Thuốc tây bao lâu hết tác dụng

Sau khi đưa thuốc vào cơ thể, thuốc sẽ di chuyển vào trong máu để đến các cơ quan và các mô trong cơ thể, đặc biệt tiến thẳng tới phần cơ thể bị bệnh. Từ đó, thuốc sẽ gây ra tác dụng gọi là hiệu ứng dược lý như phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể. Cuối cùng cơ thể chúng ta sẽ loại bỏ thuốc và các chất chuyển hóa của nó ra ngoài cơ thể.

Khi thuốc vào cơ thể sẽ chu du khắp các bộ phận và đào thải sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình.

Giai đoạn hấp thu

Thuốc dùng phổ biến là thuốc uống. Tùy dạng thuốc uống [viên nén trần, viên nén bao, viên nang, thuốc uống lỏng như si rô, nhũ địch, hỗn dịch…] mà sự hấp thu thuốc vào cơ thể nhanh chậm khác nhau. Khi thuốc uống vào miệng, đi qua thực quản và đi vào dạ dày, một số sẽ bắt đầu hòa tan. Một vài loại thuốc sẽ được hấp thụ tại dạ dày, số khác sẽ di chuyển vào ruột non. Điều này tùy thuộc vào việc lớp áo bao của viên thuốc. Nhiều loại thuốc có lớp áo bọc đặc biệt nhằm bảo vệ viên thuốc tránh bị hủy hoại bởi acid dạ dày hoặc bảo vệ niêm mạc dạ dày nhờ tránh cho thuốc tác động trực tiếp tới dạ dày [viên nén bao tan ở ruột]. Thuốc viên nang dạng con nhộng có khi cũng có cách thức bảo vệ dạng này, do vậy người bệnh không nên mở viên nang để lấy thuốc bên trong uống. Thuốc được xử lý bởi dạ dày có thể tan hoàn toàn hoặc không tan sẽ được chuyển vào ruột non. Từ đây, thuốc được hấp thụ vào niêm mạc của ruột non ở ba nơi: tá tràng, hỗng tràng hoặc hồi tràng. Thuốc được hấp thu từ ruột non sẽ di chuyển vào trong máu.

Ngoài ra, thuốc có thể được hấp thu trực tiếp vào máu khi dùng đường tiêm chích. Tiêm tĩnh mạch [IV] đưa thuốc thẳng vào trong mạch máu nên cho tác dụng nhanh nhất, nhanh hơn tiêm bắp [IM] và tiêm dưới da [SC]. Thuốc tiêm, đặc biệt tiêm tĩnh mạch, có tác dụng nhanh và tiếp thu trọn vẹn nên nếu có sự nhầm lẫn thì thật tai hại, thậm chí nguy đến tính mạng nếu dược chất có nhiều độc tính. Trong trường hợp cấp cứu hay bệnh nhân hôn mê không thể dùng đường uống thì mới dùng đường tiêm.

Phân bố thuốc trong máu

Thuốc vào được trong máu sẽ theo dòng máu nhờ nhịp đập của tim để luân chuyển khắp cơ thể. Giai đoạn này gọi là sự phân bố của thuốc. Khi phân bố trong máu đi khắp nơi, thuốc muốn gây ra tác dụng dược lý phải được cơ quan đích, nơi đáp ứng với tác dụng dược lý đó. Sự phân bố của thuốc bị ảnh hưởng bởi chính đặc tính của thuốc [như kích thước phân tử, tính thân mỡ/tính thân nước…] và phụ thuộc vào tính chất của cơ quan đích [như hàng rào máu não, mô xương…].

Một số cơ quan đích rất khó thâm nhập, bao gồm dịch não tuỷ, xương, mắt. Một số thuốc có khả năng phân bố vào các cơ quan đích này tốt hơn các thuốc khác. Chúng ta phải chọn lựa các thuốc có khả năng phân bố tốt, ví dụ, các cephalosporin thế hệ 3 [cefotaxim và ceftriaxon] phân bố tốt vào dịch não tuỷ khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn ở vùng não tủy.

Rất cần biết thuốc có được phân bố vào nhau thai hoặc sữa mẹ hay không và với lượng bao nhiêu, vì cần quan tâm đến tác dụng có thể có của thuốc trên bào thai và đứa trẻ đang bú mẹ.

Chuyển hóa thuốc trong cơ thể

Khi thuốc theo máu đi khắp nơi và đến gan thì được chuyển hóa. Gan là cơ quan chính cho việc chuyển hoá thuốc. Rất nhiều thuốc được chuyển hoá tại gan nhờ các enzym [men] chuyển hoá thuốc.

Gan luôn xem thuốc là chất độc và chuyển hóa thuốc thành các chất chuyển hoá mất hoạt tính hay còn hoạt tính, tức chuyển hoá biến đổi thuốc thành chất không còn độc, dễ tan trong nước để thận loại chất đó qua nước tiểu ra khỏi cơ thể.

