Tại sao đảng viên phải nêu gương

Người xác định, nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc.

Đối với mìnhlà không được tự cao tự đại, tự mãn. Bởi tự cao tự đại, tự mãn là căn bệnh rất nguy hiểm. Nếu cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này thì dễ mù quáng, thiển cận, luôn đề cao cá nhân mình, coi thường quần chúng, nhất định sẽ thoái bộ, dừng lại. Người nhấn mạnh: “Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”2.Đối với ngườiphải yêu thương, khoan dung, độ lượng; phải luôn có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thực hiên tốt điều “Nhân”: “Thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân”3.Đối với việcphải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, nghĩa là để việc công lên trên, lên trước việc tư. Người luôn giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải “chí công vô tư”, nghĩa là phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương, thì cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện “nói đi đôi với làm” và phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền cho sự nêu gương. Đây là vấn đề cực kì quan trọng, là nguyên tắc trước hết của sự nêu gương. Bởi vì, chỉ có nhất quán giữa nói và làm thì người cán bộ, đảng viên mới giành được lòng tin của quần chúng. Nếu người cán bộ, đảng viên nói nhiều làm ít, nói mà không làm, hoặc “nói một đằng làm một nẻo”, thì nhất định sẽ mất uy tín trước đơn vị, trước cộng đồng, và vai trò của sự nêu gương sẽ không thể phát huy được. Sự thống nhất giữa lời nói và việc làm còn là một yêu cầu khách quan của phẩm chất người cán bộ, đảng viên, nhất là trong tình hình hiện nay. Khi giáo dục cán bộ làm công tác dân vận, Người đã nhấn mạnh: “Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tùy hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thật sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết”.4

Để vận dụng đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả phong cách nêu gương của Bác, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, nội dung của phong cách nêu gương.

Cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định rằng, phong cách nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò hết sức quan trọng đối với các phong trào cách mạng của quần chúng. Thực tế kết quả những phong trào thi đua rộng khắp hiện nay như: xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... cho thấy: Ở đâu cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện và sáng tạo trong lãnh đạo, vận động quần chúng thực hiện, thì ở đó phong trào phát triển mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao. Ở đâu cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, ở đó phong trào yếu kém, hiệu quả thi đua thấp.

Nội dung phong cách nên gương trong 3 mối quan hệ với mình, với người, với công việc phải được nhận thức sâu sắc, thể hiện rõ tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “làm mực thước cho người ta bắt chước” trong mỗi hành động việc làm của cán bộ, đảng viên.

Hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục hết sức linh hoạt, sáng tạo, thông qua nghiên cứu, học tập các chuyên đề, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt chi bộ, cấp ủy; hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng một cách thường xuyên, liên tục với nhiều chuyên mục phong phú như“Đảng trong cuộc sống hôm nay”,“Ý Đảng lòng dân”,“Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”...Các tổ chức Đảng cần tổ chức cho tất cả đảng viên nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc chuyên đề:“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên”.Thông qua đó mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương.

Hai là, luôn nắm vững và thực hiện tốt nguyên tắc, phương pháp về phong cách nêu gương.

Để có thể nêu gương trước quần chúng, cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện tốt lời nói đi đôi với việc làm và phải biết tuyên truyền rộng rãi gương người tốt, việc tốt trong nhân dân. Nói đi đôi với làm là yêu cầu bắt buộc, là nguyên tắc cao nhất của phong cách nêu gương, là thước đo, tấm gương phản chiếu tư cách của người cán bộ, đảng viên. Thường xuyên nêu gương của cấp trên đối với cấp dưới, của thế hệ trước đối với thế hệ sau. Cụ thể, trong gia đình thì ông bà, cha mẹ làm gương cho con cháu; ở trường học các thầy, cô giáo làm gương cho học sinh; ở cơ quan, đơn vị thì cán bộ lãnh đạo làm gương cho cấp dưới, người này làm gương cho người kia… Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên chẳng những phải nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng tiến bộ, trưởng thành, mà còn phải là tấm gương tốt giúp cho nhân dân nhìn vào để làm những điều đúng, điều thiện, chống lại những cái ác, cái sai. Đó chính là học và làm theo phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ba là, nỗ lực phấn đấu, nâng cao hiệu quả rèn luyện về sự nêu gương.

Để có thể nêu gương trước quần chúng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải ra sức rèn luyện, kiên quyết đấu tranh khắc phục những tồn tại, yếu kém mà Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra. Trên cơ sở thực hiện đầy đủ các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải ngày càng nâng cao đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; dũng cảm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống lợi ích nhóm, chống lối sống cơ hội, thực dụng, lối sống vì tiền tài, danh vọng, vô cảm trước những khó khăn, vất vả của quần chúng nhân dân. Chỉ có nâng cao hiệu quả rèn luyện các phẩm chất ấy thì cán bộ, đảng viên mới làm gương cho quần chúng, giữ vững được niềm tin của nhân dân với Đảng. Mặt khác, cán bộ, đảng viên phải tận tâm, tận lực, gương mẫu, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trong mọi hoàn cảnh cán bộ, đảng viên phải là những chiếc đầu tàu, tạo nên động lực mạnh mẽ, kéo cả đoàn tàu quần chúng tiến lên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

--------

1, 2: Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật, H.1984, tập 4, tr.84, 295.

3, 4: Hồ Chí Minh với các LLVTND, NXB Quân đội Nhân dân, H.1975, tr.66, 184.

5: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương khóa XI, NXB CTQG, H.2012, tr.22.

PGS, TS. Hà Huy Thông

Nguồn: http://www.xaydungdang.org.vn/

(LLCT) - Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp càng cao càng phải nêu gương. Bởi lẽ, Đảng ta là đạo đức, là văn minh, tự giác gánh vác sứ mệnh cao cả mà nhân dân, dân tộc ủy thác, tin tưởng gửi gắm, đòi hỏi; bản thân đảng viên tự nguyện suốt đời sống và làm việc một cách gương mẫu. Nêu gương phải thể hiện ở 3 phương diện chính: trong suy nghĩ, trong hành xử, trong thụ hưởng. Để cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp luôn nêu gương cần bản thân tự nguyện xác định; sự biểu dương, cổ vũ, khen thưởng; Luật hóa những quy định về nêu gương; Tăng cường tự phê bình và phê bình, đẩy mạnh giám sát, kiểm tra; Kịp thời xử lý đảng viên thiếu gương mẫu.

Tại sao đảng viên phải nêu gương

Từ khóa: cán bộ, đảng viên; nêu gương.

Ngày 7-6-2012, Ban Bí thư khóa XI ban hành Quy định 101-QĐ/TW, Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Ngày 19-12-2016, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Quy định 55-QĐ/TW, Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Quy định Số: 08-QĐi/TW, Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Ba quy định nêu gương do 3 cấp ban hành: Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, trong 6 năm của hai nhiệm kỳ (khóa XI, khóa XII). Nếu nói về cấp độ, vị trí, tầm quan trọng của nó thì Ban Chấp hành Trung ương là cấp cao nhất. Điều đó đủ thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng về một vấn đề thuộc về thuộc tính của Đảng, phẩm chất của cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp - vấn đề nêu gương, hiện đang diễn ra ngày càng phức tạp, có chiều hướng xấu trong Đảng đòi hỏi phải được thiết lập trở lại, nhất là trước thềm đại hội Đảng các cấp.

1. Vì sao cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp càng cao càng phải nêu gương?

Có hai lẽ sau:

Thứ nhất vì Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức cách mạng tự nguyện gánh vác trọng trách lịch sử, được toàn dân ủy thác; là người lãnh đạo cách mạng, đồng thời cũng là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, của giai cấp công nhân, Đảng không có lợi ích nào khác. Sứ mệnh của Đảng phải là người đi tiên phong, dẫn dắt dân tộc, gương mẫu nói trước, làm trước, hy sinh trước. Đảng ta vinh dự, tự hào và tự nguyện nhận trách nhiệm nặng nề mà vinh quang đó.

Nêu gương là một trong những phẩm chất của Đảng, được Đảng xác định là một trong 5 phương thức lãnh đạo của mình(1). Nêu gương là thuộc tính của Đảng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên - tế bào của Đảng, cấu thành nên Đảng phải có. Nếu thiếu phẩm chất này trong bất kỳ đảng viên nào của Đảng thì cơ thể Đảng đã có tế bào lạ. Cần phải chữa trị, loại bỏ ngay để Đảng luôn là đạo đức, văn minh.

Đảng là tổ một chức có kỷ luật sắt nghiêm minh, thống nhất. Nguyên tắc xây dựng Đảng là tập trung dân chủ - cấu trúc hình chóp. Vì vậy, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên của Đảng cũng phải tăng cao theo cương vị, trách nhiệm được phân công. Cán bộ cấp càng cao sự ảnh hưởng xã hội của họ càng lớn, rộng, đòi hỏi họ càng phải nêu gương cao. Mỗi đảng viên của Đảng, đặc biệt là cán bộ cao cấp phải nhận thức và hành xử theo tỷ lệ thuận này trong cuộc đời cách mạng của mình.

Thứ hai, Đảng là một tổ chức nêu gương nên đảng viên của Đảng phải là những người nêu gương. Cán bộ chức càng cao tấm gương sống càng phải sáng. Những tấm gương đó được xã hội kính trọng, tin yêu, học làm theo. Nhận rõ cả trách nhiệm, sứ mệnh nặng nề mà vinh quang của Đảng và sự đòi hỏi của nhân dân, những người đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng, đã thề trước cờ Đảng, trước nhân dân là phấn đấu hy sinh cho dân, cho nước thì phải sống và làm việc cho xứng đáng, trong đó có sự nêu gương. Vào Đảng không để vinh gia, phì thân, không phải để chui sâu, leo cao, để đè đầu cưỡi cổ người khác. Chỉ có hành vi nêu gương tốt trong đời sống thường nhật, trên cương vị công tác được giao mới xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ của nhân dân, mới được nhân dân kính trọng, tin theo. Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ, đảng viên là phải: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc, đó là đạo đức, văn minh. Cán bộ, đảng viên phải là người liêm chính, không tư lợi, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm... “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Người nói: “... Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(2).

Phương thức lãnh đạo bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc phản ánh thuộc tính của Đảng, phẩm chất của đảng viên. Không nêu gương không thể là cán bộ, đảng viên, càng không thể là cán bộ cao cấp.

Giải thích vì sao phải nêu gương, Hồ Chí Minh rút ra kết luận: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3). Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, ở mọi nơi; nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương, làm mực thước cho quần chúng noi theo. Trong phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ (năm 1963), Hồ Chí Minh lưu ý cán bộ cao cấp: “Một điều rất quan trọng nữa là các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc... Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”(4). Ngày nay, “Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư”(5).

Như vậy, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp một mặt nhận thức rõ sứ mệnh vẻ vang mà trách nhiệm vô cùng nặng nề của Đảng được dân tộc ủy thác, nhân dân tin tưởng giao phó, Đảng tự nguyện đón nhận; mặt khác bản thân mình đã tự nguyện, lấy làm vinh dự, tự hào được trở thành đảng viên của Đảng để gánh vác sứ mệnh, trách nhiệm vẻ vang, cao cả của Đảng trước nhân dân và dân tộc thì phải suốt đời sống và làm việc một cách gương mẫu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyến cáo rằng không ai bắt ai vào Đảng cả, nếu thấy trách nhiệm vẻ vang của người cộng sản mà tự nguyện đứng vào thì phải hy sinh cho dân, cho nước nhiều hơn. Nêu gương là phẩm chất  không thể thiếu trong nhân cách người lãnh đạo. Vì thế cán bộ chức vụ càng cao, phải nêu gương càng sáng, phải xác định nó là lối sống của mình. “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống”. “Dĩ nhân vi giáo, dĩ ngôn vi giáo” - trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình đã, sau đó, mới giáo dục bằng lời nói. Xa rời lối sống đó sẽ không còn, không xứng đáng với sự tin yêu, kính trọng, tín nhiệm trao gửi của nhân dân, của Đảng nữa.

2. Thế nào là những cán bộ nêu gương

Từ thời cổ đại, ở cả phương Tây và phương Đông, vấn đề nêu gương được quan niệm như một phương thức quản trị xã hội trong các lý thuyết triết học, chính trị. Con người và ngay cả thế giới động vật nói chung để sinh tồn, trước hết phải thông qua các hành vi bắt chước, làm theo, học tập từ các hành vi mẫu. Nhờ đó, hình thành các loại hành vi mang tính chuẩn mực của đời sống cộng đồng, xã hội, của loài. Nêu gương, hay làm gương (exemple) là làm mẫu, là tạo ra một mẫu mực cho người khác học và làm theo.

Theo Hồ Chí Minh, nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc. Đối với mình không được tự cao tự đại, tự mãn. Bởi, tự cao tự đại, tự mãn là căn bệnh rất nguy hiểm. Nếu cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này thì dễ mù quáng, thiển cận, luôn đề cao cá nhân mình, coi thường quần chúng, nhất định sẽ thoái bộ, dừng lại. Người nhấn mạnh: “Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”. Đối với người phải yêu thương, khoan dung, độ lượng; phải luôn có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt điều “Nhân”: “Thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân”. Đối với việc phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cán bộ, đảng viên phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”: để việc công lên trên, lên trước việc tư, phải “chí công vô tư”, nghĩa là phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng, phải luôn thực hiện “nói đi đôi với làm” và phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền cho sự nêu gương. Đây là nguyên tắc trước hết của sự nêu gương. Bởi, chỉ có nhất quán giữa nói và làm thì người cán bộ, đảng viên mới có được lòng tin của quần chúng. Nếu họ nói nhiều làm ít, nói mà không làm, hoặc “nói một đằng làm một nẻo”, thì nhất định sẽ mất uy tín, sẽ không có gương để mà nêu.

Quy định 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu 8 điều các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện; đồng thời thẳng thắn chỉ rõ 8 điều phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống. Việc nêu gương không chỉ tự thân cán bộ, đảng viên, mà còn trong quan hệ đối với người thân, gia đình, đối với công việc.

Từ những yêu cầu đó, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cao cấp phải thể hiện ở 3 phương diện chính sau:

Thứ nhất, phải là tấm gương trong suy nghĩ: phải làm gì để vì dân, vì nước, vì chấn hưng dân tộc; phải đi trước, vượt trước, phải biết định hướng cho cả dân tộc, cho cả đơn vị, tập thể tiến lên, không thể nghĩ ngắn, nhìn gần. Cán bộ lãnh đạo càng cao càng phải suy nghĩ về nhiều việc ở nhiều tầm mức rộng hẹp khác nhau, bao quát mọi vấn đề quốc kế, dân sinh.

Thứ hai, phải nêu gương trong hành xử. Đây là sự nêu gương quan trọng nhất của cán bộ. Khi đã có suy nghĩ phải tổ chức hành động trong thực tế mang lại kết quả thiết thực cho cộng đồng. Nêu gương trong hành động là mình phải đi trước, làm trước, phải làm mẫu, làm gương, phải xả thân vì những việc mình đã định ra được coi là đúng đắn. Sự nêu gương bằng việc làm thực có giá trị hơn hàng trăm bài diễn thuyết. Đó là cách tốt nhất để sự nêu gương lan tỏa, tác động, lôi kéo tập hợp lực lượng, nhân tài.

Thứ ba, là sự nêu gương trong thụ hưởng. Lãnh đạo là người tạo lợi ích cho mọi người trước, mình hưởng thụ sau. Mình hưởng thụ trên nền tảng vì mọi người và hưởng thụ đúng với công sức của mình bỏ ra, được mọi người ghi nhận, tôn vinh.

Gương mẫu trong tư duy, trong hành động và trong thụ hưởng là tiêu chuẩn thiết thực, giản dị của người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cao cấp, khi mà dân đòi hỏi, Đảng yêu cầu để xây dựng, chỉnh đốn lại Đảng.

Về cách thức nêu gương: “Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ phải hiểu rõ, phải thực hành như thế. Vì hiểu rõ và thực hành như thế, cho nên trong Đảng ta đã có những liệt sĩ oanh liệt hy sinh cho Đảng, cho dân tộc, cho Tổ quốc, mà tiếng thơm để muôn đời. Các liệt sĩ đó đã nêu gương anh dũng cho tất cả đảng viên và cán bộ ta bắt chước”(6). Để nêu gương, trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Cách thức nêu gương là: “Cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới”(7). Sự nêu gương của cán bộ, đảng viên là tự ở cái tâm trong sáng, một đức độ hy sinh, một bản tính của lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cao cấp của Đảng: Có việc phải lo, lo trước thiên hạ, có việc đáng vui, vui sau thiên hạ.

3. Làm gì để cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương luôn luôn nêu gương

Cán bộ, đảng viên là những người ưu tú trong xã hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là những người tinh túy có địa vị cao nhất trong hệ thống chính trị nước ta. Họ là bộ phận nằm ở thượng đỉnh của tháp nhân sự, giữ các vị trí trọng yếu mang tính quyết định toàn cục sự nghiệp cách mạng. Vai trò của cán bộ cấp chiến lược do vị trí, vị thế, trách nhiệm của nó quy định: “Cán bộ cấp chiến lược tạo thành bộ phận thuộc cơ cấu nhân sự thượng đỉnh của tổ chức, có chức năng hoạch định các quyết sách chiến lược cho toàn Đảng, toàn dân tộc; lập trình kế hoạch chiến lược để tối ưu hóa khả năng thực thi các quyết sách chiến lược; thu nhận, phân tích, xử lý, tổng hợp hóa các thông tin phản hồi từ đối tượng lãnh đạo - quản lý để hiệu chỉnh, thay đổi các quyết sách chính trị. Cán bộ chiến lược là bộ phận làm thành trụ cột, thống lĩnh toàn bộ đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị và đất nước, có tính đại diện cho thể chế cầm quyền”(8).

Với vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội như vậy, vấn đề là làm thế nào để cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương luôn luôn nêu gương:

Trước hết, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp phải xác định, nêu gương là phẩm chất cần và đủ, là yêu cầu của Đảng, là sự đòi hỏi của nhân dân đối với chính mình. Nó phải là suy nghĩ và hành động của mình trong đời sống. Do vậy, việc tự tu dưỡng, rèn luyện, dám chấp nhận hy sinh để có được những phẩm chất ngang tầm với cương vị công tác, trong đó có phẩm chất nêu gương là nhân tố chủ quan mang tính quyết định, đòi hỏi cán bộ cấp càng cao càng phải tự nhận thức, để tự phấn đấu, để nhất thiết phải có. Không thể không gương mẫu, không thể dùng thủ đoạn trong gương mẫu và không thể ai có thể thay họ gương mẫu. Nội dung của Quy định nêu gương là những cam kết chính trị, là danh dự, là niềm tin xã hội của họ. Nếu họ không đủ những phẩm chất ngang tầm ấy trong thực tế thì dù danh có cao cũng chỉ là hư danh, ngụy danh mà thôi. Uy tín của họ chỉ là số không, bởi công chúng luôn tinh tường, khách quan, luôn thấy rõ bản chất của người cán bộ, của sự việc!

Hai là, tuyên truyền giáo dục, cổ vũ, biểu dương, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm những tấm gương người tốt, việc tốt, sống mẫu mực...bằng những phong trào rộng lớn, thường xuyên từ gia đình đến cơ quan, xã hội. Xuất bản sách người tốt việc tốt, giới thiệu những tấm gương tốt của mọi thành viên trong xã hội để cổ vũ sự nêu gương. 

Ba là, luật hóa những quy định về nêu gương. Nếu chỉ kêu gọi đức trị, giáo dục thuyết phục nêu gương mà thiếu những chế tài đi kèm (pháp trị) thì chỉ là kêu gọi suông; đức trị phải gắn liền với luật pháp thì mới thành công trong quản trị. Thực tiễn nước ta cho thấy, chưa bao giờ vấn đề đức trị phải nêu cao như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ vấn đề pháp trị đòi hỏi nghiêm khắc như bây giờ. Cần thực thi đồng thời cả hai, trên nền tảng dân chủ thì vấn đề nêu gương mới thực sự trở thành chính nó và phát huy được sức mạnh. Bên cạnh sự nêu gương, cần có pháp luật điều chỉnh nhằm phát huy tốt hơn vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ cao cấp.

Bốn là, tăng cường tự phê bình và phê bình trong Đảng, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra của Đảng, của nhân dân thông qua phản ánh, góp ý trực tiếp và qua cơ chế phản biện của Mặt trận Tổ quốc, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời xử lý nghiêm sự thiếu nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp. Phải thật thà tự phê bình và phê bình như “rửa mặt hàng ngày”. “Không kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cần tiếp tục sâu sát, để cán bộ, đảng viên thực hiện tốt các nội dung, để kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai lệch trong thực hiện nêu gương.

Về giám sát của nhân dân: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nêu gương. Có cơ chế để nhân dân tham gia thảo luận, góp ý kiến vào các quy định của Đảng, góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên, thực hiện đúng tinh thần nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Thực hiện nghiêm Luật Báo chí để báo chí tích cực tham gia xây dựng xã hội, trong đó có vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên. Không gì lọt qua được đôi mắt nhân dân. Phải dựa hẳn vào nhân dân để giám sát, đánh giá cán bộ, đảng viên. Hàn thử biểu đo lòng tin của nhân dân đối với Đảng cũng nằm ở đây.

Năm là, kịp thời xử lý những cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu. Chức vụ càng cao càng phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, không nể nang, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” bất kể là ai. Với tinh thần “quan phạm tội, xử nặng hơn thứ dân” đảm bảo giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2020

(1) 1. Lãnh đạo bằng cương lĩnh, chủ trương, định hướng lớn; 2. Bằng công tác vận động, giáo dục, thuyết phục tuyên truyền; 3. Bằng phương pháp tổ chức cán bộ; 4. Bằng công tác kiểm tra giám sát; 5. Bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.

(2) Hồ Chí Minh: Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.86.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr. 284.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr. 223.

(5) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XII.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội 2011, tr. 291.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr. 494.

(8) Đoàn Minh Huấn:  Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ở nước ta hiện nay - quan niệm, đặc điểm và những mâu thuẫn cần giải quyết, http://www.tapchicongsan.org.vn.

PGS, TS Đoàn Thế Hanh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh