Những điểm mới của Luật ngân sách nhà nước 2015

06(100)/2016

Những điểm mới của Luật ngân sách nhà nước 2015

Mục lục

  • 0.Dẫn nhập
  • 1.Những ưu điểm của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015
  • 2.Một số hạn chế và kiến nghị đối với nội dung Luật Ngân sách nhà nước năm 2015
  • 3.Tài liệu tham khảo

LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2015: NHỮNG ƯU ĐIỂM VÀ HẠN CHẾ

THS PHAN PHƯƠNG NAM*

06(100)/2016 - 2016, Trang 18-22

Ngày đăng:

  • Trích dẫn

TÓM TẮT

Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chủ yếu tập trung vào việc phân tích những nội dung còn chưa rõ, mâu thuẫn và hạn chế của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 để từ đó chỉ ra những vấn đề mà các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm cần lưu ý làm rõ. Bởi lẽ những ưu điểm của quy định trong Luật NSNN năm 2015 sẽ không được phát huy nếu những điểm bất cập được phân tích trong bài chưa được hướng dẫn và giải quyết một cách thấu đáo.


ABSTRACT:

In this article, we focus on analyzing the limitations and ambiguities of the 2015 Law on State Budget. Therefore, we point out the elements that competent authorities should clarify while elaborating normative legal documents. As long as the limitations of the 2015 Law on State Budget are not rectified, the strong points of this law cannot have any positive impact in the real life.


TỪ KHÓA: phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách trung ương, Ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương,

KEYWORDS: local budget deficit, state budget deficit, The central budget deficit, decentralization of management of the state budget, State budget,


Trích dẫn:

×

THS PHAN PHƯƠNG NAM*, LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2015: NHỮNG ƯU ĐIỂM VÀ HẠN CHẾ, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 06(100)/2016, Trang 18-22

https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=82a75d11-a392-4721-81f0-d0472f37f779

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

Luật Ngân sách nhà nước được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 16/12/2002 (Luật NSNN năm 2002), từ đó tới nay nhiều thay đổi từ cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật như: thay đổi cơ cấu và tên gọi các loại thuế, tư duy về bội chi NSNN… đã làm cho Luật NSNN năm 2002 trở nên lạc hậu và cần được thay đổi cho phù hợp. Dưới những sự tác động đó, việc xây dựng và ban hành Luật NSNN mới là yêu cầu cấp bách và cần thiết để đáp ứng và điều chỉnh phù hợp các quan hệ thu, chi ngân sách, chu trình NSNN trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Luật NSNN năm 2015 đã chính thức được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015, mở ra nhiều vấn đề mới cho việc quản lý, điều hành hoạt động tài chính của Nhà nước.

Bài viết được chúng tôi phân tích và trình bày nhằm làm sáng tỏ những điểm tích cực và hạn chế trong các quy định của Luật NSNN năm 2015. Trong đó, ưu điểm của Luật NSNN năm 2015 đã được giới thiệu ở nhiều tài liệu nên không được trình bày nhiều ở bài viết. Bài viết tập trung vào việc chỉ ra những bất cập nhất định trong luật mới nhằm có giải pháp khắc phục để phát huy hết những điểm tích cực của luật mới.

1.Những ưu điểm của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015

Có thể kể ra một số ưu điểm sau của Luật NSNN năm 2015:

- Một là, Luật NSNN năm 2015 đã có một điều khoản để giải thích các khái niệm được ghi nhận trong Luật. Đây là bước tiến bộ trong kỹ thuật lập quy của Luật NSNN năm 2015 và phù hợp với một văn bản quy phạm có quá nhiều thuật ngữ cần hiểu thống nhất như Luật NSNN năm 2015.

