Những điều nên làm trước khi thi văn năm 2024

Các em học sinh 2008 trường THCS Ngọc Lâm thân mến!

Chỉ còn vài ngày nữa thôi, các em sẽ bước vào một kì thi quan trọng - kì thi vào lớp 10 THPT. Niên khoá 2019-2023 của các em cũng là khoá học ấn tượng. Đây là khóa học mà các em phải trải qua hai năm ảnh hưởng do dịch bệnh Covid kéo dài, hai năm các em phải vừa học trực tiếp và học online với muôn vàn khó khăn. Năm học 2022-2023- năm học cuối cấp , các em được đến trường học trực tiếp. Trong năm học này, các em đã có nhiều nỗ lực, và cố gắng để ôn thi vào THPT- một kì thi khá cam go và cũng rất nhiều áp lực vì số lượng học sinh thi vàolớp 10 THPT khá đông và chỉ có hơn 55 % học sinh có suất vào các trường THPT công lập. Vào giai đoạn nước rút này, các em hãy quyết tâm hơn nữa, tập trung hơn nữa nhé! Nhà trường, các thầy cô giáo của trường THCS Ngọc Lâm luôn tin tưởng và hy vọng các em sẽ đạt được mục tiêu và về đích thành công. Trước kì thi, cô mong các em hãy ghi nhớ một số điều sau: - Điều quan trọng đầu tiên cô lưu ý với các em đó là: “ Sức khỏe là vàng”. Các em muốn có được kết quả tốt ngoài nắm chắc kiến thức, kĩ năng; linh hoạt vận dụng kiến thức vào bài làm thì điều cốt yếu cần quan tâm là giữ gìn sức khỏe bản thân thật tốt. Các em cần cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi hợp lí, tránh việc học đến quên ăn, quên ngủ. - Chỉ còn vài ngày nữa là các em bước vào kì thi nên các em cần dành thời gian để ôn tập, củng cố lại kiến thức mà các em thấy còn chưa nắm chắc, luyện tập làm các dạng câu hỏi, các đề thi tham khảo. Với những bài, dạng bài tập, câu hỏi quen thuộc, các êm vẫn cần xem lại để nắm chắc cách làm. Đặc biệt chúng ta không được chủ quan kể cả các dạng đề đã được luyện tập kĩ. - Khi làm bài các em cần nhớ: Ghi đầy đủ các thông tin cá nhân theo yêu cầu trên giấy thi, giấy nháp. Nhận đề thi, các em nhớ đọc kĩ đề bài ít nhất hai lần, phân tích đề thi - gạch dưới các từ khóa trong đề bài để xác định yêu cầu của đề. Câu nào thuộc chắc chắn các em hãy làm trước. Hãy lưu ý với một số dạng bài tập: + Đối với dạng câu hỏi đọc- hiểu các em cần xác định đúng yêu cầu, nhớ lại cách trả lời từng dạng câu hỏi, khi trả lời cần ngắn gọn, đúng trọng tâm, đủ ý. + Đối với dạng bài viết đoạn văn nghị luận văn học, các em cần xác định chính xác những yêu cầu về nội dung, hình thức và các yếu tố Tiếng Việt vận dụng trong đoạn văn và đặc biệt lưu ý phạm vi kiến thức để viết đoạn, dung lượng của đoạn văn. Các em hãy nhớ chú thích các yêu cầu Tiếng Việt ở cuối đoạn văn. Phần chú thích phải thống nhất với phần gạch chân trong đoạn văn. + Còn đối với dạng bài viết đoạn văn nghị luận xã hội các em cần nắm được cấu trúc của từng dạng bài ( dạng bài nghị luận về tư tưởng đạo lí hay sự việc, hiện tượng trong đời sống) để có lí lẽ và dẫn chứng phù hợp khi đưa ra quan điểm, ý kiến của mình. Dẫn chứng đưa ra cần cụ thể , tiêu biểu và phải phân tích dẫn chứng. Về phần bài học liên hệ với bản thân cần viết rõ ràng, cụ thể. - Trong quá trình làm bài, các em cần chú ý thời gian, phân chia thời gian hợp lí cho từng câu hỏi. Câu nào nhiều điểm thì dành nhiều thời gian, câu nào ít điểm thì dành ít thời gian hơn. Đặc biệt, các em cần lưu ý dành khoảng 3- 5 phút để đọc và soát lại bài để xem có bị sót câu hỏi nhỏ hoặc bị sai kiến thức nào không để chúng ta bổ sung, chỉnh sửa. Nếu có bổ sung các em chú ý cách bổ sung cho đúng quy định, có tính thẩm mĩ, không bị mất khi các thầy cô thực hiện dọc phách. Trong suốt thời gian làm bài, các em hãy cẩn thận, tập trung, hít sâu, thả lỏng, bình tĩnh, tự tin, không bị phân tâm bởi các tình huống xung quanh. - Các em cần viết chữ rõ ràng, trình bày khoa học, diễn đạt rõ ý, sử dụng một màu mực duy nhất trong bài thi kể cả phần gạch chân các yêu cầu Tiếng Việt trong đoạn văn nghị luận văn học. Tuyệt đối các em không được để giấy trắng nộp bài. Cô mong và luôn hy vọng các em hãy nỗ lực, cố gắng hết mình để đạt được nguyện vọng của bản thân .

CHÚC CÁC EM HỌC SINH 2K8 CỦA TRƯỜNG THCS NGỌC LÂM BÌNH TĨNH - TỰ TIN - CHIẾN THẮNG!

Phần Đọc hiểu văn bản chỉ còn một văn bản với bốn câu hỏi nhỏ, so với năm trước là hai văn bản với tám câu hỏi nhỏ. Câu hỏi số 4 của phần này cũng không yêu cầu học sinh trả lời bằng hình thức viết đoạn văn như năm ngoái.

Về mức điểm, tổng điểm của phần này vẫn là 3 điểm, bằng với năm 2016. Có thể thấy ngay, nếu học sinh nắm vững kĩ năng làm bài Đọc hiểu, các em đã “bỏ túi” một số điểm không nhỏ.

Phần Nghị luận xã hội chuyển từ hình thức viết bài văn ngắn khoảng 600 chữ sang viết đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ. Mức điểm cho phần này từ 3 điểm đã giảm thành 2 điểm.

Việc viết đoạn thực sự là một thách thức với học sinh bởi trong 200 chữ mà chuyển tải được hết ý tứ của mình một cách gãy gọn, mạch lạc là điều không dễ. Hơn nữa, lâu nay các em đã quen với việc luyện viết một bài văn.

Phần Nghị luận văn học chiếm lại thế thượng phong của mình khi mức điểm của phần này là 5 điểm, chiếm một nửa tổng điểm toàn bài. Số điểm tăng lên nên tất nhiên yêu cầu cho phần này cũng cao hơn. Trong phần này học sinh có thể được yêu cầu nghị luận về một bài thơ/ đoạn thơ; nghị luận về một tác phẩm/ đoạn trích văn xuôi hoặc nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.

Học và ôn thi thế nào cho hiệu quả?

Muốn thi tốt, phải nhớ rằng học đi đôi với ôn, ôn dựa trên cơ sở của học. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Nếu các em không học gì hết, đồng nghĩa với việc không có kiến thức nền vững chắc thì việc ôn chỉ vớt vát phần nào số điểm chứ không thể mang lại kết quả như mong muốn.

Để có thể nhớ kĩ những kiến thức trọng tâm, các em là hãy lập đề cương ôn tập ngắn gọn cho từng phần và luôn mang theo đề cương bên mình, thường xuyên đọc đi đọc lại.

Với phần Đọc hiểu văn bản, các em lập bảng hệ thống những kiến thức về phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, các biện pháp tu từ...

Thông thường, văn bản xuất hiện trong đề thi sẽ thuộc các phong cách ngôn ngữ chính luận, báo chí, nghệ thuật nên các em cần ôn tập kĩ những kiến thức về các loại văn bản này. Hãy rèn luyện để viết được những câu trả lời vừa ngắn gọn, vừa đủ ý, tránh tuyệt đối những câu trả lời có dung lượng còn dài hơn văn bản trong đề.

Ngoài bài tập thầy cô cho trên lớp, các em nên làm thêm bài tập từ những nguồn khác: các trang mạng uy tín, các sách tham khảo,…

Với phần Nghị luận xã hội, các em phải nắm vững các bước làm văn Nghị luận xã hội và cách triển khai một đoạn văn. Khi làm bài, không được xuống dòng hay ngắt đoạn như năm ngoái. Cần rèn luyện kĩ năng nhận diện đề: đề thuộc kiểu bài Nghị luận về hiện tượng đời sống hay Nghị luận về tư tưởng đạo lý, luận đề đặt ra là gì.

Các em có thể tìm sẵn ý cho một số chủ đề quen thuộc như như vai trò của tri thức, kỹ năng; sức mạnh của ý chí; tầm quan trọng của cá tính, các truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, văn hóa giao tiếp, việc bảo vệ môi trường...

Thường xuyên đọc báo để nắm bắt tình hình xã hội và các vấn đề đang được dư luận quan tâm; sưu tập, chọn lọc những dẫn chứng tiêu biểu, chính xác, độc đáo và học thuộc chúng, khi đó bài viết của các em sẽ đa chiều, đa diện, sâu sắc hơn.

Với phần Nghị luận văn học, các em phải nắm vững kỹ năng làm các dạng bài phân tích thơ, phân tích nhân vật, bàn về một nhận định văn học… Như vậy, khi làm bài các em mới không rơi vào diễn xuôi thơ hoặc kể chuyện đơn thuần.