Đôi khi gan chuyển hóa thuốc thành chất chuyển hoá có độc tính, ví dụ paracetamol. Paracetamol được chuyển hóa chủ yếu ở gan. Hai con đường chuyển hóa chính là liên hợp glucuronic và sulfat. Con đường liên hợp sulfat nhanh chóng bão hòa ở liều cao hơn liều điều trị. Một con đường khác được xúc tác bởi enzym chuyển hóa thuốc gọi là cytochrom P450, hình thành chất chuyển hóa trung gian là N-acetyl benzoquinoneimin. Khi sử dụng với liều thông thường, chất này sẽ nhanh chóng được khử độc tính bởi glutathion [do gan tiết ra] và thải qua nước tiểu sau khi liên hợp với cystein và acid mercapturic. Tuy nhiên, khi sử dụng liều quá cao, lượng N-acetyl benzoquinoneimin tạo thành tăng lên, tạo ra liên kết cộng hóa trị với tế bào gan, gây hoại tử gan. Chính vì vậy, tuyệt đối không được dùng quá liều paracetamol.

Sau khi chuyển hóa ở gan, ngoài thải trừ qua đường tiểu, các chất chuyển hóa của thuốc còn được thải trừ qua mật để theo phân ra ngoài. Có nhiều thuốc còn được chuyển hóa thêm ở ruột và sẽ được tái hấp thu vào máu để thải trừ qua thận.

Enzym chuyển hóa một thuốc ở gan có thể bị ức chế [làm cho mất tác dụng] hoặc cảm ứng [làm cho tăng tác dụng] bởi thuốc dùng chung. Vì vậy, người ta rất lưu ý vấn đề tương tác thuốc ở giai đoạn chuyển hóa thuốc. Như erythromycin ức chế enzym chuyển hoá thuốc theophylin dẫn đến nồng độ theophylin cao hơn trong máu. Điều này có nghĩa người bệnh sẽ bị tăng độc tính của theophylin nếu dùng chung với erythromycin. Ngược lại, rifampicin gây cảm ứng enzym chuyển hoá thuốc tránh thai đường uống và dẫn tới giảm nồng độ thuốc tránh thai, đôi khi làm mất tác dụng tránh thai nếu hai thuốc này dùng chung. Các thuốc vừa kể phải uống cách xa trong khoảng thời gian cần thiết.

Khi suy giảm chức năng gan, chuyển hoá các thuốc bị suy giảm. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng nồng độ thuốc trong máu gây độc. Vì vậy, trong trường hợp suy giảm chức năng gan nên tránh dùng các thuốc chuyển hoá qua gan hay phải hiệu chỉnh liều thuốc thấp hơn bình thường.

Giai đoạn thải trừ

Các cơ quan chính liên quan đến việc loại bỏ thuốc là gan và thận. Về cơ bản, những cơ quan này sẽ sàng lọc ra các thuốc được xem là độc hại. Gan sẽ chuyển hóa tức phá vỡ thuốc thông qua một chuỗi các phản ứng hóa học và sinh học phức tạp tạo thành các chất chuyển hóa. Những chất chuyển hóa có thể độc hại cần phế thải này được trữ trong gan cho đến khi chúng sẵn sàng được chuyển đến thận. Trong thận, các chất chuyển hóa lại được xử lý kỹ hơn và loại bỏ khỏi cơ thể thông qua tiểu tiện.

Thận là một trong những nơi đào thải thuốc.

Có thể nói, một chức năng của gan và thận là thải trừ thuốc. Gan thải trừ thuốc bên trong cơ thể bằng cách chuyển hóa, còn thận thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể bằng cách bài tiết qua nước tiểu. Gan thận là cơ quan thải trừ thuốc chính của cơ thể. Nhiều thuốc còn được thải trừ qua đường ruột [qua phân], da [qua mồ hôi], phổi [hơi thở], sữa, tóc. Người ta đã phát hiện độc chất asen trong tóc của Napoléon sau 150 năm để kết luận là ông bị đầu độc! Cũng giống như suy gan, trong trường hợp suy thận rất cần giảm liều thuốc dùng.

Tóm lại, khi thuốc vào trong cơ thể, nó có cuộc hành trình bắt đầu từ “sinh” là bắt đầu hấp thu, “bệnh, lão” là phân bố, chuyển hóa, và cuối cùng “tử” là sự thải trừ nó ra khỏi cơ thể. Điều quan trọng là ta dùng thuốc như thế nào giúp hành trình của thuốc suôn sẻ an toàn, không gây ra cái gọi là tai biến cho cơ thể.