- Hai là, Luật NSNN năm 2015 đã có những thay đổi nhất định khi quy định về hoạt động tài chính của một số đô thị đặc biệt. Nếu như Luật NSNN năm 2002 đã “đánh đồng” TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội với các tỉnh khác mà không cân nhắc đến tính đặc thù của các đô thị lớn thì Luật NSNN năm 2015 đã có những quy định riêng cho các đô thị lớn này như: cho phép Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với … một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; hoặc qui định mức dư nợ vay của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cao hơn so với các địa phương còn lại.

- Ba là, Luật NSNN năm 2015 đã có chuyển biến lớn về việc thừa nhận bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) để từ đó thay đổi về cách quản lý hoạt động vay nợ và tiến tới công khai hóa, minh bạch hóa các khoản nợ, cách thức vay nợ của địa phương nhằm quản lý tốt về tài chính công.

- Bốn là, Luật NSNN năm 2015 đã có những quy định về kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 5 năm và kế hoạch ngân sách nhà nước 3 năm để các cơ quan quản lý ngân sách nhà nước có tầm nhìn chiến lược trong trung hạn về tài chính công nhằm đảm bảo việc xây dựng kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) hợp lý hơn.

- Năm là, Luật NSNN năm 2015 đã có sự thay đổi nhằm đảm bảo quá trình xây dựng và thông qua dự toán NSNN được hợp lý và hiệu quả hơn khi chia thành hai giai đoạn.

- Sáu là, Luật NSNN năm 2015 đã làm rõ mối quan hệ giữa ngân sách các cấp; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương để chủ động thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đi đôi với với việc tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực NSNN.


2. Một số hạn chế và kiến nghị đối với nội dung Luật Ngân sách nhà nước năm 2015

Bên cạnh những ưu điểm, theo chúng tôi, Luật NSNN năm 2015 cũng còn một số điểm cần phải được làm rõ:

- Thứ nhất, về quy định ngân sách địa phương được bội chi: Quy định này của Luật NSNN năm 2015 mang tính đột phá khi thừa nhận có bội chi ở NSĐP. Tuy nhiên, việc quy định về mức dư nợ tối đa vốn vay của Luật NSNN năm 2015 vẫn còn điểm bất cập.

Luật NSNN năm 2015 chỉ cho phép TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội mới có “mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp”.[1]Quy định này có lẽ xuất phát từ tốc độ tăng trưởng kinh tế của hai thành phố lớn này trong các năm qua và sự đánh giá về mức tăng trưởng ấn tượng của các nghiên cứu nước ngoài về hai thành phố này.[2]Tuy nhiên, nếu cho rằng cả nước chỉ có hai thành phố trên mới có nhu cầu đầu tư xây dựng cao nên có thể cho phép mức dư nợ vượt hơn mức dự nợ của các thành phố khác trong cả nước là chưa thật sự ổn. Bởi lẽ hiện nay, tốc độ tăng trưởng của TP.Đà Nẵng[3]và Cần Thơ[4]là khá nhanh và mạnh. Do vậy, các địa phương này cũng đang cần có những cơ chế thông thoáng để đáp ứng nhu cầu đầu tư phục vụ cho quá trình đô thị hóa và phát triển mạnh mẽ của kinh tế địa phương. Đồng thời, việc quy định mức dư nợ cao không có nghĩa là địa phương được quyền tự mình quyết định mức bội chi. Bởi lẽ, mức bội chi chi tiết cho từng địa phương là Quốc hội quyết định.[5]Để có được mức dư nợ này, các địa phương phải chứng minh được tính cần thiết của việc huy động vốn, tính khả thi trong quá trình sử dụng vốn và kế hoạch chi trả nợ và lãi hợp lý. Vì vậy, theo chúng tôi, pháp luật cần cho phép các đô thị loại 1 đều có mức dư nợ cao để đáp ứng cầu trên mà không sợ việc quản lý nợ không thực hiện được.