Với mỗi tác phẩm, các em nên lập đề cương tóm tắt bố cục, kết cấu, nội dung chính và những điểm nghệ thuật nổi bật. Phải nắm chắc những gì cốt lõi, cơ bản nhất của tác phẩm thì mới có thể xoáy đúng yêu cầu đề khi phân tích.

Cần học thuộc dẫn chứng trong các tác phẩm vì chỉ khi trích dẫn tốt thì việc phân tích, bình giảng mới trở nên thuyết phục. Cũng có thể học thuộc một số nhận định hay về tác giả, tác phẩm, những nhận định này nếu được đưa vào hợp lý sẽ khiến bài viết của các em trở nên sâu sắc hơn.

Nếu được, các em nên chuẩn bị sẵn một vài mở bài dạng linh hoạt, có thể dùng trong nhiều trường hợp, phòng khi quá bối rối, không nghĩ ra được gì thì có thể đem ra sử dụng. Như vậy, các em sẽ viết tiếp được phần thân bài mà không bị mất thời gian.

Những lưu ý khi làm bài thi

Phần lớn học sinh thường mất điểm vì thiếu kiến thức do không học bài. Tuy nhiên cũng có những em đã học rất kĩ, ôn rất nhiều nhưng khi làm bài điểm vẫn không cao. Đó là do các em thiếu kỹ năng làm bài. Các em thường phạm một số lỗi như sau:

Ở phần Đọc hiểu văn bản:

- Trả lời không đúng trọng tâm. Ví dụ đề yêu cầu chỉ ra phương thức biểu đạt chính nhưng các em lại chỉ ra tất cả các phương thức biểu đạt.

- Trả lời thiếu dụ thể. Ví dụ các em chỉ ghi văn bản viết về đối tượng nào mà không ghi cụ thể văn bản viết cái gì về đối tượng.

- Trả lời chưa đủ ý. Các em chỉ dừng lại ở việc nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ mà không gọi tên biện pháp tu từ và chỉ ra biểu hiện của biện pháp ấy trong câu thơ. Các em chỉ nêu nội dung hiện thực được tác giả phản ánh trong văn bản mà không chú ý đến tư tưởng, tình cảm tác giả gửi gắm

- Trình bày quá dài dòng. Thay vì viết 2-3 hàng, nhiều em viết thành đoạn văn dài dẫn đến rối rắm, khó hiểu.

Ở phần Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học:

- Ý tưởng nghèo nàn, lý lẽ ít ỏi.

- Bố cục lộn xộn, lập luận thiếu chặt chẽ.

- Viết lan man, dông dài, không đúng trọng tâm, trọng điểm. Hoặc các em không xác định được ý chính cần viết, hoặc các em quá tham kiến thức.

- Diễn xuôi thơ hoặc kể chuyện về nhân vật.

- Thiếu dẫn chứng hoặc chưa biết cách phân tích dẫn chứng.

- Còn mắc nhiều lỗi diễn đạt: dùng từ, đặt câu, viết đoạn.

Từ những sai lầm thường gặp trên, khi làm bài thi, các em nên lưu ý một số điểm sau:

- Giữ tâm lý thật bình tĩnh, thoải mái.

- Phân bố thời gian hợp lý: dành 15’ cho phần Đọc hiểu văn bản, 25’ viết đoạn Nghị luận xã hội và 80’ viết phần Nghị luận văn học. Đây chỉ là con số ước chừng, các em có thể gia giảm tùy vào sự mạnh yếu của mình ở mỗi phần.

- Đọc thật kĩ đề và gạch chân những từ quan trọng. Phải lưu ý đặc biệt đến yêu cầu đề, phạm vi đề.

- Trả lời phần Đọc - hiểu văn bản ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, đúng trọng tâm, tránh bỏ quên, bỏ sót ý nào. Không nên viết đoạn văn dài khi trả lời phần Đọc hiểu vì như vậy sẽ mất thời gian làm các phần tiếp theo.

- Viết nhanh dàn ý vào giấy nháp trước khi làm văn. Như vậy sẽ dễ phân bố thời gian viết từng đoạn và đỡ sót ý trong quá trình làm bài.

- Nắm vững kĩ năng làm bài, viết đoạn Nghị luận xã hội hay bài Nghị luận văn học cũng phải đúng các bước làm bài, đúng bố cục của dạng bài.

- Viết đoạn văn, bài văn đúng hướng, nêu bật trọng tâm, tránh lan man, xa đề.

Văn học là nghệ thuật nhưng văn học cũng là khoa học. Người làm văn muốn cao điểm phải nắm được những kiến thức và kĩ năng cần thiết. Học thi và ôn thi thật tốt, bình tĩnh, thoải mái khi làm bài, hẳn em sẽ hoàn thành bài thi của mình như mong muốn.