Những công hiến của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam trong thời gian 1930 1945

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trên lễ đài sáng 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu

Thứ nhất, Người ra đi tìm đường cứu nước và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Mỗi người chúng ta không thể nào quên giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước thì ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành [tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này] ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới, với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho nhân dân, cho đất nước. Nguyễn Tất Thành đã bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, đi qua nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã rút ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa. Người đã bắt gặp ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra con đường cứu nước.

Sau những năm tháng bôn ba, Nguyễn Ái Quốc đã xác định con đường cứu nước muốn thành công phải kết hợp phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế. Ngày 3-2-1930, thay mặt Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị tại Hồng Kông để hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 3-2-1930 mãi mãi là mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì thành lập.

Từ mốc son ấy, cả dân tộc đoàn kết, bền lòng phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng lập nên những kỳ tích vang dội trong 90 năm qua đã chứng minh: Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng với niềm tin của dân tộc và sự giao phó của lịch sử. Từ ngày 3-2-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vang dội. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lật đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp và triều đình phong kiến, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ kết thúc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Thứ ba, ngày 2-9-1969, Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta và để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc mang tầm tư tưởng và trí tuệ của thời đại. Thực hiện bản Di chúc bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 50 năm qua cách mạng Việt Nam đã không ngừng tiến lên giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.

Thực hiện Di chúc của Người: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân cả nước triệu người như một, phát huy sức mạnh cao độ của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 mà đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Đảng đã tập trung trí tuệ lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp cách mạng trên cả nước.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội theo mong muốn của Người, từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, trải qua 9 kỳ đại hội Đảng [từ Đại hội IV đến Đại hội XII], Đảng ta đã ngày càng xác định rõ hơn những quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo tiến hành sau gần 34 năm đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kinh tế kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành và phát triển.

Tổng sản phẩm trong nước [GDP] tăng trưởng cao so với khu vực và trên thế giới. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực. Dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được phát huy. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Thực hiện những điều căn dặn về xây dựng Đảng của Bác viết trong Di chúc, Đảng ta đã xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong mỗi giai đoạn cách mạng. Đảng ta luôn xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng nhằm tăng cường sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng đã được đặt ra trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng.

Trong đó tập trung các biện pháp về xây dựng Đảng, củng cố, kiện toàn và làm trong sạch bộ máy nhà nước, đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; khắc phục những yếu kém trong bộ máy các tổ chức Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, Đảng ta hết sức chú trọng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng đã xác định là giặc “nội xâm”.

Có thể nói, chưa bao giờ cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này được Đảng, Nhà nước tiến hành quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng như thời gian qua. Như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Cuộc đấu tranh này không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng nghỉ”.

Cùng với kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và trong toàn xã hội để chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành tư tưởng chính trị chủ đạo trong đời sống đất nước.

Từ những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng ta tin tưởng rằng, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản vô giá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam đạt được những kỳ tích vẻ vang hơn nữa để đưa dân tộc đi tới tương lai tươi sáng.

Nguồn: Báo HàNộimới

Admin Dukdh

NGUYỄN ÁI QUỐC - NGƯỜI SÁNG LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 

1. Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị các điều kiện cốt yếu cho sự ra đời của chính đảng cộng sản ở Việt Nam.

Với tư duy và tầm nhìn vượt thời đại, xuất phát từ lòng yêu nước chân chính, ngày 5-6-1911, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước nhằm cứu dân tộc khỏi cảnh “lầm than nô lệ”. Khác với những vĩ nhân đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cho mình một lối đi riêng, xâm nhập từ thực tiễn. Người đã đến những nước tư bản lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp…và nhận thấy rằng tư bản ở đâu cũng giống nhau, đằng sau ánh hào quang là sự đen tối; trên thế giới này chỉ có hai loại người là kẻ bóc lột và người bị bóc lột. Từ đó Người khẳng định cách mạng tư sản không đem lại điều mà Người ham muốn là độc lập dân tộc, tự do cho dân tộc và ấm no, hạnh phúc tự do cho nhân dân.

