Nội dung phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” [TDĐKXDĐSVH] được huyện Thọ Xuân xác định là một giải pháp trọng tâm trong xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở. Do vậy, quá trình triển khai thực hiện, địa phương luôn chú trọng nâng cao chất lượng để phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Cổng làng Quần Lai, xã Thọ Diên.

Để tạo tiền đề cho việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, trong những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thọ Xuân đã chú trọng triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh. Điển hình như chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 [khóa VIII] về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12-1-1998 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT ngày 23-6-2006 của Bộ Văn hóa Thông tin [nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch] về ban hành quy chế công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa... Cùng với đó, địa phương cũng tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH ở cơ sở.

Hơn 20 năm triển khai, phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nếp sống mới, góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội, môi trường văn hóa, giáo dục và quan hệ ứng xử trong gia đình, cộng đồng. Từ phong trào này, việc xây dựng, giữ vững danh hiệu văn hóa đã trở thành mục tiêu, động lực phấn đấu của các địa phương. Việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được chú trọng; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được loại bỏ khỏi đời sống cộng đồng. Với việc thường xuyên tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp, phát huy vai trò của hệ thống tư pháp, ý thức tìm hiểu, chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, phong trào TDĐKXDĐSVH cũng góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; các công việc của xã, thôn, làng, khu phố đều được đưa ra bàn thảo, thực hiện theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.

Trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, công tác xây dựng gia đình văn hóa được huyện Thọ Xuân triển khai thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định, từ tổ chức đăng ký đến bình xét, công nhận, cấp giấy chứng nhận cho các hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Những nội dung được chú ý khi bình xét gia đình văn hóa là việc chấp hành luật pháp của Nhà nước về an toàn giao thông; gia đình không có người mắc tệ nạn xã hội, luôn hòa thuận và không xảy ra bạo lực; tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, sinh hoạt thôn, xóm, khu phố và tương trợ cộng đồng... Có thể nói, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng của gia đình trong sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước; đồng thời, coi đầu tư cho công tác gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương gia đình điển hình tiên tiến. Cũng từ phong trào, nhiều câu lạc bộ đã hình thành, duy trì hoạt động hiệu quả, như câu lạc bộ ông bà mẫu mực con cháu hiếu thảo; câu lạc bộ gia đình văn hóa; câu lạc bộ không sinh con thứ 3.

Cùng với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cũng được địa phương gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Chung tay vì người nghèo và công tác từ thiện xã hội, giai đoạn 2016-2020”. Thông qua các hội nghị, lớp tập huấn, cuộc kiểm tra, các buổi làm việc với Ủy ban MTTQ, địa phương đã kịp thời ghi nhận, biểu dương, khen thưởng nhiều cách làm hay, sáng tạo từ cơ sở; kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những thiếu sót, hạn chế. Cùng với đó, các địa phương đã tổ chức thành công “Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư hàng năm. Nhiều địa phương còn tổ chức ngày hội khu dân cư, liên khu dân cư trong xã nhằm tạo điều kiện để các khu dân cư được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp nhau trong cuộc sống, lao động sản xuất... Từ đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của khu dân cư, nâng cao đời sống Nhân dân. Bằng sự quyết tâm và nhiều cách làm sáng tạo, năm 2018, 36/36 xã trên địa bàn đã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2019, huyện Thọ Xuân được công nhận huyện nông thôn mới và hiện địa phương đang tập trung thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Xác định, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa, nhiều năm qua, huyện Thọ Xuân luôn quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Hiện địa phương có trung tâm hội nghị huyện, với diện tích 16.187m2 [gồm hội trường 400 chỗ ngồi và các phòng chức năng như thư viện, phòng lễ tân, bộ phận phục vụ]; trung tâm thể dục thể thao huyện [gồm nhà thi đấu đa năng 1.000 ghế, sức chứa 2.000 khán giả; sân vận động huyện diện tích 17.000m2, khán đài 700 ghế]. Bên cạnh đó, toàn huyện có 41 trung tâm văn hóa - thể thao xã và 5 nhà thi đấu đa năng cấp xã. Ngoài ra, hệ thống nhà văn hóa và khu thể thao thôn cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu hội họp và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao của Nhân dân. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào thể dục - thể thao quần chúng trên địa bàn huyện phát triển sâu rộng và trở thành một phong trào tự nguyện, tự giác, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Hiện toàn huyện có 292 câu lạc bộ thể dục - thể thao duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

Đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo là một trong những nội dung quan trọng của phong trào TDĐKXDĐSVH. Những năm qua, với việc triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình an sinh xã hội, nên nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở; hỗ trợ vốn, giống, khoa học - kỹ thuật để sản xuất. Từ đó, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo...