PGS.TS. DS. Nguyễn Hữu Đức

Như chúng ta đã biết thuốc là con dao 2 lưỡi, ngoài tác dụng chính để trị bệnh nó còn có 1 hay nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn, âm thầm chờ đợi thể hiện tác hại xấu khi ta dùng thuốc không đúng cách. Một khi tác dụng có hại kia có cơ hội nó sẽ tạo ra cho người dùng những phản ứng khó chịu như buồn nôn, chóng mặt, bức rứt khó chịu, ngứa ngáy nổi mề đay, ban, suy hô hấp, viêm da hoại tử hay thậm chí tử vong.

Uống thuốc đúng cách

Để hạn chế tối đa những tác hại do thuốc, chúng ta cần lưu ý những điểm sau đây:

- Lưu ý thời điểm uống thuốc: chọn thời điểm uống thuốc hợp lý để đạt được nồng độ cao trong máu, đạt được hiệu quả. Khi bác sĩ bảo bạn uống thuốc ngày 3 lần có nghĩa là bạn phải chia thời gian cho mỗi lần uống ít nhất cách nhau 5 giờ. Nếu bạn chỉ uống cả 3 lần vào ban ngày có nghĩa là khoảng thời gian 8 giờ buổi đêm bạn không đảm bảo nồng độ thuốc trong máu dẫn đến hiệu quả điều trị giảm.

- Lưu ý các thuốc kích thích thần kinh trung ương, các thuốc lợi tiểu nên uống vào ban ngày để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các thuốc kháng viêm nhóm corticoid: thường uống 1 liều vào 8 giờ sáng để duy trì được nồng độ ổn định trong máu chứ ít khi chia nhỏ nhiều lần trong ngày.

- Bạn cũng cần phải biết thêm rằng: uống thuốc vào lúc đói, thuốc chỉ bị giữ lại ở dạ dày 10 - 30 phút, với pH ≈ 1; uống lúc no [sau ăn], thuốc bị giữ lại 1 - 4 giờ với pH ≈ 3,5. Một khi bác sĩ điều trị dặn bạn phải uống thuốc lúc đói thì điều đó có nghĩa rằng loại thuốc mà bạn đang dùng nhạy cảm với acid dạ dày làm giảm tác dụng của thuốc [ví dụ như ampicilin, erythromycin] hay các dạng bào chế tan trong ruột, các dạng viên phóng thích chậm. Ngoài ra, những thuốc nên dùng vào lúc no như thuốc nhóm kháng viêm nonsteroid gây kích thích dạ dày, viêm loét đường tiêu hóa hay ngược lại các thuốc tráng dạ dày như sucralfat gel thì nên dùng lúc chưa ăn sẽ cho hiệu quả tốt hơn.

- Một sai lầm mà chúng ta hay mắc phải đó là nghiền nát thuốc hoặc chia thuốc ra làm ½ hay ¼ để uống cũng làm giảm đáng kể tác dụng của thuốc. Nhất là dạng thuốc phóng thích hoạt chất liên tục theo tốc độ có kiểm soát trong thời gian dài [thường là 12 giờ] thì nên uống nguyên cả viên.

- Nước lọc là thức uống thích hợp nhất cho mọi loại thuốc vì không xảy ra tương kỵ khi hòa tan thuốc, còn là phương tiện để dẫn thuốc [dạng viên] vào dạ dày - ruột, làm tăng tan rã và hòa tan hoạt chất, giúp hấp thu dễ dàng. Vì vậy, cần uống đủ nước [100 - 200 mL cho mỗi lần uống thuốc] để tránh đọng viên thuốc tại thực quản, có thể gây kích ứng, loét.

- Hạn chế uống nhiều loại thuốc cùng lúc, nếu bắt buộc phải uống nhiều loại thuốc thì nhất định phải sắp xếp thời gian và số lần cho hợp lý. Uống mỗi một loại thuốc ít nhất là phải cách nhau khoảng một giờ.

Các loại nước không nên dùng để uống thuốc

- Nước trái cây: dùng nước nho ép và một số nước trái cây khác để uống thuốc có thể làm giảm tác dụng và làm tăng phản ứng phụ của thuốc chữa bệnh, lý do nước trái cây có thể ức chế các men trong quá trình hấp thụ thuốc, chẳng hạn như thuốc điều trị bệnh tim mạch và thuốc chống nấm.

- Cà phê, nước trà, cô-ca: trong thời gian đang điều trị bằng thuốc, nếu dùng thuốc bằng nước trà hay cà phê thì có thể làm giảm tác dụng của thuốc.

- Sữa: protein và canxi có sẵn trong sữa có thể làm cản trở mức hấp thu của một số loại thuốc kháng sinh, do đó không nên dùng sữa để uống thuốc.

- Bia, rượu và thức uống có cồn: trong khi đang dùng thuốc, nhất là loại thuốc có hoạt chất là acetaminophen như: padol, panadol… nếu uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ phá hủy gan. Ngoài ra, rượu còn hạn chế tác dụng chữa bệnh của các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa bệnh thần kinh và làm tăng tác dụng phụ của một số loại thuốc chữa bệnh khác.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Video liên quan

Chủ Đề