Tháng 11- 1917, Cách mạng tháng Mười Nga thành công, nhân loại bước vào thời đại mới, mở ra cơ hội cho các dân tộc đang bị đô hộ giành lại nền độc lập. Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Bản sơ thảo Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, sự bắt gặp của lý tưởng yêu nước với chất lý thời đại đã mở ra bước ngoặt lớn trong tư tưởng cứu nước của Người.  Từ đó Nguyễn Ái Quốc bắt đầu trở thành người chiến sĩ cộng sản đầu tiên và bắt tay vào chuẩn bị các điều kiện cốt yếu để nhanh chóng thành lập một chính đảng cộng sản ở Việt Nam.

Trước hết, Nguyễn Ái Quốc tích cực chuẩn bị về tư tưởng. Khi cách mạng tháng Mười Nga thành công tác động sâu sắc đến không khí chính trị thế giới, năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập Đảng Xã hội Pháp, chính đảng tiến bộ nhất lúc bấy giờ ở Pháp. Cũng năm đó, Người viết Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, gửi tới Hội nghị Vecsxai, tố cáo những chính sách cai trị thâm độc của thực dân Pháp, đòi hỏi các quyền tự do, dân chủ và bình đảng cho dân tộc Việt Nam. Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế III, thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng các nước thuộc địa thành lập Hội liên hiệp thuộc địa, sau đó sáng lập tờ báo “Le Paria” [Người cùng khổ]. Người viết nhiều bài trên các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, Tạp chí cộng sản, Tập san Thư tín quốc tế…Chính những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc đã nâng cao chuyển biến về tư tưởng trong lực lượng yêu nước bây giờ, nhận thấy bản chất thực dân Pháp, thức tỉnh nhân dân bị áp bức đấu tranh giải phóng dân tộc.

Song song với đó, xuất phát từ chiều sâu đặc điểm xã hội Việt Nam là một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, Nguyễn Ái Quốc tích cực nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin dưới góc độ phát triển và sáng tạo, dần hình thành một hệ thống luận điểm chính trị bước đầu, được hệ thống trong cuốn “Đường Kách mệnh”. Cuốn sách đã xác định những luận điểm về mục tiêu cách mạng, nhiệm vụ cách mạng, lực lượng cách mạng, đảng cách mạng…đã định hình “mô hình” cho đường lối chính trị của một cuộc cách mạng vô sản mang tính chất giải phóng dân tộc, giai cấp ở Việt Nam. Cuốn sách đã được Người đưa vào giảng dạy cho đội ngũ cán bộ tiền thân của Đảng ở Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, trong những năm 1925-1927 tại Quảng Châu – Trung Quốc đã “thổi một luồng gió mới” hình thành tư duy chính trị mới cho những người thanh niên yếu nước Việt Nam, đấu tranh giải phóng dân tộc theo lý tưởng mới, con đường mới – con đường cách mạng vô sản theo Chủ nghĩa Mác - Lê nin và Cách mạng tháng Mười Nga.

Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã dày công sáng lập và xây dựng những tổ chức tiền thân chuẩn bị cho sự nảy nở trong thực tiễn những chi bộ cộng sản đầu tiên của Đảng. Tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu [Trung Quốc], tháng 2-1925, Người thành lập nhóm Cộng sản đoàn, 4 tháng sau [ 6-1925], Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mà nòng cốt là nhóm Cộng sản đoàn trước đó. Hội đã công bố chương trình, điều lệ, xây dựng hệ thống tổ chức. Để xây dựng và phát triển Hội về mọi mặt, Người đã cử cán bộ đi học ở Trường Đại học Cộng sản phương Đông [Liên Xô], Trường Quân chính Hoàng Phố [Trung Quốc], xuất bản tờ báo Thanh niên, thực hiện phong trào “vô sản hóa” đưa cán bộ đã được đào tạo về nước hoạt động nhằm xây dựng cơ sở của Hội, vừa rèn luyện Hội viên và tập hợp quần chúng.

2. Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt nền móng toàn diện cho việc xây dựng Đảng sau này.

  

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930.

Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
[Dẫn từ Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam]

Những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tác động sâu sắc, phong trào trào cách mạng Việt Nam chuyển biến nhanh chóng. Từ đầu 1929 đến đầu 1930, có ba tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam trên cả ba miền. Tuy nhiên, ba tổ chức cộng sản đã có biểu hiện phân tán về lực lượng, bài xích lẫn nhau, thiếu thống nhất về tổ chức. Trước tình hình đó, với tinh thần chủ động, sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời giải quyết yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam là thành lập một đảng cộng sản. Ngày 23-12-1929, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm về Trung Quốc, với tư cách là phái viên Quốc tế Cộng sản- Người triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để thành lập Đảng, thời gian diễn ra từ ngày 6-1 đến 8-2-1930. Việc triệu tập Hội nghị hoàn toàn là sáng kiến của Người, trong thời gian chỉ đạo Người chưa nhận được nghị quyết của Quốc tế cộng sản về việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, bởi nghị quyết tới ngày 28-11-1929, mới được Quốc tế Cộng sản thông qua và khi về đến trong nước thì việc hợp nhất đã thành công. Sau khi chủ trì hoàn thành, Người có gửi bản Báo cáo tới Quốc tế cộng sản ngày 18-2-1930 về sự chủ trì của Người đối với sự kiện thành lập Đảng.2

Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành phương pháp hơp nhất các tổ chức cộng sản một cách đúng đắn, phù hợp. Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản chủ trương cần giải thể các tổ chức rồi lựa chọn các cá nhân ưu tú vào thành lập Đảng3. Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc không làm vậy, bởi vì những tổ chức cộng sản đều chung bản chất, chung mục tiêu, chung con đường cách mạng, điều khác chỉ là cách thống nhất và tổ chức nào đóng vai trò chủ thể. Nhận thức được điều đó, Nguyễn Ái Quốc đã chuyển toàn bộ lực lượng và thành lập chính Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là phương pháp tập hợp nhằm tăng cường khối đoàn kết, sức mạnh trong đảng, phù hợp thực tiễn lúc bấy giờ.

Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra Cương lĩnh cách mạng, định hướng cho cách mạng Việt Nam đi từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với sự chủ trì của Người, Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Người soạn thảo, xác định “lộ trình” với những luận điểm súc tích cho cách mạng Việt Nam về đường hướng chiến lược, về nhiệm vụ, về lực lượng, về đảng chính trị…Cương lĩnh xác định lực lượng cách mạng biện chứng, khoa học đề cao cao sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện cuộc cách mạng triệt để từ giải phóng dân tộc, giai cấp tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, cách mạng đấu tranh không chỉ vì lợi ích dân tộc Việt Nam mà còn vì sự phát triển của thế giới…Nghị quyết về Đông Dương của Quốc tế Cộng sản chỉ cho rằng chỉ có giai cấp công nhân và nông dân là lực lượng, đồng lực của cách mạng, các bộ phận giai cấp còn lại đều mang tính cải lương, thỏa hiệp. Tuy nhiên, với góc nhìn sát về thực tiễn cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã sáng tạo trong xác định lực lượng khi cho rằng không chỉ có hai giai cấp công nhân và nông dân mà đối với cách mạng Việt Nam còn có cả tư sản dân tộc, tiểu tư sản...Nhiệm vụ tập hợp, phân hóa, lôi kéo giai cấp là của Đảng, chỉ những bộ phận nào lộ rõ bộ mắt phản cách mạng mới đánh đổ. Đó là cách nhìn khách quan, sáng suốt thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc. Đó là một Cương lĩnh đúng đắn, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, giải quyết được những vấn đề cơ bản do thực tiễn cách mạng Việt Nam đặt ra. Những giá trị của Cương lĩnh đặt nền móng cho quá trình hoạch định đường lối và chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 90 năm qua.

Một mùa xuân mới nữa lại đến - Xuân Nhâm Dần 2022, trong bối cảnh đầy khó khăn do tác động của Đại dịch Covid - 19. Nhớ về mùa xuân lịch sử Canh Ngọ năm 1930 - với sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang bị xâm lược, với tinh thần sáng tạo, chủ động, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam- mở đường cho đất nước có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay”. Phát huy tinh thần ấy, tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư duy chiến lược toàn diện được đề ra tại Đại hội XIII, đất nước sẽ vượt qua được thử thách, thực hiện thành công khát vọng dân tộc, đất nước sẽ “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”.

     1. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, HN-2011.

      2.  Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I, [1930-1945], Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật. HN-2018.

         3. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I, [1930-1945], Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật. HN-2018. 

Video liên quan

Chủ Đề