Pháp mở chiến dịch nào nhằm mục đích nhanh chóng kết thúc chiến tranh

[Bqp.vn] - Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược [1945 - 1954], chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 là một trong những sự kiện lịch sử có tầm chiến lược, tác động tích cực đến tiến trình cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Trong khi đó, đối với thực dân Pháp, đó là một thất bại nặng nề cả về quân sự lẫn chính trị, là sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi của chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947. [ảnh tư liệu]

Kế hoạch tấn công căn cứ địa Việt Bắc được tướng R. Xa-lăng [R. Salan] - Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Đông Dương soạn thảo, được Hội đồng phòng thủ Đông Dương thông qua ngày 9/6/1947 và Chính phủ Pháp phê chuẩn tháng 7/1947. Với cuộc hành binh này, thực dân Pháp hy vọng sẽ kết thúc cuộc tái chiếm Việt Nam bằng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, như lời tướng R. Xa-lăng từng huênh hoang: “Chỉ cần ba tuần lễ để đập tan đầu não của Việt Minh”.

Địa bàn tiến công của địch bao gồm các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng và Lạng Sơn. Đây là căn cứ địa, nơi tập trung cơ quan lãnh đạo kháng chiến, các cơ quan, kho tàng và lực lượng chủ lực của ta đứng chân.

Sáng 7/10/1947, cuộc tiến công của quân Pháp lên Việt Bắc bắt đầu. Đây là cuộc hành binh hỗn hợp của các binh chủng thủy, lục, không quân.

Về phía ta, ngày 8/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân du kích và toàn thể đồng bào ra sức tiêu diệt địch. Tiếp đó, ngày 15/10/1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị: Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp.

Về lực lượng tham gia chiến dịch, ta sử dụng các Trung đoàn: 147, 165 [chủ lực Bộ]; 72, 74, 121 [Khu 1]; 11, 36; 59; 98 [Khu 12]; một tiểu đoàn pháo binh và Trung đoàn Sông Lô [Khu 10]; 5 tiểu đoàn độc lập của Bộ, Khu 1 và Khu 12; ngoài ra còn các đơn vị binh chủng và du kích trên địa bàn chiến dịch.

Ngày 9/10/1947, khẩu đội pháo 12,7 mm của Đại đội 675, Trung đoàn 74 tại Cao Bằng bắn rơi chiếc máy bay vận tải Ju5, chở 12 sĩ quan tham mưu cuộc hành binh, trong đó có Đại tá Lăm-be [Lambert] - Phó Tham mưu trưởng quân Pháp bị thiệt mạng. Ta thu được bản kế hoạch tiến công Việt Bắc của chúng.

Ở mặt trận sông Lô - Chiêm Hóa, địch đổ bộ lên bến Bình Ca, ta bắn chìm một pháo thuyền, tiếp đó diệt hơn một tiểu đội quân địch, lập chiến công đầu tiên trên sông Lô.

Ở mặt trận Đường số 4, các đại đội độc lập và dân quân du kích Cao Bằng, Lạng Sơn phục kích, bắn tỉa địch trên đường hành quân, tiến công tiêu diệt địch tại Đông Khê, Thất Khê. Tiểu đoàn tập trung Lạng Sơn, lợi dụng địa hình đánh trận phục kích xuất sắc, diệt 33 xe cơ giới với gần 300 tên địch tại Bông Lau, thu toàn bộ vũ khí. Đường số 4 thành “con đường máu” của thực dân Pháp.

Ở mặt trận Đường số 3, tự vệ quân giới phối hợp với dân quân các dân tộc ít người đánh quân Pháp đi lẻ. Các tiểu đoàn tập trung thuộc Bộ Tổng Chỉ huy và Bộ chỉ huy Chiến khu 1 đã tập kích, đánh địa lôi làm hàng trăm lính Pháp bị tiêu diệt trong công sự, cắt đứt đường tiếp viện của quân Pháp từ Cao Bằng xuống Bắc Cạn.

Các Binh đoàn lớn của thực dân Pháp càng đi sâu vào căn cứ Việt Bắc càng bị chia cắt và hao mòn lực lượng. Đến ngày 19/12/1947, đại bộ phận quân Pháp rút khỏi Việt Bắc. Cuộc hành binh của địch thất bại hoàn toàn.

Các chiến sĩ pháo binh Trung đoàn sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947. [ảnh tư liệu]

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: Cuộc tiến công chiến lược lên căn cứ địa Việt Bắc “là cuộc tiến công mang nhiều tham vọng nhất của Pháp trong suốt quá trình chiến tranh xâm lược ở Đông Dương, ngoài kế hoạch Na-va sau này, nhằm kết thúc chiến tranh trong danh dự”.

Tuy nhiên, sức mạnh quân sự và tham vọng của thực dân Pháp không thể chiến thắng được bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Với thắng lợi vang dội của Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, quân và dân Việt Nam đã đập tan cả bốn mục tiêu của thực dân Pháp khi chúng hành quân lên Việt Bắc; đồng thời, chính thức viết “giấy khai tử” cho chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, buộc chúng phải bị động đánh lâu dài căng kéo với ta.

Chiến thắng này còn là minh chứng hùng hồn về sự lãnh đạo, chỉ đạo sắc bén, tài thao lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua chiến dịch, Quân đội nhân dân Việt Nam có bước phát triển về hình thức chiến thuật và phương thức tổ chức lực lượng, tích lũy kinh nghiệm về “du kích chiến”, “vận động chiến”, đặc biệt là phương châm tác chiến “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Đặc biệt, chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 cũng là chiến dịch phản công đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đã vận dụng thành công nghệ thuật chiến dịch “Tiến công trong phản công trên địa bàn rừng núi”, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước sang giải đoạn mới.

Trải qua 75 ngày đêm chiến đấu [từ ngày 7/10 đến ngày 19/12/1947], chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 kết thúc thắng lợi. Quân dân ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.200 quân địch, bắn rơi và làm hư hại 18 máy bay, bắn chìm 16 tàu chiến và 38 canô; phá hủy 255 xe các loại. Ta thu hai pháo 105 mm, 7 pháo 75 mm, 16 khẩu 20 mm, 337 súng máy các cỡ, 45 Ba-dô-ca, 1.660 súng trường cùng hàng chục tấn quân trang, quân dụng.

Ths Lê Văn Phong, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam [nguồn: Báo QĐND]

CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI 1950- BƯỚC NGOẶT CƠ BẢN CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược [1945-1954] đầy gian khổ, hy sinh song rất đỗi hào hùng của dân tộc ta, Chiến dịch Biên Giới Thu - Đông năm 1950 có một vị trí đặc biệt quan trọng - là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới, mở rộng và củng cố căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Cùng với thắng lợi của quân và dân ta trên khắp chiến trường cả nước, chiến thắng Biên Giới Thu - Đông 1950 mở ra một giai đoạn mới của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày đăng : 20/09/2021 Xem với cỡ chữ

Bản in

Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, quân và dân ta tiếp tục giành nhiều thắng lợi quan trọng: Lực lượng kháng chiến phát triển về mọi mặt; chiến tranh du kích được đẩy mạnh ở vùng sau lưng địch; lực lượng vũ trang ba thứ quân hình thành tương đối hoàn chỉnh, đặc biệt là bộ đội chủ lực phát triển nhanh, phương thức tác chiến phát triển từ đánh du kích lên đánh tập trung, với nhiều chiến dịch quy mô nhỏ trên chiến trường.

Thất bại trong việc thực hiện kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, từ năm 1948, thực dân Pháp buộc phải thay đổi chiến lược, chuyển sang “đánh kéo dài”, đẩy mạnh âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Nhằm đánh bại âm mưu của địch, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện, phát triển chiến tranh du kích, gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất. Đến giữa năm 1949, thực dân Pháp tiến hành Kế hoạch Rơ-ve, đẩy mạnh việc củng cố hành lang Đông - Tây, mở rộng chiếm đóng ở trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, củng cố tuyến phòng thủ biên giới Đông Bắc, thực hiện âm mưu khóa chặt biên giới Việt - Trung. Yêu cầu chiến lược của ta lúc này là phải phá tan âm mưu phong tỏa biên giới phía Bắc của địch, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cách mạng Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.

