Nhà máy xi măng công thanh thanh hóa

Tại thời điểm cuối năm 2022, Xi măng Công Thanh chưa thực hiện theo kế hoạch chi trả khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả với số tiền là 1.293 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Xi măng Công Thanh. Công ty có trụ sở chính tại Thôn Tam Sơn, Xã Tân Trường, Thị xã Nghi Sơn, Tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, Xi măng Công Thanh bị phạt tiền 85 triệu đồng do không công bố thông tin đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Cụ thể, doanh nghiệp này đã không gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với: Báo cáo tài chính (BCTC) bán niên 2022; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên 2022; Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2022.

Nhà máy xi măng công thanh thanh hóa

Nhà máy Xi măng Công Thanh

Trước đó, Xi măng Công Thanh đã công bố BCTC năm 2022 đã kiểm toán. Đáng chú ý, tại BCTC này, kiểm toán viên đã chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Có nhiều nguyên nhân khiến công ty kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về BCTC của Xi măng Công Thanh cho năm 2022.

Thứ nhất, năm 2022, Xi măng Công Thanh đã phát sinh khoản lỗ gần 1.182 tỷ đồng (ngày 31/12/2021 ghi nhận khoản lỗ hơn 881 tỷ đồng). Trong khi đó, doanh thuần đạt 1.596 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ lũy kế của đã vượt vốn chủ sở hữu là 5.180 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của doanh nghiệp này cũng đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 2.350 tỷ đồng.

Thứ hai, tại thời điểm cuối năm 2022, Xi măng Công Thanh chưa thực hiện theo kế hoạch chi trả khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả với số tiền là 1.293 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng chưa chi trả khoản vay ngắn hạn cho Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn-Hà Nội với số tiền là 288 tỷ đồng và tổng tiền lãi vay quá hạn là 316 tỷ đồng cho các ngân hàng này.

Đơn vị kiểm toán nhận mạnh: "Các dấu hiệu này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Phía kiểm toán cho biết, mặc dù Xi măng Công Thanh đã lập BCTC trên cơ sở doanh nghiệp hoạt động liên tục. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không thể cung cấp bằng chứng khả năng hoàn thành kế hoạch thanh toán do các ngân hàng đã đề ra.

Dựa theo các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán chưa thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp cho việc sử dụng giả định hoạt động liên tục để soạn lập BCTC này là phù hợp. Do đó, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về BCTC của Xi măng Công Thanh cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022.

Năm 2023, Xi măng Công Thanh lên kế hoạch sản lượng sản xuất 2,6 triệu tấn, tiêu thụ ở mức 2,1 triệu tấn, lần lượt tăng 27% và 51% so với năm ngoái. Theo đó, doanh thu dự kiến tăng 21% lên 1.926 tỷ đồng và lỗ sau thuế 796 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, CTCP Xi măng Công Thanh đã sử dụng khu vực biển khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển. Cụ thể, CTCP Xi măng Công Thanh đã đổ đất đắp đê bao quanh khu vực biển có diện tích khoảng 6,2 ha tại xã Hải Yến, thị xã Nghi Sơn khi không có quyết định giao khu vực biển của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Hành vi vi phạm được lập Biên bản ngày 22/8/2022 và xác minh làm rõ tại Biên bản kiểm tra ngày 27/10/2022 của liên ngành: Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh, UBND thị xã Nghi Sơn và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Theo đó, CTCP Xi măng Công Thanh bị xử phạt 210 triệu đồng, đồng thời buộc phải thực hiện các biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu của khu vực biển đã đổ đất đắp đê. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do CTCP Xi măng Công Thanh chi trả.

CTCP Xi măng Công Thanh (có trụ sở tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) do bà Nguyễn Thị Hoàng Thi làm người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc, ông Nguyễn Công Lý là Chủ tịch HĐQT. Tại thời điểm 31/12/2021, xi măng Công Thanh có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, trong đó, ông Nguyễn Công Lý nắm giữ 57,2% cổ phần, CTCP Tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai (10%), Financiere Lafarge (5%) và các cổ đông khác (27,8%).

Xi măng Công Thanh được biết đến là chủ nhà máy sản xuất xi măng công suất trên 6 triệu tấn/năm tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Tại địa phương này, Công ty cũng mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là bất động sản. Tuy vậy, nhiều dự án đang trong tình trạng "đắp chiếu" như: Dự án Khu du lịch Golden Coast Resort Hải Hòa tại phường Hải Hòa và phường Bình Minh, thị xã Nghi Sơn; Dự án Khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê tại phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa…