So sánh chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự Đức và Bộ luật dân sự Pháp

11/08/2018

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶC THÙ VỀ CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT CỘNG HÒA PHÁP DƯỚI GÓC ĐỘ LUẬT HỌC SO SÁNH (Kỳ 1)

Nguyễn Văn Phúc – Khoa Luật trường Đại học Duy Tân

Tóm tắt

Trong pháp luật về hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng trong lĩnh vực “tư”, khi xảy ra sự vi phạm hợp đồng, các bên thường áp dụng chế tài phạt vi phạm với tư cách là một trong các biện pháp xử lý do vi phạm hợp đồng. Điều này được nhiều tác giả lý giải là do việc áp dụng hình thức phạt vi phạm mang tính “linh hoạt” hơn các biện pháp xử lý do vi phạm hợp đồng khác[1]. Liên quan đến vấn đề này, pháp luật dân sự nước ta và pháp luật dân sự của các nước thuộc truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa (Civil Law) đặc biệt Cộng hòa Pháp, có cách nhìn nhận tương đối khác nhau về mục đích chế định phạt vi phạm, mức phạt vi phạm. Bài viết phân tích một số hạn chế, chưa tương thích với thông lệ quốc tế của pháp luật dân sự hiện hành trên cơ sở so sánh, đối chiếu với pháp luật dân sự Pháp về mục đích chế định phạt vi phạm, mức phạt vi phạm đồng thời đề xuất những gợi mở hoàn thiện.

Bộ luật dân sự Pháp được xem như là “bản hiến pháp” của dân luật, bởi tính ổn định và tầm ảnh hưởng to lớn đối với pháp luật dân sự thế giới trong đó có Việt Nam[2].  Sự tiếp nhận của BLDS Pháp tại Việt Nam diễn ra trong hai giai đoạn, tiếp nhận bị động với sự xâm lược thuộc địa đi liền với “sự xâm lăng pháp luật” và chủ động tiếp nhận trong giai đoạn mở cửa, hội nhập kinh tế với sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia Pháp trong quá trình soạn thảo xây dựng Bộ luật Dân sự Việt Nam 1995[3].

 Sự ảnh hưởng của BLDS Pháp trong lĩnh vực hợp đồng dân sự được thể hiện tương đối khá rõ nét. Tuy nhiên nhiều quy định về hợp đồng, trong đó chế định phạt vi phạm trong BLDS 2015 và pháp luật chuyên ngành có cách tiếp cận tương đối khác so với BLDS của Pháp, và nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Điều này, cho thấy sự không phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như thực tiễn lưu thông dân sự. Trong bối cảnh hội nhập, yêu cầu pháp luật dân sự nước ta phải phù hợp với chuẩn mực pháp lý đã được quốc tế thừa nhận[4]. Do đó, việc tham khảo kinh nghiệm với một hệ thống pháp luật có nhiều nét tương đồng như Pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện chế định phạt vi phạm trong Bộ luật dân sự và pháp luật chuyên ngành.

  1. Mục đích chế tài phạt vi phạm

Ở Việt Nam, xuất phát từ sự phân chia các ngành luật, do đó trong lĩnh vực hợp đồng, dẫn đến sự phân chia thành các quan hệ hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật khác nhau. Dẫn đến các quy định về phạt vi phạm cũng có sự thiếu thống nhất về pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên, về định nghĩa phạt vi phạm thì pháp luật dân sự và thương mại đều có sự thống nhất về vấn đề này. Theo Điều 418 BLDS năm 2015 (tương ứng Điều 300 Luật thương mại 2005) thì: “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”. Như vậy theo pháp luật Việt Nam thì phạt vi phạm là một chế tài thỏa thuận, có bản chất bổ sung thêm một quyền yêu cầu về vật chất (quyền yêu cầu phải trả tiền phạt) của một bên vi phạm và tương ứng là một nghĩa vụ vật chất (nghĩa vụ trả tiền phạt) của bên vi phạm và qua đó giúp tăng cường ý thức tuân thủ hợp đồng của các bên[5]. Trong lĩnh vực dân sự, chế định về phạt vi phạm được ghi nhận trong nhiều phiên bản khác nhau của BLDS, với những quy định tương tự. Theo các nhà bình luận BLDS 2005 thì phạt vi phạm là thỏa thuận giữa các bên được thể hiện ngay trong các điều khoản của hợp đồng và sẽ là cơ sở để áp dụng khi một bên vi phạm hợp đồng[6]. Tuy nhiên các quan điểm này lại không đề cập đến mục đích của phạt vi phạm.

Qua các định nghĩa trên, theo chúng tôi phạt vi phạm là một trong những biện pháp chế tài do vi phạm hợp đồng, được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, theo đó bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải chịu một khoản tiền phạt nếu xảy ra sự kiện pháp lý là căn cứ để áp dụng phạt vi phạm. Khi áp dụng phạt vi phạm, chủ thể có quyền đòi phạt vi phạm là bên bị vi phạm, chủ thể có nghĩa vụ là bên vi phạm, mục đích của quan hệ này một khoản tiền phạt vi phạm.

Như vậy có thể thấy, phạt vi phạm theo pháp luật Việt Nam với tư cách là một trong các biện pháp xử lý (dạng trách nhiệm pháp lý) do vi phạm hợp đồng
trong lĩnh vực dân sự, thương mại[7] nhằm mục đích răn đe, trừng phạt do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Quan điểm này được chấp nhận khá phổ biến trong khoa học pháp lý ở nước ta hiện nay. Trong bài viết về phạt vi phạm, có tác giả nhấn mạnh: “Xét cho cùng, đây là biện pháp răn đe các bên do trong việc vi phạm hợp đồng, khi các bên vi phạm đã thừa nhận vi phạm hợp đồng và chịu phạt thì không có lý do gì để không chấp nhận điều đó[8]”. Do đó, để áp dụng chế định phạt vi phạm này một cách có hiệu quả, khi soạn thảo hợp đồng các bên cần quy định một cách cụ thể và các chi tiết các căn cứ để áp dụng biện pháp này, tránh trường hợp khi xảy ra tranh chấp, các bên phải tốn kém chi phí và thời gian để phân định tính đúng sai của sự việc do việc thiếu những căn cứ trong hợp đồng về việc áp dụng chế định phạt vi phạm. Tuy nhiên trong thực tế, đã có những sự việc tranh chấp không đáng có, gây tốn kém chi phí và thời gian cho các bên do sự không am hiểu về chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng.

Khi áp dụng biện pháp phạt vi phạm, việc có thiệt hại thực tế xảy ra hay không, không phải là yếu tố quyết định đến việc áp dụng chế tài phạt vi phạm. Điều này có nghĩa là việc vi phạm hợp đồng có thể đã hoặc chưa gây ra thiệt hại thực tế thì bên bị vi phạm đều có quyền yêu cầu bên vi phạm hợp đồng chịu khoản tiền phạt nhất định. Trong thực tiễn không hiếm tranh chấp mặc dù có hành vi vi phạm hợp đồng nhưng thiệt hại không xảy ra, theo quy định của PLVN, bên bị vi phạm vẫn có yêu cầu bên vi phạm nộp phạt. Theo chúng tôi, điều này tạo nên sự bất bình đẳng trong thực tiễn lưu thông dân sự và thương mại. Trong nhiều trường hợp, mặc dù bên bị vi phạm không phải chịu bất kỳ thiệt hại nào, nhưng lại lợi dụng điều này để tạo ra một lý do nào đó nhằm buộc bên kia phải chịu phạt để hưởng lợi. Sự cứng nhắc của PLVN, vô tình đã tạo kẻ hở cho một bên trong hợp đồng vi phạm nguyên tắc trung thực, thiện chí [ thực hiện hành vi với ý định tốt một cách ngay thẳng, chính trực] với tư cách là nguyên tắc nền tảng của mọi giao dịch dân sự[9].

Để giải quyết được vấn đề này chúng ta cần phải xác định rõ, bản chất phạt vi phạm với tư cách là một biện pháp xử lý do vi phạm hợp đồng.

Nghiên cứu so sánh với pháp luật hợp đồng của Pháp, chúng tôi thấy rằng, phạt vi phạm (Clause Pénal) mang bản chất là một biện pháp đảm bảo thực hiện hơp đồng mà bên vi phạm cam kết khi vi phạm hợp đồng. Điều 1226 BLDS Pháp định nghĩa: Điều khoản phạt vi phạm là điều khoản theo đó, để đảm bảo thực hiện hợp đồng, một bên cam kết làm một việc nào đó trong trường hợp không thực hiện đúng hợp đồng[10]”. 

Ở Pháp, bản chất của điều khoản “Clause Péna” bị chia rẽ bởi một số quan điểm khác nhau. Có tác giả hướng tới bản chất đền bù, có tác giả nhắm tới bản chất kép vừa đền bù, vừa hăm dọa, trừng phạt[11].  Khảo sát BLDS Pháp, nhận thấy điều khoản “Clause Pénal”  vừa mang tính răn đe, trừng phạt khi có vi phạm; vừa mang tính bồi thường thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ[12]. Trong đó, tính chất bồi thường, đền bù [nhằm bù đắp những thiệt hại cho người có quyền (bên bị vi phạm) do hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm] được ưu tiên sử dụng. Theo nhiều luật gia, thuật ngữ phạt vi phạm dù nước liên quan là nước nào, cũng đều có tính chất đền bù, khôi phục hay còn gọi là bù đắp[13]. Cụ thể, Điều 1229 BLDS Pháp diễn giải: “phạt vi phạm là sự đền bù thiệt hại do việc không thực hiện chính gây ra cho người có quyền”, trong đó khoản 2 Điều 1229 quy định: “người có quyền không thể vừa yêu cầu thực hiện nghĩa vụ chính, vừa đòi phạt vi phạm, trừ khi điều khoản phạt vi phạm được quy định riêng cho trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ[14]”.

Với mục đích để bù đắp tổn thất và nhằm đặt các bên vào vị trí của họ giả sử nếu hợp đồng được thực hiện, BLDS Pháp nhấn mạnh: “thay vì đòi phạt vi phạm như đã quy định trong hợp đồng đối với người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng, người có quyền yêu cầu (bên bị vi phạm) có quyền yêu cầu bên vi phạm phải thực hiện hợp đồng”[15].

Với việc quy định phạt vi phạm mang tính chất là trách nhiệm dân sự của bên vi phạm hợp đồng đối với bên có quyền, không có bản chất đền bù mà chỉ có bản chất răn đe, cho thấy PLVN có phần cứng nhắc, mang nặng bản chất trừng phạt nhằm đảm bảo” kỷ luật hợp đồng”, trên thực tế còn gây tốn kém chi phí và thời gian cho các bên tham gia vào quan hệ hợp đồng.

Theo nhiều luật gia, hiện nay nhiều hệ thống pháp lý phải đưa phạt vi phạm mang tính chất đền bù cho lĩnh vực hợp đồng, và điều này thể hiện ở hai lý do chính.

Thứ nhất, người ta coi bản chất của phạt vi phạm vừa mang tính trừng phạt, vừa có tính chất đền bù.

Thứ hai, quan điểm kinh tế, phải chấp nhận thanh toán việc thanh toán trước một khoản tiền như vậy là đi ngược với nguyên tắc có thể nhìn thấy trước thiệt hại[16].

Pháp luật hợp đồng ở Pháp và nhiều nước đều theo hướng này. Cách nhìn nhận này rõ ràng phù hợp với thực tiễn lưu thông dân sự và thương mại [17].

Dưới góc độ kinh tế học pháp luật, nếu pháp luật rõ ràng, dễ tiếp cận thì chi phí để tìm hiểu, ra quyết định và thương thảo cũng như triển khai một giao dịch kinh doanh sẽ giảm. Chi phí giảm sẽ làm cho môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao, và ở những nơi đó kinh tế có điều kiện phát triển[18].

