Phan bá vành là ai

“Bính Tuất, năm Minh Mạng thứ bảy[1] tên đầu đảng Nam Định là Phan Bá Vành, người xã Nguyệt Lâm, huyện Vũ Tiên[2] rất tinh thông võ nghệ, cùng bọn bè đảng đi đánh phá và tự xưng là vua. Bấy giờ, nhân vì phía Đông Nam có sao chổi hiện lên, cho nên, dân chúng mới có câu ca dao rằng:

Trên trời có ông sao rua,

Ở dưới hạ giới có vua Bá Vành

Hễ tới đâu, quân của Phan Bá Vành mộ người và thu gom lương thực tới đó. Thường thì bọn khỏe mạnh luôn được cử làm tiên phong, ai chống lại là bị đánh tới tấp. Chỉ mới độ mươi ngày mà đồ đảng của Phan Bá Vành đã đông đến cả vạn người, dân các phủ huyện theo chúng như cỏ rạp theo gió. Quan quân đi đánh dẹp bị tử trận không biết bao nhiêu mà kể, vì thế mà binh sỹ của triều đình hễ đi xuất chinh, thì trước hết phải lo dặn dò các việc cho người nhà rồi mới lên đường, ra trận thì vừa trông thấy giặc Phan Bá Vành đã tháo lui. Giặc vì thế mà giặc càng trở nên dữ tợn. Hoàng đế Minh Mạng ban chỉ dụ, nói rằng: hễ ai bắt được Phan Bá Vành sẽ được thưởng 500 lạng bạc và hễ ai bắt được tên Nguyễn Hạnh[3] thì sẽ được thưởng 300 lạng bạc. Bấy giờ, Thống chế trông coi việc binh ở Nam Định là Trương Phúc Đặng được lệnh xuất chinh. Ông nặng tai, không nghe được tiếng trống trận, bèn dùng loa gọi to lên rằng:

- Bớ quân giặc, chúng bay hãy ngừng lại để ta đấu võ tay đôi với tên Phan Bá Vành!

Phan Bá Vành tức giận cầm côn xông ra. Hai người đánh nhau năm sáu chục hiệp vẫn chưa phân thắng bại. Trương Phúc Đặng đâm trúng hông Phan Bá Vành khiến Phan Bá Vành ngã quỵ, nhưng cũng ngay lúc đó, một người của Phan Bá Vành nhảy ra đâm trúng vai Thống chế, nhân thể, quân sỹ của Phan Bá Vành ào ào xông lên, quan quân của triều đình chỉ kịp cứu được Trương Phúc Đặng rồi bỏ chạy tán loạn.

Bởi thua đau trong trận này, Trương Phúc Đặng bị giáng bốn cấp. Ông bị tước cả áo mũ và bị triệu về kinh đô, giao cho đình thần nghị tội. Trương Phúc Đặng tự lấy làm hổ thẹn nên nhân đêm tối đã nhảy xuống ao mà chết. Việc này đến tai Hoàng đế. Hoàng đế bèn sai trả lại áo mũ và khôi phục chức Thống chế cho Trương Phúc Đặng”.

Lời bàn: Cũng là người Việt, cũng là lính, nhưng lính của Phan Bá Vành thì quả cảm vùng lên khuấy nước chọc trời, ngược lại, lính của triều đình thì nhút nhát, chưa ra trận đã lo bại trận, chưa hề giáp chiến với nhau đã lo chết. Mới hay, sức mạnh của ba quân trước hết là ở tinh thần. Tinh thần quân sỹ Phan Bá Vành là tinh thần quyết chí tự cứu lấy mình, đánh đổ bất công, diệt trừ lũ tham quan ô lại. Tinh thần của đông đảo quân sỹ triều đình là tinh thần… vạn bất đắc dĩ. Họ đi lính vì không thể không đi đó thôi.

Diễn biến và kết quả cuộc so tài giữa Phan Bá Vành với Thống chế Trương Phúc Đặng đã quá rõ. Trương Phúc Đặng chỉ biết đánh võ, mà lại là đánh võ tay đôi với Phan Bá Vành chớ chẳng hề biết rằng, đánh Phan Bá Vành tức là đánh vào cả một đội quân nông dân hùng mạnh. Nói Trương Phúc Đặng bị điếc cũng được mà nói người như Trương Phúc Đặng là loại người thừa hai cái tai cũng được. Một đời làm quan, chừng như ông chưa từng nghe được tiếng của dân tình. Trương Phúc Đặng nhảy xuống ao tự tử trong đêm, như thế cũng có thể nói là chết vì nước, chỉ tiếc rằng đó chỉ là nước ao bé nhỏ và đen ngòm. Thương hại thay!

________________

1. Tức là năm 1826. 

2. Nay thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình.

3. Là quân sư và cũng là một võ tướng kiệt xuất của Phan Bá Vành.

Cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành diễn ra khoảng những năm 1821 đến 1827 nhằm chống lại đường lối chính sách cai trị thối nát của triều đình nhà Nguyễn.

“Trên trời có ông sao tua
Ở làng Minh Giám có Vua Ba Vành…”

Trưa mùa hè đổ nắng lửa xuống đánh đồng Minh Giám [1].

Thúc trâu đi nốt sá cày cuối cùng, Ba Vành [2] bặm môi ấn lút mũi sắt nhọn xuống nhọn xuống bùn, lột phăng tấm áo cộc, giật mạnh chiếc nón mê, quạt thốc một hồi vào bộ ngực vạm vỡ như đá tảng. Từ đầu bờ xa tít tắp, tiếng cu Vò khàn khàn gọi với tới, giục Vành nghỉ tay ăn trưa. Cái đói âm ỉ giày vỏ suốt buổi, giờ bỗng dội cồn lên. Ba Vành tháo ách trâu, thuận tay đập luôn một cái roi cho con vật chạy lồng lộn lên bờ, chỗ người đầy tớ của chủ đất đang đứng đợi. Bóng người và vật nhòa đi trong nắng chói chang. Ba Vành vớ lấy chiếc bắp cày đẫy chét tay, khẽ nheo mắt, đoạn vươn cánh tay dài như tay vượn, lao đánh vụt. Đòn tre nặng bay vù qua hơn một mẫu ruộng, cắm phập ngay trước mặt cu Vò! Bùn nước bắn vung tung tóe, nhưng Vò vẫn đứng nguyên vuốt mặt cười ồ ồ: tài ném lao của anh Vành đã khét tiếng khắp vùng này, đích dẫu có xa đến mấy cũng chẳng chệch được một phân mà sợ! [3]

Ba Vành ào ào lội ruộng đi tới. Nhìn rá cơm với bát tương và ấm nước vối, Vành tần ngần một lúc rồi bỗng vớ lấy ấm nước, tu một hơi cạn sạch.

Khuỳnh bắp tay quệt những giọt nước chảy ròng ròng dưới cằm, Vành bảo Vò:

– Mày chạy nhanh về nhà tao, đưa ra cơm này cho mẹ và vợ tao, bảo là phần thằng Vành gửi!

Cu Vò ngơ ngác nhìn Vành, nhưng vẫn cứ cầm rá cơm, ré chân bước vội, bởi đã biết cái tính quả quyết mà nóng nảy như lửa sôi của con người này.

Còn lại một mình, Ba Vành duỗi chân ngồi cạnh bóng trâu, đưa mắt nhìn quanh. Cánh đồng Minh Giám quạnh quẽ, tiêu điều, vàng vất hơi nắng trắng khô. Sau lũy tre làng, khói cơm trưa thưa thớt, vật vờ. Đã ba năm liền, cái vựa lúa trấn Sơn Nam Hạ [4] này bị thần đói vật cho nhừ tử rồi! Dân các làng trong miền, từ những kẻ vong mạng đánh liều tụ tập nhau làm giặc, còn thì chạy đói, bỏ cửa nhà mà phiêu dạt đi các xứ đến quá nửa [5]. Những người già cả ở nhà còn cố gượng bám lấy xóm làng, vừa lần hồi sinh nhai, vừa vuốt ngực thở dài, nhắc lại chuyện trăm năm trước: đời Lê mạt, miền này cũng đã từng bị cơn đói kém tàn hại, đất mất người đến nỗi ruộng bỏ hoang, cho lau cỏ mọc thành rừng rậm, và thú rừng nhan nhản về ngự trị, thay người…

Bọn cường hào, ác bá, tham quan, nhũng lại, và cả cái triều đình mục nát của nhà Nguyễn chính là những kẻ đã gây ra tất cả những tai vạ đó. Chúng đục khoét, bòn rút, hà hiếp người nghèo cho đến tàn rụi, kiệt cùng [6]. Sức dài vai rộng như Ba Vành, mồ côi cha nhưng may có mẹ hiền vợ thảo đùm bọc, vậy mà cày thuê bừa mướn cho chủ đất khắp vùng, vẫn chẳng đủ miếng cơm nuôi miệng.

Cơn đói lại cuộn lên. Ba Vành uất ức nghiến răng kèn kẹt. Tài võ nghệ, chí lược thao và sức mạnh tuyệt trần, gần xa đều thán phục như thế này mà đành bó tay chịu cảnh đói khổ mãi sao? Nếu không làm cuộc đổi đời thì bao giờ mới thoát khỏi cảnh đày đọa này?

Chiều hôm ấy, không trở lại nhà chủ nữa, Phan Bá Vành đánh thẳng con trâu mộng của chủ đất về nhà mình. “Vành tôi cùng với mẹ và vợ, làm đã cật lực mà vẫn sắp chết đói cả. Bây giờ chỉ còn cách đánh lại chúng nó thì mới sống được mà thôi. Bà con làng xóm ai muốn hết khổ thì đi theo tôi! Sẵn có trâu béo đây, Vành tôi xin mở tiệc khao quân. Rượu thịt no say rồi thì cùng nhau làm đổi cuộc đời…” – Phan Bá Vành vừa sải chân bước giữa xóm nghèo của mình, vừa cất giọng nói oang oang như vậy.

Cu Vò là người đầu tiên, thấy chuyện lạ, vội ngấp nghé tới xem. Được lệnh Ba Vành sai đi mời tìm bà con xóm giềng và người quen kẻ lạ gần xa lúc đầu Vò còn ngập ngừng ngần ngại, nhưng rồi cuối cùng cũng hăm hở, tất bật chẳng kém gì Ba Vành. Bữa tiệc thịt trâu hôm ấy thật đủ vẻ náo nức, dữ tợn, bồn chồn, hồi hộp. Khoản đãi người theo mình đi làm cuộc đổi đời, và cũng là để một lần tạ nghĩa mẹ, giã từ vợ, Ba Vành cầm chắc ngọn lao sở trường, ra đi.

Tin Phan Bá Vành đã nổi dậy khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn lập tức loan truyền đi khắp ngả. Một đồn mười, mười đồn trăm, miền Sơn Nam Hạ sôi lên sùng sục như con nước vỡ bờ. Bấy giờ là tháng bảy năm Ất Dậu, đời Minh Mệnh thứ sáu [7]. Một đêm quang mây, người vùng Sơn Nam Hạ nhìn lên trời bỗng tròn mắt, ngây người đứng sững: phía đông nam, một ngôi sao tua rua [8] vụt hiện ra chói lóa, đuôi sao cực lớn kéo dài lê thê về hướng tây bắc như chiếc chổi quái dị. Thế rồi, ồn ào hoặc thầm kín, thành kính mà thích thú, người vùng Sơn Nam truyền cho nhau câu hát kỳ lạ:

“Trên trời có ông sao tua
Ở làng Minh Giám có Vua Ba Vành… [9]“.

Tài phóng lao của Phan Bá Vành

Phan Bá Vành, theo sau là cu Vò, ung dung bước qua chiếc cổng đồ sộ có chòi canh chắc chắn xây cao bên trên của nhà Tri Đạo. Đây là nhà hào phú lớn nhất làng Cát Già [10] và chính cái kho của vựa lúa nhà này đang được người thủ lĩnh nghĩa quân nhằm vào để toan tính chuyện lương tiền cho đạo quân mới nổi của mình.

Tri Đạo ngả người trên chiếc tràng kỷ, đang phe phẩy chiếc quạt lông tàu thì thấy Ba Vành đột ngột xuất hiện. Cài vội chiếc áo lụa mỡ gà, Tri Đạo chồm dậy, luống cuống mời Ba Vành ngồi lên sập trên, rồi lập tức, quát bảo gia nhân mổ lợn giết gà, làm tiệc ngay.

Mâm rượu thịt đầy có ngọn bày lên, Ba Vành thong thả ăn uống cho đến khi ngà ngà mới nói cho Tri Đạo biết mục đích của mình. Ngồi thấp thỏm tiếp rượu con người oai danh đang nổi như sóng cồn ấy, Tri Đạo cũng đã phần nào đoán biết được câu chuyện. Vả chăng, cũng chẳng còn con đường nào khác, viên phú hào bèn mượn hơi men, nói với Ba Vành:

– Cái gia tài cơ nghiệp này giao cả cho tướng quân tôi chẳng hề tiếc. Chỉ tiếc là nghe nói đã nhiều mà vẫn chưa một phen được biết tài võ nghệ của tướng quân.

Ba Vành ngửa mặt cười khà khà, uống tiếp ba chén rượu nữa rồi mới bảo Tri Đạo:

– Ông gọi người nhà chặt cho ta mươi gốc tre đực dài độ ba thước [11] – Ba Vành dang rộng hai cánh tay vượn ra hiệu làm cữ – rồi mang cả vào đây!

Khi đám gia nhân Tri Đạo lễ mễ khuân đống gốc tre vào dựng bên sập, Ba Vành khẽ liếc mắt ra hiệu cho cu Vò từ nãy vẫn khoanh tay đứng hầu ở phía sau. Lập tức, Vò rút con dao bên sườn, thoăn thoắt đẽo vạt nhọn hoắt những gốc tre thành ngay những ngọn lao lợi hại, quen thuộc. Gạt mâm thịt đã vơi quá nửa sang một bên, Ba Vành lúc ấy mới vươn người bước xuống sập, chìa tay đón lấy ngọn đầu tiên tự tay cu Vò đưa tới. Đảo mắt nhìn nhanh ra phía ngoài, Ba Vành vung tay, quát khẽ:

– Coi đây!

Ngọn lao xé gió vụt ra cửa, qua chiếc sân lát gạch Bát Tràng thênh thang, qua khu vườn rau dài dặc, qua chiếc ao thả cá bát ngát, cắm phập vào một thân cây chuối ngả mình bên kia bờ ao. Cu Vò đã nhanh tay đưa tiếp ngọn lao thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư… Cuối cùng, Ba Vành vẫn không đổi sắc mặt, thong thả trèo lên sập, cầm tiếp chén rượu. Tri Đạo và đám gia nhân chạy ùa ra cửa, hấp tấp đi mãi tới bên kia bờ ao. Và tất cả đều lặng người, sợ xanh mắt: đều chằn chặn, thẳng tăm tắp, từ ngọn chuối xuống đến gốc, cứ đúng một gang tay lại một ngọn lao của Ba Vành cắm ngập [12].

Ngay hôm ấy, Tri Đạo đem hết cả gia nhân tài sản, đi theo nghĩa quân Ba Vành.

Triều đình cho quân tiễu phạt

Chẳng bao lâu, số người tụ nghĩa, dưới ngọn cờ Ba Vành đã lên đến năm nghìn. Những cánh tay vừa rời cày cuốc nắm lấy giáo gươm ấy Ba Vành tập hợp một phần thành đội Hữu quân, giao cho Nguyễn Hạnh, người tùng Đảng với mình làm tướng, còn thì đưa tất cả vào đội Trung quân do chính mình chỉ huy.

Nghĩa quân Ba Vành tiến đánh các huyện Tiên Minh và Nghi Dương [13] để làm căn cứ đầu tiên. Và cũng lại căn cứ này, họ đã đánh trận đầu tiên với một lực lượng đàn áp khổng lồ của triều đình thống trị. Nhà Nguyễn đã tung ra cả một đội quân lớm, do Tiền quân Đô thống chế Trương Văn Minh chỉ huy, Thượng thư Nguyễn Hữu Thân làm phó, có cả thủy đội lấy ở Nghệ An, Thanh Hóa ra phối hợp ngăn chặn nghĩa quân từ mạn biển.

Vừa mới nổi dậy đã gặp phải một đạo quân tiễu phạt đông đảo như thế, nghĩa quân Ba Vành không đương nổi, phải vừa đánh vừa chạy về mạn Nam Định. “Giặc cùng chớ đuổi” – Đô thống chế Trương Văn Minh vừa hồi hộp nghĩ tới những ân tứ thưởng lệ của triều đình sau võ công này, vừa làm ra vẻ bình thản nói với tả hữu như thế. Và ra lệnh thu quân.

Phần II – Diễn biến cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành

So tài với Trấn thủ Sơn Nam Hạ Lê Mậu Cúc

Trấn thủ Sơn Nam Hạ Lê Mậu Cúc luôn mấy ngày nhận được mấy tin cấp báo: Phan Bá Vành lại mới nổi dậy, thanh thế rất mạnh; Phan Bá Vành đã liên kết được với chức Thủ ngự sứ [14] Vũ Đức Cát ở cửa Ba Lạt [15]. Chưa kịp đối phó, tin dữ đã lại tới tấp bay về: các tướng Đặng Đinh Miễn và Nguyễn Trung Diễn trấn giữ các tấn sở [16] Trà Lý và Lân Hải [17] đã bị Phan Bá Vành đem quân giết chết rồi chiếm lấy tấn sở; đoàn binh thuyền 12 chiếc của triều đình đã bị Phan Bá Vành phục quân ở Cồn Tiên, Bác Trạch [18] đánh úp, tước mất toàn bộ lương thảo, quân khí…

Không chậm trễ được nữa, Lê Mậu Cúc vội mở cổng trấn thành, đưa toàn bộ quân lính trong trấn đi tiễu phạt. Hào kiệt hầu Đỗ Hào, tay chân thân tín của Mậu Cúc, quê ở Trà Lý, được cử làm tiền đạo, đem quân dẫn đường.

Vừa đến Trà Lý thì bỗng gặp ngay Phan Bá Vành cùng mấy thủ hạ đang kéo quân đi trên đê. Nhác thấy viên chủ tướng nghĩa quân chồm dậy trên mình ngựa, vươn cách tay vượn nắm lấy cây siêu đao, từ xa, tiền đạo Đỗ Hào đã khiếp đảm hô quân lùi lại. Trấn thủ Lê Mậu Cúc lúc ấy vừa dẫn đại quân tới nơi, thấy vậy giận dữ thúc ngựa xông thẳng lên. Phan Bá Vành cũng lập tức phi ngựa tới.

Trống trận nổi lên ầm ầm như sấm động. Con đê Trà Lý bụi cuốn mù mịt. Quân đội triều đình dàn ra dọc đê, nín thở nhìn theo chủ tướng của mình. Đôi ngựa chiến mỗi lúc một lao tới gần nhau. Lê Mậu Cúc xưa nay vốn tự đắc về cái sức khỏe như thần của mình, biết Ba Vành chỉ còn ít quân, liền hăm hở xỉa ngọn thương, tới tấp tiến đánh ngay từ hiệp đầu. Thấy kẻ địch hùng hổ, viên thủ lĩnh nghĩa quân bỗng nổi cơn lôi đình, vừa gầm hét, vừa vung siêu đao đánh trả. Đôi ngựa lúc chồm sát vào nhau, lúc vượt ra xa rồi lại quay vòng trở lại. Giao chiến đến hiệp thứ ba thì Phan Bá Vành đã đâm Lê Mậu Cúc một nhát trúng vai, hất Trấn thủ Sơn Nam từ trên mình ngựa ngã nhào xuống chân đê.