- Thứ hai, về quy định về điều kiện chi NSNN tại khoản 2 Điều 12 của Luật NSNN năm 2015[6]: Theo quy định này, về nguyên tắc chỉ có một trường hợp ngoại lệ tại điều 51 (tạm ứng ngân sách) Luật NSNN năm 2015 là khoản chi không nằm trong dự toán, còn lại các khoản chi khác phải nằm trong dự toán mới được coi là điều kiện đầu tiên để xét tính hợp lệ, hợp pháp của khoản chi. Tuy nhiên, điều này là bất cập, bởi lẽ có những khoản chi khác không nằm trong dự toán vẫn được coi là hợp lệ như: chi đối với số tiền tăng thu, tiết kiệm chi (Điều 59), chi từ quỹ dự trữ tài chính (Điều 11). Bản chất của hai khoản chi này là chưa chắc chắn có và biết trước để đưa vào dự toán. Nếu theo tinh thần khoản 2 Điều 12 của Luật NSNN năm 2015 thì hai khoản chi này sẽ là khoản chi sai. Vì vậy, cần phải ghi nhận hai khoản chi trên vào các trường hợp loại trừ bên cạnh Điều 51 của Luật NSNN năm 2015.

- Thứ ba, về quy định về các nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách tại Điều 9 của Luật NSNN năm 2015: Việc xác định các nguyên tắc nhằm đảm bảo tính nhất quán để chi phối xuyên suốt trong quá trình phân cấp quản lý NSNN là một điểm nổi bật của Luật NSNN năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn một nội dung trong nguyên tắc phân cấp quản lý là chưa hợp lý và cần phải được quy định rõ.

Theo đó, quy định về trường hợp có phát sinh nguồn thu mới làm ngân sách địa phương tăng thu lớn thì số tăng thu phải nộp về ngân sách cấp trên[7]trong Luật NSNN năm 2015 là không phù hợp với các quy định khác và không hợp logic. Bởi nguồn thu của NSĐP bao gồm các khoản thu 100% và các khoản thu phân chia theo tỷ lệ % giữa ngân sách trung ương (NSTƯ) và NSĐP. Do vậy, khi đã xác định đây là nguồn thu 100% của NSĐP nhưng khi có phát sinh tăng thu lớn thì phải nộp về cho NS cấp trên (NSTƯ) thì còn đảm bảo đây là khoản thu của NSĐP không? Bên cạnh đó, nếu đây là khoản thu phân chia theo tỷ lệ % giữa NSTƯ và NSĐP thì khi khoản thu này tăng, phần NSTƯ cũng đã tăng theo. Nên nếu buộc NS địa phương phải nộp cho NSTƯ trong khi NSTƯ cũng được tăng thu lớn thì sẽ tạo nên sự vô lý. Vì vậy, theo chúng tôi,Chính phủ cần có hướng dẫn rõ ràng về quy định này. Bởi lẽ việc NSĐP có tăng thu và sử dụng số tiền này như thế nào đã được quy định ở Điều 59 của Luật NSNN năm 2015. Quy định này là hợp lý và phù hợp với logic là khoản thu của cấp NS nào thì cấp NS đó được quyền sử dụng cho nhiệm vụ chi của cấp ngân sách đó.

- Thứ tư, về các quy định về “kế hoạch tài chính 05 năm”, “kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm”: Đây cũng là một quy định mới và mang tính đột phá của Luật NSNN năm 2015. Theo đó, các kế hoạch này mang tính chiến lược trung hạn nhằm xác định những nội dung tài chính cơ bản trong 3 và 5 năm của cả NSTƯ và NSĐP. Tuy nhiên, những quy định này chưa phát huy hiệu quả của nó khi có một số điểm hạn chế sau:

