Thực trạng cải cách thủ tục hành chính

Cải cách thủ tục hành chính là một trong 6 nội dung quan trọng của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 -2020. Xác định, được nội dung qua trọng đó nên trong các chương trình, kế hoạch giai đoạn và hàng năm về triển khai nhiệm vụ tư pháp, Sở Tư pháp Bà Rịa - Vũng Tàu đều đưa nội dung cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng vào nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và đồng chí Giám đốc Sở là người trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh việc ban hành các văn bản, Lãnh đạo Sở Tư pháp đã thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở thực hiện theo đúng nội dung, thời gian các nhiệm vụ đã đề ra; các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp được công khai kịp thời, đầy đủ thông qua các hình thức, như: niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, công khai trên Cổng Thông tin điện tử cải cách hành chính của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp...

Hàng năm, Sở Tư pháp lập danh mục các thủ tục hành chính cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo đúng thẩm quyền quy định [đảm bảo đạt tỷ lệ 30% trên tổng số thủ tục hành chính]; tăng cường tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính, qua trực tuyến nên về cơ bản đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn các hình thức thực hiện TTHC, rút ngắn được thời gian, chi phí đi lại cho người dân. Trong năm 2020, Sở Tư pháp đã hoàn thành việc cung cấp 84 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Công dịch vụ của tỉnh [đạt tỷ lệ 62%].

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Việc giải quyết TTHC trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp vẫn còn trễ hẹn. Theo quy định của pháp luật thì Sở Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên cơ sở kết quả xác minh của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; đối với những trường hợp phức tạp [đã từng có án tích] thì phải có kết quả xác minh của nhiều cơ quan [TAND, VKSND, cơ quan THAHS, THADS, UBND cấp xã nơi người đó cư trú...]. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, sự phối hợp của một số cơ quan, đơn vị có liên quan đôi lúc còn thiếu chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao, nên có một số trường hợp quá thời hạn theo quy định.

Hiện nay, chủ trương của Chính phủ đang đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính ở mức độ 3 và mức độ 4, tuy nhiên qua thực tiễn thực hiện nhận thấy rằng, mặc dù đã tuyên truyền rộng rãi và hình thức thực hiện thủ tục hành chính đã thể hiện rõ tại Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh nhưng số lượng hồ sơ phát sinh vẫn đang còn thấp, thậm chí có lĩnh vực không phát sinh hồ sơ.

Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, cần phải tiếp tục rà soát, đơn giản hóa nhưng qua theo dõi nắm bắt thì đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính của các sở, ngành, địa phương chưa được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu xử lý kịp thời.

Việc quy định thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành Trung ương chưa thống nhất về cách tính thời gian giải quyết giữa "ngày" và "ngày làm việc". Nhiều thủ tục hành chính quy định "ngày" nên rất khó phân định khi xây dựng quy trình các bước giải quyết thủ tục hành chính cụ thể giữa các cơ quan. Đồng thời, nhiều văn bản không quy định thời gian cụ thể mà chỉ quy định chung chung như "trong thời hạn . ngày kể từ ngày nhận được văn bản này" nên còn gặp khó khăn trong quá trình phối hợp giải quyết thủ tục hành chính .

Hiện nay biên chế giao cho Phòng Hành chính tư pháp là 03 người [gồm: 01 Trưởng phòng, 02 chuyên viên], Phòng Bổ trợ tư pháp là 02 người [gồm: 01 Trưởng phòng, 01 chuyên viên] , do đó mỗi phòng chỉ bố trí 01 biên chế chuyên trách giải quyết thủ tục hành chính và làm kiêm nhiệm một số công việc khác của phòng nên đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến công việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Còn vướng mắc trong kết nối liên thông phần mềm một cửa tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã với các phần mềm chuyên ngành như Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch, Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung dẫn đến khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu thông tin để theo dõi, đôn đốc tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, xin đưa ra một số giải pháp cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới:

Song song với việc cải cách thủ tục hành chính, tỉnh phải đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức vì xác định yếu tố con người quyết định chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Nhiều giải pháp được triển khai như:tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử cho công chức phụ trách bộ phận một cửa và công chức chuyên môn giải quyết thủ tục hành chính; kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ phận tham gia giải quyết thủ tục hành chính; thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, giờ giấc làm việc và văn hóa ứng xử nơi công sở.

Thường xuyên rà soát, đánh giá các quy địnhhành chính, thủ tục hành chính để kiếnnghị đơn giản hóa hoặc loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; giảm chi phí, rút ngắn thời gian giải quyết, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

Tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính: nâng cấp và tăng cường số dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3 và 4; duy trì và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh ứng dụngcông nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính.

Có cơ chế kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính, xử lý nghiêm người vi phạm, khen thưởng kịp thời những người thi hành xuất sắc nhiệm vụ nhằm tiếp tục tạo bước chuyển căn bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau trong giải quyết và thực hiện các thủ tục hành chính.

Đối với các thủ tục hành chính liên thông có sự phối hợp của các cơ quan, để giải quyết tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị có liên quan cần xác định rõ hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phối hợp, thực hiện nhiệm vụ nhằm hướng tới không chỉ "nói không" với việc chậm trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính mà ngày càng rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Thái

Video liên quan

Chủ Đề