Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam

Sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân. Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần, mà còn bao gồm khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của người khác. Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và với môi trường. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này. Có mối liên hệ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm thần và thể chất.

Có tới hơn 100 triệu người bị rối loạn sức khỏe tâm thần ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Chỉ riêng rối loạn trầm cảm là nguyên nhân gây ra 5,73% gánh nặng bệnh tật ở khu vực này.

Tại Việt Nam, theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỷ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân. Hiện tại, Văn phòng  WHO tại Việt Nam đang hỗ trợ Bộ Y tế phát triển mô hình lồng ghép sức khỏe tâm thần vào sức khỏe nói chung tập trung vào tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Có nhiều loại rối loạn tâm thần khác nhau, với các biểu hiện khác nhau. Chúng thường được đặc trưng bởi sự kết hợp của những suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc, hành vi và mối quan hệ bất thường với người khác.

Trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt và các rối loạn tâm thần khác, mất trí nhớ, thiểu năng trí tuệ và rối loạn phát triển bao gồm tự kỷ.

Ngoài ra cũng có các phương pháp điều trị hiệu quả cho các rối loạn tâm thần và giải pháp để giảm bớt những đau khổ do bệnh gây ra. Tiếp cận chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội có khả năng cung cấp điều trị và hỗ trợ xã hội là chìa khóa cho các giải pháp này.

Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai ở nhóm tuổi 15-29. 79% số vụ tự tử trên toàn cầu xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Những vấn đề cần quan tâm về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam

Rối loạn sức khỏe tâm thần để lại nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ở Việt Nam, từ trước tới nay chưa có cuộc điều tra, nghiên cứu sâu nào về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Nhằm tìm hiểu thực trạng vấn đề sức khỏe tâm thần cũng như những dịch vụ đi kèm cho nhóm đối tượng này, ngày 06/2/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động - TBXH đã phối hợp với tổ chức Unicef  tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Chia sẻ báo cáo kết quả nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam.

Tham dự, có bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH; ông Friday Nwaigwe, Quyền Phó trưởng Đại diện Unicef tại Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; đại diện một số bộ, ngành, Viện nghiên cứu, trường đại học; Sở Lao động - TBXH, Trung tâm công tác xã hội 4 tỉnh nằm trong vùng điều tra là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang và Điện Biên.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan và Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi chủ trì Hội thảo

Báo cáo kết quả nghiên cứu sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam cho thấy, hiện nay tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần đối với lứa tuổi trẻ em và vị thành niên ở nước ta chiếm từ 8% đến 29%. Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất là các vấn đề hướng nội như lo âu, trầm cảm, cô đơn và các vấn đề hướng ngoại như tăng động và giảm chú ý. Trong đó điều đáng chú ý nhất là tình trạng gia tăng về số vụ tự tử trong thanh thiếu niên của Việt Nam. Những lo lắng, buồn bã và bi quan thường bắt nguồn từ việc cha mẹ đánh nhau, thành viên trong gia đình bị ốm, kết quả học tập ở trường kém và nỗi sợ hãi khi bị buộc thôi học, cảm giác không chắc chắn về tương lai và việc phải kết hôn sớm. Biểu hiện của sự lo lắng và buồn phiền này bao gồm căng thẳng dẫn đến bỏ bữa, đau đầu và nóng giận. Cuối cùng, việc lạm dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy để “quên những rắc rối” do buồn và do áp lực xã hội được trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng.

Đại diện tổ chức Unicef tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ở cấp độ cá nhân, có 3 yếu tố dẫn đến những nguy cơ về sức khỏe tâm thần của trẻ và thanh thiếu niên là sự cô lập/tự cô lập về cảm xúc, không chia sẻ cảm xúc với ai. Đối với những trẻ gái, thì sự cô lập xã hội đến từ việc nghỉ học ngoài ý muốn hoặc do gánh nặng công việc gia đình. Thứ hai là việc tiếp cận các công nghệ hiện đại và những nguy cơ của các hành vi trực tuyến gây nghiện đối với những trẻ có xu hướng sử dụng quá nhiều. Các em trai có xu hướng chơi trò chơi điện tử, còn các em gái có nguy cơ bị rình rập và bắt nạt trên mạng nhiều hơn. Yếu tố thứ 3 liên quan đến những quan niệm tiêu cực về đặc điểm thể chất vị thành niên như thể chất thấp bé dẫn đến việc bị chọc ghẹo, bêu tên, phân biệt đối xử trong các hoạt động thể thao tại trường.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Cũng theo báo cáo kết quả nghiên cứu, sự kiểm soát của cha mẹ như hạn chế trẻ ra ngoài với bạn, không chấp thuận các mối quan hệ tình cảm, kiểm soát việc sử dụng điện thoại di động, bắt trẻ làm việc nhà... cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng ở trẻ. Hay như trẻ sống trong những gia đình có quy tắc quá nghiêm ngặt, gia đình nghèo hoặc đang trong tình trạng kinh tế- xã hội giảm sút cũng dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên; Áp lực gia đình muốn trẻ phải thể hiện xuất sắc ở trường, những xung đột trong hôn nhân, cha mẹ ly hôn, bạo lực gia đình và thiếu giao tiếp giữa cha mẹ và con cái làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong hộ gia đình, từ đó tác động đến sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Hiện nay, ở Việt Nam, việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần do Bộ Lao động - TBXH, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện. Mỗi bộ, ngành có một mô hình giải quyết các vấn đề tâm lý khác nhau. Các trung tâm y tế và bệnh viện đưa ra chẩn đoán và điều trị ban đầu đối với các bệnh tâm thần nặng và mãn tính có căn nguyên từ các bệnh lý về thần kinh và phát triển. Đối với Bộ Lao động - TBXH thực hiện trợ cấp cho các trường hợp rối loạn tâm thần nặng thông qua các trung tâm bảo trợ xã hội và các trường hợp rối loạn tâm thần nhẹ thông qua các trung tâm CTXH. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thiết lập phòng tư vấn tâm lý trong các trường học và đào tạo kỹ năng sống. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều tổ chức phi chính phủ cũng thực hiện cung cấp các dịch vụ liên quan đến sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.

Áp lực học hành, đặt kỳ vọng cao ở trẻ cũng khiến các em căng thẳng, tác động đến sức khỏe tâm thần

Tại 4 địa phương thuộc vùng nghiên cứu khảo sát, có các dịch vụ thuộc Bộ Y tế như: Ở Hà Nội, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần được cung cấp tại một số bệnh viện, bao gồm Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia; Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương. Tại TP. Hồ Chí Minh, các dịch vụ liên quan đến sức khỏe tâm thần cũng được cung ứng tại một số bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Nhi đồng 1. Còn tại Điện Biên, Chính phủ cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại hai bệnh viện là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Tâm thần. Ở An Giang, mặc dù không có bệnh viện tâm thần, song Sở Lao động- TBXH đã hỗ trợ kinh phí để các khoa thuộc bệnh viện và các trung tâm y tế tiếp nhận các bệnh nhân tâm thần nặng.

Hiện nay, ở nước ta có khoảng 200.000 người tâm thần đang được điều trị tại các cơ sở, bệnh viện

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Hồng Lan nhấn mạnh, vấn đề sức khỏe tâm thần đang là vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có trên dưới 10% dân số có vấn đề liên quan đến rối nhiễu tâm trí. Ngoài con số 200.000 người tâm thần đang được điều trị tại các cơ sở, bệnh viện còn nhiều bệnh nhân, trẻ em có hành vi liên quan đến rối nhiễu tâm trí. Vấn đề lo âu, trầm cảm, cảm giác bị bỏ rơi, do tác động của các vấn đề kinh tế xã hội, gia đình đã đè nặng và là áp lực ảnh hưởng đến thể chất của người dân cũng như là của trẻ. Trong thời gian qua, đã có một số trường hợp trẻ em có hành vi tự tử. Do vậy, cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề này để đưa ra được thực trạng, nguyên nhân để có giải pháp tháo gỡ cho các em, đảm bảo cho Việt Nam có một nguồn nhân lực tốt, không chỉ khỏe  mạnh về mặt thể chất mà còn phải khỏe mạnh về mặt tinh thần.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cũng đề nghị, các đơn vị, tổ chức cần tiếp tục nghiên cứu, tìm ra được cơ chế, chính sách cho trẻ em, đặc biệt là trẻ có vấn đề sức khỏe tâm thần; những mô hình hiệu quả và đề xuất các giải pháp thiết thực, phù hợp.

Thu Hương

Video liên quan

Chủ Đề