Một là, kế hoạch tài chính 05 năm có cần được quyết định không? Với cách định nghĩa tại khoản 1 Điều 17 Luật NSNN năm 2015 thì: “Kế hoạch tài chính 05 năm là kế hoạch tài chính được lập trong thời hạn 05 năm cùng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm. Kế hoạch tài chính 05 năm xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về tài chính - ngân sách nhà nước; các định hướng lớn về tài chính, ngân sách nhà nước; số thu và cơ cấu thu nội địa, thu dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; số chi và cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, chi thường xuyên; định hướng về bội chi ngân sách; giới hạn nợ nước ngoài của quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; các giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch”. Điều đó cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của kế hoạch tài chính 05 trong hoạt động tài chính của nhà nước. Do vậy, khoản 3 Điều 19 của Luật NSNN năm 2015 ghi nhận rằng Quốc hội sẽ “quyết định kế hoạch tài chính 5 năm”. Theo chúng tôi, quy định trên là hợp lý vì với vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho người dân, Quốc hội có quyền và cần được trao cho quyền này. Tuy nhiên, theo quy định khoản 4 Điều 17 Luật NSNN năm 2015 thì “Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia trình Chính phủ báo cáo Quốc hội; Sở Tài chính có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm của địa phương mình trình Ủy ban nhân dân cùng cấp báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định cùng với thời điểm trình dự toán ngân sách năm đầu kỳ kế hoạch”. Như vậy, quy định này đã mâu thuẫn với khoản 3 Điều 19 Luật NSNN năm 2015. Vì với quy định này thì người đọc có quyền hiểu rằng Chính phủ báo cáo Quốc hội vềkế hoạch tài chính 5 năm mà không có nghĩa là Quốc hội là cơ quan quyết định kế hoạch trên. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị khi ban hành Nghị định, Chính phủ cần phải xác định rõ để loại trừ cách hiều không chính xác của quy định trên để đảm bảo chỉ còn một cách hiểu chính xác và đúng bản chất của vấn đề thẩm quyền quyết định kế hoạch tài chính 5 năm là của Quốc hội.

Hai là, theo quy định khoản 1 Điều 43 Luật NSNN năm 2015 thì: “Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm là kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước được lập hằng năm cho thời gian 03 năm, trên cơ sở kế hoạch tài chính 05 năm, được lập kể từ năm dự toán ngân sách và 02 năm tiếp theo, theo phương thức cuốn chiếu. Kế hoạch này được lập cùng thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm nhằm định hướng cho công tác lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm; định hướng thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn lực cho từng lĩnh vực và từng nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách cho từng lĩnh vực trong trung hạn”. Theo đó, kế hoạch tài chính – ngân sách 03 năm cũng có những ý nghĩa nhất định cho quá trình thực hiện quản lý tài chính công. Tuy nhiên, các quy định của Luật NSNN năm 2015 đã vô tình làm ưu điểm này không phát huy hiệu quả bởi:

i) Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm được xây dựng nhưng chỉ mang tính tham khảo mà không do cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền quyết định về nó. Bởi lẽ trong quy định về thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ xác định các cơ quan này quyết định kế hoạch tài chính 05 năm mà không đề cập thẩm quyền quyết định kế hoạch tài chính – ngân sách 03 năm. Đồng thời, khoản 4 Điều 43 Luật NSNN năm 2015 cũng ghi nhận: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội; Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp để tham khảo khi thảo luận, xem xét, thông qua dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách nhà nước hằng năm”. Vậy liệu các cơ quan có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tài chính – ngân sách 03 năm có tận tâm để xây dựng kế hoạch chính xác hay không?

ii) Về nguyên tắc “kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm là kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước được lập hằng năm cho thời gian 03 năm, trên cơ sở kế hoạch tài chính 05 năm, được lập kể từ năm dự toán ngân sách và 02 năm tiếp theo, theo phương thức cuốn chiếu”.[8]Điều này có nghĩa là kế hoạch tài chính – ngân sách 03 năm được cụ thể hóa từ kế hoạch tài chính 05 năm. Tuy nhiên, nếu như kế hoạch tài chính 05 được Quốc hội quyết định là từ năm 2017 đến năm 2021 thì đến năm 2020, kế hoạch tài chính – ngân sách 3 năm được lập như thế nào? Nếu đúng tinh thần của khoản 1 Điều 43 Luật NSNN năm 2015 thì kế hoạch tài chính – ngân sách 03 năm được lập cho năm 2020, 2021 và 2022. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, liệu kế hoạch tài chính 05 cho năm 2022 – 2026 đã được Quốc hội, HĐND cấp tỉnh quyết định chưa để xây dựng kế hoạch tài chính – ngân sách 03 của năm 2010?

