Tâm lý trẻ khi mới đi nhà trẻ

Tâm lý trẻ khi mới đi nhà trẻ

Ảnh minh họa

Chúng ta cũng biết, giai đoạn đầu đi học, trẻ có thể bị xáo trộn tâm lý, tuy nhiên phần lớn mọi người không quá quan tâm đến điều đó, vì cho rằng thời gian sẽ khiến trẻ quen dần. Tuy nhiên, trẻ mới đi học dễ gặp phải các vấn đề tâm lý như lo lắng, sợ hãi, chán ăn, căng thẳng, sống thu mình lại trước bạn bè… Người thân cần hiểu và giúp trẻ vượt qua được những khủng hoảng đó

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị khủng hoảng

Theo thống kê, khoảng 5% trẻ có những dấu hiệu khác nhau của chứng sợ đi học. Điển hình là trẻ hay quấy khóc, bám mẹ, không chịu đi học, thậm chí giả vờ đau bụng (với trẻ lớn hơn) vào mỗi sáng trước khi đi học. Nếu bố mẹ cho phép ở nhà, những dấu hiệu đó ở trẻ sẽ nhanh chóng trôi qua.

Ngoài những triệu chứng điển hình trên, trẻ còn có nhiều biểu hiện khác liên quan đến sức khỏe và sinh hoạt... Cụ thể:

- Mệt mỏi, hay buồn ngủ...

- Không muốn ăn uống gì, dễ nôn, hay thở nhanh, thường xuyên có những cơn hoảng sợ, buổi sáng ngủ nướng không muốn thức dậy....

Tất cả những dấu hiệu trên là kết quả của sự lo âu khi trẻ phải đi học, hoặc trẻ bị xa cách quá mức với những người thân yêu của mình như ba mẹ, người thân, người gần gũi thường chăm sóc bé (ông, bà, người vú nuôi v.v…).

Cách xử trí với khủng hoảng ở trẻ

Khi trẻ có những dấu hiệu kể trên nghĩa là bé đang rất lo lắng, sợ hãi khi phải đến trường. Khi đó, điều ba mẹ cần làm là trấn an trẻ, dành thời gian động viên, chuẩn bị tâm lý cho trẻ và bản thân mình. Vì nếu ba mẹ không đủ bình tỉnh, không đủ kiên nhẫn và cả cứng rắn, sẽ rất dễ “mềm lòng” và không thể giúp trẻ bình ổn lại tâm lý. Để con không sợ trường mầm non, bố mẹ hãy :

1. Cân nhắc độ tuổi và mức độ gắn bó tình cảm của trẻ đối với gia đình, ba mẹ để quyết định thời điểm nên cho trẻ đến trường khi nào.

2. Phải làm sao để trẻ đến trường một cách thoải mái, vui vẻ, tự nguyện.

3. Trước khi cho trẻ đi học, cần nói chuyện trước với con về chuyện đó. Không nên để bé cảm thấy đột ngột về việc đi học.

4. Nên khuyến khích con ý thức tự tập.

Giải thích cho trẻ hiểu vì sao trẻ cần phải đến trường như: con đã lớn và cần phải đi học giống như ba mẹ mỗi sáng đều phải đi làm; khi đến trường con sẽ có nhiều bạn chơi cùng rất vui, con sẽ được cô giáo dạy hát, dạy đọc thơ... Khi trẻ hiểu được ý nghĩa của việc phải đến trường sẽ khiến trẻ cảm thấy thoải mái và nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.

Bố mẹ cần tìm hiểu ở môi trường mới trẻ sẽ được ăn ngủ sinh hoạt như thế nào? Có phù hợp với trẻ không? Điều này giúp bố mẹ yên tâm sẵn sàng hơn khi giải thích với trẻ về môi trường mới không có ba mẹ bên cạnh. Trường hợp nhận thấy trường lớp, cô giáo, chế độ ăn uống, ngủ nghỉ… có những yếu tố chưa phù hợp với trẻ, bố mẹ có thể góp ý hoặc cân nhắc chọn trường khác cho con.

- Thường xuyên kể cho trẻ những chuyện thú vị xung quanh ngôi trường mầm non mà trẻ học để tạo sự hứng thú đi học nơi trẻ.

- Trước khi đưa trẻ vào lớp, nên chơi trò chơi cùng trẻ dưới sân trường. Tương tự, khi đón trẻ về cũng vậy, hãy dành thời gian chơi cùng bé và đưa bé đi thăm thú mọi thứ xung quanh ngôi trường để tạo cho bé sự thân thiện và gần gũi về ngôi trường mà mình học.

- Khi đưa trẻ đến lớp nên tạm biệt, ôm trẻ và hứa sẽ quay lại đón trẻ trước khi ra về nhằm tạo tâm lý ổn định cho trẻ. Bởi nhiều trẻ thường có ý nghĩ bị bố mẹ mang mình đến trường và bỏ lại nên luôn khóc và tìm cách níu kéo.

- Khi trẻ hư cần giải thích cho trẻ hiểu rõ về hành vi sai trái của mình, tuyệt đối không nên mang cô giáo và trường mầm non ra dọa trẻ./.

Gia Hân (t/h)

  • Đời sống
  • Tổ ấm

Thứ tư, 17/7/2013, 11:46 (GMT+7)

Con tôi 26 tháng tuổi. Tôi mới cho cháu đi nhà trẻ gần một tháng nay. Từ hôm đó đến giờ tinh thần cháu dường như bị hoảng loạn, lúc nào cũng sợ phải đi học. Chưa bao giờ cháu rời mẹ được một ngày nào.

Thậm chí cháu sợ phải ngủ vì cứ ngủ dây là mẹ bế đi nhà trẻ. Từ đó luôn sợ mẹ bế. Tôi thấy rất lo lắng cho tình trạng tinh thần của cháu. Gần một tháng nay cháu chưa thể ổn định tinh thần, luôn quấy khóc ban đêm và rất sợ đi nhà trẻ.

Xin chuyên gia cho biết tình trạng tâm lý của bé như thế nào? Có nên gửi bé đi nhà trẻ nữa không? Cháu vẫn ăn uống tốt, đi học về vẫn chơi nhưng chỉ ở trong nhà không dám ra ngoài vì sợ mẹ bắt đi học. Tôi xin cảm ơn - (Vũ thị Thủy).

tresodihoc-1374034843_500x0.jpg

Ảnh minh họa: mattroivang.

Trả lời:

Chị Thủy thân mến,

Việc đi nhà trẻ lần đầu tiên luôn là khó khăn với trẻ và cả với các bậc cha mẹ. Các bé đang quen ở nhà, trong vòng tay mẹ, nay ra lớp là môi trường hoàn toàn xa lạ, cô và bạn đều chưa quen, mọi nề nếp ăn ngủ, chơi cũng rất khác. Vì vậy các bé cần sự chuẩn bị tốt để thích nghi.

Cháu sợ đi học, sợ phải ngủ vì thấy cứ ngủ dậy là mẹ bế đi học, quấy khóc ban đêm là biểu hiện khủng hoảng tâm lý. Tuy nhiên, bé vẫn ăn uống tốt, đi học về vẫn chơi bình thường là những dấu hiệu tốt. Có thể cháu mới đi trẻ được gần một tháng, thời gian rất ngắn, nên bé chưa thích nghi tốt cũng là điều bình thường. Để trở lại nhịp sống bình thường, cháu cần thời gian và sự trợ giúp từ cha mẹ.

Chị thử tìm hiểu việc đi học của cháu xem có gì bất ổn không? Mối quan hệ với cô giáo, với các bạn, môi trường ăn, ngủ, chơi có vấn đề gì làm cháu sợ? Khi loại bỏ được các nguyên nhân này thì mới giúp cháu yên tâm đi học được. Nhiều khi, qua tìm hiểu thực tế, cha mẹ lại thấy cần đổi trường cho con, vì con sợ đi học là có lý do chính đáng.

Trẻ sẽ thích đi học khi tìm được niềm vui ở trường. Chị thử kiên nhẫn cùng cháu khám phá trường học, đón con sớm hơn và ở lại cùng chơi với cháu và các bạn, chơi trong lớp, chơi ngoài sân trường, cho cháu trò chuyện cùng cô giáo, bạn bè...

Thông thường trước khi gửi con đi nhà trẻ chính thức, cha mẹ cần quá trình tập cho trẻ làm quen với việc xa mẹ, làm quen với ngôi trường mới. Quá trình này kéo dài vài tuần đến một tháng:

- Giai đoạn 1: Cha mẹ đưa con ra thăm quan nhà trẻ, làm quen với cô và các bạn 30 phút – 1 giờ.

- Giai đoạn 2: Sau vài ngày, khi trẻ hứng thú hơn sẽ gửi trẻ một buổi, trưa đón về.

- Giai đoạn 3: Khi trẻ quen thuộc với môi trường mới, cha mẹ cho con đi học cả ngày. Khi chuyển sang giai đoạn gửi con cả ngày, cha mẹ cũng cần đón sớm hơn các bạn một thời gian. Cho đến khi con hoàn toàn thích nghi với trường học thì sẽ đưa đón như các bạn khác.

Nếu chị từng làm các bước chuẩn bị như trên, và đã cố gắng cho cháu thích nghi lại với nhà trẻ mà cháu vẫn ở tình trạng hoảng loạn thì chị nên cho cháu đến khám tâm lý tại phòng khám tâm lý. Tại đây cháu sẽ được các chuyên viên tâm lý và bác sĩ thăm khám, giúp đỡ.

Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy
Tác giả sách Kỹ năng làm cha mẹ