Thực hiện yêu cầu chiến lược và chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Biên Giới. Đây là chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức, chỉ huy; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy. Đây cũng là chiến dịch duy nhất đích thân Chủ tịch nước - Hồ Chí Minh ra mặt trận, trực tiếp chỉ đạo.

Hạ tuần tháng 8/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Theo kế hoạch tác chiến ban đầu, ta định tập trung lực lượng tiêu diệt địch ở Cao Bằng, đồng thời đánh địch lên ứng cứu, chi viện. Nhưng sau đó cân nhắc lại, Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ trương đánh Đông Khê trước, mở màn cho chiến dịch, vừa bảo đảm chắc thắng, vừa tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển thuận lợi. Chủ trương này được Chủ tịch Hồ Chí Minh phê chuẩn. Người chỉ rõ: “Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu, nhưng lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê, địch buộc phải cho quân đi ứng cứu, ta có cơ hội thuận lợi tiêu diệt chúng trong vận động”.

Ngày 13/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Sở Chỉ huy chiến dịch để đến Mặt trận Đông Khê, trực tiếp theo dõi bộ đội đánh trận mở màn chiến dịch. Người chỉ thị cho bộ đội: "Dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh cho kỳ thắng trận đầu". Ngày 16/9, quân ta bất ngờ tấn công cứ điểm Đông Khê. Sau 2 ngày chiến đấu ác liệt, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đông Khê. Ngay lúc này, Người vạch ý đồ tác chiến của ta là "nhử thú vào tròng" để "khép vòng lưới thép" tiêu diệt chúng. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 3/10/1950, địch vội ra lệnh cho quân ở Cao Bằng rút chạy, đồng thời huy động quân ở Thất Khê lên ứng cứu. Bộ đội ta liên tiếp đánh chặn trong hai ngày 7 và 8/10/1950, lần lượt tiêu diệt hai binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông ở núi Cốc Xá và điểm cao 477. Thừa thắng, quân ta chuyển sang tiến công giải phóng một dải biên giới dài 100 km từ Đồng Đăng [Lạng Sơn] đến Đình Lập, An Châu, Tiên Yên [Quảng Ninh]. Ngày 14/10/1950, Chiến dịch Biên Giới kết thúc.

Trải qua 29 ngày đêm [từ ngày 16/9 đến ngày 14/10/1950] chiến đấu quyết liệt, mưu trí, dũng cảm, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn, không chỉ tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng, tinh nhuệ của địch mà còn giải phóng một vùng đất rộng lớn, khai thông biên giới Việt Nam - Trung Quốc; nối liền liên lạc giữa cách mạng Việt Nam với phong trào hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, làm cho thế bao vây cả trong lẫn ngoài của địch đối với cách mạng nước ta bị phá vỡ.

Chiến dịch Biên Giới Thu - Đông1950 đánh dấu bước phát triển vượt bậc về trình độ tác chiến tập trung của Quân đội ta, có ý nghĩa chiến lược quan trọng, đáp ứng kịp thời yêu cầu bức thiết về mặt chiến lược của cuộc kháng chiến lúc bấy giờ, làm thay đổi cục diện chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến của quân và dân ta bước sang giai đoạn chủ động tiến công và phản công, buộc thực dân Pháp phải chuyển dần vào thế phòng ngự bị động. Cũng từ đây, cuộc kháng chiến của ta chuyển từ hình thái chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới Thu - Đông 1950 đồng thời đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính mà Đảng ta đã vạch ra ngay từ đầu cuộc kháng chiến. Bài học về về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Chỉ huy Chiến dịch; về phát huy nội lực; xây dựng thực lực kháng chiến; xây dựng Quân đội về tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi; chủ động đối phó với những khó khăn, thử thách; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để đưa cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới… để làm nên chiến thắng Biên Giới vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Minh Huyền- TH

Lê Thùy Trang

Lần xem: 44033

Go top

Bài viết khác

Video liên quan

Chủ Đề