Tổng hợp hai lý lẽ trên, chúng tôi cho rằng khi ban hành nghị định hướng dẫn thi hành, Chính phủ cần có những quy định cụ thể và chi tiết thi hành về vấn đề này nhằm đảm bảo phát huy hết ý nghĩa của quy định về kế hoạch tài chính – ngân sách 3 năm được quy định trong Luật NSNN năm 2015.

- Thứ năm, Luật NSNN năm 2015 thiếu phần nội dung quy định về xử lý đối với hành vi vi phạm các quy định của Luật NSNN. Trong Luật NSNN năm 2015 đã xác định 11 hành vi được xác định là “các hành vi bị cấm trong lĩnh vực NSNN” tại Điều 18. Tuy nhiên, trong toàn bộ nội dung của Luật NSNN năm 2015 lại không có bất cứ quy định nào liên quan đến việc các chủ thể vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động ngân sách nhà nước sẽ gánh chịu những chế tài gì. Vẫn biết rằng đã có các quy định trong các văn bản pháp luật khác liên quan có quy định như: Bộ luật Hình sự, các quy định trong pháp luật quản lý thuế… Tuy nhiên, để đảm bảo tính logic và rõ ràng hơn cho việc xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động NSNN, theo chúng tôi, khi ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành, Chính phủ cần có một số điều quy định về vấn đề này. Có như vậy mới đảm bảo tính chặt chẽ của vấn đề và phát huy hết ý nghĩa của việc xác định các hành vi vi phạm trong lĩnh vực NSNN.

Tóm lại, Luật NSNN năm 2015 về cơ bản đã có những thành công trong việc xây dựng và thay đổi nhiều nội dung trong các quy định về hoạt động NSNN so với các quy định của Luật NSNN năm 2002. Tuy nhiên, Luật NSNN năm 2015 cũng còn có một số điểm chưa hợp lý. Vì vậy, những kiến nghị của chúng tôi nhằm mục đích góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực NSNN để việc quản lý NSNN ngày càng hiệu quả, hợp lý và phát huy những ý nghĩa tích cực của hoạt động quản lý tài chính công.



* NCS. ThS Luật học, Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh

[1]Theo điểm 1 khoản 6 Điều 7 Luật NSNN năm 2015.

[2]Trong bài viết “Which are the largest city economies in the world and how might this change by 2025?” (Những thành phố kinh tế nào lớn nhất trên thế giới và điều này sẽ thay đổi như thế nào trước năm 2025- tạm dịch), do công ty PricewaterhouseCoopers LLP (PwC) dựa vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây đăng trên Tạp chí Tầm nhìn Kinh Tế của Anh quốc 2009 có đang tải trên http://pwc.blogs.com/files/global-city-gdp-rankings-2008-2025.pdf(truy cập ngày 18/04/2016) có xác định nếu xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2025, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đứng đầu và thứ 2 trong danh sách 30 thành phố kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất với mức tăng trưởng GDP trung bình là 7% trong giai đoạn này.

[3]“Trong 18 năm trực thuộc Trung ương (1997-2015), kinh tế Đà Nẵng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10,5%/năm” Theo Đình Tăng, “Ấn tượng Đà Nẵng”, Tạp chí Cộng sản, theo http://dangcongsan.vn/thoi-su/an-tuong-da-nang-369034.htmltruy cập ngày 18/04/2016.

