các trường danh tiếng trên thế giới đều là nơi có nhiều nghiên cứu được công bố trên các tạp chí nghiên cứu [tất nhiên là danh giá nhất].

Các nghiên cứu trước khi được công bố chính thức đều phải được bình duyệt. Các nhà nghiên cứu độc lập khác sẽ thẩm định đánh giá lại xem nghiên cứu đúng, đáng tin cậy hay không.

Xem thêm: Bình duyệt

Phương pháp nghiên cứu cho sinh viênSửa đổi

Khác với nghiên cứu ở mức cao của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, sinh viên [đại học và cao học] cũng phải tiến hành các nghiên cứu, dưới dạng các tiểu luận hoặc luận văn cuối khóa. Quy trình nghiên cứu khi đó hơi khác hơn so với quy trình nghiên cứu chính quy.

Quy trình dựa rất nhiều vào việc tìm tại liệu trong thư viện hoặc thư viện điện tử. Quy trình bao gồm

  • Xác định vấn đề: đảm bảo hiểu được yêu cầu của nghiên cứu [hoặc đề bài tiểu luận], đọc các Từ điển, sách để hiểu được tổng quan chủ đề
  • Lập kế hoạch: Xây dựng chiến lược từng bước phải làm gì. Bước đầu tiên phải tìm được danh sách tài liệu cần đọc [reading list].
  • Tìm tài liệu: Tra trên thư viện và mượn các tài liệu. Tra cơ sở dữ liệu. Tập hợp và tóm tắt. Nhớ ghi lại nguồn lấy từ đâu để làm chú thích sau này.
  • Phân tích dữ liệu tìm được: đưa ra các kết luận từ dữ liệu
  • Viết báo cáo
  • Viết chú thích [nguồn các ý trong bài từ tài liệu nào]
  • Kiểm tra đạo văn [nếu cần]: nhiều trường trên thế giới cấm sinh viên copy y nguyên các câu trong các tài liệu đã công bố [ví dụ: từ tạp chí, sách]. Sinh viên muốn sử dụng phải viết lại các câu theo ý của mình.

Xem thêmSửa đổi

  • Phương pháp khoa học

Tham khảoSửa đổi

  1. ^ OECD [2002] Frascati Manual: proposed standard practice for surveys on research and experimental development, 6th edition. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2012 from www.oecd.org/sti/frascatimanual.
  2. ^ Shuttleworth, Martyn [2008]. Definition of Research. Explorable. Explorable.com. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2011.
  3. ^ Creswell, J. W. [2008]. Educational Research: Planning, conducting, and evaluating quantitative and qualitative research [3rd ed.]. Upper Saddle River: Pearson.
  4. ^ Unattributed. "Research" in 'Dictionary' tab. Merriam Webster [m-w.com]. Encyclopædia Britannica. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2011.
  5. ^ J. Scott Armstrong and Tad Sperry [1994]. Business School Prestige: Research versus Teaching [PDF]. Energy & Environment. 18 [2]: 1343. Bản gốc [PDF] lưu trữ ngày 20 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2014.

Liên kết ngoàiSửa đổi

Video liên quan

Chủ Đề