Thấy chủ tướng thất trận, Đỗ Hào vội vã hô quân ra dìu Lê Mậu Cúc chạy lộn về. Phan Bá Vành cũng giật cương quay ngựa trở lại với đám thủ hạ của mình, lúc này đang nhảy dựng cả lên mà hò reo tưởng đến vỡ trời trước thắng lợi của chủ tướng.

Anh hùng tụ nghĩa

Tin Trấn thủ Sơn Nam Hạ Lê Mậu Cúc, danh tướng đất Bắc, phò mã của Hoàng triều bị tử trận trong khi đem quân giao chiến với Phan Bá Vành, ồn ào bay đi khắp ngả.

Không phải Mậu Cúc đã chết ngay sau khi bị Phan Bá Vành đâm ngã ở Trà Lý. Mang vết thương nằm giữa hàng quân, Mậu Cúc lúc ấy toan rút về trấn thành cố thủ. Nhưng Phan Bá Vành đã đem đại quân đến khiêu chiến. Và Đỗ Hào nói khích Mậu Cúc: “Cứ như oai danh của tướng quân thì các giặc cỏ có mùi mẽ gì mà đánh bẩn gươm! Nếu tướng quân vội chùn lại, chẳng hóa ra bị bọn bộ tướng chê cười sao? Cổ nhân có khi gượng bệnh, ngồi xe đi trận, huống chi giặc đang ở trước mắt mà tướng quân thì thương tích chưa đến nỗi chết…” [19]. Trước tình thế ấy, Mậu Cúc đành gượng gạo tổ chức thủy đội, rồi xuống thuyền chỉ huy quân quan tiến đánh căn cứ của nghĩa quân Ba Vành một lần nữa. Nhưng Ba Vành đã đặt quân phục ở trên bờ, giấu thuyền nhỏ trong đám lau sậy, đợi khi thuyền Lê Mậu Cúc vừa chợt đến thì nhất tề đổ ra công kích dữ dội, chém chết Mậu Cúc giữa vòng vây.

Sau trận đánh lẫy lừng danh tiếng ấy, oai danh Ba Vành và thanh thế nghĩa quân ầm ầm vượt lên như triều dâng sóng dậy. Cả một vùng rộng lớn trấn Sơn Nam dường như mất bóng chủ cũ. Dân các làng xóm gần xa đều tìm đến xin Vua Ba Vành che chở. Và được lệnh của viên thủ lĩnh nghĩa quân, không một ai phải nộp thuế cho quan, nộp thóc cho nhà giàu nữa. Những tên cường hào nhiễu dân lập tức bị Vua Ba Vành trừng trị thẳng tay. Đời sống tự do no ấm không ngờ lại giành được quá nhanh. Cảm ân nghĩa ấy, dân cầy từng đoàn từng đội lũ lượt xin nhập quân ngũ, đông như trẩy hội. Và chẳng phải chỉ có người vùng đồng bằng Sơn Nam, mà từ miền thượng đạo Thanh Hóa, cả một cánh quân ba nghìn người Mường cũng theo chủ tướng Ba Hùm của họ kéo về hội binh với Ba Vành. Đất võ Trà Lũ [20] cũng cử những tay vật, tay khiên giỏi nhất cùng với tướng Hai Đương [21] đi giúp Ba Vành. Dự vào hàng tả hữu của Ba Vành, chẳng bao lâu đã có tới ba chục thủ lĩnh có tài, cả văn lẫn võ. Ngoài Hữu quân Nguyễn Hạnh, thủ ngự sứ Vũ Đức Cát theo về từ trước, Ba Hùm, Hai Đương mới về theo, còn có Chiêu Liễn, Chiêu Văn [22], Lang Đình [23], Tú Ốc [24], Nho Phương, Hai Hương, Hương Thước, Tuần Tường, Tuần Nghị [25], Tư Tân, Chấn Diễn, Ba Điều, Bất Hựu, Đốc Bồi,…

Với cả một lực lượng hùng hậu ấy, Phan Bá Vành mở cờ gióng trống, đánh phá quân triều, giúp đỡ dân chúng khắp cả một vùng từ đồng bằng đên ven biển, và rồi vào năm Canh Tuất [26], tung ra trận đánh quyết định của mình: tấn công Phủ Bo [27].

Phan Bá Vành giao chiến cùng Thống chế Trương Phúc Đặng

Chiếm được Phủ Bo, Phan Bá Vành đang phân vân không biết nên án binh giữ phủ thành, hay là theo lời khuyên của các tướng, lại tung quân sang đánh thẳng lấy tỉnh thành Vị Hoàng [28], thì bỗng được tin Bắc Thành [29] tổng trấn đã cử Thống chế Trương Phúc Đặng đem đại quân tới đánh. Binh mã triều đình đã qua bến Mỹ Bổng và đang men theo đường Thư Trì [30] xuôi xuống, khí thế rất mạnh. Tướng Hai Đương lập tức xin được ra quân cự địch, rồi, tay khiên tay đao, dẫn ngay cánh quân bản bộ tiến lên phía trước. Gặp quân triều đình, Hai Đương lăn xả vào giữa hàng trận mà chém giết. Tuy đã cố sức tả xung hữu đột nhưng quân triều đình vẫn cứ ùn ùn kéo tới ngày một đông. Không cản nổi kẻ địch quá mạnh, Hai Đương phải thu quân chạy lộn trở về. Trương Phúc Đặng thấy trời sắp tối, bèn cũng đóng binh nghỉ lại.

Thấy Hai Đương thua trận, Phan Bá Vành nổi giận đùng đùng, một mặt hạ lệnh đem chém ngay đầu Hai Đương để làm gương, một mặt quát bảo tả hữu đốt đuốc cho mình ra trận tìm Trương Phúc Đăng thách đánh ngay đêm ấy. Chiêu Liễn và các tưởng phải xúm lại xin mãi tội chết cho Hai Đương, và can mãi mới đình được lệnh ra quân đánh đêm của Ba Vành. Nhưng đến tờ mờ sáng hôm sau thì Ba Vành đã nai nịt gọn gàng, cưỡi ngựa, xách siêu đao, dẫn quân đến trước trại Trương Phúc Đăng rồi.

Lúc bấy giờ, cửa trận bên quân triều đình cũng mở ra, và Thống chế Trương Phúc Đăgng cưới ngựa hồng, cầm côn sắt xuất hiện! Chẳng nói chẳng rằng, Phan Bá Vành thúc ngựa vung đao xông đến đánh ngay. Hai bên chủ tướng giao đấu một trận thật kịch tích. Trương Phúc Đặng là tay võ tướng trụ cột của triều đình, vậy mà đánh mãi cũng không đổ được Phan Bá Vành. Còn viên chủ tướng nghĩa quân thì cũng đã cố hết sức mà vẫn không hạ nổi Trương Phúc Đặng. Cuối cùng, người ngựa đều đã thấm mệt, đôi bên cùng thu quân về nghĩa.

Ngày hôm sau, hai viên chủ tướng lại cùng nhau giao chiến một trận kịch liệt nữa. Nhưng vẫn bất phân thắng bại.

Đến ngày thứ ba thì cả đôi bên quân tướng đều đã quá hồi hộp, sốt ruột. Trương Phúc Đặng, sau mấy ngày nghiền ngẫm và được lũ mưu sĩ thuộc hạ mách nước, quyết tìm cách ám toán, hạ ngay Phan Bá Vành từ xa. Vừa vào cuộc giao đấu, lựa lúc viên chủ tướng nghĩa quân còn đang gò ngựa chạy tới. Phúc Đặng đem hết sức bình sinh quăng cả cây côn sắt vào mặt Ba Vành. Nhiều tiếng thét thảng thốt hoặc đắc chí bật lên từ hai bên hàng trận. Nhiều người đã chắc mẩm phen này Ba Vành phải trận vong. Không ngờ viên chủ tướng nghĩa quân nhanh mắt đã kịp nhoài người nép vào bên kia cổ ngựa để tránh ngọn đòn ám hại: cây côn sắt chỉ đập vỡ tan sọ con vật!

Ngã lăn từ mình ngựa xuống đất, Ba Vành chồm ngay dậy và chạy lùi trở về mươi bước. Vừa lúc ấy, cu Vò đã hộc lên một tiếng, cắm đầu xông tới sát bên cạnh chủ tướng, hai tay ôm khư khư một bó lao nhọn. Ba Vành choãi chân đứng lại: “Được, Phúc Đặng, mi đã buộc ta phải dùng đến ngọn đòn sở trường rồi đó!”.

– Coi đây! – Ba Vành quát lớn, mắt long lên sòng sọc.

Nhanh như chớp, ngọn lao quen thuộc, như bao lần vừa truyền từ tay người hầu cận trung thành tới tay Ba Vành đã rít lên, bay vù vù tới chỗ Trương Phúc Đặng. Viên thống chế triều đình cả kinh, bất giác né người, vung tay lên: Phúc Đặng đã chộp gọn được ngọn lao trong tay! Những tiếng ồ kinh ngạc loang ra khắp bãi chiến trường. Nhưng ngọn lao thứ hai đã lại từ tay Ba Vành vù vù bay tới. Và Phúc Đặng lại né người, vung cánh tay bên kia lên, bắt được! Tiếng reo hò nổi lên dậy đất. Viên thống chế nhà Nguyễn đắc chí hai tay giơ cao hai ngọn lao, hai bắp đùi kẹp chặt lấy mình ngựa, vươn thẳng người, xô ngựa xông bừa vào chỗ Ba Vành đang đứng, khí thế thật dữ dội.

Gầm lên một tiếng váng óc, viên chủ tướng nghĩa quân giật lấy ngọn lao cuối cùng trong tay cu Vò, quỳ rạp xuống, nhằm đúng ngực Trương Phúc Đặng phóng ngược mũi nhọn lên, đà bay như gió bão của miếng phóng lại hại dội vào cái thế xô tới hùng hổ của viên tướng triều đình, khiến cho ngọn lao của Ba Vành chỉ trong nháy mắt đã xuyên suốt qua người Trương Phúc Đặng ném tung ngược viên thống chế nhà Nguyễn lên trời [31].

Điều kết thúc xảy ra quá đột ngột. Nghĩa quân Ba Vành lập tức ào lên, đánh cho không còn mảnh giáp cả một đạo quân lớn triều đình.

Phần III – Triều đình nhà Nguyễn đàn áp phong trào

Những toan tính của nhà vua Minh Mệnh

Vua Minh Mệnh từ khu hồ sen, trong cung cấm theo đường hồi lang [32] vào nghỉ ở vườn Thư Quang [33]. Vị vua thứ hai của triều Nguyễn này vừa làm xong cái công việc hàng ngày mùa hè của hoàng đế: bắt cả bầy vợ hàng trăm người của y ra tắm tiên ở hồ sen để y ngồi xem.

Minh Mệnh bần thần, có ý không vui: hoàng đế vừa chợt thấy trong đám vợ của y đã nhiều người có dáng quá tuổi đôi mươi! Loay hoay với điều ám ảnh ấy, chợt thấy quan Thượng bảo khanh Hoàng Quỳnh đã kính cẩn chực sẵn ở thềm điện, Minh Mệnh giở giọng truyền phán ngay:

– Hai ba năm nay đại hạn luôn, khiến dân tìn cơ cực, lòng người không yên. Các trấn thành hay tâu việc giặc cỏ nổi lên cướp phá… – Hoàng đế ngừng lại, nhấp ngụm sâm trong chiếc chén ngọc do viên nội giám vừa quy dâng – “Trẫm nghĩ chưa rõ vì cớ gì! Hay tại đàn bà con gái bị giam hãm ở trong cung nhiều, khí âm uất tắc mà nên thế chăng? Nay lũ họ ở trong cung cũng không nhiều lắm, song hãy tạm lựa cho ra bớt một trăm người, may ra tai biến giảm đi chăng?” [34].

Minh Mệnh lại nhấp ngụm sâm nữa. Và trong khi chờ cho chức Thượng bảo khanh Hoàng Quỳnh kia lĩnh kỹ thánh ý, trước khi truyền phán tiếp về việc phải chọn thêm con gái trẻ đẹp nhập cung thay thế vào chỗ phi tần sẽ bị thải ra, hoàng đế lơ đãng lật chồng sớ mà quan Cơ mật đã đặt sẵn ở án thư để chờ ngài ngự lãm. Nhưng vừa mới xem lướt qua mấy chữ, Minh Mệnh đã giật mình thất sắc. Mối hiểm họa Ba Vành ở Bắc Thành mà y hằng quan tâm, giờ đã trở nên quá lớn rồi! Tập sớ tâu việc phò mã Lê Mậu Cúc, thống chế Trương Phúc Đặng nối tiếp nhau tử trận, nông dân Bắc Thành rầm rộ đi theo Phan Bá Vành… bị vò nát trong các ngón tay run rẩy co quắp tự lúc nào chẳng biết! Minh Mệnh phút chốc quên phắt cả việc cung tần mỹ nữ, vội vã hạ lệnh triệu tập ngay viện Cơ mật [35].

Trong cuộc nghị bàn với viện Cơ mật hôm ấy, lúc đầu quá hoảng sợ trước phong trào nông dân khởi nghĩa do Phan Bá Vành cầm đầu, hoàng đế nhà Nguyễn đã tính toán đến sự phải thân chinh. Nhưng sau đấy Minh Mệnh lại thay đổi ý kiến: Những đại thần cột trụ triều đình phải đi làm việc đó chứ không phải là hoàng đế! Vậy trước tiên hãy sai Tiền quân thống quản tiệp kính thập cơ Phạm Văn Lý làm thống tướng, Binh bộ thị lang Nguyễn Công Trứ làm tham tán, thủy quân đô đốc Phan Bá Hùng điều bát Hải đạo binh thuyền. Sau đấy, lại điều Phó đô thống chế, Nghệ An trấn thủ Nguyễn Văn Hiếu làm Sơn Nam kinh lược đại sứ, Hình bộ thượng thư Hoàng Kim Xán, Binh bộ thị lang Thân Văn Duy làm Tham biện Kinh lược sự vụ. Cả một bầy quan tướng ấy đều phải lập tức lên đường, triệt cho kỳ được mối hiểm họa Ba Vành để ngài ngự được thanh thản mà đi đi dưỡng thân vàng mình ngọc!

Chiến thuật của thống tướng Phạm văn Lý

Phan Bá Vành đứng lên chòi cao của đại đồn Trà Lũ [36] nhìn ra cánh đồng trước mặt. Bụi đất ở đấy vẫn còn chưa tan. Dư âm của những hồi trống trận vẫn còn chưa tắt. Ánh nắng xiên khoai đục vẩn một màu vàng dữ dội của buổi chiều chiến trường. Nghĩa quân của tướng Hai Đảng lại vừa tay khiên tay đao phá tan một cánh quân triều đình ở đấy.

Đại quân triều đình đánh mấy trận gần đây dường như đã đổi cách đánh. Hồi mới kéo quân tới Sơn Nam, thống tướng Phạm Văn Lý đã khiến Phan Bá Vành phải khó chịu vì cách đánh của hắn. Văn Lý né tránh tất cả các cuộc giao chiến với nghĩa quân. Cùng với tham tán Nguyễn Công Trứ, có hải thuyền của Phan bá Hùng hỗ trợ, hắn đóng quân thành những đồn lớn, vây quanh vùng hoạt động của Phan Bá Vành. Quân của Văn Lý chỉ thỉnh thoảng mới dóng súng thần công nã vào trại quân Ba Vành, còn thì chủ yếu là làm vây cánh cho bọn Kinh lược Nguyễn Văn Hiếu, tham biện Hoàng Kim Xán và Thân Văn Duy trị dân, triệt đường lương thảo của nghĩa quân. Những đồn quân của Văn Lý như thế, thường được phòng thủ khá vững. Có lần, chính Phan Bá Vành đã đem năm nghìn nghĩa quân, tất cả đều trần trụi, chỉ đóng khố bằng bẹ chuối, giữa ban đêm vác trường dao lăn xả vào phá đồn của Văn Lý, xung sát đến ba lần mà vẫn không vào được quân doanh của hắn.

Vướng quân của Văn Lý, các cánh nghĩa quân của Ba Vành dần dần đều phải tụ về quanh chủ tướng. Và Ba Vành đã phải đưa tất cả về vùng đất võ Trà Lũ này, xây đại đồn, cố thủ. Nhưng dồn được nghĩa quân về vùng này rồi, Văn Lý  xem ra lại muốn đổi các đánh. Hắn bắt đầu tung lực lượng, giao chiến đàng hoàng với nghĩa quân. Mấy trận đánh dữ dội như trận đánh với Hai Đảng đã xảy ra. Dân Trà Lũ, từ nhỏ đã học sử dụng khiên đao, khét tiếng đất võ, lần này theo Ba Vành, đã mấy trận làm quân triều đình khiếp vía. Nhưng liệu có đánh mãi được thế không?

Đứng trên chòi cao của đại đồn Trà Lũ chiều hôm ấy, nhìn các thủ lĩnh nghĩa quân đang quây lấy tướng Hai Đảng vừa thắng trận trở về, cặp mắt sắc như gươm của Phan Bá Vành thoáng một nét đăm chiêu. Đôi mày nét mác cau lại, Ba Vành thấy dội lên bên tai lời các tướng Chiêu Văn, Bất Hựu nói với mình mấy hôm trước: “Giặc đã vào sâu rồi! Ta nên nhân lúc thế lực của giặc chưa dày mà đánh cho mỏng đi!” [37]. Đúng, có lẽ phải như thế! Cần dốc toàn lực, nhân lúc Phạm Văn Lý đang còn điều quân tới chưa đủ mà đánh một trận sống mái, nếu không phá được giặc cũng mở được vây, kéo đi gây dựng lại cơ đồ ở vùng khác. Nhưng, chỉ mới nghĩ đến đấy, Ba Vành đã thấy phân vân ngần ngại… Những giọt nước mắt, rồi những tiếng nói nũng nịu, những bàn tay ve vuốt, những cử chi chiều chuộng của người vợ lẽ mới, giờ chắc đang đợi Ba Vành ở nhà, bỗng lái hẳn chiều suy nghĩ của viên chủ tướng nghĩa quân về một hướng khác. Ba Vành xoay người, bước vội xuống chòi.

Quả nhiên, người đàn bà mặt hoa da phấn đã đon đả đứng chờ Ba Vành trước thềm nhà. Bị bắt trong trận đánh Phủ Bo ngày trước, Thị Tú, người đàn bà ấy – con gái yêu của tri phủ Trần Thước, may nhờ sắc đẹp và tài khéo, nên chẳng những thoát chết mà còn được Phan Bá Vành dung nạp làm vợ lẽ. Rất biết lợi dụng sắc đẹp và tài khéo của mình, Thị Tú ngày càng khiến cho viên chủ tướng nghĩa quân say đắm, đi đâu cũng mang theo bên mình. Và đến giờ thì, ngầm thông đồng với Phạm Văn Lý, Thị Tú càng gắng mang sắc đẹp và tài khéo của mình để thi hành kế sách của viên thống tướng triều đình: giữ chặt Ba Vành ở Trà Lũ để quân triều đình tiêu diệt!

Đón Phan Bá Vành bước qua bậc cửa, Thị Tú vừa phe phẩy quạt và lần tay cởi áo cho viên chủ tướng nghĩa quân, vừa cất giọng ỏn thót:

– Thiếp xin kính mừng tướng quân lại thắng trận. Tiệc rượu mừng thiếp đã dọn đây! Lũ quân triều hèn đớn ấy, xin cứ để chúng kéo đến cho thêm đông, nuôi chúng cho thêm béo, rồi khi ấy tướng quân hãy ra oai một trận sấm sét, chẳng việc gì phải bận lòng nhọc sức…

Quàng cánh tay trần qua vai Ba Vành, kề chén rượu tận môi viên chủ tướng nghĩa quân, con rắn độc của Phạm Văn Lý đang nhả nọc mỹ nhân kế, nối giáo cho quân triều đình…

Kết thúc cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành

Các tướng của Ba Vành cuối cùng cũng giật được thủ lĩnh của họ ra khỏi mạng lưới mỹ nhân kế.

Một buổi sớm, đưa được Ba Vành đi tuần thám một lượt khắp bốn bề đại đồn Trà Lũ, Chiêu Liễn, Nguyễn Hạnh đã chỉ cho chủ tướng thấy rõ bên quân triều đình, dinh trại cờ quạt la liệt san sát khắp đồng nội, quây chặt lấy nghĩa quân không còn một kẽ hở. Thế trận liên hoàn của Phạm Văn Lý dồn nghĩa quân vào thế địa đã bày xong! Giờ mà tung quân ra đánh phá thì muộn mất rồi – Phan Bá Vành uất nghẹn đến tận cổ, trợn mắt hộc lên một tiếng.

Ngay ngày hôm ấy, lộ rõ chân tướng, Thị Tú bị điệu ra chém đầu. Và nghĩa quân cùng với nghĩa dân Trà Lũ được lệnh sắm sửa mai, cuốc, thùng sọt, sẵn sàng với binh khí của mình. Đợi đêm đến, họ sẽ khơi một con ngòi chạy suốt từ sông Cát Giang thông sang bên sông Ngô Đồng [38] mở đường máu để Ba Vành phá vây.

Con ngòi kỳ lạ đã làm xong chỉ trong một đêm [39]. Mờ sáng, nghĩa quân Ba Vành theo đường sông đào, ồ ạt đổ ra ngoài. Họ đã liều chết tả xung hữu đột, giao chiến với quân triều đình suốt cả ngày hôm ấy, máu chảy đỏ cả đoạn sông.

Nhưng rồi vòng vây vẫn không phá được. Quân triều đình, hết lớp này đến lớp khác, kéo tới như kiến cỏ. Và khi chiều đến thì Phan Bá Vành cũng trúng thương ở đùi. Tả hữu tan tác mỗi người một ngả, chỉ còn một mình cu Vò – vẫn người thủ hạ trung thành ấy – bên mình đeo một ống vầu đựng rượu, xả thân cõng chủ tướng tháo chạy.

Trong sáu ngày đêm, giấu Ba Vành trong một vạt lau rậm bên bờ tả ngạn sông Đồng Giang, dùng chỗ rượu trong chiếc ống vầu duy nhất còn bên người, Cu Vò nâng giấc, chữa chạy vết thương cho chủ tướng. Sang ngày thứ bảy, rượu hết, Vò lần ra bờ sông múc nước. Vừa vác được ống vầu về rửa vết thương cho Ba Vành thì đã thấy có tiếng động: một người đàn bà bắt cua tình cờ nhác thấy bóng người trong bụi lau hoang dại, đã tò mò theo hút Cu Vò, lần vào đến tận nơi.

Gặp cảnh kinh lạ, người đàn bà vừa hoảng hốt toan chạy trốn thì Ba Vành đã ôn tồn gọi lại. Biết đây là người Hoàng Nha [40] viên thủ lĩnh nghĩa quân gọn giọng nói:

– Chị có biết cai tổng Lê Tuấn không? Hắn là con của người môn hạ ta đó! Về bảo hắn đến đây, ta sẽ giao cả thân ta cho hắn… [41]

Biết trước mặt mình là Vua Ba Vành, người đàn bà sụp xuống lạy ba lạy, và phải để giục đến mấy lần, mới nước mắt ròng ròng mà quay đi. Rồi cai tổng Lê Tuấn đã hối hả tìm đến ngay sau đấy, đem theo cả võng lọng.

Rước Phan Bá Vành về nhà, ba ngày liền, Lê Tuấn cung kính thuốc thang, cơm rượu phục dịch hết lòng.

Đến ngày thứ tư, theo lệnh của người thủ lĩnh nghĩa quân, viên cai tổng cho đóng một chiếc cũi lớn, khiêng đến bên sập của Ba Vành.

Chít một chiếc khăn màu đỏ rực lên đầu, Ba Vành ung dung bước vào cũi, để cho tay chân của Lê Tuấn khiêng đi nộp quan lấy thưởng. Người thủ lĩnh nghĩa quân ngồi yên lặng trong cũi suốt một đoạn đường dài. Đến địa phận xã Đồng Phù, huyện Thượng Nguyên [42], những người khiêng cũi đang chạy gằn bỗng thấy tay đòn lắc đảo dữ dội và Ba Vành lảo đảo ngã vật: người thủ lĩnh nghĩa quân đã móc rốn, moi ruột, tự tử [43].

Bấy giờ là năm Đinh Hợi, đời Minh Mệnh thứ tám [44].

Phần IV – Cuộc khởi nghĩa thêm một lần sôi sục

Hơn 20 năm sau.

Miền Sơn Nam lại một lần nữa sôi lên sùng sục. Tráng đinh các thôn làng đua nhau sắm khiên, rèn dao, luyện võ. Căm ghét triều đình nhà Nguyễn đến tận xương tủy. Trẻ già nơi nơi sôi nổi truyền cho nhau cái tin “Vua châu chấu” đã nổi ở Mỹ Lương [45], chỉ nay mai sẽ kéo về, kén quân, chọn tướng ở vùng này, làm cuộc đổi đời.

Vào những ngày ấy, ở các phiên chợ Sơn Nam, thấy xuất hiện một người hát rong. Con người gầy ruộc, râu tóc mới chớm hoa râm ấy đã cuốn hút người nghe, người xem, bằng một giọng hát rõ trầm mà nặng, bằng lối hát rất kỳ lạ: cười đấy, khi hào hùng sôi nổi, khi thì lắng đọng xót xa, và nhất là bằng lời hát thật mê say:

“Nghênh ngang một cõi biên thùy
Thiếu gì tướng tá, thiếu gì biên lương…” [46]

Cuộc khởi nghĩa của Ba Vành đã sống dậy cùng với người chủ tướng kiệt liệt của nó qua những lời hát ấy.

Và con người đang truyền đi những lời hát ấy chính là Cu Vò, người hầu cận trung thành của viên thủ lĩnh nghĩa quân năm xưa…

Cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành – LichSu.Org
Theo Văn Lang

Chuyện kể danh nhân Việt Nam

Chú thích trong truyện Cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành

  1. Làng Minh Giám, quê hương Phan Bá Vành, sau đổi thành làng Nguyệt Đức, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình.
  2. Phan Bá Vành, tên dân gian gọi là Ba Vành, còn có tên nữa là Đỗ Hiển Vinh.
  3. Theo tài liệu của cụ Hoa Bằng [tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 83-1966]: “Phan Bá Vành, tay dài như tay vượn, hai bắp đùi tua tủa những lông đen như sâu róm. Ăn khỏe hơn người, sức lực rất mạnh, chạy rất nhanh. Vành có thể đứng ngoài trăm bộ, phóng cái lao để giết người, trăm lần không sai một. Đứng xa hàng mẫu ruộng, cầm cái bắp cày, ném từ bên bờ này suốt sang bờ bên kia, vẫn trúng đích”.
  4. Miền Nam Hà, Thái Bình ngày nay.
  5. Sử nhà Nguyễn, sách Đại Nam thực lục, chép về vùng Sơn Nam đời Minh Mệnh thứ 6 [1825]; chỉ trong 13 huyện, đã phiêu tán mất 108 xã thôn, bỏ hoang mất hơn 12.700 mẫu ruộng.
  6. Đại Nam thực lục chép lời tâu của Nguyễn Công Trứ năm 1828: “Cái hại quan lại là một, hai phần mười. Cái hại cường hào đến tám, chín phần mười… Nó làm cho con cái người ta thành mồ côi, vợ người ta thành góa bụa, giết cả tính mạng người ta, làm mất hết gia sản của người ta…”
  7. Năm 1825.
  8. Sao chổi.
  9. Một dị bản của hai câu hát này là:
    “Trên trời có ông sao tua
    Ở dưới hạ giới có vua Ba Vành”.
  10. Thuộc huyện Đông Quan, Thái Bình.
  11. Một thước bằng 40cm.
  12. Theo tài liệu của Trần Quốc Vượng: Tìm hiểu truyền thống thượng võ của dân tộc.
  13. Miền nam Hải Dương ngày nay.
  14. Một chức quan võ nhỏ của triều đình nhà Nguyễn.
  15. Cửa sông Hồng đổ ra biển.
  16. Đồn quân.
  17. Thuộc huyện Kiến Xương, Thái Bình.
  18. Thuộc huyện Trực Ninh, Nam Định.
  19. Theo tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số  83-1966, trang 52.
  20. Các xã Xuân Bắc, Xuân Phương huyện Xuân Trường, Nam Định ngày nay.
  21. Còn gọi là Hai Đảng tên thật là Trần Văn Đảng, tương truyền là tay đánh khiên giỏi nhất vùng Trà Lũ ở thời Nguyễn.
  22. Những tên này chỉ người con em nhà quan. Tương truyền Chiêu Liễn là người văn võ kiêm toàn, giữ chức quân sự cho Ba Vành.
  23. Tên gọi này là một tên Mường.
  24. Tên gọi này chỉ người nho học đã đỗ đạt.
  25. Những tên gọi này chỉ người phụ trách việc võ bị ở huyện hoặc tổng.
  26. Năm 1862.
  27. Tức phủ thành Kiến Xương, nay là thị xã Thái Bình.
  28. Tức thành phố Nam Định bây giờ.
  29. Đơn vị hành chính thời Nguyễn, bao gồm nhiều miền đất đai, từ Ninh Binh đổ ra tới biên giới phía Bắc.
  30. Nay đều thuộc Thái Bình.
  31. Trận giao chiến giữa Phan Bá Vành và Trương Phúc Đặng này, viết theo tài liệu của cụ Hoàng Bằng, sách đã dẫn. Kiểu chiến trận như thế này, rất cổ, vậy mà vẫn phổ biến ở thời Nguyễn.
  32. Đường vòng có lớp mái.
  33. Khu vườn này làm vào đời Minh Mệnh nhà Nguyễn [1821-1840], ở góc Hoàng thành tại Kinh đô Huế, gồm có lầu, viện, điện, hiên và hồi lang, tổn phí hàng mấy vạn quan tiền.
  34. Câu nói này của Minh Mệnh, sách Đại Nam thực lục chép vào năm 1825.
  35. Cơ quan tham mưu và quyền lực tối cao của triều đình nhà Nguyễn.
  36. Nay thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định.
  37. Theo tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 83-1966, trang 53.
  38. Sông chảy qua huyện Xuân Trường [Nam Định] ngày nay.
  39. Theo truyền thuyết dân gian, người địa phương gọi tên con ngòi này là “Cống Vành” để ghi nhớ người thủ lĩnh nghĩa quân đã chủ trương và đôn đốc đào ngòi.
  40. Nay vẫn là xã Hoàng Nha, Huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
  41. Theo tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số đã dẫn, trang 54.
  42. Miền đất phía nam huyện Mỹ Lộc [Nam Định] ngày nay.
  43. Triều đình nhà Nguyễn sau đấy đã phanh thây Ba Vành làm bốn mảnh, còn đầu thì chặt đem bêu khắp các miền đồng bằng, ven biển – địa bàn của cuộc khởi nghĩa do Ba Vành lãnh đạo.
  44. Năm 1827.
  45. Năm 1854, Cao Bá Quát nổi dậy chống phong kiến nhà Nguyễn ở Mỹ Lương [Chương Mỹ, Hà Nội]. Năm ấy có từng đàn châu chấu bay rợp từng cánh đồng, phá hoại mùa màng. Sử nhà Nguyễn gọi cuộc khởi nghĩa Cao Bá Quát là “giặc châu chấu”.
  46. Câu hát dân gian trong bài Vè Ba Vành.

Video liên quan

Chủ Đề