[4]“Giai đoạn 2004 - 2013, Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 14,5%/năm”. Xem Quang Minh Nhật, Cần Thơ: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 14,5%/năm, Báo Thanh niên, đăng trên http://thanhnien.vn/doi-song/nhip-song-dia-phuong/can-tho-toc-do-tang-truong-gdp-binh-quan-145nam-7122.htmltruy cập ngày 17/04/2016; xem thêm Hữu Trãi, Cần Thơ công bố thành tựu kinh tế - xã hội 10 năm qua đăng tải trên http://vov.vn/xa-hoi/can-tho-cong-bo-thanh-tuu-kinh-te-xa-hoi-10-nam-qua-301479.vovtruy cập ngày 17/04/2016.

[5]Theo điểm c khoản 4 Điều 19 Luật NSNN năm 2015.

[6]Theo khoản 2 Điều 12 Luật NSNN năm 2015 thì: “Chi ngân sách nhà nước chỉ được thực hiện khi đã có trong dự toán ngân sách được giao, trừ trường hợp quy định tại Điều 51 của Luật này; đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền quyết định chi và đáp ứng các điều kiện trong từng trường hợp sau đây:

a) Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và xây dựng;

b) Đối với chi thường xuyên phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp các cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí thì thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ và phù hợp với dự toán được giao tự chủ;

c) Đối với chi dự trữ quốc gia phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;

d) Đối với những gói thầu thuộc các nhiệm vụ, chương trình, dự án cần phải đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

đ) Đối với những khoản chi cho công việc thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch phải theo quy định về giá hoặc phí và lệ phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành”.

[7]Điểm d khoản 7 Điều 9 của Luật NSNN năm 2015 quy định: “Trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu mới làm ngân sách địa phương tăng thu lớn thì số tăng thu phải nộp về ngân sách cấp trên; Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định thu về ngân sách cấp trên số tăng thu này và thực hiện bổ sung có mục tiêu một phần cho ngân sách cấp dưới theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 40 Luật này để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở địa phương theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

[8]Theo khoản 1 Điều 43 Luật NSNN năm 2015.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Luật số: 83/2015/QH13 về Ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 25/06/2015. [trans: Law No. 83/2015 / QH13 of the Budget by the National Assembly, adopted on 06/25/2015].

[2] Quang Minh Nhật, “Cần Thơ: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 14,5%/năm”, Báo Thanh niên, đăng trên http:// thanhnien.vn/ doi-song/nhip-song-dia-phuong/cantho-toc-do-tang-truong-gdp-binh-quan-145nam-7122. html truy cập ngày 17/04/2016. [trans: Quang Minh Nhat, “Can Tho: Growth rate of GDP per capita of 14.5% / year”, The Youth newspaper, posted on http://thanhnien.vn/doi-song/nhip-song-dia-phuong/cantho-toc-do-tang-truong-gdp-binh-quan-145nam-7122.html, accessed on 4/17/2016].

[3].....PricewaterhouseCoopers LLP (PwC), “Which are the largest city in the world and how Economies of might this change by 2025?”, PricewaterhouseCoopers UK Economic Outlook November 2009, p.20 – p.34.

[4].....Đình Tăng, “Ấn tượng Đà Nẵng”, Tạp chí Cộng sản, theo http://dangcongsan.vn/ thoi-su/an-tuong-da-nang-369034.html truy cập ngày 18/04/2016. [Dinh Tang, “Impression of Da Nang,” Communist Review, according http://dangcongsan.vn/ thoi-su/an-tuong-da-nang-369034.html, accessed on 4/18/2016].

[5] Hữu Trãi, “Cần Thơ công bố thành tựu kinh tế - xã hội 10 năm qua”, đăng tải trên http://vov. vn/xa-hoi/can-tho-congbo-thanh-tuu-kinh-te-xa-hoi-10-nam-qua-301479.vov truy cập ngày 17/04/2016.[trans: Huu Trai, “Can Tho announced economic achievements - society published 10 years”, http://vov.vn/xa-hoi/can-tho-congbo-thanh-tuu-kinh-te-xa-hoi-10-nam-qua-301479.vov, accessed on 4/17/2016].

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Những điểm mới của Luật ngân sách nhà nước 2015

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua


Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref