Nhà kiệt là gì

Đường rộng từ 5,5m trở lên, tất cả đều gắn bảng tên đường. Hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng đầy đủ, nhà nhà cùng sống “mặt tiền”... Không quá khi gọi phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là phường duy nhất cả nước không có kiệt, hẻm.

Hết "ốc đảo", "lụy đò"

Xe tôi bon bon qua hàng loạt con đường Văn Tiến Dũng, Đô Đốc Tuyết, Hoàng Sâm, hay Lỗ Giáng 1, 2, 3… to rộng, phẳng phiu. Hai bên đường cây xanh mát mắt, những ngôi nhà cao tầng san sát. Phường nằm phía Tây Nam thành phố, không cách xa trung tâm, đang báo hiệu sự sầm uất.

Vợ chồng ông Lộc, bà Phượng (tổ 56, phường Hòa Xuân) tất bật buôn bán bên tuyến đường Văn Tiến Dũng phấn khởi chia sẻ, cuộc sống của người dân “ốc đảo” khi xưa sống dựa chủ yếu vào một vụ lúa và chăn nuôi lợn, gà… nhưng đó là vùng thấp trũng nên cứ thấp thỏm mỗi khi mưa lớn, lũ bất thường. Trời chỉ mưa một, hai ngày là bó gối không đi đâu được.

“Mấy năm trước khi thành phố có chủ trương di dời giải tỏa, ai cũng mừng vì không còn phải chịu cảnh sống chung với lũ, nhưng cũng lo không còn ruộng vườn lấy gì để sống… Cả phường bấy giờ chỉ toàn nhà cấp 4, con đường rộng nhất cũng chỉ 3m… nên cuộc sống rất khó khăn, chứ làm gì có nước sạch, đường rộng thênh thang, nhà nào cũng được sống ở mặt tiền, rồi nhà cửa khang trang, nhà hai ba tầng mọc lên ngày càng nhiều, đông người qua lại để bán buôn như bây giờ”, ông Lộc tâm sự.

Vợ chồng chị Huỳnh Thị Ngọc Hương và anh Nguyễn Trường (tổ 69) là một trong những hộ dân đi đầu thực hiện chủ trương di dời giải tỏa cũng rất phấn khởi trước sự đổi thay mà “nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ tới”. Chị Hương cho biết, nhờ có chủ trương giải tỏa vợ chồng chị mới có cơ ngơi khang trang như ngày hôm nay. “Tôi hay đau ốm, sau khi được đền bù giải tỏa, vợ chồng tôi đã xây dựng căn nhà hai tầng khang trang và mở quầy bán hàng tạp hóa nên cũng đỡ vất vả. Nếu cứ bám vào mấy sào ruộng cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc chứ làm gì có điều kiện như bây giờ”, chị Hương kể.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, từ trung tâm TP Đà Nẵng qua “ốc đảo” Hòa Xuân, chúng tôi phải đến bến đò Xu, nếu không muốn phải đi đường vòng qua cầu Cẩm Lệ xa hơn rất nhiều. Chỉ sau mấy năm thực hiện di dời dân “ốc đảo” lên khỏi khu vực thấp trũng cũ chừng 1km để thực hiện chủ trương chỉnh trang, mở rộng đô thị Đà Nẵng về phía Nam, cuộc sống của người dân “ốc đảo” Hòa Xuân đã thay đổi hoàn toàn. Dân Hòa Xuân thực sự “lên phố”.

Bến đò Xu năm xưa đã được thay thế bằng cây cầu Hòa Xuân bề thế. Rồi cầu Nguyễn Tri Phương cùng tuyến đường vành đai phía Nam TP Đà Nẵng, cầu Khuê Đông, cầu Trung Lương… lần lượt “mọc” lên giúp Hòa Xuân gần lại với trung tâm TP Đà Nẵng và các quận khác. Vùng đất trũng mà người dân “ốc đảo” nhường lại cũng được san lấp mặt bằng thực hiện các dự án.

“Nơi ở cũ vất vả lam lũ, cuộc sống cứ bấp bênh, lại phải lo chạy lụt, mất mùa. Khi giải tỏa, gia đình được đền bù ba lô đất cùng một khoản tiền kha khá. Một lô đất xây nhà, một lô chia cho các anh chị em và dành một lô để xây nhà cho thuê. Đến nơi ở mới nhà cửa khang trang, đường sá đi lại thuận tiện, mọi sinh hoạt đều tốt hơn trước rất nhiều”, ông Trần Danh (tổ 68) chia sẻ.

Phường "mặt tiền"

Phố phường Hòa Xuân ngày càng thay da đổi thịt, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh tại phường nh: Điện - đường - trường - trạm được đầu tư xây dựng khang trang. Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng đã đặt chân đến Hòa Xuân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Hòa Xuân từ một phường có cơ cấu kinh tế tỷ trọng nông nghiệp là chủ yếu nay đã chuyển sang thương mại - dịch vụ - du lịch.

Trong số khoảng gần 500 tuyến đường trên địa bàn, đã thảm nhựa được trên 50%. Hiện, 50% đã có biển tên đường, còn lại do chưa khớp nối, hay có những đoạn chưa được thảm nhựa hoàn thiện, chưa lát vỉa hè nên việc gắn tên đường cũng chậm hơn. Chính quyền, ngành chức năng đang nỗ lực hoàn thiện các hạng mục còn lại. Đồng thời giải quyết khó khăn, vấn đề phát sinh, đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường trong quá trình san lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng các dự án… 

Ông Trần Thái Hoa, cán bộ Giao thông - Thủy lợi phường Hòa Xuân cho biết, thực hiện chủ trương giải tỏa “trắng” nên hạ tầng giao thông tại Hòa Xuân được quy hoạch và thiết kế xây dựng theo “ô bàn cờ”. Tất cả các tuyến đường đều rộng từ 5,5m trở lên, nhà nào cũng được sống ở mặt tiền, thậm chí nhiều nhà hai, ba mặt tiền vì quay hướng nào đường hẹp nhất cũng 5,5m. Hòa Xuân còn là địa phương duy nhất ở Đà Nẵng có các khu phố nhà thờ tộc được quy hoạch tập trung về các tuyến đường phố riêng. 

“Cuộc sống của các hộ dân “hậu” di dời giải tỏa cũng đã ổn định và phát triển. Trên địa bàn phường hiện có khoảng gần 500 tuyến đường, trong đó các tuyến đường nhỏ nhất là 5,5m, rồi 7,5m, 10,5m và rộng nhất là 15m, hoàn toàn không có kiệt, hẻm, rất thuận lợi cho việc đi lại, kinh doanh buôn bán”, ông Hoa nói.

Từ vùng thấp trũng sau cuộc di dân, Hòa Xuân nay thành khu đô thị lớn, gắn liền với thương hiệu “phường duy nhất trong cả nước không có kiệt, hẻm”. “Trước đây đường nhiều xóm nhỏ, quanh co tìm được địa chỉ người nhận cho kịp thời gian phải chạy loanh quanh, dừng xe nhiều lần hỏi mỏi miệng, giờ chỗ nào cũng có tên đường, dễ tìm lắm”, anh Nguyễn Hữu Trường, một bưu tá chia sẻ.