Theo chúng tôi, trước việc vi phạm hợp đồng, chúng ta cần ưu tiên nghiên cứu và sử dụng những biện pháp cho phép việc thực hiện hợp đồng đẩy đủ để đem lại cho các bên những lợi ích hợp pháp mà họ mong muốn đạt được gia tiến hành giao kết hợp đồng. Thiết nghĩ, phạt vi phạm là một trong các biện pháp xử lý do vi phạm hợp đồng vừa mang tính trừng phạt vừa có tính chất đền bù.

Do đó, theo chúng tôi, luật thực định phải thiết kế về mục đích và nội hàm của phạt vi phạm theo hướng: “Phạt vi phạm là một biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng được các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng về phạt vi phạm với tính chất:

  1. Đền bù thiệt hại [ưu tiên sử dụng] do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm hoặc;
  2. Răn đe, trừng phạt khi có vi phạm hợp đồng”.

[1] Nguyễn Văn Luyện, Dương Anh Sơn, Lê Thị Bích Thọ (2011), Giáo trình Luật hợp đồng thương mại quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tr.95.

[2] Levasseur, Alain A (1970), On the Structure of a Civil Code, Journal Articles, p. 703, at http://digitalcommons.law.lsu.edu/faculty_scholarship/336, dẫn nguồn: Bùi Thị Thanh Hằng, Đỗ Giang Nam (2011), Sức sống của bộ luật dân sự Việt Nam từ góc nhìn so sánh với bộ luật dân sự Pháp, Đức, Hà Lan, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 16, tr.38-44.

[3] Arnaud De Raulin, Jean-Paul Pastorel, Trinh Quoc Toan, Nguyen Hoang Anh (2016), Ảnh hưởng của truyền thống pháp luật Pháp tới pháp luật Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr23.

[4] Bộ luật Dân sự sửa đổi phải phù hợp với nền kinh tế thị trường và bảo đảm hội nhập, at http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo.aspx?ItemID=1848, truy cập ngày 20/4/2018.

[5] Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2012), Giáo trình pháp luật về thương mại hàng hóa và dịch vụ, NXB Hồng Đức, tr 423.

[6] Hoàng Thế Liên (2009), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2005. Tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, tr265.

[7] Lê Thị Tuyết Hà (2016), Trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng thương mại ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học Xã hội, tr.49.

[8] Nguyễn Thị Hằng Nga (2009), Về việc áp dụng chế tài phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại vào thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng trong hoạt động thương mại, Tạp chí Toà án nhân dân, số 9, tr.26.

[9] Lê Nguyễn Gia Thiện, Lê Nguyễn Gia Phúc (2014), Những nguyên tắc cơ bản của bộ luật dân sự trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 13, tr.57-64.

[10] Civil Code of France in English, at https://www.legifrance.gouv.fr/Media/Traductions/English.../code_civil_20130701_EN, truy cập ngày 22/4/2018.

[11] Liquidated damages and penalty Clauses ,  at  

https://www.reedsmith.com/-/media/files/.../2008/05/.../0804crit.pdf, truy cập 23/4/2018.

[12] Dư Ngọc Bích (2015), Góp ý điều khoản phạt hợp đồng và mối liên hệ với bồi thường thiệt hại trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Hội thảo hoàn thiện dự thảo bộ luật dân sự (sửa đổi), Tài liệu nội bộ, tr.8-17.

[13] The Civil Law Concept Of Penalties And The Common Law Concept Of Liquidated Damages, at https://watttieder.com/resources/articles/civil-law-concepts, truy cập ngày 24/4/2018.

[14] Civil Code of France in English, at

https://www.legifrance.gouv.fr/Media/Traductions/English.../code_civil_20130701_EN, truy cập ngày 28/4/0218.

[15] Civil Code of France in English, at

https://www.legifrance.gouv.fr/Media/Traductions/English.../code_civil_20130701_EN, truy cập ngày 28/4/0218.

[16] Nguyễn Minh Hằng (2011), Các thuật ngữ hợp đồng thông dụng, NXB Từ điển bách Khoa, 2011, tr.521.

[17] Điều 1227 (1) Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp.

[18] Oliver E. Williamson (1981), The Economics of Organization: The Transaction Cost Approach, American Journal of Sociology, Vol. 87, No. 3, pp. 548-577.