Qua hơn 2 thập kỷ triển khai thực hiện, với nhiều kết quả đạt được, có thể khẳng định, phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Qua phong trào đã khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái và làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo nền tảng vững chắc để địa phương hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới.

Bài và ảnh: Trần Giang

Những năm qua, xã Đông Tiến [Đông Sơn] đã triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại các khu dân cư. Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền và bằng nhiều cách làm cụ thể, phong trào đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện, trở thành điểm sáng của địa phương.

Nhà văn hóa – khu thể thao thôn Triệu Xá 1, xã Đông Khê [Đông Sơn].

Về Đông Tiến hôm nay, không khó để cảm nhận diện mạo nông thôn mới đã và đang đổi thay “về chất”. Đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Người dân có ý thức thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn xã có 86,7% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% các thôn được công nhận danh hiệu văn hóa. Tiêu biểu, trong đó là thôn Triệu Xá 1 với nhiều sáng tạo, đổi mới trong thực hiện các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.

Thôn Triệu Xá 1 có 341 hộ với 1.300 nhân khẩu. Đây là khu dân cư có truyền thống cách mạng và nhiều thế hệ đảng viên đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Nhân dân trong thôn luôn đoàn kết, giữ vững thuần phong mỹ tục, tình làng nghĩa xóm. Các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thôn triển khai hiệu quả. Phong trào phát triển kinh tế diễn ra sôi nổi, sản xuất nông nghiệp có nhiều khởi sắc với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Phong trào văn hóa, văn nghệ, xây dựng gia đình văn hóa đi vào chiều sâu chất lượng. Đặc biệt, từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhân dân trong thôn đã ra sức thi đua, phấn đấu xây dựng kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập và chung tay, góp sức làm cho diện mạo làng quê ngày thêm khởi sắc. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Nhân dân đã hiến 478m2 đất vườn và đất ở; hiến 14 công trình, nhà bếp, nhà vệ sinh để mở rộng đường và đóng góp 1.800 ngày công; đóng góp hơn 664 triệu đồng để xây dựng khuôn viên nhà văn hóa. Năm 2021, thôn được công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có trên 96% các hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa.

Bác Lê Văn Thành, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận thôn chia sẻ, thôn đã phát huy tinh thần dân chủ, đồng thời triển khai hiệu quả công tác dân vận để Nhân dân hiểu và chủ động tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tham gia giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như việc vận động xây dựng quỹ phòng, chống dịch COVID-19, sau khi phát động, chỉ trong vòng 3 tiếng Nhân dân đã chủ động đóng góp được hơn 27 triệu đồng.

Xã Đông Tiến có được sự đổi thay tích cực đó là nhờ sự đồng thuận của chính quyền và Nhân dân trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới. Để phong trào phát triển sâu, rộng xã đã bám sát kế hoạch, hướng dẫn của tỉnh, huyện về việc triển khai thực hiện phong trào; xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào trong từng giai đoạn cụ thể. Hằng năm, ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, phân công trách nhiệm cho từng thành viên; cử cán bộ, công chức tham gia tập huấn để nâng cao nghiệp vụ, công tác chỉ đạo, điều hành phong trào cơ sở.

Xác định cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa. Do đó, hàng năm xã đã chỉ đạo các thôn, làng xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước phù hợp với tình hình phát triển chung; phổ biến, triển khai những tiêu chí của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa tới từng thôn, làng, từng hộ gia đình để Nhân dân biết và thực hiện. Việc đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận các danh hiệu văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đúng chuẩn nên số lượng và chất lượng gia đình, thôn văn hóa ngày càng được nâng lên. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội được thực hiện hiệu quả, đúng quy định. Cùng với đó xã đã vận động người dân thành lập và tham gia các câu lạc bộ, đội văn nghệ, thể thao; quan tâm, tạo điều kiện tổ chức các giải giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, tăng sự đoàn kết, yêu thương, gắn bó giữa người dân trong làng, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của quê hương.

Việc thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chính là động lực để xã Đông Tiến bứt phá trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho Nhân dân. Từ đó, góp phần đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống lành mạnh, tạo nên diện mạo mới cho quê hương.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề