Thói quen đọc báo giấy đã lỗi thời năm 2024

Hơn ba mươi năm trước, tôi học cấp hai trường làng, những buổi không đến lớp, giữ trâu, cắt cỏ, tôi thường sang nhà ông Ba Hổ để mượn sách báo về đọc như: Hoa học trò, Mực tím, Thiếu niên, còn người lớn như ba tôi thì có tờ Người giáo viên nhân dân, Công an, Quân đội. Cả làng Sơn Phúc, Quế Lộc [Nông Sơn] hẻo lánh chỉ vài nhà có sách, báo.

Ông Ba Hổ tham gia cách mạng, được tập kết ra miền Bắc học tập, về lại quê hương hành nghề y chữa bệnh cho bà con nên hễ ai muốn đọc sách báo đều tìm đến nhà ông. Những tờ báo ngả màu vàng ố được truyền từ tay người này đến người khác, ai cũng cẩn thận, nâng niu đón đọc.

Thuở ấy, lần nào mẹ đi chợ Thơm về, tôi cũng lục tìm trong quang gánh của bà tờ giấy báo cũ được người bán hàng gói ghém bởi những thức quà, tấm bánh hay mỗi bận nhà cắt thuốc nam, thuốc bắc, các tiệm thuốc hầu như dùng giấy báo cũ để gói chứ không dùng bao bì bọc hàng dược phẩm tiện lợi như bây giờ, tôi nhẹ nhàng mở ra miết cho thẳng góc, rõ chữ rồi tìm đọc tin, bài yêu thích.

Hay như mỗi dịp được ra Đà Nẵng thăm dì, ngang chợ Đống Đa, tôi luôn dõi mắt vào sạp báo dựng bằng ván mỏng, phía trên là những tờ báo mở trang giữa úp xuống treo lơ lửng trên sợi dây nằm cạnh gốc cây bàng mát rượi có nhiều chú xe ôm, lao động bình dân lui tới.

Tiết trời sang thu, thể nào ba tôi cũng rảo bước kiếm tìm tờ báo lành lặn, có hình ảnh đẹp hoặc vỏ bao xi măng bọc sách vở cho anh em chúng tôi hành trang vào năm học mới.

Ngày nay, mạng xã hội phát triển, chỉ cần thao tác nhấp chuột là tha hồ truy cập thông tin nhưng tôi vẫn thích cảm giác được chạm tay vào báo giấy truyền thống. Đọc báo in giúp tôi nhớ lâu, nhớ sâu và cảm thụ mùi mực qua từng con chữ, nhất là nghe tiếng sột soạt vui tai khi lật giở từng trang báo.

Rỗi việc, tôi thường tới thư viện trường đọc báo, có hôm đi xa nhà vài ngày, việc đầu tiên là bỏ vào hành lý một vài số báo yêu thích, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, bạn bè tặc lưỡi cho tôi “hai lúa”.

Giữa guồng quay cuộc sống, mọi thứ trở nên gấp gáp, tất bật. Hà cớ gì ta không tìm đọc báo giấy để nghĩ chậm lại, sống chậm lại, thực tế hơn, thông tin đưa ra được kiểm chứng chặt chẽ, là tập hợp công sức của rất nhiều người để thông tin chính xác nhất đến bạn đọc.

Với nếp sống dung dị và khiêm nhường, ba tôi, tuổi tròn tám mươi nhưng ông luôn giữ thói quen đọc báo giấy mỗi ngày và còn gọi tôi lại luận bàn, trao đổi những bài viết mà ông tâm đắc nhất, cẩn thận ghi chép vào sổ cá nhân thông tin, kiến thức cần thiết, những mẹo vặt, bài thuốc dân gian hiệu quả.

Với nhiều người, báo in đã ăn sâu vào tiềm thức, là nơi neo giữ văn hóa đọc trong tâm hồn người Việt.

Vấn đề đặt ra với báo in trước hết là nội dung và chất lượng. Chỉ khi nội dung thực sự chuyên sâu, chất lượng và khác biệt với các thông tin được phản ánh trên báo mạng thì báo giấy mới dần tìm lại được lượng độc giả hiện ngày càng ít đi.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ internet băng thông rộng; các loại hình truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội… cùng với độ phổ cập ngày càng cao của các thiết bị di động như smartphone, laptop đã và đang làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin [đọc, nghe, xem, phản hồi và tương tác thông tin] của con người. Đây cũng là những yếu tố cốt lõi tác động mạnh mẽ đến báo in và thực tế, đã có không ít các tờ báo in tên tuổi trên toàn cầu buộc phải thích nghi, thậm chí từ bỏ xuất bản báo giấy để chuyển sang phiên bản số.

Số hóa là xu hướng tất yếu

Hiện rất nhiều độc giả, đặc biệt là giới trẻ cho biết, họ chỉ còn tiếp cận thông tin, cập nhật tin tức qua các thiết bị điện tử. Khi các trang mạng xã hội, các tờ báo online lên ngôi, ấy cũng là lúc báo giấy tụt dốc, cả về quy mô lượng phát hành cũng như doanh thu quảng cáo. Bởi nếu giả sử lúc này vẫn duy trì số lượng phát hành như những năm 1990 hay 2000, thì báo giấy sẽ bán cho ai với lượng người đọc ngày càng ít đi? Nên trong vài năm trở lại đây, vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” là thực tế đặt ra với báo giấy.

Hình ảnh trang bìa không ảnh của tờ The New York Times, số Chủ Nhật, ngày 24/5/2020

Sự “bủa vây” của ma trận thông tin trên các nền tảng truyền thông số, mạng xã hội khiến giờ đây với rất rất nhiều người, việc mua và cầm trên tay một tờ báo giấy đã hiếm hoi, việc đọc được trọn vẹn một bài trên đó càng hiếm hơn. Khi độc giả ngày càng quen với việc đọc báo trên các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, thì báo in rõ ràng ngày càng lép vế hơn. Thực tế ấy cho thấy, xu hướng số hóa là tất yếu và không thể đảo ngược, trực tiếp ảnh hưởng đến sự “tồn vong” của báo giấy. Ngày càng có nhiều tờ báo giấy buộc phải thu hẹp hoạt động, cắt giảm lượng phát hành, cắt giảm nhân sự, đồng thời đẩy mạnh số hóa và tiếp cận độc giả qua nhiều hình thức, nhiều kênh khác nhau nếu không muốn đóng cửa.

Một câu hỏi đặt ra là liệu báo in đã đến hồi cáo chung? Câu trả lời cho hiện tại là chưa, và tương lai là không. Bởi dù thực tại là vô cùng khó khăn và thu hẹp quy mô là điều tất yếu nhưng cũng giống như bất cứ sự vật và hiện tượng nào, một khi đã có sự tồn tại thì cũng sẽ rất khó để biến mất. Dù thói quen của độc giả thay đổi nhưng không có nghĩa báo in sẽ “hết đất sống”.

Nhưng phải thay đổi toàn diện

Một ví dụ có thể dẫn ra ở đây là trường hợp tờ The New York Times. Năm 2014, sau sự “ra đi” của không ít tờ báo in, đã có những đồn đoán cho rằng The New York Times - một trong những tờ báo giấy uy tín và có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới có thể sẽ phải đóng cửa mảng báo giấy vào năm 2015. Trước đó vào năm 2010, Chủ tịch The New York Times khi đó là ông Arthur Sulzberger Jr cho biết tại một hội nghị báo chí quốc tế: “Chúng tôi sẽ ngừng in tờ New York Times trong tương lai”. Và quả thực mảng báo in của tờ báo này đã trải qua những giai đoạn “lay lắt” tưởng chừng phải dừng lại. Song sau hơn một thập kỷ, mảng báo in vẫn “sống” và ngày càng có triển vọng tốt hơn. Kết quả năm tài chính 2021 của The New York Times cho thấy, lượng phát hành bản báo in đạt trung bình khoảng 343.000 tờ cho các số báo ngày trong tuần và 820.000 tờ cho ấn phẩm ngày Chủ nhật. Quảng cáo trên báo in cũng khá khả quan khi chiếm khoảng 38% doanh thu quảng cáo trong năm vừa qua.

Do nhu cầu tiếp cận thông tin nhanh, nhiều hơn và tính sẵn có của các loại hình “báo mạng” khiến việc đọc báo giấy giảm sút nhưng điều đó không có nghĩa thói quen đọc báo giấy mất đi. Nó vẫn tồn tại ở đâu đó - không chỉ trong một bộ phận những người lớn tuổi - vốn đã có một thời tuổi trẻ gắn bó và thân thuộc với mùi giấy của báo in - mà ngay trong chính giới trẻ. Bởi muốn nắm bắt chiều sâu thông tin, không đơn giản cứ “lướt lát” trên các báo mạng, các trang xã hội là có được mà nó cần có sự “chậm lại”, chiêm nghiệm và tĩnh tại. Trong dòng chảy thông tin cần chiều sâu đó, báo giấy sẽ là một phần quan trọng giúp cho các độc giả có được điều này.

Cũng giống như trong guồng quay của cuộc sống hiện đại hiện nay, những bữa ăn nhanh [Fast food] rất thích hợp để mọi người có thêm thời gian cho công việc, song không vì thế mà những bữa “cơm nhà” vốn tốn nhiều thời gian hơn - từ khâu nấu nướng, chuẩn bị chỉn chu đến cách ăn, thời gian ăn cũng cần nhiều hơn - sẽ bị lãng quên. Trong cuộc sống, mỗi người không chỉ cần công việc, cần nhồi vào đầu mình đến mức “bội thực” những thông tin hôm nay để ngày mai lại chóng vánh quên đi. Chúng ta cũng cần tái tạo sức khỏe, cần tìm hiểu sâu hơn những vấn đề, lĩnh vực mà mỗi người quan tâm và đam mê; cần thời gian cho những gì lắng đọng sâu hơn, thay vì chỉ tiếp nhận các thông tin bề nổi đơn thuần.

Bên cạnh vấn đề chiều sâu và chất lượng của thông tin [từ phân tích, tính logic của một vấn đề, lĩnh vực nào đó mà độc giả muốn tìm hiểu sâu], không ít độc giả vẫn thích lật trang những trang giấy trên báo in hơn là mỏi mắt vuốt màn hình để đọc các nội dung trên các thiết bị số. Những điều đó cho thấy, thói quen và nhu cầu đọc báo giấy giảm nhưng sẽ không mất đi, quan trọng là làm sao duy trì và nhân lên văn hóa đọc.

Và hướng đi

Vấn đề đặt ra với báo in vì vậy trước hết là nội dung và chất lượng. Chỉ khi nội dung thực sự chuyên sâu, chất lượng và khác biệt với các thông tin được phản ánh trên báo mạng thì báo giấy mới dần tìm lại được lượng độc giả hiện ngày càng ít đi. Đồng thời trước xu hướng số hóa, báo in không thể tách rời mà phải chuyển động thích nghi với quá trình này. Điều đó gắn rất chặt với sự sáng tạo trong nội dung và việc chủ động tạo ra các kênh tương tác trên số hóa với các nội dung của báo in.

Thông thường, một yếu tố dường như là bắt buộc với bất kỳ số báo in và của bất kỳ tòa soạn báo nào là trang bìa sẽ phải có hình ảnh. Thế nhưng vào ngày 24/5/2020, The New York Times phát hành tờ báo in mà trang bìa chỉ toàn chữ “li ti”, hoàn toàn không có một hình ảnh nào. Và ngay trước ngày phát hành, ban biên tập The New York Times đã đăng bức ảnh chụp trang nhất có một không hai này lên mạng xã hội Twitter. Chỉ vài giờ sau đó, đã có khoảng 60.000 người đọc chia sẻ lại bức ảnh bìa này; 116.000 người nhấn nút “like” và rất nhiều bình luận. Đây là một ví dụ cho thấy bên cạnh chất lượng nội dung, sự sáng tạo và tìm ra cách thức tương tác với người đọc trên môi trường số đối với báo in cũng là những yếu tố rất quan trọng để thu hút độc giả tìm đến với báo in.

Hiện nay, rõ ràng việc chỉ dựa vào báo giấy để phát triển sẽ thất bại và phát triển đa phương tiện, đa nền tảng là xu hướng bắt buộc. Muốn “sống sót” trong bối cảnh đó, báo in cũng cần “số hóa” để vẫn là chính mình [vẫn là một bản báo in khi đến tay độc giả]. Muốn vậy, phải tận dụng môi trường số để tiếp cận đến người đọc, thay vì in vô tội vạ và đưa ra các sạp báo rồi kỳ vọng sẽ bán hết để có doanh thu và lợi nhuận. Một lần nữa, The New York Times đã thành công với chiến lược này.

Trở lại với con số về lượng phát hành bản báo in đạt trung bình 343.000 tờ cho các số báo ngày trong tuần và 820.000 tờ cho ấn phẩm ngày Chủ nhật năm 2021 đã đề cập ở trên. Rõ ràng, The New York Times không “in bừa” rồi phân phối qua các kênh như các sạp báo, mà họ chủ động dựa vào mạng xã hội để nắm bắt, thu hút người đọc rồi xác định nhu cầu. Cùng là việc phải bỏ ra chi phí để đọc các nội dung trên The New York Times, độc giả hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức cung cấp thông tin trên các thiết bị số hay ở dạng báo in. Và dựa trên nhu cầu và đăng ký thực tế đó, các số liệu trên cho thấy nhu cầu đối với các bản báo in vẫn là rất lớn.

Thực tế đó cũng cho thấy, một tòa soạn nếu cho rằng mình đã có một tờ báo giấy với nội dung chất lượng, giờ chỉ cần thêm một phiên bản điện tử nữa là giải quyết được mọi chuyện thì chưa đủ. Độc giả dù quan tâm và yêu thích tờ báo đó đến cỡ nào thì bối cảnh hiện nay cũng không tạo cho họ động lực hàng ngày hay hàng tuần phải bước ra ngoài kia, tới một sạp báo để mua cho được các số ra của tờ báo đó. Bởi tại sao phải làm vậy khi sau đó, các nội dung trên số báo in chắc chắn sẽ được tòa soạn “up” lên phiên bản điện tử? Ngược lại, nếu tòa soạn “găm” không đưa nội dung lên điện tử thì các nội dung thông tin trên tờ báo giấy - dù chất lượng đấy - nhưng sẽ ngày càng chậm và lạc hậu hơn trong dòng chảy thông tin. Vì vậy bên cạnh chất lượng nội dung, việc tận dụng môi trường số để tiếp cận và có các kênh phân phối nội dung đến độc giả cũng không kém phần quan trọng.

Cuối cùng, việc xây dựng, phát triển và duy trì được thương hiệu tờ báo cũng đóng vai trò quyết định. Nếu chỉ chạy đua chuyển đổi số, thu hút độc giả với la liệt các thông tin nhưng hoàn toàn thiếu vắng những thông tin “ra ngô, ra khoai”, đi đến tận gốc của các vấn đề mà độc giả muốn tìm hiểu thì theo thời gian, tờ báo và thương hiệu của nó chắc chắn sẽ chịu cảnh nhạt nhòa trong dòng chảy thông tin chung. Xây dựng và giữ được thương hiệu không chỉ là cách để giữ chân được những độc giả trung thành, mà còn để dần thu hút được những lớp độc giả mới.

Chủ Đề